Người ngu nghĩ là ngọt

Đăng lúc: Chủ nhật - 03/12/2017 07:09 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Kinh Pháp Cú, kệ số 69, nói đến lối sống mê lầm, thiếu suy nghĩ của kẻ vô trí, chỉ biết chạy theo các cảm giác hoan lạc nhất thời mà không thấy hậu quả tai hại của lối sống buông lung phóng dật; kết quả là kẻ vô trí ấy bị rơi vào bất hạnh khổ đau do các nghiệp ác mà mình đã làm, đã tích tập:
Người ngu nghĩ là ngọt,
Khi ác chưa chín muồi;
Ác nghiệp chín muồi rồi,
Người ngu chịu khổ đau.

 
Có những thứ trên cuộc đời mới đầu tưởng chừng như ngọt ngào, vô hại, nhưng một khi đã dính mắc vào thì con người ta mới thấy ra vị đắng và sự nguy hại của nó. Chẳng hạn, thói quen ham mê dục lạc (kàmasukha) hay lối sống chạy theo các lạc thú thế gian, chỉ mang lại cho con người đôi chút khoái lạc nhất thời nhưng hậu quả của nó thì hết sức tai hại. Với trí tuệ của bậc Giác ngộ, Đức Phật nói cho chúng ta biết kết quả khổ đau của lối sống buông thả, chạy theo các cảm giác hoan lạc. Ngài nêu rõ các dục - sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, cảm xúc êm dịu - có vị ngọt làm mê say tâm thức con người, dẫn dụ người đời rơi dần vào các hiểm họa khổ đau; tựa như dây leo mềm mại quấn vào thân cây Sa-la, rất dịu dàng và êm ái, cứ từ từ lớn lên đeo bám vào thân cây cho đến khi bao trùm toàn cây Sa-la, làm thành một tàn che phủ kín các nhánh cây Sa-la và bóp nghẹt cây ấy. Các đoạn kinh sau đây đề cập về kinh nghiệm đắng cay đầy hối tiếc của những kẻ vô trí, chủ trương lối sống hưởng thụ dục lạc và chạy theo các cảm giác hoan lạc nhất thời, do bậc Giác ngộ thuyết giảng cho các Tỷ-kheo nhằm lưu nhắc mọi người về hậu quả tại hại của lối sống buông thả chạy theo các lạc thú trần thế (1) :
 
“Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la- môn thuyết như sau, có sở kiến như sau: “Không có lỗi trong các dục”. Những vị này đắm mình trong các dục, hoan lạc với các cô gái lang thang có tóc quấn trên đầu. Họ nói như sau: “Làm sao các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn kia thấy sự sợ hãi tương lai của các dục, nói đến sự đoạn trừ các dục, nêu lên sự hiểu biết về các dục. Khoái lạc thay, sự xúc chạm với bàn tay có lông mịn của các cô gái lang thang trẻ trung này!” Sau khi đắm mình trong các dục, khi thân hoại mạng chung, các vị ấy phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ở đây, họ cảm thọ những cảm giác đau khổ, thống khổ, khốc liệt. Họ nói như sau: “Các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn này thấy sự sợ hãi tương lai của các dục, nói đến sự đoạn trừ các dục, nêu lên sự hiểu biết về các dục. Nhưng chúng ta, do các dục này làm nhân, do các dục này làm duyên, phải cảm thọ những cảm giác đau khổ, thống khổ, khốc liệt”.
 
Này các Tỷ-kheo, ví như vào cuối tháng mùa nóng, một bẹ hột giống cây leo nứt ra và này các Tỷ-kheo, một hột giống cây leo rơi dưới gốc một cây sa-la. Này các Tỷ-kheo, các vị thần ở trên cây sala ấy lo sợ, run sợ, và hoảng sợ. Bạn bè thân hữu, bà con huyết thống các vị thần trên cây sa- la ấy, thần vườn, thần rừng, thần cây, thần các dược thảo, cỏ, rừng hội họp lại, an ủi như sau: “Này Tôn giả, chớ có sợ hãi! Này Tôn giả, chớ có sợ hãi! Vì hạt giống ấy, con khổng tước có thể nuốt, con nai có thể ăn, lửa rừng có thể đốt, người làm rừng có thể nhặt đi, các loài mối có thể ăn, hay hạt giống có thể không nẩy mầm”. Nhưng này các Tỷ-kheo, hạt giống ấy, con khổng tước không nuốt, con nai không ăn, lửa rừng không đốt, người làm rừng không nhặt đi, các loài mối không ăn, và hạt giống có thể nẩy mầm. Được mưa lớn nhờ các làn mây đúng mùa, hạt giống ấy được lớn lên, và một dây leo trẻ, mềm mại, có lông, chậm chậm mọc lên và bám dính cây sa-la ấy. Này các Tỷ- kheo, các vị thần trên cây sa-la ấy suy nghĩ như sau: “Không hiểu vì sao các Tôn giả bạn bè thân hữu, bà con huyết thống ấy, các thần vườn, thần rừng, thần cây, các vị thần trên các dược thảo, cỏ, rừng, thấy sự sợ hãi tương lai trong hột giống, hội họp lại, an ủi như sau: “Này Tôn giả, chớ có sợ hãi! Này Tôn giả, chớ có sợ hãi! Vì hột giống ấy, con khổng tước có thể nuốt, con nai có thể ăn, lửa rừng có thể đốt, những người làm rừng có thể nhặt đi, các loài mối có thể ăn, hay hạt giống có thể không nẩy mầm. Khoái lạc thay sự xúc chạm của cây leo trẻ trung mềm mại, có lông đang bám vào!” Cây leo ấy có thể bao trùm cây sa-la ấy, sau khi bao trùm, liền làm thành một tàn che trên cây ấy, và ở dưới khởi lên cả một lùm cây rậm rạp. Khi ở dưới khởi lên cả một lùm cây rậm rạp, các cành lớn của cây sa-la ấy có thể bị bóp nghẹt. Rồi này các Tỷ-kheo, các thần trú trên cây sa-la ấy suy nghĩ như sau: “Chính vì thấy sự sợ hãi tương lai này trong hột giống cây leo ấy mà những Tôn giả, bạn bè thân hữu, bà con huyết thống ấy, các thần vườn, thần rừng, thần cây, các vị thần ở trên các dược thảo, cỏ, rừng, đã hội họp lại và an ủi như sau: “Này Tôn giả, chớ có sợ hãi! Này Tôn giả, chớ sợ hãi! Vì hạt giống ấy, con khổng tước có thể nuốt, con nai có thể ăn, lửa rừng có thể đốt, những người làm rừng có thể nhặt đi, các loài mối có thể ăn, hay hạt giống có thể không nẩy mầm”. Và nay ta, vì nguyên nhân hạt giống cây leo, cảm thọ những cảm giác đau khổ, thống khổ, khốc liệt”.
 
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có một số Sa- môn, Bà-la-môn thuyết như sau, có sở kiến như sau: “Không có lỗi trong các dục”. Những vị này đắm mình trong các dục, họ hoan lạc với các cô gái lang thang có tóc quấn trên đầu. Họ nói như sau: “Làm sao các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy thấy sự sợ hãi tương lai của các dục, nói đến sự đoạn trừ các dục, nêu lên sự hiểu biết về các dục. Khoái lạc thay, sự xúc chạm với bàn tay có lông mịn của các cô gái lang thang trẻ trung này!” Sau khi đắm mình trong các dục, khi thân hoại mạng chung, họ phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ở đây, họ cảm thọ những cảm giác đau khổ, thống khổ, khốc liệt. Họ nói như sau: “Các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy thấy sự sợ hãi tương lai của các dục, nói đến sự đoạn trừ các dục, nêu lên sự hiểu biết về các dục. Nhưng chúng ta, vì nhân các dục này, vì duyên các dục này, phải cảm thọ những cảm giác đau khổ, thống khổ, khốc liệt”. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là pháp hành hiện tại lạc, tương lai quả báo khổ”. (2)
 

 
Quả là hết sức tai hại lối suy nghĩ đề cao dục vọng dẫn đến lối sống sai lầm đắm mình trong các dục, bởi vì đó chính là nguyên nhân của mọi bất hạnh khổ đau xảy ra trên cuộc đời. Đạo Phật nói đến dục lạc (kàmasukha) hay các lạc thú thế gian làm say đắm lòng người, khiến cho con người rơi vào mê say, tham đắm, phóng dật, mất hết lý trí và tỉnh táo, là chỗ phát khởi và tích tập của các thói quen xấu ác gọi là ác nghiệp (3). Chúng là lý do của thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác (4). Càng đam mê hưởng thụ dục lạc thì các thói quen xấu ác hay các ác nghiệp như dục tham, dục ái, dục khao khát, dục nhiệt não, dục hôn ám, dục tầm, dục tưởng, dục đấu tranh, dục tranh chấp càng được tích tập và lớn mạnh đến một độ chúng chi phối và ngự trị toàn bộ cuộc sống con người, làm cho con người trở thành nô lệ và rơi vào lối sống sa đọa bởi các thói quen xấu ác không thể kiềm chế của chính mình. Đại kinh Khổ uẩn nhấn mạnh các hậu quả tai hại khôn lường do dục vọng gây ra:

“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua, Sát- đế-lỵ tranh đoạt với Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn tranh đoạt với Bà-la-môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ, mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, anh em tranh đoạt với anh em, anh tranh đoạt với chị, chị tranh đoạt với anh, bạn bè tranh đoạt với bạn bè. Khi họ đã dấn mình vào tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt; họ công phá nhau bằng tay; họ công phá nhau bằng đá; họ công phá nhau bằng gậy; họ công phá nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục... là nguyên nhân của dục.
 
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân... do chính dục làm nhân, họ cầm mâu và thuẫn, họ đeo cung và tên, họ dàn trận hai mặt, và tên được nhắm bắn nhau, đao được quăng ném nhau, kiếm được vung chém nhau. Họ bắn đâm nhau bằng tên, họ quăng đâm nhau bằng đao, họ chặt đầu nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục... là nguyên nhân của dục.
 
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân... do chính dục làm nhân, họ cầm mâu và thuẩn, họ đeo cung và tên, họ công phá thành quách mới trét vôi hồ và tên được nhắm bắn nhau, đao được quăng ném nhau, kiếm được vung chém nhau. Ở đây, họ bắn đâm nhau bằng tên, họ quăng đâm nhau bằng đao, họ đổ nước phân sôi, họ đè bẹp nhau bằng đá, họ chặt đầu nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục... là nguyên nhân của dục.
 
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân... do chính dục làm nhân, họ đột nhập nhà cửa, họ cướp giật đồ đạc, họ hành động như kẻ cướp, họ phục kích các đường lớn, họ đi đến vợ người. Các vua chúa khi bắt được một người như vậy liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân, họ xẻo tai, họ cắt mũi, họ xẻo tai cắt mũi, họ dùng hình phạt vạc dầu, họ dùng hình phạt bối đồi hình (xẻo đỉnh đầu thành hình con sò), họ dùng hình phạt la hầu khẩu hình... hỏa man hình (lấy lửa đốt thành vòng hoa)... chúc thủ hình (đốt tay)... khu hành hình (lấy rơm bện lại rồi siết chặt)... bì y hình (lấy vỏ cây làm áo)... linh dương hình (hình phạt con dê núi)... câu nhục hình (lấy câu móc vào thịt)... tiền hình (cắt thịt thành hình đồng tiền)... khối trấp hình... chuyển hình... cao đạp đài... họ tưới bằng dầu sôi, họ cho chó ăn, họ đóng cọc những người sống, họ lấy gươm chặt đầu. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm của dục... là nguyên nhân của dục.
 
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân... do chính dục làm nhân, họ sống làm các ác hạnh về thân, làm các ác hạnh về lời nói, làm các ác hạnh về ý. Do họ sống làm các ác hạnh về thân, làm các ác hạnh về lời nói, làm các ác hạnh về ý, khi thân hoại mạng chung, họ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục, đưa đến đau khổ tương lai, là khổ uẩn, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nhân duyên, do chính dục làm nhân”. (5)
 
Nhìn chung, dục vọng là mối hiểm họa to lớn đối với đời sống con người. Nó là cảm giác khoái lạc vật chất có sức lôi cuốn và chi phối mạnh mẽ tâm tư con người, khiến cho con người trở nên mê say, tham đắm, phóng dật, rơi vào lối sống sa đọa, tạo các nghiệp xấu ác gây khổ đau cho mình và cho người khác. Đức Phật chứng nghiệm rốt ráo về vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly các dục. Ngài thấy rõ các dục có vị ngọt làm cho con người đam mê thích thú, nhưng chúng thật sự nguy hiểm bởi chúng là nguyên nhân của lối sống sa đọa, là đầu mối của những việc làm xấu xa, tàn ác, phi đạo đức. Chính vì vậy mà Ngài khuyên dạy mọi người cần nhận thức cho thật rõ bản chất bất an của các dục và cần phải học cách rời xa chúng. Theo kinh nghiệm của Phật thì ngoài việc nhận chân vị ngọt và sự nguy hiểm của các dục, hiểu rõ “các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm càng nhiều hơn”, con người cần phải có sự thực tập chuyển hóa nội tâm thông qua thiền định thì mới dần dần thoát khỏi sự chi phối của chúng. Nói cách khác, muốn thoát khỏi các phiền não khổ đau do dục vọng hay lòng ham muốn dục lạc gây ra thì con người cần phải tu thiền và hành thiền mỗi ngày, phải tập thanh lọc và chuyển hóa nội tâm, phải biết thay thế dục lạc bằng thiền lạc, như Đức Phật đã từng làm:
 
“Này Mahànàma, thuở xưa, khi Ta còn là Bồ- tát, chưa chứng được Bồ-đề, chưa thành Chánh Đẳng Chánh Giác, Ta khéo thấy với như thật chánh trí tuệ: “Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn”; dầu Ta có thấy với như thật chánh trí tuệ như vậy, nhưng Ta chưa chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sanh hay một pháp nào khác cao thượng hơn. Và như vậy Ta biết rằng, Ta chưa khỏi bị các dục chi phối. Và này Mahànàma, khi nào Ta khéo thấy với như thật chánh trí tuệ: “Các dục, vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn”, và Ta chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sanh hay một pháp nào khác cao thượng hơn, như vậy Ta khỏi bị các dục chi phối”. (6)
 
-----------------------------------------------
 
1. Đại kinh Pháp hành, Trung Bộ.
 
2. Đại kinh Pháp hành, Trung Bộ.
 
3. Kinh Bất động lợi ích, Trung Bộ.
 
4. Đại kinh Khổ uẩn, Trung Bộ.
 
5. Đại kinh Khổ uẩn, Trung Bộ.
 
6. Tiểu kinh Khổ uẩn, Trung Bộ.

Tác giả bài viết: Chánh Hải
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 385
  • Khách viếng thăm: 376
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 124012
  • Tháng hiện tại: 2000941
  • Tổng lượt truy cập: 90892514
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012