Làm thế nào để tăng trưởng phúc lạc

Đăng lúc: Thứ hai - 18/11/2013 07:02 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Tục ngữ Việt Nam có câu nói “Có đức mặc sức mà ăn”, ngụ ý kết quả lợi lạc hiển nhiên của một nếp sống ăn hiền ở lành, biết tu nhân tích đức. Ăn ở có phúc đức thì được hưởng phúc lạc. Phúc lạc do đó là phần thưởng xứng đáng cho những ai biết sống và khéo sống.
Phúc lạc là phước báo may mắn to lớn của một đời người. Nó đến với người nào đó, như nó là, đôi khi thật bất ngờ và không thể lý giải. Nó là những gì may mắn mà cá nhân được thừa hưởng khá riêng biệt, tỷ như sức khỏe, sắc đẹp, tuổi thọ, tài sản, danh vọng, địa vị, trí tuệ… Phúc lạc không do ai ban cho, cũng không ai lấy đi được. Nó là kết quả hết sức tự nhiên của công đức thiện nghiệp, do con người nỗ lực tích lũy mà có. Tục ngữ Việt Nam có câu nói “Có đức mặc sức mà ăn”, ngụ ý kết quả lợi lạc hiển nhiên của một nếp sống ăn hiền ở lành, biết tu nhân tích đức. Ăn ở có phúc đức thì được hưởng phúc lạc. Phúc lạc do đó là phần thưởng xứng đáng cho những ai biết sống và khéo sống.

Theo đạo Phật thì được sinh ra làm người đã là một phúc duyên to lớn. Bởi lẽ so với nhiều hạng chúng sinh khác thì con người hay loài người nói chung là may mắn hơn cả, do sở hữu năng lực hiểu biết và trí tuệ vượt trội, có thể hoặch định cuộc sống của mình theo chiều hướng tốt đẹp. Phúc lạc là kết quả phước báo của công đức thiện nghiệp hay lối sống biết gieo trồng phúc đức nhưng nó là nguồn lực sinh động, tăng trưởng hay giảm thiểu tùy thuộc cách người ta sử dụng nó. Sống là để hưởng phúc lạc và kiến tạo phúc lạc. Người biết sống và khéo sống thì phúc lạc vừa là nguồn lực cho hạnh phúc hiện tại vừa là vốn quý để phát triển hạnh phúc tương lai. Trái lại, người chỉ biết hưởng phước báo hiện tại mà không biết gieo nhân lành, tạo phúc đức cho mai sau thì phúc lạc không có điều kiện tăng trưởng, sẽ đi đến giảm thiểu dần rồi mất hẳn.

Đạo Phật là đường hướng khiến tăng trưởng phúc lạc, vì đạo Phật khuyến khích nếp sống chân chính, hướng thiện, chỉ rõ cho con người cách thức tích lũy phúc đức khiến cho phúc lạc được nuôi dưỡng, đi đến tăng trưởng. Đức Phật chứng ngộ sự thật phúc họa khác nhau của các chúng sinh tùy theo nghiệp lực mà họ đã tích lũy. Ngài thấy rõ chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, hết thảy đều do hạnh nghiệp của họ. Do đó Ngài đề cao nếp sống chân chính, hướng thiện và khuyên dạy mọi người sống với tâm chia sẻ bố thí nhằm tích lũy phúc đức. Những lời Ngài dạy sau đây [1] nêu rõ cách tích lũy phúc đức ở đời để hưởng phúc lạc hiện tại và khiến tăng trưởng phúc lạc tương lai:

“Đối với thiện nam tử nào, này Mahànàma, năm pháp này được tìm thấy, dầu là vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, hay là người thôn quê sống trên đất trại của người cha, hay là vị tướng trong quân đội hay là vị thôn trưởng ở làng, hay là vị tổ trưởng các tổ hợp, hay là những vị có quyền thế trong gia tộc, thời được chờ đợi là sự tăng trưởng, không phải là giảm thiểu. Thế nào là năm?

Ở đây, này Mahànàma, thiện nam tử, với những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường cha mẹ. Cha mẹ được người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường với thiện ý, khởi lên lòng thương mến người ấy: “Mong rằng (con ta) được sống lâu! Mong rằng thọ mạng được che chở lâu dài!” Và này Mahànàma, với một thiện nam tử được cha mẹ thương tưởng, chờ đợi là sự tăng trưởng, không phải là giảm thiểu.

Lại nữa, này Mahànàma, thiện nam tử với những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn... đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường vợ con, người phục vụ, người làm công và vợ con người phục vụ, người làm công. Vợ con, người phục vụ, người làm công và vợ con người phục vụ, người làm công được người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường với thiện ý, khởi lên lòng thương tưởng người ấy: “Mong rằng được sống lâu! Mong rằng thọ mạng được che chở lâu dài!” Và này Mahànàma, một thiện nam tử được vợ con, người phục vụ, người làm công và vợ con người phục vụ, người làm công thương tưởng, chờ đợi là sự tăng trưởng, không phải là giảm thiểu.

Lại nữa, này Mahànàma, vị thiện nam tử với những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn... đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường các người làm ruộng, các chức sắc ở biên cương. Những người làm ruộng; những chức sắc ở biên cương được người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường với thiện ý, khởi lên lòng thương tưởng người ấy: “Mong rằng được sống lâu! Mong rằng thọ mạng được che chở lâu dài !” Và này Mahànàma, một thiện nam tử được các người làm ruộng, các chức sắc ở biên cương thương tưởng, chờ đợi là sự tăng trưởng, không là giảm thiểu.

Lại nữa, này Mahànàma, thiện nam tử với những tải sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn... đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường chư Thiên nhận lãnh các vật cúng tế. Chư Thiên nhận lãnh các vật cúng tế được người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường với thiện ý, khởi lên lòng thương tưởng người ấy: “Mong rằng được sống lâu! Mong rằng thọ mạng được che chở lâu dài!” Và này Mahànàma, một thiện nam tử được chư Thiênthương tưởng, chờ đợi là sự tăng trưởng, không là giảm thiểu.

Lại nữa, này Mahànàma, thiện nam tử với những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn. Các Sa-môn, Bà-la-môn được người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường với thiện ý, khởi lên trong lòng thương tưởng người ấy: “Mong rằng được sống lâu! Mong rằng thọ mạng được che chở lâu dài!” Và này Mahànàma, với một thiện nam tử được các Sa-môn, Bà-la-môn thương tưởng, được chờ đợi là sự tăng trưởng, không phải là giảm thiểu.

Đối với vị thiện nam tử nào, này Mahànàma, năm pháp này được tìm thấy, dầu là vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, hay là người thôn quê sống trên đất trại của người cha, hay là vị tướng trong quân đội, hay là vị thôn trưởng ở làng, hay là vị tổ trưởng các tổ hợp, hay là những vị có quyền thế trong gia tộc, thời được chờ đợi là sự tăng trưởng, không phải là giảm thiểu.

Mẹ cha lo phục vụ,
Vợ con thường thương tưởng,
Vì hạnh phúc nội nhân,
Cùng với kẻ từng sự,
Vì hạnh phúc cả hai,
Lời hòa nhã, giữ giới,
Vì hạnh phúc bà con,
Vì hương linh đi trước,
Vì mạng sống hiện tại,
Vì Sa-môn, Phạm chí,
Vì chư Thiên, bậc Trí,
Thành người ban hạnh phúc.
Sống gia đình, đúng pháp,
Vị ấy làm thiện sự,
Được cúng dường tán thán,
Đời này họ được khen,
Đời sau sống hoan hỷ,
Trong cảnh giới chư Thiên”

.
                                         
 

[1] Kinh Thanh niên Licchavi, Tăng Chi Bộ.

Tác giả bài viết: Nguyên Hạnh
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 501
  • Khách viếng thăm: 494
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 44669
  • Tháng hiện tại: 2852812
  • Tổng lượt truy cập: 88657415
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012