Hạnh nước mùi vị nước

Đăng lúc: Thứ hai - 18/02/2013 23:01 - Người đăng bài viết: Thích Trung Quý
Hạnh nước mùi vị nước

Hạnh nước mùi vị nước

Từ Trương Chi - “một chiều xưa sông nước chưa thành thơ” của Văn Cao - đến Chiều về trên sông - “Buồn tôi không vì sao bỗng dưng, theo đò ngang quá giang...” của Phạm Duy, rồi đến Trở về dòng sông tuổi thơ - “con sông tôi tắm mát” của Hoàng Hiệp; sông nước đã đi vào thơ, vào nhạc, hầu như tác giả nào cũng có sáng tác về đề tài sông nước này

 

Tuy nhiên tới, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với bài hát chẳng dính gì đến nó bỗng dưng cuối bài có câu “có một dòng sông đã qua đời”… chợt câu hát, như có ma theo ám tôi mới lạ. Có lẽ vì bấy lâu tôi sống lơ là không quan tâm, chú ý đến môi trường xung quanh, thốt nhiên tình cờ nghe hát nhìn lại ngơ ngác giật mình. Trên bờ xe cộ ồn ào, dưới sông cũng không được yên. Sông nước hiền hòa ngày nào tàu ghe giờ xuôi ngược khói thả đen kịt dài theo sông. Thậm chí giữa khuya sâu vẫn còn nghe tiếng máy nổ xa gần trên sông để rồi đêm trở nên hắt hiu dài ra. Người đi đâu về đâu giữa khuya sâu nằm lắng tai nghe chợt nhớ.

Đám con nít có bài đồng dao Vè nói ngược. Ai đã đặt ra bài vè này, bọn trẻ con biết chi. Đặt ra nói ngược để cho vui rồi tình cờ trùng hợp. Hay là người xưa đôi mắt thấu thị nhìn xuyên qua thời gian báo trước cho hậu thế mà chuẩn bị tinh thần sống cho phù hợp: Nghe vẻ nghe vè / Nghe vè nói ngược / Ngựa đua dưới nước / Tàu chạy trên bờ / Lên núi đặt lờ / Xuống sông bửa củi… Nước kém ba mươi / Mùng mười nước dẫy.
 

Rõ ràng ta đang sống trong những ngày tháng có nhiều thứ nghịch lý. Máy móc nhiều mã lực (ngựa) được gắn vô ghe tàu chạy ầm ầm. Con sóng hiền hòa trở thành con sóng dữ từng lượn đánh vô bờ làm đất đai lở ùm ùm, cuốn trôi làng mạc. (Ai về Cà Mau hẳn nhìn thấy rõ sự tác hại này). Ngược lại, máy bơm nước được kéo lên bờ biến thành xe cải tiến, xe công nông chạy bon bon cày nát những ngả đường quê. Rõ ràng ở trên núi hiện nay đang có những hồ thủy điện, hồ nuôi cá, thả rùa tai đỏ. 

Trường hợp Núi Cấm ở An Giang đem rùa tai đỏ lên núi thả rồi la làng báo động, nó sinh đẻ tràn lan. Rồi Kiên Giang lấn biển dựng nên khu đô thị. Tất cả là sự nghịch lý nhưng tai hại ở chỗ, thái độ con người như là thỏa hiệp, mọi thứ rồi cũng quen quen. Việc đắp đập, ngăn sông ở đầu nguồn, cuối nguồn một cách tùy tiện. Quen việc khai thác cát bừa bãi, nhất là việc các nhà máy thi nhau thả ra nước thải, người vô tư xả rác để sông nước hóa ra ô nhiễm. Cá chết hàng loạt. Mỗi thứ do con người làm có liên quan gì đến việc thời tiết thay đổi mưa nắng sái mùa sái tiết - Nước kém ba mươi / Mùng mười nước dẫy. 

Trở lại câu hát, có một dòng sông đã qua đời. Con sông nào, người nhạc sĩ không chỉ ra. Tuy nhiên tôi dám cá là ai cũng có thể chỉ ra những con sông, con rạch như vậy mệt mỏi, quá sức chịu đựng. Những cái chết được báo trước. Và sông nước suốt năm như chỉ còn tháng Giêng, mấy ngày đầu xuân, dường như sông nước đợi mấy ngày này đến để nghỉ ngơi hồi sinh vẻ đẹp vốn có. Vâng. Đúng như vậy. Ba ngày xuân, phương tiện giao thông dồn hết lên bờ, dưới sông ít ghe xuồng qua lại. Sông nước vắng tanh chảy lượn lờ. Lúc này nhà máy nghỉ xả hơi, việc khai thác cát cũng tạm ngưng, rác rưới cũng ít nên sông nước trong xanh soi bóng mây trời. Có thể nói mấy ngày đầu xuân sông nước rất là đẹp, rất nên thơ hơn những ngày trong năm.

Nhà tôi nằm bên dòng sông Hậu. Lớn lên đi xa trong tôi luôn có tiếng gọi của con sông tuổi thơ. Năm nào Tết đến về quê, làm xong bổn phận đứa con lưu linh, tôi vẫn thường dành ra những phút giây ra ngồi trên bến nước xưa ngắm sông nước mùa xuân. Không còn tàu ghe khuấy động nên bùn lắng xuống, sông tìm lại được bộ mặt của mình, nước trong leo lẻo thấy cả bầy cá lội. Chính vì lấy lại bộ mặt thật của mình, sông nước êm ả như thau, nước được lắng trong thành tấm gương soi mới in được, phản chiếu được những khuôn mặt khác. Đó là bóng hàng dừa, hàng cau, mây trời và bóng người chiếu trên mặt nước lung linh.

Có một năm đầu xuân ngồi bên dòng sông nhìn xuống nước phản chiếu nắng trưa lấp lánh, tôi chợt nhớ bài thơ Cây mộc cận của Nguyễn Trãi - ánh nước hoa in một đóa hồng - bợn nhơ chẳng bén Bụt làm lòng. Ông tả hoa hay tả bóng hoa in trong nước sao lại là bợn nhơ. Hay đó là ảo ảnh. Thực với ảo ảnh khó phân biệt lắm sao. 

Rồi tôi nhìn bóng mình lung linh trên sóng nước bỗng giật mình. Có phải là tôi chăng hay đó cũng chỉ là ảo ảnh. Tìm về với thiên nhiên, với sông nước hiền hòa nghe lòng thanh thản, nhẹ nhàng. Tưởng đây những giây phút thanh thản rồi sẽ qua đi để tiếp tục lao vào tìm kiếm cuộc mưu sinh. Nhưng sự thật lúc tâm hồn thanh thản vô tích sự lại là lúc mình trở về với bản chất thật của mình. Chính Đức Phật khi đứng bên bờ sông đã tìm ra điều này và nói cho La Hầu La, nước cũng có bài học.

- Này con, La Hầu La. Con hãy học cách hành xử của nước. Dù cho người ta có đổ xuống nước những chất thơm tho, đẹp đẽ hay những thứ dơ bẩn, hôi hám, cũng không vì thế mà nước bị vướng mắc vào chỗ kiêu căng, tự hào, hoặc là thấy oán hờn và tủi nhục. Vì sao La Hầu La? Vì nước là thủy đại có dung tích rộng lớn, có khả năng lưu chuyển và chuyển hóa tất cả những gì đã tiếp nhận. Nếu tâm của con rộng lớn bao la, vô lượng như nước thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công và oan ức. Những thứ ấy không thể làm cho con buồn tủi và khổ đau.

II. Miền Tây sông rạch dọc ngang. Dân miền Tây hầu như ai cũng rất yêu sông nước. Riêng tôi mỗi lần về quê ra bến sông ngồi tôi như quên xung quanh. Sông cũng vậy, sông trôi chảy rồi tới lúc cũng quên mình góp nước cùng các con sông khác, để hướng ra biển cả. Biển cả ấy là danh từ chung chỉ những gì to lớn, bóng mát chở che, chẳng hạn như đất nước.

Kỷ niệm của tôi với con sông đã tạo ra phần nào tính cách, thói quen hay hoặc dở, vui hay buồn của tôi. Có những việc như chỉ riêng tôi biết, cảm nhận đó là gì. Thí dụ quê tôi trước đây sông nước còn trong lành, hầu như ai cũng thích uống nước lã hơn là uống nước chín nấu sôi lạt lẽo. Lúc nhỏ tôi đi chơi về khát nước chạy ào tới bên lu nước mở nắp, rồi lấy cái gáo dừa múc nước uống và lắng nghe vị mát mẻ trong lành thấm vào cơ thể. 

 

Thói quen thành ra tật xấu mà nó có xấu? Đi tới nhà ai chơi bắt gặp lu nước uống sạch sẽ, nhất là gặp một lu nước mưa, tôi vui như được gặp lại người bạn cũ, lập tức tôi xin một ly uống, rồi ngồi chơi lâu hơn, và sau đó thế nào tôi cũng nhớ trở lại thăm. Thí dụ đám con nít đứa nào cũng mê tắm sông, chơi trò cút bắt. Những buổi trưa hè nước sông lớn rong đầy trong sè như gọi mời, người lớn có ngăn cấm nhưng bọn trẻ cũng tìm đủ mọi cách rủ nhau xuống sông.

Riêng tôi, một thói quen chẳng giống ai. Lúc tắm sông bao giờ cũng lội ra giữa dòng lặn xuống hụp sâu làm một ngụm nước mát mẻ. Tôi không cắt nghĩa được cử chỉ của mình, có thể học được từ người lớn, uống một ngụm nước lạnh để được tắm lâu hàng giờ. Đi đâu mà thấy sông nước, lập tức tôi nghe thân thể ngứa ngáy như con cá nhớ nước. Lát sau thế nào tôi cũng cởi áo nhảy xuống tắm. Mặc dù biết con sông xa lạ kia nước trôi chảy chẳng phải là nước sông ngày nào và đâu là môi trường thiên nhiên trong lành. 

Ra Huế, đang ngồi uống rượu tự nhiên tôi bỏ đi làm bạn bè không biết đi đâu. Hóa ra tôi lang thang ra bờ sông Hương ngồi ở một bến vắng ngắm sông rồi cởi áo lội ra giữa dòng lặn xuống làm một ngụm nước sông Hương. Cũng như vậy, ra miền Bắc, tôi uống nước sông Hồng, sông Đáy rồi sông Lô cùng nhiều con sông khác. Khi đi thăm miền Tây Bắc, đoàn tham quan gồm có ba mươi người, mỗi người mang theo kỷ niệm về vùng đất này, riêng tôi nhớ mãi cảm giác hương vị núi rừng qua nước sông Đà giang.

Người ta nói do phong thổ, nước uống mà từng miền đất có giọng nói khác nhau, tôi ngậm miếng nước của con sông trong miệng để nghiệm, rồi tôi cười một mình. Nói là nước ngọt để phân biệt với nước phèn, nước mặn, thật ra nước không có mùi vị gì hết, nước lạt nhách. Vậy mà khi uống người lại có cảm giác trong mát để rồi người ta cần đến nước mát hơn là uống nước cam ngọt. Nước không có mùi vị nhưng sự thú vị của nó như dành cho những ai yêu nó phân biệt được đâu là nước tinh khiết, nước mưa, nước suối, nước sông, nước ao, nước giếng.

Chuyên gia nếm rượu vang tinh tế bao nhiêu, khi ngậm miếng nước trong miệng để nghiệm vị lạt nhách của nước tinh tế bấy nhiêu. Một vài trường hợp đặc biệt. Giếng nước vùng đồi núi Thất Sơn đục như nước cơm vo, ban đầu đến vùng đất này tôi không dám uống nhưng thấy dân địa phương thản nhiên đưa gàu nước lên miệng uống ừng ực. Tôi uống theo mới biết màu nước cơm vo kia ngon ơi là ngon. Cũng như vậy, giữa rừng U Minh lá tràm rụng quanh năm khiến màu nước đỏ như cốt nước trầu thấy bắt gớm nhưng đây lại là thứ nước ngọt, lành, lá tràm có mang những vị thuốc.

Tôi thấy một số Việt kiều về xứ đi đâu cũng mang theo kè kè chai nước uống, riêng tôi không sợ. Tôi cũng đã từng uống nước sông Dương Tử của Trung Quốc, uống nước Biển Hồ của Campuchia, và ở Pailin nằm sát biên giới Thái Lan đồi núi trùng điệp với mỏ kim cương, trên bản đồ thế giới nó là ổ dịch sốt rét. Xung quanh bộ đội mười người mắc bệnh hết tám, đến độ tóc rụng đầu trọc lóc. Để phòng bệnh, ai đến đây cũng phải uống nước chín. Nhưng đến đây tôi thấy giữa núi rừng con suối nước trong thấy tận đáy đá sỏi cá lội. Không cầm lòng được, lúc xuống suối tắm, tôi uống đầy bụng nước nhưng tôi như miễn nhiễm với bệnh!

Cuối cùng, ở đây tôi muốn nói, tôi yêu nước chỉ vì đặc tính của nước là hòa tan mọi thứ và trôi chảy không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì, cho đường thì nước trở nên ngọt, cho muối thì nước mặn. Bao nhiêu thứ con người cứ thảy ra sông, chừng nào nó không hòa tan được để con sông chết, để tôi không uống được, việc này chẳng ai biết trước. Việc trước mắt chúng ta có bổn phận là giữ sao cho những dòng sông còn độ trong lành. 

Người bưng ly nước uống chỉ vì thói quen chớ kỳ thực với ai ít ai để ý mùi lạt lẽo của nước đó là mùi vị chính để làm nổi bật những mùi vị khác. 

Một người đầu bếp giỏi về nghệ thuật nấu ăn bao giờ cũng bỏ gia vị vừa phải, nhất là khi nấu một nồi súp, nồi canh. Tưởng đâu cái mùi xương thịt hầm là mùi chính, thật ra là mùi nước trong, nhẹ nhàng mới là mùi vị chính để cho tô súp, tô canh trở nên tinh tế ngon hơn. Vật nào cũng có phần thô phù và tinh tế nằm bên trong nó. Tìm ra phần tinh tế nhẹ nhàng trong mỗi vật là đã thấy được đạo mầu nhiệm
Tác giả bài viết: Ngô khắc Tài
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 495
  • Khách viếng thăm: 493
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 92412
  • Tháng hiện tại: 2900555
  • Tổng lượt truy cập: 88705158
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012