Bữa "Cơm 2000" cho người nghèo

Đăng lúc: Thứ năm - 04/09/2014 22:15 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
TP.Hồ Chí Minh là thành phố đông dân nhất trong nước hiện nay. Đây cũng là thành phố đứng đầu về con số cư dân các tỉnh về tạm trú, làm ăn, sinh sống… trong đó đại đa số là người lao động nghèo. Ngoài những quán cơm bình dân với giá “mềm” phục vụ người dân lao động, từ năm 2008 đến nay, Sài Gòn đã lần lượt “mọc” lên những quán “cơm 2000” nhằm chia sẻ phần nào những khó khăn cùa những người nghèo.
Những quán “cơm 2000” không những là địa điểm thường xuyên lui tới của người nghèo, ngoài ra còn có các học sinh, sinh viên, những người lang thang cơ nhỡ… cũng tìm đến giải quyết sự thôi thúc của bao tử giữa thời buổi kinh tế khó khăn, vật giá đắt đỏ leo thang như những năm gần đây.

Một quán cơm từ thiện với giá tiền tượng trưng 2000 đồng/suất ở đất Sài Gòn có ý nghĩa nhân văn rất lớn, làm ấm lòng bao người lao động nghèo hằng ngày mưu sinh nhọc nhằn và hỗ trợ phần nào cho nhiều học sinh, sinh viên nghèo, có gia cảnh khó khăn đang trọ học tại thành phố mang tên Bác. Hoàng Mạnh Hải là người đầu tiên khởi xướng diễn đàn nguoitoicuumang.com với mục đích kêu gọi cộng đồng mạng chung tay giúp đỡ người nghèo, người khó khăn mưu sinh tại TP.HCM. Ban đầu, anh đọc được một bài báo kể chuyện một cô gái trẻ có hoàn cảnh thương tâm. Cha mẹ mất vì những vết thương chiến tranh để lại cho cô mấy sào ruộng và 3 anh trai điên dại. Hàng ngày, cô làm ruộng, lúc rảnh thì đi phụ hồ kiếm thêm tiền trang trải thuốc men viện phí cho các anh, lại phải vào viện chăm sóc các anh mình khi trái gió trở trời. Thông cảm với những người có hoàn cảnh thương tâm quanh mình, nhiều cư dân mạng đã tự nguyện đóng góp tiền của công sức để lập nên quán “cơm 2000 đồng” với mục đích giúp đỡ những người vô gia cư, người khó khăn, sinh viên, học sinh nghèo có một phần ăn trưa với giá 2000 đồng.
 

 
Quán “cơm 2.000 đồng” đầu tiên xuất hiện ở số 14/1, Ngô Quyền, Phường 5, Quận 10, TP.HCM mở vào ngày thứ 3, 5, 7 mỗi tuần do diễn đàn “Người tôi cưu mang” lập. Kế tiếp là quán “cơm 2000” ở đường số 3, cư xá Lữ Gia, Quận 1 noi theo. Từ đó, Sài Gòn tiếp tục mọc lên những quán “cơm 2.000” khác như: Quán “cơm 2000” trên đường Trần Phú, Phường 4, Quận 5; quán cơm Thiện Tâm ở hẻm 360, dưới chân cầu Lê Văn Sỹ, Quận 3; quán “cơm 2000” ở số 56/2, đường 281, Phường 15, Quận 11(mở vào các ngày 2, 4, 6)… 

Từ năm 2012, quán cơm xã hội Nụ Cười thuộc Quỹ từ thiện tình thương TP.HCM do nhà báo Nam Đồng, nguyên Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM chủ nhiệm với những hoạt động tích cực đã phục vụ rất đông những người nghèo, có thể kể: 30% là sinh viên, học sinh; 30% là bà con bán vé số, xe đẩy, xe ôm, nhặt ve chai, thợ xây dựng, người tàn tật, người neo đơn; 25% là bệnh nhân, thân nhân nuôi bệnh ở các bệnh viện gần nơi quán mở và 15% những thành phần khác. Từ điểm xuất phát ban đầu Nụ Cười 1 ở số 6, đường Hồ Xuân Hương, quận 3, đến nay mô hình quán cơm xã hội Nụ Cười đã nhân rộng phát triển thành Nụ Cười 7, ngày càng nhận được nhiều sự hỗ trợ của các Mạnh thường quân và tạo được dư luận tốt trong xã hội. Bữa cơm ở đây cũng với giá 2000 đồng/suất nhưng thực đơn luôn thay đổi, phong phú. 

Đọc báo, nghe “tiếng tăm” mô hình xã hội này, một buổi trưa, tôi rủ một anh bạn tìm đến quán Nụ Cười 1. Chúng tôi chăm chú đọc những tấm bảng treo trước quán: “Cơm trưa 2000 đồng - vào cửa tự do”; thực đơn: “Gà kho xả – khổ qua xào trứng - canh bù ngót thịt bằm - một quả chuối - Cơm canh không hạn chế - Trà đá miễn phí - Giữ xe miễn phí”. Thấy chúng tôi đứng ngại ngần (vì không phải lao động nghèo) nhưng một cậu tình nguyện viên vẫn tiến ra mời. Cậu tình nguyện viên nhìn đồng hồ trên tay, nói: “ Còn 10 phút nữa. Hai chú chịu khó vào ngồi đợi tí. Đúng 11 giờ, chú đến quầy kia mua phiếu rồi vào lấy cơm”… 

Tôi và anh bạn vừa dùng cơm vừa có cùng suy nghĩ: Trong thời buổi cái gì cũng đắt đỏ như hiện nay, 2000 đồng chỉ mua được một ly trà đá hoặc chỉ gửi được chiếc xe đạp, chưa nói đến chuyện uống được một ly cà phê cóc! Vậy mà, cũng với 2000 đồng ít ỏi đó, những người lao động, những người nghèo khó, cơ nhỡ vẫn có thể mua được một bữa cơm chất lượng đàng hoàng ở các quán “cơm 2000”, quán Nụ Cười… Đây phải chăng là mô hình cần được tiếp tục nhân rộng và như lời anh Nguyễn Hồng Ánh, người trực tiếp quản lý quán “cơm 2000” ở 14/1, Ngô Quyền, Phường 5, Quận 10 tâm sự: “Mục tiêu quán cơm 2000 đồng hướng tới, không chỉ là từ thiện cho người nghèo, mà còn là nơi chia sẻ lòng nhân ái, tạo môi trường cho những con người lâu nay phải vất vả, bon chen mưu sinh hiểu rằng, sống trên đời cần nhất là ở tấm lòng”…
 
Tác giả bài viết: Nguyễn Hải Thảo
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 529
  • Khách viếng thăm: 523
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 138321
  • Tháng hiện tại: 2238374
  • Tổng lượt truy cập: 91129947
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012