Lễ Huý kỵ cố Hoà Thượng Thích Bửu Đăng

Đăng lúc: Chủ nhật - 06/10/2013 05:13 - Người đăng bài viết: Lê Ngọc Cảm
Lễ giỗ tổ khai sơn lần thứ 65 của Hoà Thượng rất đơn giản, chư Tôn đức Tăng, Ni nhiều ngôi chùa trên thành phố và tỉnh Tiền Giang đã quy tụ về dâng hương đảnh lễ khá đông. Noi theo hạnh nguyện của Ngài, dưới dự thỉnh cầu của hơn 15 Phật tử tại gia Lễ thọ Bồ Tát Giới cũng được tiến hành sau tuần hương khai kinh bạch Phật. Trong làn khói hương chúng tôi thấy dường như phảng phất đâu đây bóng dáng hiền từ nhưng kiên nghị của cố Hoà Thượng chứng minh lai đáo.
Mãi đến ngã tư Phan Huy Ích - đường nhánh số 21 ngọn tháp 9 tầng của Bửu Đăng bảo tháp mới xuất hiện trong rừng nhà cửa lô nhô của 1 thành phố thiếu quy hoạch.

Cuộc hành trình của chúng tôi bắt đầu lúc 5h sáng từ Bưng Kè - Hoà Hiệp một xã vùng sâu của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu giáp ranh tỉnh Bình Thuận. Đi sớm hòng tránh dòng người đổ về thành phố biển trong ngày nghỉ cuối tuần nhưng chúng tôi đành bất lực khi bánh xe cứ quay tít mù trên con đường đất đỏ ba zan trơn trượt sau trận mưa đêm.

Những cơn mưa nơi này cứ đỏng đà - đỏng đảnh chợt ào xuống rồi chợt tạnh, nhiều lúc ngừng xe chưa kịp lấy áo mưa người đã ướt nhẹp mà khi lấy được áo thì mưa cũng tạnh. Đúng là mưa rớt. Xuyên qua rừng cao su Hoà Hội – Hoà Bình chúng tôi thở phào khi đoạn đường chỉ hơn 20km đã ngốn mất gần 1 tiếng. Sợ trể giờ, chúng tôi tăng tốc theo đường Hoà Bình - Mỹ Xuân con đường đẹp thứ 2 khu vực miền Nam đã bắt đầu xuống cấp. Đến Suối Tiên chúng tôi quyết định theo quốc lộ I chạy quanh thành phố để tránh kẹt xe. Qua cầu vượt Quang Trung chúng tôi vòng xuống dạ cầu để theo đường Quang Trung đến với chùa Linh Sơn Hải Hội dự lễ giỗ lần thứ 50 của Hoà Thượng Thích Bửu Đăng. Hơn 150km đường gần 4 tiếng đồng hồ.
 
Từ thành phố Huế - Đại Đức Thích Tâm Phương, Tổng biên tập Website http://phatgiaoaluoi.com điện thoại yêu cầu chúng tôi bằng mọi giá phải về trong ngày giỗ Hoà Thượng, trước thay mặt Đại Đức dâng lên Hòa thượng nén hương tưởng nhớ Người, sau ghi lại những thay đổi của ngôi chùa nhất là bảo tháp Bửu Đăng - ngọn đèn trí huệ giữa vùng dân cư nghèo trong thành phố xa hoa bậc nhất miền Nam.

Linh Sơn Hải Hội ngôi chùa tọa lạc trong 1 con hẻm nhỏ số 13/81 - Phan Huy Ích, phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM do cố HT. Thích Bửu Đăng khai sáng năm 1931, là cơ sở tu tập và hoạt động cách mạng trong thời kì kháng chiến chống Pháp của Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Gia Định. Năm 1948, Hòa thượng bị giặc Pháp bắt giữ và hy sinh ngày 2 tháng 9 năm Mậu Tý. Sau khi Hòa thượng viên tịch, ngôi chùa tạm giao cho người thân quản lý và dần dần theo thời gian xuống cấp trầm trọng.

Hòa thượng Thích Bửu Đăng, pháp danh Hồng Lang, nối dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40. Ngài thế danh là Trần Ngọc Lang, sinh năm Giáp Thìn 1904 tại xã Bình Mỹ, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay là huyện Củ Chi Tp.Hồ Chí Minh). Thân sinh của Ngài là cụ ông Trần Văn Thểnh và cụ bà Phạm Thị Hoài, gia đình thuộc thành phần nông dân, có truyền thống Phật giáo nhiều đời, vì thế nên Ngài được song thân cho ở chùa từ thuở ấu thời. Dưới sự dạy dỗ của Bổn sư là Hòa thượng Chánh Hòa, ở chùa Vạn Đức, quận Gò Vấp Ngài đã mau chóng làu thông chữ nho và kinh kệ Phật gia. Khi tuổi thiếu niên, Ngài đã được Bổn sư cho thế độ xuất gia, đặt pháp danh là Hồng Lang. Nhờ sự làu thông kinh kệ và cơ duyên với Phật Pháp nên năm Giáp Tý 1924, Ngài được Bổn sư cho đăng đàn thọ Cụ túc giới, ban pháp hiệu là Bửu Đăng, nối pháp dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40 tại Giới đàn chùa Giác Viên – Chợ Lớn. Sau khi thọ đại giới, Ngài ở lại chùa Giác Viên tu học một thời gian. Trở về lại chùa Vạn Đức, Ngài được Hòa thượng Bổn sư cử chức thủ tọa thay thế Hòa thượng quản lý mọi công việc chùa, Ngài giữ trọng trách này ở chùa đây trong 8 năm.
 
Năm Nhâm Thân 1932, quan Tri phủ Lương Sơ Khai phát tâm muốn cất một ngôi chùa tại làng Bình Hòa tỉnh Gia Định, cung thỉnh Ngài đứng ra xây dựng và trụ trì ngôi Bảo tự này. Xây dựng xong, Ngài đặt tên chùa là Hải Hội. Ngài ở nơi đây hành đạo trong 9 năm, được chư Sơn trong vùng phong làm Giáo thọ, bởi uy tín qua các trường Hương mà Ngài kiết Hạ.

Năm Tân Tỵ 1941, được sự khuyến trợ của quan Tri phủ Lương Sơ Khai, Ngài làm đơn xin dời ngôi chùa Hải Hội từ làng Bình Hòa lên làng An Hội, tổng Bình Trị Thượng, Gò Vấp cũng trên đất của quan Tri phủ. Ngôi chùa mới lấy hiệu là Linh Sơn Hải Hội vừa rộng lớn và khang trang hơn ngôi chùa cũ, vừa có vườn tược đủ để tự túc kinh tế cho việc tu hành.

Tuy xuất gia nhưng nổi đau mất nước vẫn canh chánh bên lòng. Tại chùa Linh Sơn Hải Hội, Ngài bắt đầu tham gia phong trào kháng Pháp của các nghĩa sĩ yêu nước và tiếp sau là tổ chức cách mạng Việt Minh. Để che mắt chính quyền thực dân, Ngài tổ chức ra Hội Lân chùa Linh Sơn Hải Hội hằng ngày qui tụ thanh niên trai tráng địa phương tham gia tập luyện võ nghệ để chống giặc dướt lốt đội lân. Vì vậy, Ngài được mọi người quen gọi là “Thủ tọa Lân”.

Năm Ất Dậu 1945, sau khi cách mạng tháng Tám thành công, giặc Pháp quay trở lại chiếm lấy 3 kỳ, lập ra chính phủ bảo hộ. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-8-1946, Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ ra đời do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Hội trưởng, Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Gia Định được thành lập, Ngài được chư tôn đức cử làm Hội trưởng, Hòa thượng Pháp Dõng làm Hội phó, Hòa thượng Bửu Ý làm thư ký, Hòa thượng Thiện Hào làm ủy viên Kinh Tài, trụ sở đặt tại chùa Tường Quang xã An Phú Đông.

Năm Đinh Hợi 1947, giặc Pháp chuẩn bị càn quét vào chiến khu An Phú Đông. Tổ chức ra lệnh cho các vị cán bộ nòng cốt di tản để tránh bị giặc bắt. Riêng Ngài vẫn ở lại bám trụ giữ vững cơ sở để làm đầu mối liên lạc và tiếp ứng cho chiến khu, dưới vỏ bọc “Thủ tọa Lân” ở chùa Linh Sơn Hải Hội.

Năm Mậu Tý 1948, ngày 29 tháng 8, trên đường từ trụ sở Hội Phật giáo Cứu quốc ở chùa Tường Quang – An Phú Đông trở về chùa Linh Sơn Hải Hội, do có sự chỉ điểm của mật thám, Ngài bị giặc Pháp phục kích bắt giữ.

Ngày 02 tháng 9, sau 3 ngày bị tra khảo, Ngài vẫn nhất quyết không cung khai bất cứ tin tức gì. Giặc Pháp đem Ngài ra địa điểm cầu Tham Lương – Hóc Môn xử bắn. Sau đó chúng bắn phá xóm làng và đốt cháy chùa Giác Ân – Tân Bình ở gần đó. Nhục thân Ngài được nhân dân và gia đình vớt từ rạch cầu Tham Lương đem về xây Bảo tháp an táng trong khuôn viên chùa Linh Sơn Hải Hội. Mặt trận Việt Minh và Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Gia Định đã làm lễ truy điệu Ngài trọng thể không lâu sau đó. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, Ngài đã được Nhà nước truy phong danh hiệu Liệt sĩ và huân chương Độc lập hạng nhì.

Đối với Phật giáo, cuộc đời Ngài có một hành trạng tiêu biểu cho sự gắn bó giữa đạo pháp với dân tộc, hậu thế có một anh hùng Liệt sĩ Phật giáo, được mang tên một con đường ở quận Gò Vấp, Tp.Hồ Chí Minh lưu danh vào lịch sử.

Năm 1995, BTS THPG TPHCM thành lập Ban Tái thiết do cố HT.Thích Định Quang, Phó BTS lúc bấy giờ làm Trưởng ban, xây dựng ngôi chánh điện năm 1996. Đến tháng 10-1997, thầy Thích Tắc Bạch được cố Hòa thượng Thích Định Quang (Y Chỉ Sư) giao trọng trách tri sự, tiếp tục trùng tu Tam Bảo và quản lý, điều hành Phật sự tại chùa. Năm 2004, BTS THPG TPHCM bổ nhiệm trụ trì cho thầy Thích Tắc Bạch đảm nhiệm và điều hành Phật sự. Từ năm 1997 đến nay, bổn tự đã tiến hành trùng tu: hoàn chỉnh ngôi bảo điện, xây mới nhà tổ, xây nhà khách và nhà bếp 1 trệt 2 lầu...

Được sự cho phép của Giáo hội và các cơ quan chức năng, để thành kính tưởng niệm công đức của cố HT.Thích Bửu Đăng đã cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc – thống nhất đất nước; ngày 19 tháng 2 năm Nhâm Thìn (2012), dưới sự chứng minh của chư tôn đức Ban Đại diện PG Q.Gò Vấp, chùa Linh Sơn Hải Hội tổ chức Lễ đặt đá xây dựng bảo tháp với tên gọi Bửu Đăng tháp và Văn bia tưởng niệm cố Hòa thượng khai sơn. Qua một năm xây dựng, ngày 28/04/2013 Bảo tháp Bửu Đăng với chiều cao 48m, đường kính phủ mái 17m đã hoàn thành mỹ mãn với kiến trúc chín tầng: tầng 9 thờ xá lợi Phật, các tầng kế thờ chư Phật, chư Bồ Tát, mặt tiền tầng trệt là văn bia tưởng niệm và tiểu sử cố Hòa thượng Thích Bửu Đăng đã chính thức được khánh thành.

Lễ giỗ lần thứ 65 của Hoà Thượng rất đơn giản, chư Tôn đức Tăng, Ni nhiều ngôi chùa trên thành phố và tỉnh Tiền Giang đã quy tụ về dâng hương đảnh lễ khá đông. Noi theo hạnh nguyện của Ngài, dưới dự thỉnh cầu của hơn 15 Phật tử tại gia Lễ thọ Bồ Tát Giới cũng được tiến hành sau tuần hương khai kinh bạch Phật. Trong làn khói hương chúng tôi thấy dường như phảng phất đâu đây bóng dáng hiền từ nhưng kiên nghị của cố Hoà Thượng chứng minh lai đáo.
 


Cung thỉnh Chư tôn đức quang lâm Phật đường



Nghi thức niêm hương bạch Phật - khai kinh





Dù dự kiến tổ chức đơn sơ nhưng Chư Tôn đức nhớ ngày vẫn vân tập rất đông



Giác linh đường



Nhiều Phật tử lớn vẫn nhớ đến vị "Thủ toạ Lân" ngày xưa



Tháp Bửu Đăng



Văn bia tưởng niệm



Môn đồ - Pháp quyến
Lê Ngọc - Văn Tưởng
Phóng viên A Lưới khu vực phía nam
(Trong bài viết có sử dụng một số tư liệu trong Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - tập II)
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 452
  • Khách viếng thăm: 439
  • Máy chủ tìm kiếm: 13
  • Hôm nay: 124012
  • Tháng hiện tại: 2001549
  • Tổng lượt truy cập: 90893122
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012