Học phật là để sống hạnh phúc an lạc

Đăng lúc: Thứ ba - 10/07/2018 20:42 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Trong bài viết “Học để sống và hiểu bản thân” của Giáo sư Nguyễn Hữu Đức đăng trên Tạp chí Văn hóa số 201, tác giả đã dựa vào bốn định nghĩa căn bản của UNESCO xoay quanh câu hỏi học để làm gì để xem xét về nghĩa lý sâu xa của việc học. Bốn định nghĩa đó là learning to know, learning to do, learning to live together, learning to be.
Theo tác giả thì chính cột thứ tư, learning to be, mà nhiều người dịch là học để xác lập mình, học để hoàn thiện mình, học để sống cho mình, chuộng hơn cả là học để khẳng định bản thân, có ý nghĩa quan trọng vì nó làm trong sáng ba cột nghĩa trước đó. Sau khi phân tích kỹ các lối dịch khác nhau, tác giả đã chọn lối dịch khiêm cung hơn cho cột thứ tư là “học để sống và hiểu bản thân”.

Chúng tôi rất thích lối dịch đầy cân nhắc này của tác giả Nguyễn Hữu Đức, vì suy cho cùng thì học bất cứ thứ gì cũng nhằm mục đích phục vụ hạnh phúc cho đời sống; muốn vậy, trước hết phải hiểu rõ bản thân mình. Trong giáo lý đạo Phật, hiểu rõ bản thân tức là hiểu rõ sự thật duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã của ngũ uẩn, cũng đồng nghĩa với hiểu người khác, hiểu thế giới chung quanh mình. Một sự hiểu biết về bản thân mình như vậy là hết sức cần thiết để con người thiết lập đời sống hạnh phúc an lạc. Con người không thể sống an lạc thật sự một khi không nhận ra tính chất duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã của bản thân, của thế giới chung quanh và có cách thái ứng xử thích hợp. Liên quan đến bài viết đầy suy nghĩ của Giáo sư Nguyễn Hữu Đức chung quanh ý nghĩa việc học, chúng tôi tìm thấy những lời khuyên thật nhẹ nhàng mà đầy nghĩa lý của Đức Phật dành cho những người tha thiết tìm đến học hỏi giáo pháp giác ngộ của Ngài, những lời khuyên thể hiện rất rõ ý nghĩa và mục đích thiết thực của việc học Phật. Những người gia chủ ở Veludvàra muốn học hỏi đạo lý giác ngộ của Phật với mục đích được sống hạnh phúc an lạc, đã tìm đến Ngài và thưa:
 
“Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi có ước vọng như thế này, có ước muốn như thế này, có chú tâm như thế này: “Mong rằng chúng tôi được sống trong một nhà chật đầy trẻ con! Mong chúng tôi được sử dụng các hương chiên đàn từ Kàsi! Mong rằng chúng tôi được trang sức bằng vòng hoa và phấn sáp! Mong rằng chúng tôi được sử dụng vàng và bạc! Sau khi thân hoại mạng chung, mong rằng chúng tôi được sanh thiện thú, thiên giới, cõi đời này!” Mong Tôn giả Gotama hãy thuyết pháp cho chúng tôi, những người có ước vọng như vậy, có ước muốn như vậy, có chú tâm như vậy. Hãy thuyết pháp như thế nào để chúng tôi được sống trong một nhà chật đầy trẻ con, để chúng tôi được sử dụng các hương chiên đàn từ Kàsi... để chúng tôi, khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú, thiên giới, cõi đời này” (1).

Và Đức Phật đã khuyên các gia chủ ở Veludvàra nên học tập và thực hành như thế này: “Ở đây, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Ta muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ. Nếu có ai đến đoạt mạng sống của ta, một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với ta. Nhưng nếu ta đoạt mạng sống một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho một người khác?” Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ sát sanh, khuyến khích người khác từ bỏ sát sanh, nói lời tán thán từ bỏ sát sanh. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.
 
Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Nếu có ai lấy của không cho của ta, gọi là ăn trộm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta lấy của không cho của người khác, gọi là ăn trộm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?” Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ lấy của không cho, khuyến khích người khác từ bỏ lấy của không cho, nói lời tán thán từ bỏ lấy của không cho. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.
 
Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Nếu ai có tà hạnh với vợ của ta, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta có tà hạnh với vợ của người khác, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?” Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ tà hạnh trong các dục, khuyến khích người khác từ bỏ tà hạnh trong các dục, nói lời tán thán từ bỏ tà hạnh trong các dục. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.
 
Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Nếu có ai làm tổn hại lợi ích ta với lời nói láo, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta cũng làm tổn hại lợi ích người khác với lời nói láo, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?” Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ nói láo, khuyến khích người khác từ bỏ nói láo, nói lời tán thán từ bỏ nói láo. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.
 
Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau: “Nếu có ai chia rẽ bạn bè ta bằng lời nói hai lưỡi, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta chia rẽ bạn bè người khác bằng lời nói hai lưỡi, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?” Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ nói hai lưỡi, khuyến khích người khác từ bỏ nói lời hai lưỡi, nói lời tán thán từ bỏ nói lời hai lưỡi. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.
 
Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau: “Nếu có ai đối xử với ta bằng thô ác ngữ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta cũng đối xử với người khác bằng thô ác ngữ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?” Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ thô ác ngữ, khuyến khích người khác từ bỏ thô ác ngữ, nói lời tán thán từ bỏ thô ác ngữ. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.
 
Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau: “Nếu có ai đối xử với ta với lời tạp ngữ, với lời phù phiếm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta cũng đối xử với người khác với lời tạp ngữ, với lời phù phiếm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?” Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ lời nói phù phiếm, khuyến khích người khác từ bỏ nói lời phù phiếm, tán thán từ bỏ nói lời phù phiếm. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.
 
Vị ấy thành tựu lòng tin bất động đối với Đức Phật… đối với Pháp... đối với chúng Tăng... Vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính, không bị phá hoại, không bị đâm cắt, không bị điểm ố, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định.
 
Này các Gia chủ, khi nào vị Thánh đệ tử thành tựu bảy pháp này và bốn lời nguyện xứ này, nếu vị ấy muốn, vị ấy có thể tuyên bố về mình: “Ta đã đoạn tận địa ngục, đoạn tận bàng sanh, đoạn tận cõi ngạ quỷ, đoạn tận ác sanh, ác thú, đọa xứ. Ta là bậc Dự lưu, không có bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ”. (2)
 
Những lời khuyên giản dị của Đức Phật dành cho các gia chủ ở Veludvàra cho chúng ta một ý nghĩa trọn vẹn về việc học Phật. Người Phật tử học lời Phật dạy là để hiểu mình và hiểu người (có nhận thức và suy tư chân chánh rằng mình muốn sống, không muốn chết, muốn hạnh phúc, ghét khổ đau và người khác cũng vậy); để làm những việc chân chánh, đúng đắn, đem đến lợi lạc cho mình và lợi lạc cho người (tự mình không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham dục, không sân hận, không tà kiến và khuyến khích người khác làm điều tương tự); để sống thân thiện hòa ái với mọi người (cùng khuyến khích, hỗ trợ cho nhau để sống chơn chánh hạnh phúc, vì mình và người là một, không thể tách rời; hộ trì mình tức là hộ trì người, hộ trì người tức là hộ trì mình (3)); để sống hạnh phúc an lạc nhờ hiểu rõ bản thân hay chứng thực với tự thân (thấy rõ bản chất duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã của tự thân và thế giới chung quanh, loại bỏ mọi dục vọng mê lầm, vượt qua bản ngã ích kỷ hẹp hòi và đối xử bình đẳng với mọi người, mọi loài).
Nhìn chung, việc học tập lời Phật dạy có ý nghĩa và mục đích rất rõ ràng. Học Phật là để hiểu mình cũng đồng thời để hiểu người, để bỏ ác làm lành, để sống thân thiện hòa ái với mọi người, để đoạn trừ phiền não khổ đau, thực nghiệm hạnh phúc an lạc, nhờ loại bỏ mê lầm, chiến thắng dục vọng, vượt qua bản ngã ích kỷ hẹp hòi và đối xử bình đẳng với mọi người, mọi loài. Đó không gì khác là sự thể hiện Bát Thánh đạo trong đời sống hàng ngày hay sự phát huy các tiềm năng giác ngộ (Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định) có mặt trong chính mình để thực nghiệm hạnh phúc an lạc.
 
Đáng chú ý rằng lời Phật là chân thật, hiền thiện, có công năng loại trừ phiền não khổ đau ngay lập tức, được mệnh danh là “thiết thực hiện tại, vượt thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình chứng hiểu”. Phật không dạy gì khác ngoài việc khơi dậy tiềm năng giác ngộ-an lạc có sẵn trong mỗi người. Đó chính là sự phát khởi của nhận thức chân chánh (Chánh kiến), suy tư chân chánh (Chánh tư duy), nói năng chân chánh (Chánh ngữ), hành động chân chánh (Chánh nghiệp), sinh sống chân chánh (Chánh mạng), nỗ lực chân chánh (Chánh tinh tấn), chú tâm chân chánh (Chánh niệm), định tâm chân chánh (Chánh định) đưa đến an lạc. Chính vì vậy mà việc học Phật là hết sức thiết thực, học đi đôi với hành và thực nghiệm, có khả năng giúp con người cảm nhận ngay lập tức kết quả lợi lạc của việc học, không cần phải chờ đợi hệ quả chín muồi của việc đầu tư học tập. Học đi đôi với hành nên học là sống, là thực nghiệm, là cảm nhận an lạc ngay trong giây phút hiện tại. Chẳng hạn, người Phật tử học theo lời Phật dạy, khởi lên nhận thức và suy tư chân chánh hiền thiện như sau:
 
“Ta muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ. Nếu có ai đến đoạt mạng sống của ta, một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với ta. Nhưng nếu ta đoạt mạng sống một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho một người khác?”
 
Chưa nói gì đến những việc làm lợi lạc cụ thể mà lối nhận thức và suy tư trên sẽ có tác dụng thúc đẩy như là hệ quả, chỉ riêng việc nhận thức và suy nghĩ chân chánh hiền thiện như vậy thôi đã khiến cho người Phật tử cảm nhận được niềm vui lớn, đạt được nội tâm an tịnh, hân hoan, vì vị ấy đang phát huy Chánh kiến và Chánh tư duy, đang sống với giáo pháp chân chánh hiền thiện của Phật, đang nuôi dưỡng tâm thức mình bằng những thức ăn tinh khiết và hiền thiện. Đây là một trong những phương pháp nuôi lớn tâm thức giác ngộ hay còn gọi là Bồ đề tâm được nói đến trong đạo Phật, theo đó người con Phật ngay lập tức đạt được tâm tịnh tín, hân hoan sanh khởi, các phiền não của tâm (tham-sân-si) được đoạn tận, nhờ khéo nhớ nghĩ (quán niệm) về điều lành điều thiện (4).
 
Xem ra thì việc tu học giáo pháp giác ngộ của Phật để thực nghiệm an lạc không ở đâu xa mà nằm ngay trong đời sống hàng ngày của con người, trong nhận thức sáng suốt, tư duy chân chánh, nói năng thành thật, hành động đúng đắn, sinh sống chừng mực, tinh tấn chính đáng hay trong hơi thở vào ra có chánh niệm của mỗi người. Chính mỗi việc làm đó là thực tại an lạc mà người con Phật nỗ lực tạo ra cho chính mình và sống cảm nghiệm trọn vẹn ở trong đó với một tâm tư hoàn toàn tỉnh giác và thanh thản. Học Phật để sống hạnh phúc hay để thực nghiệm an lạc đơn giản chỉ là thế.

--------------------------------------

1. Kinh Những người ở Veludvàra, Tương Ưng Bộ.
2. Kinh Những người ở Veludvàra, Tương Ưng Bộ.
3. Kinh Sedaka hay Ekantaka, Tương Ưng Bộ.
4. Kinh Các lễ Uposatha, Tăng Chi Bộ.

 

Tác giả bài viết: Giác Hạnh
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 726
  • Khách viếng thăm: 717
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 52687
  • Tháng hiện tại: 2860830
  • Tổng lượt truy cập: 88665433
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012