Tập Tư Duy Theo Hướng Tích Cực

Đăng lúc: Thứ ba - 11/02/2014 21:39 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
Tư duy tích cực còn giúp nâng cao năng lực của bản thân để có thể hình thành nên những kỹ năng sống, kỹ năng làm việc rất hữu ích và có giá trị cho cuộc sống.

Mọi vấn đề trong cuộc sống đều luôn có hai mặt (tốt – xấu, thiện – ác, khó – dễ, may mắn – xui rủi…). Nếu chúng ta biết tư duy theo hướng tích cực, nghĩ đến những cái tốt, cái đẹp, nghĩ đến những vấn đề có tính lạc quan, có xu hướng tích cực, có tính xây dựng thì lòng mình sẽ thấy nhẹ nhàng và thanh thản. Ngược lại, nếu chúng ta tư duy theo chiều hướng tiêu cực, lúc nào cũng nhìn thấy những khuyết điểm, sai lầm, những thói xấu của người khác hay những điều bi quan, chán nãn… thì lòng chúng ta sẽ nặng nề, sẽ bực bội, uất ức và thất vọng. Đôi khi, vì sự tư duy tiêu cực mà chúng ta tự làm khổ chính mình, tự dày vò mình và ngập sâu trong tâm trạng buồn khổ.

Positive-thinking.jpg

Theo quan điểm của đạo Phật thì sự suy nghĩ, hay nói cách khác là ý niệm của chúng ta có vai trò quan trọng, quyết định đến tính chất của lời nói và hành vi, ảnh hưởng rất nhiều đến trạng thái tâm lý của bản thân, đến cuộc sống của chúng ta. Chính vì vậy mà trong kinh Pháp Cú Đức Phật đã dạy rằng: “Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói năng và hành động với tâm ý thanh tịnh thì sự an lạc sẽ theo ta như bóng không rời hình”; và ngược lại:“Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói năng và hành động với tâm ý ô nhiễm thì sự khổ đau sẽ theo ta như bánh xe lăn theo chân con vật kéo”. (Kinh Pháp Cú, kệ 1 và 2). Do vậy, chúng ta cần phải tập kiểm soát tâm của mình, kiểm soát những ý niệm sinh khởi ở trong tâm và cố gắng thay thế những ý nghĩ tiêu cực, bất thiện bằng những ý nghĩ tích cực và thiện lành để từ đó có những hành vi tốt đẹp, những lời nói ái ngữ trong giao tiếp và hành xử với mọi người, đem đến niềm an vui, hạnh phúc cho mọi người, và quan trọng là để cho lòng chúng ta được bình yên, thanh thản.

Dân gian Việt Nam có câu “trong cái rủi có cái may”, trong những hoàn cảnh bi đát đến thế nào đi nữa, nếu chúng ta biết cách nhìn thì chắc chắn sẽ nghĩ ra được những khía cạnh tích cực của vấn đề, những “cái may” trong hoàn cảnh bi đát ấy. Chẳng hạn, trong công việc, nếu có ai đó cản trở hoặc gây khó khăn cho chúng ta, thay vì buồn phiền, trách móc, chúng ta hãy nghĩ rằng nhờ người này mà ta có cơ hội để tập hạnh nhẫn nhục, nhờ người này mà ta phấn đấu vươn lên, phát huy hết khả năng của mình và học hỏi được nhiều điều hay… Nếu nghĩ được như thế thì chẳng những chúng ta không oán trách, ghét bỏ họ mà còn thầm cảm ơn họ và có thiện cảm với họ. Dù trong hoàn cảnh nào, nếu chúng ta nhìn thấy những khía cạnh tích cực, nghĩ đến những mặt tốt của nó thì tinh thần của chúng ta sẽ lạc quan và phấn chấn hơn. Trong cuộc sống đời thường, đôi khi chúng ta cũng nói ra những câu nói có tính tích cực để tự an ủi mình và cũng là để trấn an người khác. Chúng ta cần phát huy hơn nữa trong lối tư duy tích cực đó. Có một lần tôi đi thăm một người bạn bị tai nạn giao thông dẫn đến bị gãy chân, tôi an ủi bạn và bày tỏ sự đồng cảm với điều không may xảy ra với bạn. Bạn tôi trấn an tôi rằng: “Mình bị như thế là còn may mắn lắm đấy. Chắc là phước của mình cũng lớn, nếu không thì với ti nạn như thế mình đã bị nặng hơn cơ, thậm chí là mất mạng”. Nghe bạn nói vậy tôi mừng cho bạn. Chính nhờ lối suy nghĩ tích cực ấy mà tinh thần của bạn tôi luôn phấn chấn, vui vẻ chứ không buồn rầu, ủ rủ và vết thương cũng nhờ thế mà sớm được lành lặn.

Một khía cạnh khác của vấn đề tư duy tích cực là chúng ta hãy nhìn vào những mặt tốt, những ưu điểm, thế mạnh của người khác và hãy nghĩ đến điều tốt, những công lao của người khác. Con người ai cũng có tính thiện, dù họ xấu xa đến mấy cũng có những mặt tốt. Nếu chúng ta biết nhìn một cách tinh tế thì sẽ thấy được những tính thiện, những mặt tốt của họ. Một khi chúng ta nhìn thấy được những tính thiện, những mặt tốt của người khác thì chúng ta sẽ dễ dàng cảm thông với họ, có thiện cảm với họ.

Chúng ta thường có một thói quen là hay nhìn thấy lỗi của người khác, thấy nhược điểm của người khác và thậm chí là thích nói xấu, xỉa xói lỗi của người khác, trong khi chúng ta lại quên nhìn lại bản thân mình và bao che, biện minh cho những sai lầm, khuyết điểm của mình. Thấy được thực tế như thế nên chư tổ đã dạy rằng:

“Các nhân tự tảo môn tiền tuyết

Mạc quản tha nhân ốc thượng sương”  

(Mỗi người hãy tự quét sạch tuyết trước cửa nhà minh

Không quan tâm đến việc sương đọng lại trên nhà người khác).

Mỗi người hãy tự hoàn thiện bản thân mình, không nên chú tâm tìm lỗi của người khác. Chúng ta càng tìm lỗi của người khác thì càng thấy phiền lòng, càng nói xấu người khác thì càng gây bất hòa nhau.

Tư duy tích cực đóng vai trò rất quan trong cuộc sống của chúng ta, có thể góp phần làm thay đổi quan điểm sống và phương cách sống, giúp cho chúng ta sống an vui và hạnh phúc hơn. Theo những nghiên cứu trong tâm lý học, tư duy tích cực đem lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích, góp phần phát huy những năng lực tiềm tàng trong con người chúng ta, tìm thấy được nhiều giải pháp tích cực và hiệu quả cho những tình huống bế tắc, những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Tư duy tích cực còn giúp nâng cao năng lực của bản thân để có thể hình thành nên những kỹ năng sống, kỹ năng làm việc rất hữu ích và có giá trị cho cuộc sống.

Để rèn luyện thói quen tư duy tích cực, trong đời sống hằng ngày, chúng ta hãy luôn nhìn lại bản thân mình, nhìn nhận những may mắn, hạnh phúc mà mình đang có để cảm thấy vui và hạnh phúc vì những điều đó. Chúng ta thường cho rằng mình kém may mắn, mình khổ đau, bất hạnh. Nếu những ý niệm đó sinh khởi trong tâm ta thì chúng ta hãy nhìn xuống những người cùng khổ, những hoàn cảnh khổ đau, những con người bất hạnh trong xã hội, so với họ thì chúng ta thật sự may mắn, hạnh phúc hơn họ rất nhiều. Thật ra, dù cho chúng ta có thế nào đi nữa thì vẫn có những điều đáng để cho chúng ta tự vui mừng về bản thân mình, chẳng hạn: dù cho chúng ta có nghèo khó thì chúng ta cũng có thể tự mừng vì chúng ta có một thân hình lành lặn, không bị tật nguyền; dù cho chúng ta có bị thiếu tay, què chân thì cũng có thể tự mừng cho mình vì còn có đôi mắt sáng để nhìn… Khi chúng ta biết tự vui mừng với những gì mình có, so sánh mình với những người kém may mắn hơn thì chúng ta không còn có những ý nghĩ buồn chán, than trời trách đất về hoàn cảnh hiện tại của mình nữa, nhờ vậy mà chúng ta sống lạc quan, yêu đời hơn.

Bên cạnh đó, để hình thành lối tư duy tích cực, chúng ta nên thực tập phương pháp thiền chánh niệm để biết cách theo dõi hơi thở, quán xét tâm ý của mình, để kịp thời nhìn thấy được những ý niệm sinh khởi trong tâm thức của mình để từ đó biết cách hạn chế những ý niệm tiêu cực và phát huy những ý niệm tích cực, tập sống với hiện tại, không tiếc nuối hay buồn rầu vì quá khứ và cũng không ảo vọng về tương lai, khoảnh khắc của hiện tại là khoảng khắc duy nhất và quan trọng nhất của đời người, một khi khoảnh khắc ấy trôi qua thì không bao giờ trở lại nữa. Ý thức như vậy để chúng ta tập sống trọn vẹn trong hiện tại, để không phải sống trong sự ân hận, nuối tiếc.

Tập mỉm cười cũng là một cách thức để vực dậy tinh thần của mình, giúp mình vượt qua những tâm trạng buồn phiền, chán nãn, giúp giải tỏa bớt căng thẳng và thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn. Mỗi ngày chúng ta cố gắng mỉm cười nhiều lần. Vào những lúc căng thẳng trong cuộc sống, trong công việc, nếu chúng ta có thể mỉm cười được thì chúng ta sẽ thấy được ngay hiệu quả mầu nhiệm của nụ cười.

Chọn người để giao tiếp, để chia sẻ cũng là cách giúp chúng ta có thêm những ý nghĩ tích cực và hạn chế bớt những ý nghĩ tiêu cực. Những lúc chúng ta đang có chuyện buồn phiền, đang gặp phải những vấn đề rắc rối, nan giải trong cuộc sống, chúng ta nên tiếp xúc, chia sẻ với những người sống lạc quan, biết lắng nghe và đưa ra những lời chia sẻ, góp ý có tính xây dựng, có lý có tình để chúng ta có thể lạc quan hơn và tìm ra những giải pháp tốt cho tình huống của mình.

Thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi cả cách sử dụng từ ngữ trong suy nghĩ của mình cũng góp phần giúp chúng ta hình thành lối tư duy tích cực, hạn chế những ý nghĩ tiêu cực. Trong khi suy nghĩ, chúng ta nên nghĩ đến những vấn đề tích cực, những xu hướng tích cực và có triển vọng tốt, chẳng hạn: Khi bạn mới đảm nhiệm một công việc hay một nhiệm vụ mới, thay vì nghĩ rằng: “Mình sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn” thì hãy nghĩ rằng: “Mình sẽ gặp nhiều thử thách, nếu mình vượt qua được những thử thách ấy thì nhiều cơ hội tốt sẽ đến với mình”. Trong việc sử dụng từ ngữ thì nên sử dụng những từ ngữ mang tính tích cực, không nên dùng những tư ngữ mang tính tiêu cực, sử dụng câu từ ở thể khẳng định thay thế cho những câu từ ở thể phủ định. Vì dụ: Khi bạn đang buồn phiền, thay vì nghĩ rằng: “Tôi không muốn buồn phiền”, bạn hãy nghĩ: “Tôi muốn được vui vẻ, hạnh phúc”. Lối tư duy tích cực này sẽ tác động vào trong tiềm thức của chúng ta và tạo nên một động lực, một sức mạnh tiềm tàng giúp cho chúng ta dễ dàng vượt qua những khó khăn, thử thách và gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp.

Đi thăm các bệnh viện, các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, người tàn tật, người già neo đơn… cũng là một giải pháp tốt giúp chúng ta vượt qua tâm trạng buồn phiền, chán chường và khổ đau trong hiện tại. Tại vì, khi chúng ta đến thăm những nơi ấy, chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, những số phận éo le, những nỗi đau mà họ đang gánh chịu thì chúng ta sẽ thấy những khó khăn, buồn phiền mà ta đang đối mặt không đáng là gì so với họ. Hơn nữa, khi đến thăm bệnh nhân trong bệnh viện, hoặc thăm các trung tâm từ thiện, chúng ta tặng quà cho họ hoặc giúp đỡ họ, chúng ta đem đến niềm vui và hạnh phúc cho họ, nhìn thấy họ vui cười, họ hạnh phúc thì phiền muộn trong lòng ta cũng trút bỏ được phần nào.

Một điều quan trọng khác có thể giúp ta sống nhẹ nhàng, thanh thản là chúng ta phải luôn ý thức một điều rằng, không có ai là người hoàn thiện cả, cho nên hãy bao dung và thông cảm trước những lỗi lầm, thiếu sót, khuyết điểm của người khác. Chính bản thân mình cũng không hoàn thiện, cũng có lúc phạm phải sai lầm, tại sao chúng ta lại yêu cầu người khác phải thập toàn, thập mỹ được?

Cuộc sống vốn dĩ đã có quá nhiều khổ đau và muộn phiền, đừng tư duy theo chiều hướng tiêu cực để tự làm khổ mình, tự hại mình thêm nữa. Hãy tư duy theo hướng tích cực, hãy nghĩ tốt về nhau, hãy bao dung cho nhau để lòng mình thanh thản và cuộc sống luôn tươi vui.

ThS. Hoàng Minh Phú

Theo NS Giác Ngộ, số tháng 2/2014

 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 374
  • Khách viếng thăm: 367
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 135167
  • Tháng hiện tại: 2363509
  • Tổng lượt truy cập: 91255082
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012