Độc xử nhàn cư

Đăng lúc: Thứ năm - 19/10/2017 12:03 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Chúng ta muốn hàng phục được chúng ma phiền não để phát sinh trí tuệ thì chúng ta phải có một môi trường tốt để ‘độc xử’

 
Đức Thế Tôn vẫn thường ân cần khuyên nhủ hàng Tỳ-kheo, hãy lánh xa đời sống sinh hoạt xa hoa trụy lạc của trần tục. Bởi vì tính chất của nó là cấu nhiễm, là chất men nồng cao độ sẽ làm say đắm đến nghiện ngập đối với bất kỳ hành giả nào muốn một lần nếm thử. Độc xử nhàn cư là nếp sống bậc nhất của những hành giả đã và đang ấp ủ hoài bão làm giàu sự nghiệp trí tuệ. Tinh thần viễn ly này là điều kiện tốt nhất để hàng Tỳ-kheo bảo tồn được hạnh thanh tịnh và giữ gìn nghiêm chánh Thánh giới.
 
Có rất nhiều bộ kinh đã ghi lại niềm thao thức của Đức Thế Tôn khi nhắc nhở các thầy Tỳ-kheo gia công tu tập, đó là nếp sống ở yên nơi thanh vắng một mình. Vì chính Ngài cũng từ nếp sống này mà thành tựu được Tuệ giác Vô thượng. Bao đời chư Tổ thông đạt được diệu lý, hội nhập được thiền định cũng bằng cách sống ẩn dật. Sự phát sinh trí tuệ nào cũng bằng sự thai nghén của thiền định, nên cảnh không dấy động thì tâm mới có khả năng yên định vì tâm thường bị lệ thuộc vào cảnh:
 
“Từ xưa tâm cảnh liên quan
Cảnh mà xao động tâm an mấy người
Muốn tâm lắng bớt duyên đời
Cảnh mà thay đổi dễ dời bản tâm”. 
 
Cảnh thay đổi thì tâm cũng đổi thay. Cảnh tốt tươi thì lòng người cũng rạo rực, cảnh úa tàn thì lòng người chơi vơi. Thi hàoNguyễn Du đã kinh nghiệm về bản thân cũng rất sâu sắc nên đã thở than trong hai câu thơ sau trong truyện Kiều:
 
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
 
Nhưng cảnh đâu có thức tình mà lại biết buồn vui. Cũng buổi chiều vàng, cũng dòng sông, cũng hàng cây lưa thưa, cũng bến vắng, cũng con thyền đưa rước khách, nhưng nếu là cảnh đưa người sang sông, là chia tay không hẹn lối quay về thì cảnh ấy bị coi là cảnh buồn. Và nếu như đó là cảnh gặp lại người xưa, là cảnh tương phùng hội ngộ thì cảnh ấy được gọi là cảnh vui. Vui buồn chỉ do lòng người cảm nhận, cảnh nào có phân biệt được gì đâu. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?
 
Vì người buồn, người lụy có thể do những khổ đau đang hoành hành trong tâm không hóa giải được, giấc mộng đã tan vào dĩ vãng hiện tại tay trắng tay, tương lai xa vời mù mịt… Chính vì tự mình không hóa giải quyết được nội tâm, nên càng nhìn cảnh xung quanh càng tê tái trong lòng. Nguyễn Du nói cảnh thấy người buồn nên cảnh không vui chỉ vì muốn nói đến mối liên quan khắn khít giữa người và cảnh. Con người càng bi lụy, càng cám cảnh sanh tình, càng nhận cảnh là người bạn tri kỷ để chia sẻ buồn vui thì người này Đức Thế Tôn thường quở trách, chê đó là kẻ si mê nô lệ.
 
Thế cho nên, cảnh hay môi trường là một điều kiện tối cần thiết đối với bất kì những ai mới bắt đầu gieo vào hạt giống trí tuệ. Một môi trường có sự hiện diện, xâm lấn của những tình thức phức tạp như loài người thì dù sang hèn, xấu đẹp, nam nữ, già trẻ, hiền dữ v.v… Vẫn là điều kiện trở ngại lớn cho một thầy Tỳ-kheo đang thực hành tu tập giải thoát. Một đoạn kinh sau đây sẽ minh chứng rõ vấn đề này:
 
“Này Nàgita! Mỗi khi Như Lai đi ngang làng mạc mà thấy một am cốc của thầy Tỳ-kheo, cho dù vị ấy đang ráo riết tọa thiền, nhưng Như Lai cũng không hài lòng về trú xứ của vị ấy. Vì sao? Vì vị ấy có thể bị phụ nữ, trẻ con, người lớn trong làng đến quấy rầy, tán chuyện làm cho vị ấy không thể chứng đắc những pháp chưa chứng đắc và có thể bị thoái thất những pháp đã chứng đắc. Trái lại, mỗi khi Như Lai trông thấy một vị Tỳ-kheo ở trong rừng, bên gốc cây; cho dù vị ấy tựa vào gốc cây ngủ gục, nhưng Như Lai vẫn hài lòng và cho rằng: ‘Tỳ-kheo này sau khi hết cơn buồn ngủ có thể tiếp tục tọa thiền mà không bị ai quấy rối. Thầy ấy sẽ chứng đắc những pháp chưa chứng đắc’’.
 
Chúng ta đã xuất gia nhưng vẫn thường luyến ái họ hàng thân thuộc, đối với gia đình vẫn lui tới thường xuyên và bổn phận cũng vẫn y nguyên như hồi chưa bước vào chùa cạo tóc. Quan hệ gần gũi này là một môi trường không tốt, thứ nhất dễ làm lui sụt, không dõng mãnh như lúc ban đầu. Vì những trái ngang nghịch cảnh của quyến thuộc gia đình đối với thân phận và khả năng hiện tại thì không giải quyết được, mà còn gây trở ngại không ít trong công phu tu tập.
 
Chúng ta đầy đủ duyên lành được sanh ngay trung tâm Phật pháp. Nhưng nơi phố thị thành đô, hằng ngày nhan nhản trước mắt biết bao cảnh xáo trộn bốc mùi tục lụy. Có khi chúng ta phải tiếp xúc, phải đối diện với những cảnh không vừa ý, chỉ vì để cho Tăng chúng có tạm đủ cái ăn cái mặc, hoặc để bảo đảm an ninh trật tự cho các thầy, các cô an tâm tu học, hoặc để truyền bá thuyết giảng giới pháp v.v… Môi trường này rất đáng sợ vì khi chúng ta chưa đầy đủ Tuệ giác, sức sống nội tâmcòn yếu ớt mà gặp phải ‘Bát phong’ thổi thì ba nghiệp thi nhau dấy động. Ba nghiệp không hàng phục được thì ba đường đau khổ sáu nẻo luân hồi nhất định không thể nào thoát khỏi.
 
Đặc biệt ngày nay, đời sống vật chất vượt cao tột độ, con người càng bị say mê quay cuồng trong dục lạc. Nếu chúng tamuốn xông pha vào chiến trận này thì ít nhất phải là người không bị ba món độc sai khiến. Một thầy Tỳ-kheo mang trách nhiệm hoằng pháp mà sẵn sàng bộc phát sân hận trước mặt lời đóng góp phê bình, một lời chỉ trích; hoặc nhìn không chớp mắt trước cô gái chân dài xinh đẹp, ngây ngất trước những lời dịu ngọt tỉ tê thì thầy này đang bị trói mà lại muốn mở trói cho kẻ khác, chưa từng biết lội mà muốn cứu người té sông. Điều này trong thực tế không thể có được, nếu có chỉ là kẻ không trí.
 
Chúng ta muốn độ sanh thì mình phải là người hạnh phúc, phải thật sự làm chủ được con tim thì mới có thể đem hạnh phúcđược cho người khác và cứu giúp con tim của họ. Nếu không thì mình sẽ bị chết thảm vì mỗi khi họ đến học hỏi với mình, thì chắc chắn họ sẽ mang phiền muộn đến cho mình, nhờ mình hóa giải, mà buồn thay thuyền của mình đang chở những khổ đau đã quá lắm rồi…!
 
Ở một vài chùa trong thành phố, các thầy các cô chỉ sinh hoạt trong bốn bức tường chùa, hàng ngày trau dồi nội điển, đêm đêm thiền tọa công phu thì chân trời giải thoát đang mở ra trước mắt vì ít nhiều ngoại duyên đã được đón ngăn. Các thầy các cô chỉ tiếp xúc với nhau trong tinh thần hòa hợp chỉ lưu tâm đến những lời như pháp như luật. Dù biết rằng muôn pháp đều từ tâm lưu xuất, hành động của tâm người khác không thể nào đoán được. Nhưng không có cảnh tương ưng, tức là không có đối tượng trực tiếp thì nghiệp thân, khẩu không thành tựu được. Bởi vì chỉ có trong ý thức, nên chỉ có ý nghiệp mà thôi. Như vậy, các thầy, các cô sẽ dễ dàng bảo trì được giới thể, vì Thánh giới đã được môi trường tương đối an ổn để tồn tại.
 
Thế nên, nhiều khi tôi nhìn các thầy, các cô trẻ tuổi hằng ngày nhởn nhơ trên các đường phố, hãnh diện ngồi trong các trường Đại học của thế tục, hay sinh hoạt trong ký túc xá, buôn bán trong các phiên chợ, thậm chí vui chơi cả trong công viên, hay sân bóng đá là một điều buồn tủi cho Phật pháp. Bởi vì, nó là triệu chứng của sự suy đồi và diệt vong. Môi trường này làm cho chúng ta lệ thuộc gần như hoàn toàn vào cảnh, cảnh động thì tâm ta xao động. Đôi khi cảnh thiên nhiên không động mà tâm chúng ta lại lao xao bụi trần từ lâu đã rơi vào tiềm thức:
 
“Cảnh không tâm lại chưa không
Tâm thầm duyên cảnh ngấm ngầm khó thay”.
 
Phạm hạnh không giữ nổi, Thánh tài bị khánh cận, nội tâm bị thương tổn, hiện nghiệp trói buộc, cộng với nghiệp lực sẵn có từ vô thỉ kiếp thì người này nhất định sẽ bị đào thải như tử thi bị tách ra khỏi lòng đại dương. Bài thơ sau đây là một lời tỉnh thức cho những hành giả đang giam mình trong môi trường hỗn tạp thành đô:
 
Tăng trụ thành hoàng Phật tổ ha
Tiên hiền đô thị ẩn nham a
Sơn tuyền lưu xuất nhân gian khứ
Thanh thủy y nhiên thành trượt ba.
 
Tạm dịch:
 
Tăng ở thành đô Phật Tổ rầy
Chư hiền đều ẩn chốn an mây
Non cao suối chảy về hạ thế
Trong vắt y nguyên hóa đục nhầy.
 
Nếu chúng ta có được khả năng luôn luôn tỉnh thức, tâm vẫn Như như trước những thăng trầm biến đổi hỗn loạn của ngoại cảnh, khéo léo phương tiện ‘tùy duyên’ để trưởng dưỡng đạo đức mà vẫn ‘bất biến’ thì chúng ta hãy ‘hòa quang đồng trần’ để làm lợi lạc cho chúng sanh.
 
Khi chúng ta giữ được tâm như vậy thì trà đình tửu điếm chỉ một màu thanh tịnh như đạo tràng mà thôi. Nếu như chúng ta tự phản quang xem mình có giao động trước một trận bóng đá hấp dẫn trên ti vi, mà chúng ta đã từng có hạt giống say mê bóng đá và gặp phải đội bóng mà mình ái mộ từ lâu. Chúng ta tự hỏi lại trong tâm lúc ấy có này, có kia, có chê có khen, có bất bình, có phẫn nộ, có thất vọng, có hào hứng, có buồn, có vui khi đang ‘xúc cảnh’ không? Chúng ta có an nhiên khi một quả bóng vừa sắp đến khung thành, hoặc mới vừa bị suýt vào lưới không? Chúng ta bị dối lừa khi lấy những món tiêu khiển của trần tục làm niềm vui giải trí cho đời sống tu hành khổ hạnh của một Tỳ-kheo. Nếu chúng ta làm chủ được ý thức của mình thì đối với ti vi hay bất kỳ thứ tiêu khiển nào khác đi nữa thì ít nhiều cũng mang lại lợi ích vì ‘tất cả các pháp đều không ngoài Phật pháp’. Chỉ sợ chúng ta lầm nhận, có chút ít trí tuệ mà tự cho đầy đủ, khiến cho dòng suối xanh trong từ miền núi cao chảy về miền hạ thế phải hóa thành sóng đục nhơ…
 
Tự mình biết, tự mình hay
Vọng duyên trôi mãi biết ngày nào ngưng
Càng trôi càng cách nguồn chơn
Vô tâm để vậy chuốc hờn về sau.
 
Tăng thân tốt là môi trường thích ứng, an ổn để các thầy, các cô kiểm thúc ba nghiệp, giữ tròn giới hạnh; nhưng suốt ngày chỉ biết luận bàn dù là những lời trong chánh pháp thì không thể giúp cho chúng ta có được hạnh phúc trong cửa thiền, không giúp cho chúng ta nếm được chút hương vị của giải thoát. Và như thế trọng trách làm cho Phật pháp cửu trụ, hóa độ chúng sanh coi như không thực hiện được. Cho nên học mà không hành là môi trường xấu thứ ba.
 
Nếu chúng ta thâm nhập giáo lý của Đức Phật một cách uyên thâm mà chúng ta chưa từng trải nghiệm về nó thì thật là một thiếu sót rất lớn. Chúng ta thật sự chỉ là một học giả chứ không phải là hành giả. Hành giả phải có môi trường để thực nghiệm bản thân. Hạ thủ công phu, nhập thất tránh duyên là thượng sách. Chúng ta phải có thật nhiều thời gian sống với nội tâmtrước khi đi vào con đường hoằng hóa. Trong Tăng thân tốt có thể giúp cho chúng ta siêng năng tu tập.
 
Thế nhưng, cho dù là một môi trường tốt, nhưng các thầy, các cô ít nhiều vẫn còn tồn đọng các pháp hữu lậu, nên đôi khi một lời nói xa, một lời nói gần cũng dễ làm chướng duyên, làm tâm bị lăng xăng, công phu không trôi chảy. Mặt hồ trong đêm mùa thu đang yên lặng như tờ thì một chiếc lá vàng bé nhỏ nhẹ rơi cũng đủ làm cho mặt hồ lăn tăn gợn song, thì nói chi đến những vật to lớn khác lỡ rơi phải vào. Ở chùa cũng có danh lợi của nhà chùa. Danh lợi là những vật chướng ngại to lớn để ngăn Thánh đạo, tạo sự cơ hiềm cho thế tục. Cho nên chúng ta muốn hàng phục được chúng ma phiền não để phát sinh trí tuệ thì chúng ta phải có một môi trường tốt để ‘độc xử’. Những tư tưởng cho rằng đó là tinh thần yếm thế, tiêu cực của kẻ hưởng nhàn thì nhận thức ấy còn nông cạn và sai lầm, là tự bào chữa vì mình đang đắm đuối trong dòng trói buộc, không dám nhìn lại con tim mình, không thể sống được dưới bầu trời yên tĩnh.
 
Song có một điều chúng ta phải nên tâm niệm rằng, người biết sống một mình hoàn toàn không phải chỉ đơn độc một bóng trong thảo am tranh và một khung trời tĩnh mịch mới gọi là người tu hành. Người sống giữa muôn người mà tự rèn luyện cho mình một lối sống sau đây mới xứng đáng là bậc tĩnh thức, mô phạm cho người trời.
 
Đừng tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại
Kẻ thức giả an trú
Đêm ngày trong Chánh niệm
Thì Mâu-ni gọi là:
Người biết sống một mình.
 
Như vậy ‘độc xử nhàn cư’ trước sau vẫn là một thượng sách cho những hành giả tự thấy mình còn bị chi phối vì ngoại duyêntrần cảnh, muốn vững vàng bước đi trên con đường độ tận chúng sanh sau này mà không bị chúng ma quấy rối. Còn nếu ai thấy mình có thể sống được với chính mình giữa muôn duyên muôn cảnh thì hãy tận lực đem giáo pháp mình đã tiếp nhậnđược thì ban bố cho vô lượng chúng sanh đang bị đắm mình trong dòng mê muội. Thay lời động viên, tôi xin ghi vào những dòng cuối cùng của bài viết này bằng hai bài kệ Ẩn tu của một cao Tăng Việt Nam.
 
Ẩn tu nào phải cố xa đời
Mượn cảnh du nhàn học đạo thôi
Những thẹn riêng mình nhiều nghiệp chướng
Bốn ân còn nặng nghĩa đền bồi
Ẩn tu uổng tiếc bạn đồng hành
Nói lý cao huyền đắm lợi danh
Già định đọa sa không phản tỉnh
Bóng câu mấy nỗi thoáng qua mành.
 
HT.Thích Minh Thông (Tập sách Theo dấu chân xưa)
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 524
  • Khách viếng thăm: 497
  • Máy chủ tìm kiếm: 27
  • Hôm nay: 138321
  • Tháng hiện tại: 2239213
  • Tổng lượt truy cập: 91130786
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012