Tăng thượng tâm

Đăng lúc: Thứ hai - 27/11/2017 04:40 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Đạo Phật xác nhận khả năng giác ngộ có sẵn trong mỗi người và nhấn mạnh đến sự thăng tiến giới đức, tâm đức và tuệ đức như là phương pháp hoàn thiện nhân tính, giúp con người hoàn thiện chính mình, hoàn thiện mục tiêu nhân sinh, tức thành tựu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, đạt đến cứu cánh giác ngộ hay thể nhập Niết-bàn, chấm dứt hoàn toàn khổ đau.

 
Tăng thượng tâm (Adhicitta) là một thuật ngữ Phật học dùng để nói về sự tiến triển hay thăng tiến của tâm thức trong quá trình thực hành pháp giác ngộ của Phật gồm ba khía cạnh phát triển các phẩm chất tự nội, đó là Tăng thượng giới (Adhisìla), Tăng thượng tâm (Adhicitta), Tăng thượng trí tuệ (Adhipannà).   

Đạo Phật xác nhận khả năng giác ngộ có sẵn trong mỗi người và nhấn mạnh đến sự thăng tiến giới đức, tâm đức và tuệ đức như là phương pháp hoàn thiện nhân tính, giúp con người hoàn thiện chính mình, hoàn thiện mục tiêu nhân sinh, tức thành tựu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, đạt đến cứu cánh giác ngộ hay thể nhập Niết-bàn, chấm dứt hoàn toàn khổ đau. Tăng thượng giới là sự phát huy nếp sống đạo đức hướng thượng phục vụ cho mục đích giác ngộ. Tăng thượng tâm là sự phát huy tâm thức trong sáng thanh tịnh đáp ứng mục tiêu đoạn trừ các lậu hoặc. Tăng thượng trí tuệ là sự phát huy năng lực sáng suốt sắc bén của tâm thức đưa đến giác ngộ, giải thoát tham-sân-si, thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, chấm dứt khổ đau. Tăng thượng tâm hay sự phát triển tâm thức thông qua thiền định được xem là một trong ba bước phát triển quan trọng ấy.
 
Theo quan niệm của đạo Phật thì để thực hiện Tăng thượng tâm, người tu học cần xây dựng cho mình một nền tảng đạo đức vững chắc, nghĩa là cần phải có một đời sống chân chánh hiền thiện thể hiện qua việc từ bỏ thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, song song với một lối sống thiểu dục tri túc nhằm hạn chế và loại trừ năm yếu tố tiêu cực của tâm thức gồm tham dục, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo hối và nghi ngờ được gọi là năm triền cái (nìvarana), tức năm thứ chướng ngại làm ô nhiễm tâm và làm yếu ớt trí tuệ. Đây là các điều kiện căn bản và quan trọng để thực hiện Tăng thượng tâm, vì tâm chỉ đạt đến tiến bộ và phát triển khi nào nó đã thoát khỏi các lề thói xấu ác vị kỷ lâu ngày đeo bám vào nó. Vì thế kinh điển đạo Phật thường nhấn mạnh đến việc làm trong sạch nội tâm trước khi mô tả các cấp độ phát triển của tâm thức:
 
“Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa, tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên. Từ bỏ trạo cử hối quá, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử, hối tiếc. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp”. (1)
 
Tâm vốn trong sáng thanh tịnh, ví như bát nước không khấy đục, có thể được vận dụng để nhận diện và làm trong sạch các cấu uế nội tâm hướng đến tự do, giải thoát; chỉ do năm triền cái đeo bám lâu ngày mà nó trở nên mờ ám và ô nhiễm, không còn sáng suốt để định hướng một lối sống tốt đẹp. Vì vậy, muốn phát triển tâm thức hay thực hiện Tăng thượng tâm thì việc trước tiên là phải loại bỏ năm triền cái - tham dục, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi - khiến cho tâm trở lại trong sáng thanh tịnh:
 
“Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không trộn lẫn với thuốc nhuộm màu đỏ tía, hay màu xanh, hay màu vàng, và ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị dục tham xâm chiếm, không bị dục tham chi phối, như thật rõ biết sự xuất ly dục tham đã khởi lên; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích cả hai.
 
Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước sôi không bị lửa đun sôi, không sôi lên sùng sục, không nổi lên cuồn cuộn. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết được và thấy được. Cũng vậy, này Bà- la-môn, khi trú với tâm không bị sân xâm chiếm, không bị sân chi phối, như thật rõ biết sự xuất ly sân hận đã khởi lên; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích cả hai.

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không bị rong rêu che phủ. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm, không bị hôn trầm thụy miên chi phối, như thật rõ biết sự xuất ly hôn trầm thụy miên đã khởi lên; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích cả hai.
 
Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không bị gió thổi, không bị dao động, không bị chấn động, không bị nổi sóng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết được và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị trạo hối miên xâm chiếm, không bị trạo hối chi phối, như thật rõ biết sự xuất ly trạo hối đã khởi lên; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích cả hai.
 
Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước thuần tịnh, trong sáng, không bị khuấy động, đặt giữa ánh sáng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị nghi hoặc xâm chiếm, không bị nghi hoặc chi phối và như thật biết sự xuất ly ra khỏi nghi hoặc đã khởi lên; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích cả hai”. (2)
 
Như vậy, để tâm được tiến triển hay đi đến tăng thượng thì trước hết cần phải gột rửa cho tâm được trong sạch, không cấu uế, không còn bị tham dục, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi ngờ làm cho mê mờ và ô nhiễm. Đó là một tâm thức không còn bị tác động bởi các hành vi bất thiện, đã trừ bỏ năm triền cái, thoát ly mọi ám ảnh và mệt mỏi, mọi tù ngục và trói buộc, mọi lo lắng và sợ hãi, đạt đến hân hoan, khoan khoái, nhẹ nhàng, thanh thản, tựa như người mắc nợ cảm thấy thoải mái nhẹ nhõm khi thoát khỏi nợ nần, như người bệnh thoát khỏi bệnh tật, như người tù được phóng thích, như người nô lệ được tự do, như người buôn lớn đi qua sa mạc được an toàn vậy (3). Cái tâm ấy giờ đây đã trở nên hiền thiện trong sáng, đã nhận rõ về một lẽ sống tốt đẹp lợi lạc, sẵn sàng để tiếp nhận sự tu tập tăng thượng. Cách thức làm cho tâm thức phát triển hay phương pháp khiến cho tâm đi đến tăng thượng được nhấn mạnh như sau:
 
“Sau khi đã đoạn trừ năm triền cái này, những thứ làm ô nhiễm tâm tư, làm yếu ớt trí tuệ, vị Tỷ- kheo ly dục, ly ác, bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không có hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.
 
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tĩnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “xả niệm lạc trú”, chứng và trú Thiền thứ ba. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.
 
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị ấy thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần”. (4)
 
Trên đây là bốn cấp độ thăng tiến tâm thức đi kèm với bốn mức độ an lạc sâu lắng mà một hành giả có được nhờ công phu hành thiền hay sự đào luyện và chuyển hóa nội tâm. Bốn trạng thái hạnh phúc an lạc này là kết quả lợi lạc trước mắt mà người hành thiền có thể thành tựu nhờ công phu thiền định. Hẳn nhiên, những người học Phật hiểu rất rõ thiền định Phật giáo đóng vai trò quan yếu trong việc khai mở tuệ giác giải thoát và do vậy mọi nỗ lực thiền định đều nhắm đến phục vụ cho mục đích cao cả ấy mà không chỉ là sự sở hữu những cảm nghiệm hạnh phúc an lạc nhất thời. Rõ ràng, người Phật tử tu thiền không phải để tìm kiếm các cảm giác hạnh phúc an lạc ở trong đó. Nhưng như là hệ quả không trông đợi, sự thăng hoa tâm thức ở trong thiền định là chắc chắn và kinh nghiệm hạnh phúc an lạc được xem như là kết quả hết sức tự nhiên của công phu hành thiền. Nó là hệ quả tất yếu của quá trình thanh lọc tâm và chuyển hóa cảm thọ qua các cấp độ thiền định. Chẳng hạn, trạng thái hỷ lạc ở thiền thứ nhất phát sinh cơ bản do rời bỏ các dục hay sự đắm say các lạc thú thế gian. Trạng thái hỷ lạc ở thiền thứ hai phát sinh trên nền tảng tâm chuyên chú định tĩnh. Trạng thái xả niệm lạc trú ở thiền thứ ba sinh khởi cơ bản do ly hỷ trú xả. Trạng thái xả niệm thanh tịnh ở thiền thứ tư hiện diện do xả lạc xả khổ. Kinh Phật cũng nói cho chúng ta biết bốn cấp độ thăng tiến tâm thức đi kèm với bốn cấp độ an lạc sâu lắng này chính là chìa khóa khai mở tuệ giác giải thoát hay tri kiến đưa đến đoạn trừ các lậu hoặc, hướng đến giác ngộ, chấm dứt hoàn toàn mọi khổ đau. Tri kiến ấy gồm ba loại (tam minh), tập trung nhận diện sâu sắc về khổ đau và làm lớn mạnh ý chí đoạn tận khổ đau, được mô tả như sau:
 
“Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây”. Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.
 
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi Trời, trên đời này. Như vậy, vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ.
 
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến Lậu tận trí. Vị ấy biết như thật: “Đây là khổ”, biết như thật: “Đây là nguyên nhân của khổ”, biết như thật: “Đây là sự khổ diệt”, biết như thật: “Đây là con đường đưa đến khổ diệt”, biết như thật: “Đây là những lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là các lậu hoặc diệt”, biết như thật: “Đây là con đường đưa đến các lậu hoặc diệt”. Vị ấy nhờ biết như vậy, nhờ thấy như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không có trở lui đời sống này nữa”. (5)
 
Nhìn chung, Tăng thượng tâm là bước tu tập quan trọng trong tiến trình khai mở tuệ giác đưa đến diệt trừ các lậu hoặc, chấm dứt mọi hệ lụy khổ đau của sự kiện sinh tử luân hối. Đó là hướng đi của tâm thức chân chánh hiền thiện, rời xa năm triền cái (tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi), thành tựu năm Thiền chi (tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm), đạt đến chỗ tịch tĩnh và trong sáng, thấy rõ thực tại vô thường, khổ, vô ngã của hết thảy các pháp và các hiện tượng, có năng lực buông bỏ và dứt sạch các tập quán ái luyến và chấp thủ, đạt đến cứu cánh giải thoát, cứu cánh an lạc.
 
Theo kinh nghiệm tu chứng của bậc Giác ngộ thì mặc dù được phân thành ba giai đoạn phát triển gồm giới đức, tâm đức, tuệ đức, tiến trình tu tập hướng đến hoàn thiện con người, hoàn thiện nhân tính gồm Giới-Định-Tuệ là một thể thống nhất không tách rời, cái này giúp hỗ trợ phát triển và hoàn thiện cái kia và cùng nhắm đến một mục tiêu chung là sự đoạn tận các lậu hoặc, chứng đắc cứu cánh giác ngộ. Trong cách nói của Ngài, Đức Thế Tôn thường nhấn mạnh: “Này các Tỷ-kheo đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu”.(6)
 
Nói cách khác, Tăng thượng tâm (Adhicitta) được nói đến trong đạo Phật chính là Thiền định Phật giáo (Bhàvanà) được thực hiện trên nền tảng giới đức thanh tịnh và được soi sáng bởi trí tuệ hướng đến mục đích giác ngộ. Chính Thiền định được giới đức hỗ trợ và được trí tuệ soi sáng như vậy mới có khả năng giúp cho người thực hành phát triển tâm thức một cách đúng đắn theo nghĩa một tâm tư được làm cho trong sạch, lớn mạnh và sáng suốt đủ để thoát khỏi các lậu hoặc (dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu), cắt đứt mọi gốc rễ khổ đau (tham-sân-si), chấm dứt hoàn toàn mọi hệ lụy khổ đau. Thiền định Phật giáo (Bhàvanà) được mệnh danh là Tăng thượng tâm (Adhicitta), được tu tập và phát triển với ý nghĩa và mục đích rõ ràng như vậy.
 
-------------------------------

1. Đại kinh Đoạn tận ái, Trung Bộ.
 
2. Kinh Bà-la-môn Sangàrava, Tăng Chi Bộ.
 
3. Đại kinh Xóm ngựa, Trung Bộ.
 
4. Đại kinh Xóm ngựa, Trung Bộ.
 
5. Đại kinh Xóm ngựa, Trung Bộ.
 
6. Kinh Đại bát Niết-bàn, Trường Bộ.
 
Tác giả bài viết: Tâm Hương Phúc
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 356
  • Khách viếng thăm: 351
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 88562
  • Tháng hiện tại: 2823626
  • Tổng lượt truy cập: 88628229
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012