Học chữ, học nghề, học Phật

Đăng lúc: Thứ năm - 11/07/2013 03:05 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
Vì không học Phật mà giờ đây cuộc sống của mọi công dân trở lên đầy bất an, bất an ngay cả khi ở trong ngôi nhà của chính mình.
Đại đa số mọi người cho rằng trong một đời người chỉ cần trang bị cho mình có chữ, có nghề là đủ. Hai kiến thức này là ta đã đủ lông cánh để cất cánh bay. Chính vì vậy mà tất cả chúng ta: xã hội, nhà trường và gia đình đều lãng quên một yếu tố đó là: học nhân cách làm người. Tất cả những điều này đều có trong  lời dạy của đức Phật.

Ai cũng biết học chữ để làm gì, học nghề đề làm gì. Nó có ý nghĩa như thế nào đối với con người và chỉ có loài người mới có được. Cũng chính vì vậy loài người mới hơn hẳn những loài động vật khác là vậy.

Nhưng nếu chỉ học chữ, học nghề thôi thì chưa đủ!

Tại sao ta lại nói học nhân cách làm người chính ra là học Phật?

Tại sao ta phải học Phật?

Ai cũng đều biết rằng Đức Phật sau khi Giác ngộ đã giảng bài kinh đầu tiên Chuyển Pháp Luân  trong đó ý nghĩa về thái độ bao dung, khoan hòa, trách xa những điều dữ, làm những việc lành, thức tỉnh trước những cám dỗ của cuộc sống, giảm bớt “cái Tôi”, giảm bớt những bất hòa xung đột, nhằm tìm kiếm một cuộc sống an lạc.

Giáo lý Tứ Diệu Đế với bốn chân lý bàn về bản chất của kiếp nhân sinh và khả năng vượt qua mọi nỗi khổ niềm đau của con người đã trở thành động lực và niềm tin của nhân loại, trước mọi thăng trầm của cuộc sống vẫn tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của nhân loại. Bát Chánh Đạo là con đường  tám nhánh  để giải thoát khổ đau là chân lý cuối cùng của Tứ Điệu Đế là phương pháp thực tập để đi đến an vui hạnh phúc ở hiện tại.

 Đức Phật dậy con trai (La- Hầu -La): “ Trong khi chuẩn bị làm điều chi bằng thân, khẩu, ý, con phải quán chiếu: hành động này có gây tổn hại cho mình hoặc cho kẻ khác không. Nếu, sau khi suy xét, con thấy rằng hành động đó sẽ có hại thì con hãy đừng làm. Còn nếu con thấy rằng hành động đó sẽ có ích lợi cho con và cho kẻ khác thì con hãy làm”.

 Và khi Đức Phật dậy  thiền cho con trai (La-Hầu-La) :

“Con phải thiền làm sao giống như đất vậy: đất không cảm thấy phiền vì bất cứ một thứ gì đổ lên đó. Vì vậy, nếu con tập thiền giống như đất, con sẽ không có cảm giác vui thích hay không vui thích về bất cứ một điều gì. Hãy tập thiền như nước, như lửa, như gió, và như không gian: tất cả đều không cảm thấy phiền bởi những cảm giác vui thích hay không vui thích. Thực tập được như nước, như lửa, như gió, như không gian, tâm của con sẽ không còn vướng bận gì cả.”

Đức Phật dậy cho người Phật tử:

Năm điều đạo đức không:  Sát sinh, trộm cắp, ngoại tình, nói điều xấu, dùng chất gây nghiện.

Không làm những điều ác : Tham dục, sân hận, sợ hãi, ngu si dẫn đến điên đảo mộng tưởng.

Sáu nghiệp tổn hao tài sản, hủy hoại thanh danh, hủy hoại sức khỏe, phá hoại hạnh phúc gia đình: Đam mê chất gây nghiện; cờ bạc; phóng đãng; đam mê kỹ nhạc; kết bạn người ác; lười biếng.

Ai hiểu Tứ Diệu Đế và thực tập con đường Bát Chánh Đạo thì người đó sẽ Tinh thông trí tuệ, bình an trước mọi sóng gió và hạnh phúc an lạc với hiện tại và tương lai.

Vì không học Phật nên phải trả giá

Ai cũng biết lợi ích to lớn của những tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật  đầu thế kỷ 21 mang lại cho nhân loại những sản phẩm tiện ích bậc nhất cho con người, cứ hàng giờ, hàng ngày trên trái đất người ta lại ghi nhận có những sản phẩm tiện ích nhất phục vụ cho con người được cập nhật. Con người trên toàn cầu cũng đều có quyền được hưởng những lợi ích này. Nhưng cũng chính vì điều này mà con người lại có xu hướng sống thích hưởng thụ và thực dụng nhiều hơn, sống nhanh hơn, sống gấp hơn. Điều đó cũng dẫn đến sự hủy diệt và tàn phá môi trường, thiên nhiên do khai thác nguồn khoáng sản, tài nguyên nhiều hơn, nhanh hơn làm cho cạn kiệt và trái đất bị rỗng tuếch nhanh hơn. Vì sống gấp, sống thực dụng và  thích hưởng thụ nên trái tim con người cũng trở nên vô cảm. Khi trái tim vô cảm với đồng loại và các loài động vật thì đạo đức cũng bị suy tới mức thấp nhất.

Ai cũng nhức nhối thảng thốt, phẫn uất“ sao giết một mạng người dễ quá vậy”? đến nỗi không ai còn buồn thống kê hay kể lại vì sao mà ngày nào cũng có người bị chết chỉ vì những chuyện nghe như không tưởng. Mà những vụ  giết người do người thân gây nên như: cha mẹ, vợ chồng , con cháu, ông bà người yêu, người tình… ngày một nhiều, ngày một nghiêm trọng hơn. Những vụ hiếp dâm mà người bị hại lại chính là con ruột, cháu ruột, em ruột… ngày một gia tăng. Còn những vụ trộm, cướp của, xung đột, đánh lộn, kiện cáo, bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa, bạo lực gia đình, bạo lực học đường… thì giờ nó như chuyện người ta ăn cơm, ăn phở hàng ngày, chẳng ai còn thời gian mà quan tâm, mà có thời gian thì người ta cũng thấy nó là chuyện quá bình thường rồi không có gì xa lạ mà phải để ý đến nữa. Con người với con người còn vậy,  người thân thương hay cùng huyết thống còn vậy huống chi là con người với các loài động vật. Những con vật phải làm thực phẩm dưỡng sinh cho con người như: heo, gà, trâu, bò, dê, dừu… vẫn chưa thỏa mãn. Rồi ngay đến những chú cún, mèo là những người bạn trung thành và dễ thương nhất của con người cũng trở thành những mồi nhậu. Chán rồi thì đến những thú hoang dã, săn mãi rồi cũng hết sạch, rồi thì đến, rắn, chuột, đỉa, bọ xít, bọ hung, dán, dế, sâu bọ… cũng chiên dòn tuốt tuột. Hệ sinh thái bị mất cân bằng, môi trường bị tàn phá. Lòng từ bi của con người thì bị chai lì đi hay ngủ im vĩnh viễn hoặc không tưới tẩm gieo trồng, làm cho nó ngày càng xa, càng héo tàn và thui chột.

Thật là hiếm hoi lắm người ta mới đọc được vài tin tốt trên mặt báo làm cho bao trái tim bỗng rưng rưng xúc động, vui sướng làm khóe mắt ươn ướt( tin một em học sinh cứu 5 bạn khỏi đuối nước). Hay thật sự xúc động khi thấy hình ảnh một chú Cún tìm cách cứu bạn khi bạn bị tai nạn, hay nó nằm canh bên mộ chủ khi chủ qua đời…được đăng tải.

Người lớn không nghiêm, không trung thực, mải chạy theo thành tích ảo, tham nhũng, tham ô làm nghèo cả một đất nước làm sao dậy con trẻ phát triển lòng chính trực, làm sao hướng dẫn cho trẻ biết nhận ra lỗi lầm của mình ?

 Cách hành xử của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển nhân cách đạo đức của trẻ. Trẻ sống trong một gia đình đầy bạo lực, thay vào lời nói yêu thương, quan tâm, chia sẽ, cảm thông thì chỉ là tiếng đay nghiến chửi mắng, đòn roi. Hay trẻ sống trong một gia đình mà chỉ có đồng tiền là trên hết thì khi lớn lên trẻ sẽ là người chai lì, cục cằn lì lợm hay trở thành con người ích kỷ cũng coi đồng tiền là trên hết…

Còn con trẻ thì luôn cho rằng trách nhiệm làm cha mẹ là phải có trách nhiệm nuôi mình, phục vụ, cưng chiều, mọi việc lớn nhỏ không phải đụng đến hay  khi con cái có yêu cầu, nếu không đáp ứng là hờn rỗi, bỏ nhà đi hay dọa tự tử …

Vì không học Phật mà giờ đây cuộc sống của mọi công dân trở lên đầy bất an, bất an ngay cả khi ở trong ngôi nhà của chính mình.

   Học nhân cách làm người chỉ có học Phật

Đã có biết bao nhiêu câu hỏi được đặt ra ‘’Tại sao tội phạm ngày càng trẻ hóa’’ ?Và cũng có không biết bao nhiêu những cuộc hội thảo, các bài tham luận, các nhà nghiên cứu xã hội học, các nhà hành pháp, tư pháp, các nhà tâm lý học, nhà giáo… đã đưa ra vô số các nguyên nhân và giải pháp. Tất cả những nguyên nhân đó chính là do Tham sân si mà ra cả  nhưng phương pháp giải quyết khắc phục, phòng ngừa lại chỉ mới bắt đầu từ khúc giữa và ngọn. Hoặc ai cũng biết là cần phải dậy cách làm người ngay từ nhỏ nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu,  ai là người biên soạn ? Hỏi các nhà Giáo dục thì được trả lời là phải kết hợp cả gia đình và xã hội. Hỏi gia đình thì vật lộn với miếng cơm manh áo cũng đã quá mệt rồi, còn thời gian đâu mà dạy bảo. Xã hội thì nhà trường và gia đình là chính…

Vâng ! ai cũng biết là phải cả ‘’ba nhà ‘’ cùng dạy thế nhưng nếu chỉ dậy theo giáo án từ trước đến nay đã học ở nhà trường thì cũng lại vẫn y như cũ mà thôi.

Nếu vẫn cách dạy: Sống tốt hay xấu, giầu hay nghèo khi chết là hết cũng chỉ là một hũ tro hay 2- 3 thước đất là hết thì ai cần sống tốt làm gì, cứ hưởng thụ, cứ ăn chơi, cứ tận hưởng mọi thú vui trên đời… mà phải dậy sao cho mọi người phải biết rằng: khi chết không mang theo được gì mà chỉ có mang theo nghiệp và nhân quả là có thật, sống phải biết sợ cái xấu và chết không phải là hết.

 Trong khi không được nhà nước cho phép biên soạn những điều đức Phật dạy được phổ cập trong nền giáo dục của nước nhà thì con đường tốt nhất của  các bậc phụ huynh là hãy đi học Phật cùng với con em mình bằng mọi cách có thể nếu không là quá muộn. Đừng để đến khi quá trễ mới chạy đi cầu xin, khấn vái, chạy vạy khắp nơi để xin cứu con, cứu cháu và cứu chính mình.

Một tấm gương điển hình về : học Chữ, học Nghề, học Phật

Các em ! hãy cùng chị hô lớn : Học chữ, học nghề, học Phật !

Các em ! hãy hứa cùng chị : Học chữ, học nghề, học Phật !

Hơn 400 trăm em học sinh giỏi có mặt trong  buổi lễ tuyên dương  học sinh giỏi năm 2012-2013  của Thiền viện Thiên Phước  Huyện Bình Chánh đồng loạt cất tiếng theo. Giảng đường của ngôi Thiền Viện Thiên phước nhỏ bé lại càng nhỏ bé hơn khi mà 400 em học sinh giỏi cùng hô vang ba lần: Học chữ, học nghề, học Phật !Học chữ, học nghề, học Phật !Học chữ, học nghề, học Phật !

Chúng tôi có mặt hôm đó cùng với hơn 300 phụ huynh học sinh cũng có mặt như vỡ òa theo cùng tiếng hô của các em và thật xúc động với một cô gái có pháp danh và tên thật là một giải Ngân Hà trong vũ trụ. Tên cô thật đẹp và trí thông minh với tấm lòng thương yêu của cô cũng lấp lánh và kéo dài như giải Ngân hà vậy. Cô sinh ra trong một gia đình với Pháp danh cả đại gia đình là họ Thanh, một gia đình có truyền thống ba đời chỉ biết cúng dường và từ thiện là lẽ sống. Và giờ đây cả đại gia đình cô cũng vẫn luôn cùng có mặt đồng hành đi cúng dường và làm từ thiện cho hầu khắp các chùa tại thành phố trong mùa Kiết Hạ.  

     Mới 21 tuổi cô đã  có học vị Thạc sĩ  với ngành nghề Quản trị kinh doanh tại Úc châu. Trở về nước cô là một Tổng giám đốc công ty kinh doanh. Nhìn tuổi đời còn quá trẻ của cô ( chắc cũng chỉ hơn mấy em học sinh trung học đang ngồi dưới kia có  5-7 tuổi là cùng). Vậy mà cô đã là một người rất thành đạt  trong học tập, sự nghiệp so với những người trẻ tuổi khác. Đặc biệt cô lại có một kiến thức Phật pháp khá là vững chắc. Điều đáng nói ở cô nữa là một người làm ra tiền nhưng cô sống luôn giản dị và khiêm nhường. Nhìn cô dù là đang ở đâu cô cũng vậy, không đeo nữ trang, không trang điểm, tất cả rất bình dị mặc dù cô có thừa tiền đeo kim cương, ngọc ngà, châu báu… tất cả tiền làm ra là chỉ để cùng gia đình đi cúng dường và làm từ thiện. Họ làm công việc này suốt bao năm qua mà ít ai biết tới, không phô trương , không khoe khoang, không truyền hình truyền thanh, không tên tuổi như những người khác( có khi chỉ vài ba triệu cũng phải chạy hàng tít lớn với đầy đủ tên tuổi trên mặt báo, đài) Cô và gia đình cô đúng là một chân tu Ba-la-mật. Có thể sánh ví cô và gia đình cô như những Cấp-Cô-Độc tại Việt Nam vậy.

Học sinh! im lặng

Chương trình đố vui Phật pháp bắt đầu !

Thật là thông minh dí dỏm và đáng yêu biết nhường nào, không ngờ cô lại có tài làm MC nữa chứ, nhìn cô khuấy động và chỉ huy 400 em học sinh nhỏ nhất là lớp 1 và lớn nhất là lớp11 sao mà tuyệt vời đến thế.

Có em nào biết :

-       Đức Phật trước khi xuất gia có tên là gì ? cha mẹ đức Phật tên là gì ?

-       5 điều đạo đức của đức Phật dậy là gì ?

-       Tại sao phải quy y Tam bảo ?

-       Thế nào là người con hiếu thảo ?

……

Thế là những cô bé, cậu bé học sinh tiểu học thôi cũng trả lời thông thạo. Ôi ! vậy là các em giỏi hơn cả chúng tôi gấp bao nhiêu lần rồi. Thật là hạnh phúc biết bao cho những ai biết đến giáo lý của đạo Phật.

Một sáng chủ nhật với chúng tôi thật quí giá khi mà những người lớn như chúng tôi đã học được thêm biết bao điều ở các em.

Đúng là học Chữ, học Nghề, học Phật  không chỉ là con đường các em phải đi mà ngay cả những người lớn tuổi cũng vẫn phải học và đặc biệt càng phải học Phật nhiều hơn nữa và chỉ có thực tập những lời Phật dậy thì  bản thân, gia đình và xã hội mới hạnh phúc an lạc bây giờ và tại đây.

Giác Hạnh Hoa


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 323
  • Khách viếng thăm: 316
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 60548
  • Tháng hiện tại: 2756725
  • Tổng lượt truy cập: 91648298
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012