TT. Huế: Lễ Hằng thuận tại chùa Tường Vân - Sư Lỗ

Đăng lúc: Thứ năm - 29/01/2015 12:58 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Sáng ngày 29/01/2015 (10.12Giáp Ngọ) dưới sự chứng minh của Đại đức Thích Tâm Phương, UV BTS GHPGVN tỉnh TT. Huế, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện A Lưới, Đại đức Thích Hương Sơn, Đại đức Thích Huệ Bân cùng quý Đạo hữu trong Ban Hộ tự Niệm Phật đường Sư Lỗ (thôn Sư Lỗ Thượng, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang). Lễ hằng thuận cho Phật tử Quảng Hoàng - Nguyên Sơn được diễn ra trong niềm vui của hai gia đình và bà con Phật tử tại địa phương.


Chùa Tường Vân - Sư Lỗ (thôn Sư Lỗ Thượng, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế)
 
Trong khế kinh Đức Phật có dạy: “Sinh ra được làm người là khó, làm người mà được đầy đủ lục căn là khó, làm người mà gặp được chánh Pháp lại càng khó hơn” và giữa cõi đời này giữa hàng vạn con người hằng ngày bước vội qua nhau, quen được một người là khó, thân thương được một người lại càng khó hơn.

Đôi tân lang tân nương Nguyễn Phán pháp danh: Quảng Hoàng và Hồ Thị Ánh Tuyết pháp danh: Nguyên Sơn chắc hẳn đã có duyên với nhau từ bao đời nên hôm nay mới gặp nhau và cùng hẹn thề chung sống bên nhau. Trải qua thời gian yêu thương và tìm hiểu, để rồi hôm nay ngày lành tháng tốt, được sự cho phép của cha mẹ nội ngoại tổ chức lễ hằng thuận, kết nạp lương duyên cho hai Phật tử tại chùa Tường Vân – Sư Lỗ dưới sự chứng minh cầu nguyện chúc phúc của chư Tôn đức và bà con bạn bè xa gần chúc cho đôi tân lang, tân nương.
 


Phật tử Quảng Châu điều hành chương trình Lễ Hằng thuận


Về chứng minh buổi lễ Hằng thuận hôm nay có Đại đức Thích Tâm Phương, Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện A Lưới; chư Tôn đức Tăng Tổ đình Tường Vân cùng đông đảo Phật tử các giới.
 


Chư Tôn đức quang lâm











Đạo hữu Hồ Chung đại diện hai gia đình phát biểu


 
Hôm nay trong niềm hoan hỷ của những ngày cuối năm Giáp Ngọ như trùng phùng duyên hội ngộ cho những đôi lứa tiếp bước tương lai xây dựng cuộc đời trong ý niệm thiết tha thiêng liêng cao quý của buổi lễ. Con xin thay mặt cho bà con hai họ trước hết đảnh lễ chư Tôn đức cũng như quý Bác Đạo hữu, quý bà con hai gia đình.

Có hạnh phúc nào hơn trong cuộc đời làm cha mẹ khi nhìn thấy con mình ngoan hiền, hiếu hạnh và tương lai gia nghiệp ổn định hạnh phúc.

Nuôi con từ lúc mới lọt lòng, rồi chập chững buớc vào đời, lớn dần cho đi học mở mang trí tuệ rồi đến tuổi dựng vợ gả chồng, xây dựng gia thất là cả một chuỗi thời gian chắt chiu, giáo dưỡng, mong ước và đợi chờ.

Và rồi ngày lớn nhất trong cuộc đời lại đến, ngày vui của những đứa con thơ đang tập bước vào đời, lòng cha mẹ vui mừng khôn xiết và cũng lo lắng khôn nguôi, vì từ đây các con phải tự gánh vác sự nghiệp của mình, tự bảo vệ vun xới hạnh phúc của mình mà đường trước còn dài, đường đi muôn vàn gian khó, cha mẹ bên nào cũng thế, luôn mong hai con lấy tình yêu thiêng liêng, thủy chung mà hai con đã hẹn thề để tha thứ bao dung rộng mở với nhau khi lỡ lầm.

Hôm nay trong ngày đại hỷ được sự nhất trí của hai gia đình cha mẹ đã xin phép Đại đức cử hành Lễ Hằng thuận tại ngôi chánh điện chùa Tường Vân – Sư Lỗ để cầu mong đức Phật, chư vị Bồ Tát, chư vị Thánh tăng gia hộ độ trì cho cuộc sống hạnh phúc gia đình các con được trăm năm đầu bạc răng long.

Trong thời gian thiêng liêng có hạn, chúng con không biết nói sao cho hết công đức của chư Tôn đức đã dành thời gian quang lâm chứng minh cử hành lễ hằng thuận cho hai con của chúng con.

Chúng con xin đảnh lễ tri ân và cầu nguyện chư Tôn đức năm mới nhiều sức khỏe để hoằng dương Phật Pháp và xin quí ngài ban lời giáo dưỡng để tất cả mọi người lấy đó làm hành trang cho cuộc sống. Xin cảm ơn quý Đạo hữu, quý bà con hai họ đã đến tham dự buổi lễ hằng thuận này.























Đôi tân lang tân nương đọc lời phát nguyện
    
 Thương nhau phải hiểu cho rành, Lời ăn tiếng nói ngọn ngành của nhau, cô dâu chú rể phát nguyện tâm thành của mình trước sự chứng minh của chư Tôn đức và bà con hai họ đọc lời phát nguyện.

Tình yêu mà không có giận không có hờn thì làm sao đo được tình cảm của nhau, giá trị tình yêu là ở nơi sóng gió mà vẫn giữ trọn lời yêu thương và ngạn ngữ Trung Hoa có câu: Khi ta yêu ai đó là ta yêu tất cả những gì người đó có. Chúc cô dâu chú rể  luôn giữ được niềm hạnh phúc của mình.

Trong thời gian hai chúng con đã tìm hiểu và yêu thương nhau, nay duyên lành đã đến, hai chúng con được sự đồng ý của cha mẹ hai bên, cho phép hai chúng con kết duyên vợ chồng. Cho nên hôm nay chúng con về đây cung thỉnh chư Tôn đức từ bi chứng minh tác lễ Hằng thuận cầu nguỵện cho chúng con được trăm năm hạnh phúc.

Đứng trước Tam bảo cùng hiện tiền chư Tôn đức cũng như cha mẹ và bà con hai họ, hai chúng con xin thành tâm phát nguyện: Dẫu cuộc đời có gặp khó khăn thử thách, chúng con cũng đồng lòng đồng ưu cộng lạc, trên thuận duới hòa sống trọn đạo làm con và bổn phận của người con Phật. Chúng con luôn tôn trọng nhau, thành thật và thủy chung trọn đời, để khỏi công ơn sanh thành giáo dưỡng và niềm tin yêu của cha mẹ cũng như tỏ lòng tri ân đến Tam bảo và chư Tôn đức, chúng con nguyện phụng đạo giúp đời, làm người công dân tốt trong xã hội.



Song thân của Tân lang



Song thân của Tân nương




 
Được nên ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh trời biển của cha mẹ, để tỏ lòng hiếu kính tri ân hai đấng sinh thành cô dâu và chú rể dâng trà đến chư Tôn đức và hai gia đình, đồng thời trước song thân thành tâm đảnh lễ niệm ân dưỡng dục.



Dâng trà lên chư Tôn đức





Đảnh lễ Ân sư





Dâng trà và đảnh lễ hai đấng song thân của hai gia đình









Đại đức chứng minh nói về ý nghĩa đôi nhẫn cưới


Đại đức chứng minh trao đôi nhẫn cưới cho cô dâu chú rể hãy đeo đôi mắt xích nhẫn cưới vào cho nhau. Này hai con, tục lệ vào ngày lễ thành hôn có phần trao nhẫn để làm điều kết ước cùng nhau và cũng chính vật kết tước này nhắc nhở cho nhau ghi nhớ mãi mãi.

Chiếc nhẫn làm bằng vàng hình khoen vòng tròn đeo vào ngón tay. Vàng là một trong những vật quý của người đời, tượng trưng cho sự trong sạch không nhiễm ố, không thay đổi chất màu với thời gian. Vòng tròn tượng trưng cho sự tròn đầy trong quy luật gia đình. Tên của nó gọi là NHẪN nhắc nhớ người đeo phải nhẫn nhịn nhau.

Kinh Pháp Hoa Phật dạy là có nhẫn nhục được thì mới nhu hòa. Kẻ nào nhẫn nhục nhu hòa là kẻ ấy đang mặc áo Như lai, hưởng đủ đầy công đức.
Trong đời sống hằng ngày, hai con không sao tránh khỏi ngang trái. Khi gặp hoàn cảnh nghịch ý, hai con đưa ngón tay nhìn vào chiếc nhẫn để rồi nhẫn nhịn hoặc nhẫn nhục. Được như thế hai con mới xây dựng và bảo vệ hạnh phúc cho nhau và cho mọi thành viên của đại gia đình mình.

Phật dạy: "Nhẫn là gốc của muôn hạnh lành. Trong các hạnh, nhẫn ở địa vị cao nhất". Thay mặt người thân hai con, Thầy trao đôi nhẫn làm vật kết ước này để tượng trưng dẫn dắt hai con luôn sống với hạnh nhẫn.

Được nhận nhẫn, hai con luôn nhớ sống theo hạnh nhẫn nhục và khắc ghi ân sanh thành nuôi dạy của cha mẹ đôi bên, bởi người đã lam lũ hy sinh và trao trọn tình thương vô bờ bến cho hai con. Có đức tin vững chắc và hạnh nhẫn nhục kiên trì, bước đường tương lai của hai con chắc chắn sẽ hoàn toàn an vui hạnh phúc.

Hôm nay là ngày thành hôn của hai con, ngày kỷ niệm trọng đại trong đời. Vì vậy nên về mặt tâm linh mới có phần nghi lễ trang nghiêm này. Thầy đã thay mặt ngôi Tăng Bảo ngưỡng bạch lên mười phương chư Phật, cầu thùy từ chúng minh gia hộ cho hai con được an vui hạnh phúc và vạn sự kiết tường như ý. Sau đây, Thầy có đôi lời khuyên nhủ: Kể từ hôm nay các con không còn ỷ lại vào mẹ cha mà các con đã thực sự nhận lãnh trách nhiệm của tuổi trưởng thành đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Hai con luôn luôn khắc sâu vào tâm trí hình ảnh của chư Phật, bởi vì Phật là đấng phước trí vẹn toàn.
 
Hai con phải luôn nhớ rõ những lời Phật dạy, vì lời dạy của chư Phật là nguồn chơn lý thậm thâm vi diệu.

Hai con phải luôn tuân cứ với sự khuyên dạy của chư Tăng vì chư Tăng là bậc thay mặt Phật tu hành tinh nghiêm thường trụ tại thế gian truyền trì chánh pháp, làm nhiêu ích cho chúng sanh.

Khi hai con đã hiểu sự lợi ích to lớn và ý nghĩa cao quý về Phật Pháp Tăng là ba ngôi quý báu nhất, thường còn ở thế gian này, các con đã hướng về quy ngưỡng rồi thì dầu gặp phải hoàn cảnh nào, trường hợp nào các con cũng không xa rời. Các con không quy ngưỡng theo trời thần ma quỉ, không tin theo ngoại đạo tà giáo, không tùy tùng bè bạn xấu ác. Được như vậy, các con chẳng những đời này đầy đủ phước đức mà vĩnh kiếp không còn sa đọa nơi ba đường dữ địa ngục ngạ Quỷ và súc sanh.

Trong kinh Thiện Sanh đức Phật dạy con người sống phải có mối tương quan giữa vợ và chồng.

Chồng đối với vợ có năm điều.

1. Lễ độ với vợ
2. Không xem thường vợ
3. Chung thủy với vợ
4. Trao quyền nội chính cho vợ
5. May sắm đầy đủ cho vợ.

 
Vợ đối với chồng cũng phải đủ năm điều.

1. Thay chồng quản lý nhà cửa ngăn nắp
2. Săn sóc giúp đỡ chồng
3. Trinh thuận với chồng
4. Giữ gìn gia sản chung
5. Siêng năng làm việc và thuận thảo với cha mẹ, thân bằng quyến thuộc hai bên.


Phần này hai con phải tìm học nơi kinh Thiện sanh, kinh Ưu bà tắc, và phải giữ đúng lời Phật chỉ dạy. Thực hành đúng phần này là gầy dựng được hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình và làm nền tảng gầy dựng phước đức an vui cho con cháu.

Quan hệ vợ chồng, gia đình, thân quyến khắn khít, sẽ giúp cho liên quan xã hội mật thiết. Vì gia đình là phần tử của xã hội. Nếu mọi người đều tốt thì xã hội tốt. Và nếu xã hội tốt thì cảnh thiên đường niết bàn ở ngay chốn trần gian này. Chân lý nhân sinh vũ trụ là không có sự vật gì đơn độc mà tồn tại. Luôn có nhân duyên liên quan tương đối với nhau. Hai con phải có sự hiểu biết như thế để nhớ làm tròn phận sự đối với xã hội, chu toàn nghĩa vụ công dân đất nước và chung cùng trách nhiệm đời sống cũng như tình cảm với bà con chòm xóm láng giềng.

Ân Tam bảo, ân thầy bạn, ân cha mẹ, ân đất nước và chúng sanh là bốn ân người Phật tử phải làm tròn.
 






Và chứng điệp quy y Tam bảo




Trong dịp lễ Hằng thuận này, Đại đức Thích Hương Sơn, Đại đức Thích Huệ Bân đã trao quà chúc phúc đến đôi bạn trẻ.
 




Đại đức Thích Tâm Phương niêm hương bạch Phật



Nghi lễ cầu nguyện





 
Tác giả bài viết: Ban TT TT GHPGVN huyện A Lưới
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 376
  • Khách viếng thăm: 368
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 3615
  • Tháng hiện tại: 2811758
  • Tổng lượt truy cập: 88616361
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012