BTS GHPGVN huyện A Lưới tổ chức khóa tu "Niệm Phật một ngày" lần thứ 3

Đăng lúc: Thứ ba - 30/06/2015 01:24 - Người đăng bài viết: Nguyên Bình
Vào ngày 15 âm lịch hằng tháng, đông đảo bà con Đạo hữu Phật tử huyện miền núi A Lưới đã vân tập về Niêm Phật đường Sơn Thủy để tham dự khóa tu: “Niệm Phật một ngày” do BTS GHPGVN huyện A Lưới tổ chức.
Chư Tôn đức trong BTS GHPGVN huyện A Lưới quang lâm về đạo tràng để hướng dẫn bà con Đạo hữu Phật tử tu tập, theo đúng tinh thần mà Đức Bổn sư đã dạy: “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, “Phụng sự chúng sanh tức là cúng dường chư Phật”. Quang lâm và chứng minh khóa tu Niệm Phật một ngày lần thứ 3 này có Đại đức Thích Tâm Phương, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện A Lưới; Sư cô Thích Nữ Diệu Trung, Phó Trưởng BTS. Tại khóa tu, Đại đức Trưởng ban tán thán sự tinh tấn, nỗ lực tu học của đồng bào Phật tử khi thấy đạo tràng ngày phát triển cả về số lượng và chất lượng. Sau nghi lễ niệm Phật cầu gia hộ của đạo tràng, Đại đức Trưởng ban đã thuyết giảng đề tài: “Ý nghĩa trai đàn bạt độ, chẩn tế âm linh cô hồn” đến với đạo tràng.
 
Trai đàn ( 齋 壇 ) nghĩa là Đàn chay. Trai, là chỉ tổ chức cúng lễ hoàn toàn dùng đồ thực phẩm hoa quả, đèn nến chay tịnh. Đàn, là cách thiết lập hình thức lớn và tuân thủ một nguyên tắc nhất định. Ở đây Đàn tràng tuân thủ theo nguyên tắc bố trí Mạn Đà La của Mật tông.

Chẩn tế ( 振 濟 ) nghĩa là cấp phát và cứu giúp. Đây là một hình thức Bố thí cho cõi âm. Vì vậy, để người trong Âm giới hưởng được lợi lạc, không còn bị đói khổ hành hạ mà nhẹ nhàng siêu thoát, chúng ta phải vận dụng Nghi thức Đàn Tràng để đạt đến năng lực vô biên từ Thân- Khẩu- Ý thanh tịnh, mới mong cứu giúp các Vong hồn.
 
Giải oan ( 解 冤 ), Giải là cởi bỏ, oan là oan nghiệp oán thù, Nghĩa là cởi bỏ sự níu kéo oán thù của nhau. Khi sống, ta vô tình hay hữu ý tạo ra hiểu lầm, hay vì u mê, khốn khổ, sân hận  đưa đến oán ghét muốn trả thù làm hại nhau.v.v. Vì oán hận nhau mà ta cột ta với người khác bằng sợi dây oan nghiệt. Bởi vậy, chỉ có Năng lượng vô biên của Phật pháp được tạo ra bởi sức chú nguyện của chư Tăng trong Đàn Tràng mới mong cắt đứt sợi giây oan khiên nhiều đời nhiều kiếp.
 
Bạt độ ( 拔 度 ). Bạt là nhổ lên, độ là đi qua. Muốn thuyền qua được bờ bên kia, ta phải nhổ cái neo cắm, đã cột chặt chiếc thuyền vào bờ bên này. Ta muốn Hương linh của chúng ta thoát mình ra khỏi những ràng buộc trong oan khiên nghiệp chướng nhiều đời để lên được bến bờ giải thoát, ta phải giúp họ nhổ sạch gốc rễ lầm lỗi. Do tham lam, do sân hận, do si mê mà ta như cái cây, càng sống càng đâm rễ bám sâu vào mảnh đất của tội lỗi nghiệp chướng. Không nhờ Đàn tràng với sức mạnh của công năng tập thể, ta không nhổ sạch được gốc rễ tội chướng.
 
Giải oan Bạt độ có nghĩa là cỡi bỏ oan khiên trói buộc, nhổ sạch phiền não đưa hương linh qua sông mê về bến giác. Lễ giải oan Bạt độ mang một tính cách vô cùng quan trọng là ta luôn nghĩ đến những oan hồn uổng tử, những bất đắc kỳ tử trong thân thuộc giòng họ đang chơi vơi nơi cảnh ngạ quỷ cô hồn chưa được siêu thoát mong được hoá giải cứu độ.
 
Trong tinh thần Phật giáo Đại thừa, “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, không phân biệt màu da, chủng loại, còn sống hay đã khuất đều độ khắp qua nhiều phương tiện mà Trai đàn Bạt độ Chẩn tế là một trong những phương tiện ấy. Chúng sanh khi còn sống đã tạo nhiều nghiệp thì khi chết cũng xảy ra nhiều hình thức: chết nước, xe cộ, trong chiến tranh, bị đâm chém, uống thuốc độc, loài khác cắn, té sông biển, sụp hầm… bằng nhiều cách như thế nên chưa được siêu thoát, vất vưởng đó đây, qua nhiều hình thái khác nhau. Cảm thương cho những vong hồn ấy mà Nguyễn Du, trong Văn tế thập loại chúng sanh viết:

“Mỗi người một nghiệp khác nhau,
Hồn siêu phách lạc biết đâu bây giờ”.


Rất nhiều thành phần chết theo nhiều cách, gọi chung là “Thập loại Chúng sinh” hay “Thập loại Cô hồn”. Theo bộ Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực Nghi do ngài Tam Tạng Bất Không Kim Cang dịch từ Phạn sang Hán vào đời Đường, thì Thập loại cô hồn gồm có:

1. Thủ hộ quốc giới: là loại oan hồn vì nước bỏ mình.

2. Phụ tài khiếm mạng: là loại oan hồn chết vì trái chủ oan gia, trụy thai, hay sẩy thai.

3. Khinh bạc Tam Bảo: là loại oan hồn vì tạo nghiệp bất hiếu, phụ nghịch, vô đạo, khinh chê Tam Bảo.

4. Giang hà thủy nịch: là loại oan hồn chết sông, chết biển.

5. Biên địa tà kiến: là loại oan hồn ở nơi biên ải hẻo lánh xa xăm.

6. Ly hương khách địa: là loại oan hồn phiêu bạc tha hương, chết đường, chết bụi.

7. Phó hỏa đầu nhai: là loại oan hồn chết vì tự tử, trầm mình xuống sông, núi, chết đâm, chết chém..

8. Ngục tù trí mạng: là loại oan hồn chết vì bị tra tấn, khổ nhục trong lao tù.

9. Nô tì kết sử: là loại oan hồn chết vì bị đánh đập, hành hạ, đày đọa.

10. Manh lung ám á: là loại oan hồn lúc sống bị đui, què, câm, điếc, cô quả không ai chăm sóc.

Mười loại cô hồn này sống không yên một nơi, nay nơi này mai nơi khác, tùy theo hoàn cảnh mà nương tựa, xuất hiện. Có những loại cô hồn bản tánh xan tham, thấy thức ăn là giành dựt cấu xé lẫn nhau, gây đau khổ với nhau. Hoặc có loại cô hồn nhìn thức ăn hóa ra máu không ăn được, chịu mọi thống khổ không sao kể siết, hứng nhận mọi cực hình. Đức Phật phóng quang thấy mọi cực khổ ấy, Ngài đem lòng thương vô hạn, thiết bày ra nhiều phương cách để cứu độ, không phân biệt loại hạn nào “ Chúng sanh vô biên khổ nguyện độ khắp ”, hay “ Độ tận chúng sanh mới thành Phật ” của Ngài Địa Tạng Bồ Tát. Đó là lý do có Trai đàn Bạt độ Chẩn tế.

Thật vậy, tinh thần Đại thừa Phật giáo không những độ sanh mà còn độ tử. Chúng sanh bị đọa vào địa ngục nếu không có phương pháp cứu tế thì bao giờ mới thoát khỏi mọi đau khổ, sẽ chìm đắm địa ngục mãi. Như kinh Địa Tạng dạy : “Người nam người nữ nào, lúc sanh tiền không tu tạo phước lành mà tạo nhiều tội lỗi, sau khi chết, hàng thân quyến vì người chết mà tu tạo phước lợi, làm tất cả việc Thánh Đạo, thì trong 7 phần, người chết hưởng 1 phần để siêu thoát, 6 phần còn lại, người sống hưởng ” (phẩm thứ 7). Do vậy, độ sanh là trách nhiệm, độ tử là một hạnh nguyện của người con Phật, của tinh thần đại từ đại bi, đại nguyện của đạo Phật. Chính vì thế, ngài Địa Tạng là một vị Bồ tát đã phát nguyện: “Khi nào độ hết chúng sanh khổ đau nơi địa ngục, Ngài mới thành Phật”. Muốn cứu độ chúng sanh phải dùng phương tiện, giống như muốn có cơm ăn no khỏi đói, khỏi đau bụng thì phải dùng lửa, điện… hạt gạo mới chín thành cơm để ăn. Cũng thế, chư Phật, Bồ tát muốn cứu giúp chúng sanh còn sống hay đã chết, quý Ngài dùng nhiều phương tiện để “âm dương lưỡng lợi” người sống an lòng việc mình đã làm đối với người đã khuất, người chết nhờ công đức này thoát cảnh đau khổ. Cho nên, Trai đàn Bạt độ chư hương linh, Chẩn tế cô hồn là một việc làm cần có đối với người con Phật. Tuy nhiên, việc lập đàn Bạt độ, chẩn tế phải đúng Pháp không nên bày vẽ những hình thức phí tiền của như đốt vàng bạc, làm hình nộm thế thân, tất cả những việc ấy không đúng tinh thần Phật dạy. Đúng Pháp ở đây cần nêu lên vài điều căn bản:

1. Chư Tăng chứng minh, thực hành lễ tế độ phải thanh tịnh chí tâm.

2. Lòng thành người lập đàn phải chí thành.

3. Thiết trí phải trang nghiêm, khuôn viên lễ phải sạch sẽ, không ồn ào.

Chính nhờ những điều căn bản trên, Trai đàn sẽ có kết quả, chư hương linh, cô hồn, ngạ quỷ nương nhờ công đức này mà được siêu thoát hướng tâm tu thiện, cải tà quy chánh, quy kính Tam Bảo. Người con Phật làm được hạnh nguyện này là pháp bố thí rất lớn, tạo được thiện nghiệp, Bồ đề tâm mở rộng, Đạo nghiệp sáng trong, trí tuệ phát triển.

Trong vòng sanh tử, tử sanh bất tận của mỗi kiếp người không ai không có bà con quyến thuộc. Kiếp sống một chúng sanh nào đó, họ chưa có duyên lành gặp Phật Pháp, chưa rõ lẽ nhân quả, nghiệp báo, nên khi chết làm sao tránh khỏi sự đọa lạc nơi chốn đau khổ, cực hình, đói khát vô cùng, vất vưởng đó đây, hang cùng hẻm nọ. Chỉ có Đức Phật, chư Bồ Tát chứng ngộ mới thấy rõ nghiệp lành, dữ của chúng sanh mà dạy lại chúng ta. Chúng ta chưa chứng làm sao thấy sự đau khổ của họ! Vì vậy, với lòng thương vô hạn những kẻ chết nhiều nghiệp khác nhau, Đức Phật dạy chúng ta lập đàn Bạt độ, chẩn tế, giúp người đã khuất mau thoát cảnh cực hình. Cho nên, những người làm con, làm cha mẹ, làm anh chị không thể làm ngơ trước cảnh người thân mình rên siết khổ đau nơi tăm tối.

Do vậy, truyền thống này được lưu mãi đến ngày hôm nay, đặc biệt mỗi tự viện, khi có những Phật sự lớn, như Cầu an, Khánh thành, Đại tiểu tường một Sư trưởng trong chùa tịch hay hàng Phật tử tại gia thiết lễ chung thất, đại tiểu tường người thân quá cố hoặc những công sở, công ty lập đàn Bạt độ cho chư hương linh trong khu vực.
Theo tinh thần dân gian, lập đàn Bạt độ chư hương linh, chư cô hồn được siêu thoát, họ sẽ đáp đền: làm ăn được hanh thông, phát đạt trong tinh thần “cứu vật vật trả ơn” hay “ăn trái nhớ kẻ trồng cây”.

Bài thuyết giảng của Đại đức giúp cho quý đạo hữu Phật tử có cái nhìn chánh tín đối với Nghi lễ Trai đàn bạt độ chẩn tế trong Phật giáo. Điều này rất có ý nghĩa đối với quý Phật tử khi công tác Phật sự “Đại lễ Trai đàn bạt độ, chẩn tế âm linh cô hồn” sẽ được BTS tổ chức vào thời gian sắp đến định kỳ 5 năm 1 lần vào ngày 12-13 tháng 6 năm Ất Mùi.
 
Sau thời Pháp thoại, quý Đạo hữu được chư Tôn đức hướng dẫn nghi thức Quá đường và kinh hành niệm Phật.
 
Một số hình ảnh ghi nhận từ khóa tu:



Đạo hữu Phật tử vân tập





Cung thỉnh Đại đức Trưởng BTS quang lâm











Đại đức Thích Tâm Phương thuyết giảng













Nghi lễ Quá đường













Cúng đại bàng





Kinh hành niệm Phật











 
Tác giả bài viết: Ban TT TT GHPGVN huyện A Luới
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 541
  • Khách viếng thăm: 533
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 104012
  • Tháng hiện tại: 2816316
  • Tổng lượt truy cập: 91707889
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012