Giáo huấn của các vị Tổ Tịnh Độ

Đăng lúc: Thứ tư - 10/10/2012 08:08 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Cõi Tịnh độ không có các khổ, hoàn toàn chỉ có sự an lạc, luôn chỉ dạy người xả bỏ tư tưởng nhơ uế, cầu sự thanh tịnh; muôn chim, cỏ hoa, ao hồ, vườn nhà đều bằng bảy báu an lạc; ở đây ai cũng vui thích chứng đạo xuất thế. Với lòng từ bi, trí tuệ thiện xảo, đức Phật chỉ dạy pháp môn trì danh hiệu Phật. Pháp môn ấy thật là vi diệu đặc biệt, công đức của nó không thể nghĩ bàn.
Giáo huấn của các vị Tổ Tịnh Độ

Giáo huấn của các vị Tổ Tịnh Độ

Thuở xưa, đức Thích Tôn nói kinh Vô lượng thọ tại núi Kì xà quật, nói kinh Quán vô lượng thọ tại thành Vương xá và nói kinh A di đà tại vườn Kì Thọ Cấp cô độc, đều nhằm chỉ bày nhân quả của cõi Tịnh độ A di đà, nói rõ pháp môn Vãng sanh Tây phương. Nền tảng của Tịnh độ tông do đây được định hình.

Cõi Tịnh độ không có các khổ, hoàn toàn chỉ có sự an lạc, luôn chỉ dạy người xả bỏ tư tưởng nhơ uế, cầu sự thanh tịnh; muôn chim, cỏ hoa, ao hồ, vườn nhà đều bằng bảy báu an lạc; ở đây ai cũng vui thích chứng đạo xuất thế. Với lòng từ bi, trí tuệ thiện xảo, đức Phật chỉ dạy pháp môn trì danh hiệu Phật. Pháp môn ấy thật là vi diệu đặc biệt, công đức của nó không thể nghĩ bàn.

ĐẠI SƯ HUỆ VIỄN – Tổ Liên tông thứ nhất – đời Tấn

Sư nói: “Thế nào là niệm Phật tam muội? Niệm Phật tam muội là ý chuyên nhất, tưởng vắng lặng. Ý chuyên nhất thì tâm không tán loạn, tưởng vắng lặng thì thần sáng, khí nhẹ. Khí nhẹ thì thân tâm khinh an, thần sáng thì không gì không thấu triệt. Đây chính là diệu dụng tự nhiên của định-tuệ hợp nhất.”

Đối với chỗ chính yếu trong sự tu tập, sư dạy: “Người phụng hành pháp của bậc hiền Thánh, nên tư duy cho hợp với lẽ phải. Luôn nghĩ thời gian qua mau mà lo tích tụ các công đức, thường phải tẩy rửa thân tâm cho được thanh tịnh, ngày đêm chuyên cần, thậm chí quên cả ngủ nghỉ; có vậy công đức mới được viên dung, thông suốt ba thừa, vượt qua tất cả, có khả năng dẫn dắt kẻ yếu đuối tinh tấn tu tập, làm chỗ nương cho người đời sau.”

ĐẠI SƯ THIỆN ĐẠO – Tổ Liên tông thứ hai – đời Đường

Trong Di tông nói rằng: “Bậc Đại Thánh từ bi khuyên người chuyên niệm danh hiệu Phật, chính vì việc xưng danh hiệu dễ sanh niệm nhiếp tâm tương tục. Nếu ai có khả năng niệm niệm liên tục thì khi mạng chung mười người vãng sanh hết mười, trăm người vãng sanh hết trăm. Vì sao? Vì chánh niệm không tạp duyên, cùng tương ưng với bổn nguyện của Phật, làm theo lời Phật dạy, không làm trái với lời nguyện của mình. Nếu bỏ chuyên niệm mà theo tạp niệm thì trong trăm người may ra được một, hai người; trong ngàn người thì hy hữu lắm được ba, bốn người vãng sanh ở hạ phẩm.”

Lại trong Lâm thụy nhập quán lễ tưởng phát nguyện văn có ghi lời phát nguyện của sư như sau: “Đệ tử chúng con là kẻ phàm phu sanh tử, tội chướng sâu dầy, luân hồi sáu nẻo, khổ không thể nói, nay gặp bậc tri thức, được nghe danh hiệu và bổn nguyện của đức Phật A di đà, nhất tâm xưng niệm, cầu nguyện vãng sanh, nguyện Phật từ bi tiếp độ, thương xót cứu vớt. Đệ tử chúng con chẳng biết tướng hảo quang minh của thân Phật, xin Ngài thị hiện cho chúng con được thấy, và xin được thấy đức Quan Âm, Thế Chí, các chúng Bồ tát và tướng vi diệu quang minh trang nghiêm thanh tịnh trong thế giới này.”

Sư đã để lại bài kệ khuyến hóa như sau:

Già nua dần đến
Tóc bạc, da nhăn
Đi đứng khó khăn
Nói năng lẫm cẫm.
Dù tiền như núi
Vàng bạc đầy kho
Cũng khó thóat ra
Cửa già bệnh chết.
Kẻ ngu chẳng biết
Mặc ý hưởng lạc
Khi chết đến nơi
Lòng đầy lo sợ.
Người trí liễu ngộ
Nổ lực cần tu
Tỉnh niệm nhất tâm
A di đà Phật.

ĐẠI SƯ VĨNH MINH – Tổ Liên tông thứ sáu – đời Tống

Thiền tịnh tứ liệu giản nói:

Có Thiền, không Tịnh độ
Mười người, chín người lạc
Khi âm cảnh hiện ra
Liền phải đi theo nó.
Không Thiền, có Tịnh độ
Vạn người tu đồmg thành
Thấy được đức Di đà
Lo gì không khai ngộ.
Có Thiền, có Tịnh độ
Giống như hổ thêm sừng
Hiện tại làm thầy người
Tương lai làm Phật, Tổ.
Không Thiền, không Tịnh độ
Đời đời nằm giường sắt
Kiếp kiếp ôm trụ đồng
Chẳng có nơi nương tựa.

Lại trong Tứ liệu giản nói: “Xét hai đường luân hồi thiện ác, quả báo khổ vui đều do ba nghiệp gây tạo, bốn duyên sanh ra, sáu nhân thành hình, năm quả thu nhiếp. Nếu khởi một niệm sân hận, tà dâm thì đó là nghiệp địa ngục. Nếu khởi một niệm tham lam không thí xả thì đó là nghiệp ngạ quỉ. Nếu khởi một niệm ngu si ám chướng thì đó là nghiệp súc sanh. Nếu khởi một niệm cống cao ngã mạn thì đó là nghiệp A tu la. Nếu thọ trì năm giới thì đó là nghiệp làm người. Nếu chuyên tu mười điều thiện thì đó là nghiệp làm trời. Nếu chứng ngộ Nhân không thì đó là nghiệp Thanh Văn. Nếu thấu triệt lý duyên sanh thì đó là nghiệp Duyên Giác. Nếu chuyên tu sáu độ thì đó là nghiệp Bồ tát. Nếu hành từ tâm bình đẳng thì đó là nghiệp của Phật. Nếu tâm an tĩnh thì hóa sanh cõi tịnh, ở lầu đài cung điện bảy báu, ngồi tòa sen hương thơm ngào ngạt. Nếu tâm nhơ nhiễm thì sanh vào cõi cấu uế, hầm hố gò đồi. Tất cả những kết quả này đều biến chuyển theo nguyên lý duyên sanh tự nhiên bình đẳng. Chính vì ngoài nguồn tự tâm ra, không có một thể nào khác, nên muốn được quả an tịnh thì chỉ có cách tạo nhân thanh tịnh.”

ĐẠI SƯ LIÊN TRÌ – Tổ Liên tông thứ tám – đời Minh

“Xét người học Phật, không cần phải hình thức trang nghiêm, mà chỉ quý ở chỗ tu hành chơn chất. Người cư sĩ tại gia niệm Phật, không nhất định phải mặc y phục như tu sĩ, mà chỉ cần búi tóc gọn gàn, mặc thường phục là được. Người niệm Phật không nhất định phải gõ mỏ hay đánh trống, nếu ưa thích sự tĩnh lặng thì có thể tự niệm Phật trong sự yên tịnh. Người niệm Phật không nhất định phải tạo thành hội đoàn đông đảo, nếu e ngại việc ấy thì có thể tự đóng cửa niệm Phật. Người niệm Phật không nhất thiết phải vào chùa nghe kinh, nếu biết chữ thì có thể tự y theo giáo pháp mà niệm Phật. Người ngàn năm đốt hương cúng Phật, không bằng người ngồi an tịnh trong nhà niệm Phật. Người cung phụng tà sư không bằng người hiếu dưỡng cha mẹ mà niệm Phật. Người kết giao bè bạn ác không bằng người ở một mình nơi thanh tịnh niệm Phật. Người gởi tiền ngân hàng để lo cho cuộc sống tương lai, không bằng người hiện tại làm phước, niệm Phật. Người ôm giữ trong lòng những tâm nguyện nhơ bẩn, không bằng người sám hối, niệm Phật. Người học tập thơ văn ngoại đạo, chẳng bằng người không biết một chữ mà niệm Phật. Kẻ vô tri vọng luận thiền lý, chẳng bằng người hết lòng trì giới, niệm Phật. Kẻ mong cầu thần thông yêu quỉ, chẳng bằng người chánh tín nhân quả mà niệm Phật.

Nói tóm lại, người niệm Phật với tâm ngay thẳng, không làm các điều ác, đó gọi là người thiện. Nhiếp tâm trừ tán loạn, người niệm Phật như vậy gọi là người hiền. Giác ngộ bổn tâm, đoạn trừ mê hoặc, người niệm Phật như vậy gọi là bậc Thánh.

Trì danh niệm Phật có nhiều cách: trì mặc niệm, trì lớn tiếng, trì kim cang … Nhưng trì niệm lớn tiếng thì e tổn khí lực, trì mặc niệm thì dễ bị hôn trầm, chỉ có niệm thầm thầm mặc mặc, tiếng phát ra giữa răng và lưỡi đó gọi là trì kim cang. Cũng không nhất định là phải trì theo lối kim cang, nếu ngại tổn khí lực thì cứ trì mặc niệm, nếu sợ hôn trầm quấy nhiễu thì cứ niệm lớn tiếng.

Tạp niệm là bệnh, niệm Phật là thuốc hay chơn chánh chữa sạch tạp niệm, mà không có thuốc nào có thể trị hết. Nhờ niệm Phật nên không gần gũi bạn ác. Khi tạp niệm khởi liền dụng tâm gia công niệm, từng câu từng chữ rõ ràng, tạp niệm tự dứt trừ vậy!”

ĐẠI SƯ NGẪU ÍCH – Tổ Liên tông thứ chín – đời Minh

Sáu pháp Ba la mật là con đường mà người con Phật phải đi qua, được sư khai thị như sau:

- Chơn thật niệm Phật, buông xả thân tâm thế giới, tức là đại bố thí.
- Chơn thật niệm Phật, không sanh khởi tham sân si, tức là đại trì giới.
- Chơn thật niệm Phật, không chấp nhơn ngã thị phi, tức là đại nhẫn nhục.
- Chơn thật niệm Phật, liên tục không để gián đoạn, tức là đại tinh tấn.
- Chơn thật niệm Phật, không tán loạn vọng tưởng, tức là đại thiền định.
- Chơn thật niệm Phật, rõ biết, không bị các duyên làm mê hoặc, tức là đại trí tuệ.

Chúng ta thử tự kiểm điểm, nếu đối với thế giới thân tâm mà chưa buông xả, niệm tham sân si còn hiện khởi, tâm còn đeo mang nhân ngã thị phi, vọng tưởng lăng xăng chưa trừ diệt, tâm chí mê hoặc rẽ theo pháp khác thì không thể gọi là người chơn thật niệm Phật.

Sư lại dạy: Người tín nguyện trì danh, nếu nghiệp chướng tiêu trừ, mang nghiệp vãng sanh thì liền sanh cõi Phàm thánh đồng cư tịnh độ. Người tín nguyện trì danh, nếu đoạn tận kiến hoặc, tư hoặc mà vãng sanh thì liền sanh cõi Phương tiện hữu dư tịnh độ. Người tín nguyện trì danh, nếu phá trừ một phần vô minh mà vãng sanh thì liền sanh cõi Thật báo trang nghiêm tịnh độ. Người tín nguyện trì danh, nếu trì đến chỗ cứu cánh, đoạn tận vô minh mà vãng sanh thì liền sanh cõi Thường tịch quang tịnh độ. Cho nên trì danh niệm Phật có khả năng sanh lên bốn cõi, thật chính xác không sai.

Ngài lại dạy: Pháp môn Tịnh độ không có gì kì lạ, chủ yếu chỉ là tin sâu, nguyện tha thiết và nổ lực hành trì. Chỉ e rằng, người mới có được chút ít niềm tin cao quý và sự an ổn, rồi thủ đắc mà buông bỏ niệm. Nếu ngày đêm quyết định lấy mười vạn, hoặc ba vạn hay năm vạn niệm làm tiêu chuẩn, niệm không thiếu, thề nguyện suốt đời không thay đổi mà khi lâm chung không được vãng sanh thì ba đời chư Phật thành vọng ngữ. Một khi đã vãng sanh thì vĩnh viễn không thối chuyển, thấu rõ được tất cả các pháp. Phải tránh lối tu theo kiểu hôm nay Trương tam, ngày mai Lý tứ (người tu lúc này lúc nọ)… Tu hành như thế làm sao biết được trì danh hiệu A di đà Phật đến chỗ cứu cánh thì ba tạng, mười hai bộ loại kinh, tất cả giáo lý đều ở trong này. Một ngàn bảy trăm công án thiền cũng nằm trong này. Ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, ba tụ tịnh giới cũng ở trong đây.

ĐẠI SƯ TRIỆT LƯU – Tổ Liên tông thứ mười – đời Thanh

Trong tập Pháp ngữ này, sư đã dạy: Ngày nay, những người tu học Tịnh nghiệp, suốt ngày niệm Phật, sám hối, phát nguyện mà Tây phương đối với họ vẫn còn xa, không bảo đảm là mình được vãng sanh. Vì sao? Vì gốc ái chưa nhổ, còn bị dây tình buộc ràng. Nếu xem sự ái ân của thế giới Ta bà này đồng như nhai sáp, thì dù trong lúc bận rộn hay rãnh rang, động hay tịnh, khổ hay vui… đều nương vào câu Phật hiệu vững như núi Tu di, tất cả cảnh duyên không thể làm lay động; hoặc khi cảm thấy mệt mỏi biến nhác, tập khí hiện khởi, liền dùng kiếm tuệ thiên trường chém đứt ngay trong một niệm, khiến cho tất cả quân ma phiền não tan tác trốn chạy, không còn chỗ dung thân, như ngọn lửa dữ thiêu sạch hết thảy tình thức vô thỉ, thì người như vậy, tuy ở trong cõi ác năm trược, nhưng đã vận thân ngồi trong đài Liên Hoa của cõi Tịnh độ, đâu cần phải đợi Phật A di đà đưa tay, Quan Âm dẫn dắt mới tin là mình vãng sanh?

ĐẠI SƯ TỈNH AM – Tổ Liên tông thứ mười một – đời Thanh

Huấn thị chính yếu của sư là bản văn Phát Bồ đề tâm, với lời dạy rất chí thiết: “Niệm Phật mà không phát đại tâm Bồ đề thì không tương ưng với đại nguyện của đức A di đà, do đó rốt cùng không thể vãng sanh. Nhưng nếu phát tâm Bồ đề mà không chuyên tâm niệm Phật thì cũng không thể vãng sanh. Do vậy, lấy việc phát tâm Bồ đề làm chánh nhân, niệm Phật làm trợ duyên thì sau này mới có thể vãng sanh. Người tu Tịnh nghiệp không thể không biết điều này”. Ngài lại dạy: “Người niệm Phật phải nên tinh cần chuyên tâm”.

ĐẠI SƯ TRIỆT NGỘ – Tổ Liên tông thứ mười hai – đời Thanh

1. 
Một là thật vì sanh tử mà phát tâm Bồ đề, đó là học đạo chơn chánh.
Hai là lấy tín nguyện thâm sâu, trì danh hiệu Phật làm chánh tông Tịnh độ.
Ba là lấy sự nhiếp tâm chuyên chú niệm làm phương tiện hạ thủ công phu.
Bốn là lấy việc chiết phục phiền não đang hiện hành làm sự tu tâm chính yếu.
Năm là lấy sự chuyên trì bốn luật nghi chính yếu làm chỗ căn bản nhập đạo.
Sáu là lấy các pháp khổ hạnh làm việc trợ duyên tu đạo.
Bảy là lấy sự nhất tâm bất loạn làm chỗ quay về của Tịnh độ.
Tám là lấy sự trông thấy các linh ảnh tốt đẹp làm chỗ nghiệm chứng vãng sanh.

Tám điều trên đây, người tu Tịnh nghiệp không thể không biết.

2. Một câu A di đà Phật là thuốc A già đà, không có bệnh nào mà không trị lành; là vua ngọc châu như ý, không có nguyện nào mà không được thỏa mãn; là thuyền Từ vượt qua biển khổ sanh tử, không có khổ nào mà không được độ thoát; là đèn trí tuệ soi sáng vô minh tăm tối, không có bóng tối nào mà không bị chiếu tan. Chỉ cần một lần nghe qua câu Phật hiệu là đã có duyên, chỉ cần một niệm tín tâm liền có thể tương ưng với Phật. Tín tâm chơn thật, lúc nào cũng nguyện mong được vãng sanh. Trong tâm thường trụ hai pháp tín – nguyện này, như trung thần phụng mạng mật chỉ của minh quân, như đứa con hiếu thảo vâng lời đấng cha lành, nhớ nghĩ không quên làm một việc vô cùng trọng yếu, thì cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, yên tĩnh hay náo nhiệt, thảnh thơi hay bận rộn, niệm nhiều hay niệm ít, nói chung đều là chánh nhân vãng sanh. Chỉ sợ không nhiệt tâm thực hành mà thôi. Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta mãi ở trong vòng sanh tử luân hồi, lẽ nào không phát tâm cầu xuất ly, tu hạnh hướng đạo! Vì chạy theo sự biếng nhác thoái hóa cho nên chúng ta mới ở mãi trong biển sanh tử, chịu vô lượng khổ não. Nay được nghe pháp môn trì danh giản yếu, nhưng nếu vẫn đi theo lối cũ bại hoại, không có tâm huyết chí khí thì sao có thể gọi là bậc Đại Sĩ đệ nhất được!

3. Niệm Phật nên sanh bốn loại tâm. Những gì là bốn?

Một là nên sanh tâm hổ thẹn, sám hối những nghiệp từ vô thỉ đến nay mình đã tạo.
Hai là nên sanh tâm vui thích khi được nghe pháp môn này.
Ba là tự thương xót mình, vì nghiệp sâu dầy nên không gặp được pháp môn này sớm.
Bốn là nên sanh tâm cảm kích lòng từ bi như thị của Phật.

Trong bốn loại tâm này, chỉ cần có một tâm thì cũng có thể thành tựu Tịnh nghiệp. Niệm Phật cần phải dài lâu liên tục, không được gián đoạn. Gián đoạn thì Tịnh nghiệp không thể thành tựu. Dài lâu phải nên dũng mãnh, không được biếng nhác. Biếng nhác thì Tịnh nghiệp không thể thành. Dài lâu mà không dũng mãnh tức là thối đọa. Dũng mãnh mà không dài lâu tức là không tiến bộ.

ĐẠI SƯ ẤN QUANG – Tổ Liên tông thứ mười ba – Dân Quốc

Sư thường dạy: Vì pháp môn Tịnh độ chính là pháp môn Viên đốn đệ nhất, trên thành Phật đạo, dưới cứu độ chúng sanh của mười phương ba đời chư Phật, nên phải hết lòng tán thán hoằng truyền.

Lại trong Tập hoài hạnh thư, sư viết: Pháp môn Tịnh độ chính là pháp môn cực khó mà cũng cực dễ. Nói nó khó chính là chỗ người đại triệt đại ngộ, thâm nhập kinh tạng còn không tin nỗi. Nói nó dễ chính là chỗ kẻ tầm thường ngu dốt cũng thực hành được, nếu chí thành nổ lực niệm thì khi lâm chung liền thấy các tướng tôt đẹp xuất hiện, có khả năng vãng sanh Tây phương. Đối với pháp môn này, người đại triệt đại ngộ, thông hiểu kinh luận sâu xa còn chối bỏ, không hướng tâm đến. Vì một bên chuyên nương vào tự lực, bỏ đi Phật lực. Còn một bên chuyên nương vào Phật lực, nhờ Phật lực để phát huy tự lực. Vì biết khế hợp ba pháp: Phật lực, pháp lực và lực sẵn có của tự tâm nên có khả năng siêu phàm nhập Thánh, liễu thoát sanh tử. Tối trọng yếu của pháp môn này chính là tín, hạnh, nguyện. Có tín, nguyện thì chắc chắn đó là người tu hành chơn chánh. Đã tu trì thì nhất định được vãng sanh.

Lại trong Ấn thí cực lạc viên tự đã tán thán sự thù thắng của pháp môn Tịnh độ: Ôi, thật kì diệu! Giáo của pháp môn Tịnh độ chỉ thẳng tâm người, tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật. Vậy mà còn không khoa trương sự thù thắng của nó.

Người niệm Phật, niệm niệm không gián đoạn, trải qua số kiếp, tu chứng cần phải phát huy tính cao siêu của nó. Pháp môn này phổ cập cho mọi căn cơ cao thấp, thu nhiếp tất cả các tông như Luật, Thiền, Giáo… Như khi trời mưa, tất cả vạn vật đều được thắm nhuần, như trăm sông cùng chảy ra đại dương. Pháp môn này cũng lại như vậy, trùm khắp hết thảy các pháp đốn, tiệm, không một pháp nào mà không lưu xuất từ pháp giới này. Tất cả các hạnh quyền thật của Đại, Tiểu thừa, không có một pháp nào mà không qui về pháp giới này. Không đoạn hoặc nghiệp mà được dự vào hàng Bổ xứ, tức ngay đời này viên mãn Bồ đề. Chín cõi chúng sanh lìa pháp môn này thì không thể viên thành phật đạo. Mười phương chư Phật bỏ pháp môn này thì không thể lấy gì làm lợi ích cho quần sanh. Vì vậy, hải chúng của Hoa nghiêm hết lòng tuân theo vua mười đại nguyện. Một khi xưng niệm Pháp hoa thì liền chứng được thật tướng các pháp. Hạnh phương tiện tối thắng, ngài Mã Minh nêu bày trong Khởi tín. Đạo dễ hành và mau thành, Long Thọ diễn bày trong Tì bà sa. Bậc đại trí Long Thọ được xem là hậu thân của đức Thích Ca, nói Thập nghi luận, mà ý chuyên hướng về Tây phương. Vĩnh Minh được xem là Di đà thị hiện, trước tác Tứ liệu giản, trọn đời niệm Phật. Hết thảy năm tánh, ba thừa đều chứng chơn thường. Trên thánh dưới phàm đều qua bờ giác. Nên được chín cõi quay về, mười phương chư phật tán thán. Ngàn kinh đồng nêu bày, vạn luận đều tuyên dương.
Trích từ: Ngôn Hạnh Cao Đẹp Của 13 Vị Tổ Liên Tông
Nguyên tác: Lương Vĩnh Khang
Việt dịch: Thích Nguyên An
 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 499
  • Khách viếng thăm: 496
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 97513
  • Tháng hiện tại: 2905656
  • Tổng lượt truy cập: 88710259
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012