Lặng lẽ trên đường

Đăng lúc: Thứ tư - 25/09/2013 09:54 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
Hiện tượng các Tỳ-kheo Nam tông ở Huế đi khất thực có thể mở đầu sự trở lại tập quán khất thực...
Ảnh chỉ mang tính minh họa
 
Một sáng Chủ nhật đầu thu, thành phố ít nhộn nhịp hơn ngày thường, trên con đường chính của thành phố, đằng xa thấp thoáng màu vàng cùng với xe và người bên đường đang hướng về phía màu vàng đó. Đến gần, tôi nhận ra đó là một đoàn gồm 16 nhà sư Nam tông, khoác cà-sa vàng đậm hở một bên vai, lặng lẽ trên đường, đầu trần, chân đất, ôm bình bát khất thực. Quý sư đi hàng một, giữ khoảng cách khá rộng, đi đầu là sư Giới Đức1, Sư trưởng chùa Huyền Không Sơn Thượng. Một hình ảnh đẹp mới xuất hiện trên đường phố Huế mấy tuần nay, khơi dậy một niềm vui hiền thiện cho những người chứng kiến. Hình ảnh đẹp này đồng bộ với hình ảnh đẹp khác: Thỉnh thoảng trên đường, Phật tử mọi lứa tuổi chờ từng bước chân của quý sư, người thì lạy trước nhà sư dẫn đầu, người thì vái cung kính, rồi lặng lẽ cúng dường vật thực. Tất cả diễn ra trong thinh lặng, chỉ có một vài người muốn cúng dường mà không có sẵn vật thực, hối hả chạy xe đi mua. Có người xin cúng dường tiền nhưng quý sư không nhận. Đoàn khất thực đã đi từ chùa Liên Hoa, đến đường Hùng Vương, qua cầu Trường Tiền, cầu Gia Hội, và cuối cùng về chùa Tăng Quang trước ngọ.

o0o

Cảnh ôm bình bát đi khất thực này nhắc lại tập quán đi khất thực của Tăng đoàn thời Đức Phật, và chính Đức Phật cũng làm như thế. “Buổi sáng, sau khi kinh hành, Đức Phật và các Tỳ-kheo đi khất thực. Các vị đi khắp các nẻo đường, theo thứ tự từng nhà, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn để nhận thực phẩm cúng dường của các gia chủ. Trong luật định không cho phép các Tỳ-kheo vào thôn xóm quá sớm hay quá muộn, chỉ trừ trường hợp có gia chủ thỉnh mời nhưng phải tác bạch với chúng Tăng. Các thầy thường dùng thời giờ trước và sau buổi khất thực để ghé vào đâu đó thuyết pháp. Khất thực xong, các vị trở về trú xứ hay một nơi nào đó nghỉ chân và dùng bữa ăn độc nhất trong ngày. Sau bữa ăn, các vị thu dọn mọi thứ, nghỉ ngơi một chốc lát tại một gốc cây lớn hay một căn nhà trống để tọa thiền. Gần đến xế chiều, các vị trở lại trú xứ nghe Phật hoặc các trưởng lão thuyết pháp. Sau thời pháp, các vị thường bàn bạc với nhau về giáo lý và kinh nghiệm tu tập.”2

o0o

Tập quán khất thực không chỉ là cách giải quyết nhu cầu ăn để sống, ăn để tu tập mà còn thể hiện một hạnh tu, tự lợi, lợi tha của vị Tỳ-kheo.

1. Đi khất thực giúp tiêu trừ ngã mạn. Giữa những Tỳ-kheo trong đoàn, tất cả đều bình đẳng với đầu trần chân đất, với bình bát giống nhau. Đã đi xin bá tánh thì không màng chuyện thị phi, và nếu trên đường có ai nói lời nặng nhẹ xúc phạm thì không thể nổi sân si, trái lại, luôn luôn giữ bình thản và oai nghi để tiếp nhận vật thực, như thế là giúp người cúng dường tăng trưởng hạnh bố thí.

2. Thiểu dục tri túc trong chuyện ăn. Vị Tỳ-kheo ăn để sống, để tồn tại, để mạnh khỏe chứ không cầu nhiều, cầu ngon, không để miệng lưỡi thèm ăn làm chủ. Đi khất thực về, thức ăn đồ uống được san sẻ cùng nhau, quý sư dùng vừa đủ nhu cầu, nếu thấy nhiều thì san bớt để bố thí những người thiếu thốn.

3. Tạo cơ hội cho mọi người làm phước. Mọi Phật tử đều biết cúng dường, và việc cúng dường thường được thực hiện tại chùa. Đức Phật khuyên Phật tử tại gia cúng dường tứ sự cho giới xuất gia: thức ăn, thuốc chữa bệnh, chỗ trú, y phục. Dâng vật thực cho quý sư đi khất thực cũng là cách cúng dường, và ai ai cũng có thể cúng dường vì vật thực có thể đơn giản như gói xôi, trái chuối. Cơ hội này là bình đẳng với mọi người, và người nghèo có thể cúng dường mà không cần đến chùa và không ái ngại.

4. Trải rộng tâm từ bi trên bước đường khất thực, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, nam nữ, lớn bé, tôn giáo, ngôn ngữ. Khi ra đường, nhà sư phải thúc liễm thân tâm, cầu nguyện cho bá tánh được hạnh phúc an vui, khỏi khổ, khỏi bịnh tật ốm đau và không gây oan trái lẫn nhau. Nét từ bi trong dáng đi nhẹ nhàng, thái độ trang nghiêm, nét mặt từ hòa sẽ lan tỏa đến mọi người trên đường.

5. Giữ gìn tịnh hạnh để làm người phước điền, xứng đáng thọ nhận cúng dường. Nhà sư luôn luôn tự xét mình giữ gìn giới luật, tinh tấn tu hành, thân tâm không biếng nhác, cho đúng với bổn phận của bậc xuất gia, trở nên phước điền của mọi người. Nếu đi khất thực thọ vật thí của bá tánh mà giới hạnh không tinh nghiêm, tu hành không chín chắn, không xứng đáng là phước điền, thì không sánh được với kẻ ăn xin ngoài xã hội, mà Ðức Phật gọi là kẻ cướp đội lốt nhà sư, sẽ mang lấy bao nhiêu khổ báo sau này. Suy xét như thế, nhà sư càng thêm cố gắng giữ gìn tịnh hạnh và siêng năng tu học.

6. Đi khất thực là một cách hoằng dương Chánh pháp. Phật tử có dịp tự nhắc mình về hạnh bố thí và cúng dường, trở về tâm thanh tịnh, xa rời phiền não; còn nhiều người không phải là Phật tử chứng kiến cảnh nhà sư đi khất thực, thì cũng khởi đầu cảm phục nếp sống đạo hạnh của các nhà sư, dần dà sự cảm phục đưa đến gần gũi và tìm hiểu đạo Phật.

o0o

Kể từ thời Đức Phật đến nay, tập quán khất thực vẫn duy trì, tuy thế, khi Phật giáo truyền bá ra nhiều nước trên thế giới thì các điều kiện về văn hóa, xã hội, kinh tế và tập tục địa phương đã làm cho một số tập quán thời Đức Phật không còn thực hiện rộng rãi, trong đó có tập quán khất thực. Hiện nay, Phật giáo Nam tông tại một số nước như Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan... vẫn giữ truyền thống khất thực, còn tại nước ta, chỉ có một số rất ít tu sĩ Phật giáo Nam tông và hệ phái Khất sĩ hàng ngày đi khất thực, còn phần đông trong hai hệ phái này hoặc không đi khất thực hoặc không đi hàng ngày3. Phật giáo Bắc tông thì không chủ trương đi khất thực. Hiện tượng đoàn Tỳ-kheo Nam tông ở Huế đi khất thực trong thời gian gần đây vào buổi sáng Chủ nhật có thể mở đầu sự trở lại tập quán khất thực một cách có tổ chức, đúng ý nghĩa, theo định kỳ, làm sống lại một hạnh tu tốt đẹp mà nhiều người Phật tử tin tưởng, và đem lại lợi lạc cho mọi người.

Ngày nay, trước làn sóng văn minh vật chất sẵn sàng xóa đi những truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa, thì thế giới văn minh phương Tây lại ngưỡng mộ hình ảnh những vị sư sống đời đạo hạnh, khước từ tiện nghi vật chất, đi xin người dân bố thí, và ngược lại người dân cung kính quỳ để nhận phước từ vị sư. Cả hai phía đều nhận và cho trong lặng lẽ: Người nhận bố thí thì cho phước đức tu hành, người bố thí thì nhận phước đức từ người được cho. Du khách đến từ các nước phương Tây khát khao muốn chứng kiến hình ảnh giản dị mà cao cả đó, hơn nữa, chính họ muốn sống, muốn tham dự như là một Phật tử cúng dường.

Đây là cảnh khất thực trên đường phố của cố đô Luang Prabang (Lào): “… Các nhà sư từ nhiều ngôi chùa đã tề tựu ở trục đường chính của Luang Prabang. Trên bản đồ thành phố, con đường này được ghi đơn giản là “Con đường khất thực buổi sáng”. Con đường đã bắt đầu đông đúc, người thì đi cúng dường, du khách xa gần thì đứng ngồi lố nhố để chứng kiến cảnh hiếm gặp này. Các nhà sư rất thong thả, họ đợi đến khi thấy các Phật tử sửa soạn xong đồ dâng cúng mới chậm rãi bắt đầu từng bước chân... Có không ít nhà sư hệ phái Nam tông ở những nơi xa khác cũng đến đây khất thực như để giữ gìn một nét đẹp của Phật giáo Nguyên thủy. Không chỉ có dân bản địa, nhiều người từ phương xa cũng đến đây để được cúng dường. Khách phương Tây cũng có, mà Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng có. Tôi nhìn thấy một cô người Âu lúng túng theo hỏi anh hướng dẫn làm sao cho phải phép khi dâng đồ bố thí, khi cô bị gãy một tay và đang phải đeo băng. Những du khách da trắng mắt xanh trông rất thành kính, chen cả cảm giác hồi hộp, tò mò. Đồ cúng dường được đựng trong những chiếc âu đan bằng mây tre, to hơn hay bàn tay người lớn. Đồ cúng thường gặp nhất là xôi - món ăn quen thuộc ưa thích của người Lào - rồi bánh kẹo, trái cây…”4

Tháng 9-2013

 Cao Huy Hóa (GNO)

Chú thích

1  Sư Giới Đức, cũng là Minh Đức Triều Tâm Ảnh, nhà nghiên cứu Phật học, nhà thơ, nhà thư pháp nổi tiếng.

2  Thích Pháp Như, Sự thành lập Tăng đoàn thời Đức Phật, website Đạo Phật ngày nay.

3 Tuy nhiên, thời gian vừa qua, ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội,… nạn sư giả ôm bình bát nơi công cộng không phải là hiếm, cho nên Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN có quy định: “Cương quyết ngăn chặn hành vi khất thực phi pháp, lợi dụng hình thức tu sĩ Phật giáo để làm trái với truyền thống của đạo Phật…” (Dẫn theo báo Giác Ngộ ngày 7-9-2013, trang 27)

4 Theo Hàn Giang, Đi bộ và… khất thực ở Luang Prabang, thethaovanhoa.vn, 8-7-2012.

* Tài liệu tham khảo: Ý nghĩa hạnh trì bình khất thực của nhà Phật (www.saddhamma.com)


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 410
  • Khách viếng thăm: 398
  • Máy chủ tìm kiếm: 12
  • Hôm nay: 69341
  • Tháng hiện tại: 2159362
  • Tổng lượt truy cập: 91050935
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012