Sống đúng những nguyên tắc căn bản của giới luật

Đăng lúc: Thứ năm - 01/08/2013 20:56 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
Bài giảng cho khóa Bồi dưỡng nghiệp vụ Trú trì tại sắc tứ Tịnh Quang tỉnh Quảng Trị ngày 25 Tháng 6 Năm Quý Tỵ có đề tài: Hiểu rõ, sống đúng những nguyên tắc căn bản của giới luật là yếu tố tiên quyết cho sự thành tựu sứ mạng của một vị trú trì.
 

    

Đạo Phật đã có những đóng góp tích cực trong việc kiến tạo nền văn hóa dân tộc, xây dựng đạo đức và lối sống con người Việt Nam trong suốt mấy nghìn năm qua. Tăng ni Phật tử cũng đã dấn thân vào đời với phương châm “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh” nhằm quân bình, ổn định giá trị vật chất lẫn tinh thần trong xã hội và trong mỗi một cá nhân. Kế tục sứ mệnh này, Tăng ni Phật tử chúng ta cũng đã ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong thực tại của đất nước và của xã hội. Không ít Tăng ni đầy nhiệt tâm xả thân phụng đạo cứu đời, lãnh nhiệm những trọng trách của Giáo hội trong khi tuổi đời quá ít, tuổi đạo còn non, chưa chuẩn bị cho mình đủ tư lương và nội lực để ứng phó với hoàn cảnh và nhu cầu thời đại cho nên rất dễ vướng vào những sai lầm làm trở ngại vấn đề tu tập giải thoát của mình sau này. Thật là oan uổng!

Nhân khóa huấn luyện Trú trì năm nay của Giáo hội Phật giáo Việt nam tỉnh Quảng trị nhằm nâng cao năng lực và trau dồi kỹ năng Trú trì của Tăng ni trẻ, chúng tôi mạo muội giải kiến qua đề tài mà ban tổ chức yêu cầu: “Hiểu rõ, sống đúng những nguyên tắc căn bản của giới luật là yếu tố tiên quyết cho sự thành tựu sứ mạng của một vị trú trì”.

Nói đến giới luật, đức Phật không bao giờ tự chế ra giới luật theo ý riêng của mình, sở dĩ Ngài chế giới là do cá nhân hay tập thể có những ý nghĩ, ngôn ngữ và hành vi không hợp với chân lý gây phương hại đến sự tồn vong của chánh pháp, làm mất sự thanh tịnh hòa hợp của Tăng-già. Theo Luật tạng là mãi đến năm thứ 13 sau ngày đức Thế Tôn thành đạo, giới điều mới thực sự hình thành. Trước đó là “thời kỳ vô sự Tăng”, đệ tử Phật đều là những bậc hảo tâm xuất gia, căn cơ xuất chúng. Tăng già trong thời kỳ này không cần phải chế định giới luật vì Tăng chúng đều thanh tịnh. Sau đó, Tăng đoàn phát triển, quần chúng xu hướng nhiều, từ đó những hiện tượng hữu lậu phát sinh gây ảnh hưởng không tốt đến đời sống phạm hạnh và sinh hoạt của Tăng già nên Ngài liền nhân đó để thuyết giới và giới luật đã có mặt cùng với những mục đích sau:

* Theo Luật tạng Bắc tông:
•        Nhiếp thủ ư Tăng, Linh Tăng hoan hỷ, Linh Tăng an lạc, Linh vị tín giả tín, Dĩ tín giả linh tăng trưởng, Nan điều giả linh điều thuận, Tàm quý giả đắc an lạc, Đoạn hiện tại hữu lậu, Đoạn vị lai hữu lậu,Linh cháp pháp cữu trú.

* Theo Luật tạng Nam tông:
•        Vì kiện toàn của Tăng-già, Vì an trú của Tăng-già,Vì ức chế kẻ khác, Vì an trú của thiện Tỳ-kheo, Vì đoạn phiền não hiện thế, Vì đoạn phiền não ở vị lai, Vì khiến chưa tin sanh tin, Vì khiến người đã tin, lòng tin thêm kiên cố, Vì chánh pháp cữu trú, Vì yêu chuộng, kính trọng luật.

Theo trong kinh Di Giáo, đức Phật đã dạy: “Nhữ đẳng Tỳ-kheo, ư ngã diệt hậu, đương tôn trọng trân kỉnh Ba-la-đề-mộc-xoa, nhược ngã trú thế, vô dị thứ giả”. Hẳn vậy, trong bối cảnh xã hội hiện nay với những biến động trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục cho nên Phật giáo được xem như một chân lý thực tại mà cốt yếu là vấn đề về đạo đức tức lấy giới luật làm nền tảng. 

Nói như vậy để thấy rằng giới luật Phật giáo đóng vai trò quan trọng cả tục lẫn Tăng, cả đời lẫn đạo. Giới luật có giá trị phổ quát và thực tiễn. Giới luật ra đời do nhu cầu tu tập của hàng tại gia lẫn xuất gia nhằm hướng đời sống của mình đạt đến sự thanh tịnh và giải thoát. Ai khéo áp dụng giới luật vào đời sống, thì người đó sẽ sớm cải thiện mọi hành vi xấu ác, tăng trưởng giá trị đạo đức, thăng hoa đời sống tâm linh. Nếu xã hội, quốc gia nào khéo đưa được giới luật vào đời sống nhân quần, thì xã hội và quốc gia đó chắc chắn bền vững, hạnh phúc và tốt đẹp. Giới luật không những đem lại sự bình yên và hạnh phúc cho mình, cho xã hội, cho quốc gia, mà nó còn đem lại niềm tin và sự an vui cho người, cho xã hội trong tinh thần hòa hợp và tôn trọng đôi bên.

Sở dĩ đạo Phật được truyền thừa lâu dài trên thế gian không chỉ vì sự đồ sộ của giáo lý vi diệu và kho tàng luận lý uyên thâm như người đời thường nhận định, mà chính là vì sự nghiêm trì giới luật. Giới luật là điều kiện tiên quyết và thiết yếu. Tăng ni khéo biết hành trì giới luật thì trang nghiêm pháp thân, trí lực đầy đủ, phước tuệ song toàn, đủ nhẫn nhục, đủ từ bi, đủ khiêm tốn để dấn thân hành đạo giúp đời với sứ mệnh cao cả: “Hành Như lai sứ, tác Như lai sự”. Tăng đoàn khéo chấp trì giới luật thì Tăng đoàn thanh tịnh hòa hợp. Trong Căn bản luật có dạy: “Tỳ ni tạng giả, Phật pháp thọ mạng, Tỳ ni tạng trú, Phật pháp diệc trú”. Vì vậy, giới luật đã được xem như là thức ăn, nước uống nuôi dưỡng pháp thân huệ mạng, như  con mắt tròng ngươi để ra khỏi vô minh, bước lên hàng Thánh quả. Trong kinh Phạm Võng Ngài cũng dạy rằng: “Giới như đại minh đăng, năng tiêu trường dạ ám, giới như chơn bảo cảnh, chiếu pháp tận vô di.”

 Theo quan điểm Đại thừa, giới được chia thành ba loại: Nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới và nhiêu ích hữu tình giới. Tùy theo tầng bậc tu hành khác nhau mà lãnh thọ và đắc giới pháp khác nhau. Bao gồm giới tại gia và giới xuất gia: Ngũ giới, Bát quan trai giới, Thập thiện giới, Sa-di giới, Tỳ-kheo giới, Thức-xoa-ma-na giới, Tỳ-kheo ni giới, Bồ tát giới được gọi là nhiếp luật nghi giới. Nhiếp thiện pháp giới là chuyên thực hành những điều thiện. Nhiêu ích hữu tình giới là lấy mục đích lợi lạc chúng sanh làm giới. Đứng về mặt hiện tượng tương đối, giới được chia làm hai: Giới thế gian và giới xuất thế gian. Giới thế gian là giới đưa hành giả đến quả báo hữu lậu và hưởng phước báo nhân thiên, giới xuất thế gian đưa hành giả đến quả báo vô lậu và giải thoát khỏi tam giới. Dựa vào căn cơ và nghiệp lực, giới được chia làm ba loại: Thượng, trung, hạ. Giới bậc hạ là giữ giới vì cầu danh, giới bậc trung là giữ giới vì cầu phước, giới bậc thượng là giữ giới vì kính và tin giới.

 Nhưng xét về mặt bản chất, mục đích của giới là không sai khác. Đức Phật chế định ra giới luật để phòng hộ các căn môn, để điều phục những sai trái của ba nghiệp: thân, khẩu, ý; để thân tâm có cơ hội thoát ly khổ đau của sanh tử luân hồi và trở về sống an lạc, thanh tịnh của tự tánh. Khi ra tiếp xúc với đời, giới sẽ bảo vệ để một Tỳ-kheo không đánh mất phẩm hạnh. Đối với Tăng đoàn, giới nhằm điều phục và tạo sự hòa hợp, đoàn kết, thanh tịnh.

Một Tu sĩ khi được Giáo hội bổ nhiệm và giao phó quản lý một ngôi chùa thì người Tu sĩ đó được gọi là Trú trì. Điều này có nghĩa là, để trở thành một vị Trú trì, trước hết, phải là một Tu sĩ đầy đủ giới hạnh, trung thành với lý tưởng giải thoát giác ngộ, hạnh nguyện hóa độ chúng sanh. Hay nói cách khác, ngoài những gì một Tăng ni cần có: kỹ năng thuyết giảng hoằng pháp, kỹ năng giao tiếp xã hội, thông tường nghi lễ,…, thì vị Trú trì phải có thêm kỹ năng ứng xử để thiết lập tốt các mối quan hệ giềng mối đối với Phật tử các giới, đối với các cấp giáo hội, và đối với chính quyền nhà nước nếu muốn hoàn thành tốt sự nghiệp hoằng truyền chánh pháp tại địa phương sở tại.
Vị Tăng sĩ Trú trì muốn có mối quan hệ tốt đối với các cấp chính quyền, nhà nước thì họ phải có thái độ tôn trọng tối đa hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp và pháp luật ở ngoài đời nó cũng ngang bằng với giới luật ở trong đạo. Chấp hành đúng pháp luật sẽ giúp cho Trú trì hành xử đúng mực và tu hành không sợ hãi, hiểu biết pháp luật sẽ giúp Trú trì hướng dẫn chúng Tăng tu hành, giúp cho Phật tử sinh hoạt không phạm pháp. Có như thế Phật giáo mới hoàn thành sứ mệnh “Hộ quốc an dân”. Đối với các cấp Giáo hội, vị Trú trì phải thông suốt các điều luật và hiến chương mà Giáo hội ban hành, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của các cấp Giáo hội trong công việc Phật sự chung nhằm xây dựng Tăng-già thanh tịnh và hòa hợp. 

Một công việc của vị Trú trì không thể thiếu đó là phải chăm sóc ngôi chùa, bởi vì ngôi chùa là một cơ sở hạ tầng của Giáo hội, nó quyết định sự tồn tại và phát triển của một cơ sở Phật giáo tại địa phương. Tổ chức Giáo hội mạnh hay yếu, đều tùy thuộc vào những cơ sở Phật giáo đó mạnh hay yếu và những vị Trú trì tại những cơ sở đó tổ chức và hướng dẫn Phật tử mình tu có tốt hay không mà thôi.

Đất nước Việt Nam ngày nay đang chịu nhiều tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và những ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước đã kéo theo sự băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống biểu hiện qua lối sống xa hoa, vô độ, trái với thuần phong mỹ tục trong tuổi trẻ. Thái độ coi thường những giá trị truyền thống là nguyên nhân làm gia tăng các tệ nạn xã hội, đời sống vật chất thịnh hành đến cực điểm là nguyên nhân làm cho đạo đức con người bị băng hoại. Sự băng hoại dần dần lan rộng khắp xã hội và mon men đến cả chốn thiền môn. Bằng vai trò và trách nhiệm, vị Trú trì cần phải kiện toàn cả về nội điển lẫn ngoại điển, cả về tư cách lẫn trách nhiệm, cả hoằng pháp lẫn hộ pháp, tất cả đều phải như pháp tu hành, để làm hành trang dấn thân và xả thân cho đời, cho đạo bằng cái tâm chân thật đến với mọi người, nếu không sẽ trở thành người phi đạo đức, làm tổn thương đến đạo và làm đổ vỡ sự nghiệp của chính mình.

Như pháp tu hành không nằm ngoài giới luật, Thánh đạo tám nghành lấy chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là đầu tiên, Tam vô lậu học, giới là điều kiện tiên quyết. Những nguyên tắc cơ bản của giới không nằm đâu xa, ngay trong bài kệ Giới kinh của đức Bổn sư Thích Ca Thế Tôn:

Thiện hộ ư khẩu ngôn

Tự tịnh kỳ chí ý

Thân mạc tác chư ác

Thử tam nghiệp đạo tịnh

Năng đắc như thị hành

Thị đại tiên nhơn đạo.
Vâng! Chỉ cần thanh tịnh ba nghiệp, có nghĩa là thân không sát đạo dâm, khẩu không vọng ngôn ỷ ngữ lưỡng thiệt, ý không tham sân si hay chỉ có hai việc ác và thiện. Tránh ác làm lành (phòng phi chỉ ác hay chỉ ác tác thiện) đó là điều không thể khác hơn trong mọi hành xử và mọi thời không của một vị Trú trì.
Bất luận ở vào giai đoạn nào của lịch sử, để truyền thừa mạng mạch Phật giáo, vị Trú trì đều là người trực tiếp đứng ra nhận lãnh trọng trách tiếp Tăng độ chúng, trao truyền giáo điển, truyền đạt tinh hoa, chuyển hóa tâm thức cho môn đồ của mình. Đối với Phật tử các giới vị trú trì cần phải nắm bắt các vấn đề xã hội, hiểu được tâm lý lứa tuổi, biết lắng nghe và cảm thông chia sẻ, đối nhân xử thế sao cho phù hợp. Để làm được tất cả điều này, vị Trú trì phải đem hết cả tâm lẫn lực của mình. Tâm và lực thành tựu không phải từ sự vận dụng những thủ thuật, kỷ xảo của thế gian, mà phải bằng chính công hạnh tu tập giới luật của tự thân và gia trì của Tăng-già.
Tăng già không có giới luật thì Tăng-già tan rã, tự thân không nghiêm trì giới luật thì công hạnh tu hành không thành tựu. Vậy “Trú pháp Vương gia, trì Như lai tạng” như là bí quyết khi ra gánh vác trọng trách của một vị Trú trì.
Thí như minh nhãn nhơn 
Năng tỵ hiểm ác đạo

HT. Thích Quang Nhuận (PGH)

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 379
  • Khách viếng thăm: 365
  • Thành viên online: 1
  • Máy chủ tìm kiếm: 13
  • Hôm nay: 88562
  • Tháng hiện tại: 2828276
  • Tổng lượt truy cập: 88632879
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012