Từ bi là gì?

Đăng lúc: Thứ ba - 22/10/2019 19:17 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Trong Phật giáo, tâm từ bi được đánh giá là tâm lý tối thượng, hành động từ bi là hành động thiện tích cực nhất trong mọi hành động. Bản chất từ bi là vẽ đẹp, là niềm hạnh phúc cao thượng nhất. Từ bi là suối nguồn tươi mát, là nền tảng căn bản cho con đường tâm linh.

 
Từ bi là gì?
 
Hiểu từ bi theo Thắng Pháp Tập Yếu Luận:
 
Từ (Mettà) có gốc từ ngữ căn mida là làm cho dịu, thương yêu. Chính là sự mong ước, khẩn nguyện cho hết thảy chúng sanh an lành. Mettà không phải là tình thương vật chất, cũng không phải là cảm tình riêng tư. Mettà bao trùm toàn thể chúng sanh không trừ một ai. Cùng tột của Mettà là sự thể nhập bản ngã với tất cả chúng sanh (Sabbatthtà).
 
Thực ra, tâm từ không có tâm riêng biệt trong các loại tâm . Tâm từ này là một trong những phận sự biết đối tượng của tâm sở vô sân (Adosacetasika). Tâm sở vô sân thuộc loại tâm sở tịnh hảo (sobhanacetasika) đồng sanh với tất cả tịnh hảo tâm. Nếu nó đồng sanh với tịnh hảo tâm không biết đến đối tượng chúng sanh là đáng yêu, đáng mến, đáng kính thì tâm vô sở sân ấy không gọi là tâm từ. Nếu biết đối tượng chúng sanh đáng yêu, đáng mến, đáng kính thì tâm sở vô sân ấy gọi là tâm từ.
 
Bi (Karunà), từ ngữ căn Kar (làm) + Unà là cái làm cho tâm sở người thiện thêm rung động trước sự đau khổ của chúng sanh; cái làm tiêu tan sự đau khổ của chúng sanh. Đặc tính của karunà là thương xót trước sự đau khổ của người khác, cầu mong diệt trừ sự đau khổ của người khác.
 
Cả từ và bi đều đi chung với chữ Citta: Tâm, sự hiểu biết.
 
Đối tượng của tâm “Từ” là chúng sanh đáng yêu, đáng mến, đáng kính (piyamanapasattapannatti); Còn đối tượng của tâm “Bi” là chúng sanh đang bị đau khổ (dukkhitasattapanntti).
 
Nếu xét theo tâm lí riêng, thì tâm “Từ” và tâm “Bi” không bao giờ đi đôi, không đồng sanh với nhau, bởi vì chúng có đối tượng chúng sanh khác nhau. Cho nên khi nào có tâm “Từ” thì không có tâm “Bi”; ngược lại khi nào có tâm “Bi” thì không có tâm ‘Từ”. Nhưng nếu xét theo tâm lí chung thì “Từ” và “Bi” đều không câu hữu với “Xả” vì chúng lấy chúng sanh làm đối tượng, nên không khởi trong các siêu thế tâm vì siêu thế tâm lấy Niết Bàn làm đối tượng.
 
Hiểu từ bi theo Thanh Tịnh Đạo Luận:
 
Có thể phân tích tóm lược từ bi theo Thanh tịnh Đạo Luận như sau:
 
Về ý nghĩa: từ có nghĩa là hòa tan, hóa giải những uẩn kết; bi là tiêu hủy những nỗi khổ của người khác.
 
Về đặc tính: từ đem lại sự an lạc, làm cho ác tâm lắng dịu; bi có đặc tính làm giảm bớt đau khổ và triệt tiêu sự tàn bạo.
 
Về mục đích: từ diệt tâm sân; bi ngăn tâm ác.
 
Về chướng ngại: tham là chướng ngại gần của từ, sân là chướng ngại xa của từ; liên hệ với gia đình là chướng ngại gần của bi, tàn bạo là chướng ngại xa của bi.
 
Về giới hạn: từ là cơ sở cho sự giải thoát nhờ tịnh hướng; bi là điểm tựa căn bản cho không vô biên xứ.
 
Từ bi theo Kinh Đại Bảo Tích:
 
Chúng sanh duyên từ: Từ bi là lòng thương  tất cả chúng sanh theo lẽ thường.
 
Pháp duyên từ: Là kết quả của việc chứng ngộ được tính vô ngã pháp, là quả vị của tất cả những vị Thanh văn, Duên giác và Bồ Tát bước vào địa vị thứ nhất của thập địa.
 
Vô duyên từ: Là tấm lòng thương yêu vô phân biệt, vô điều kiện của một vị Phật.
 
Hiểu theo lối chiết tự chữ Hán:
 
Chữ từ (慈), trên là chữ tư (玆) nói theo văn bạch thoại là chữ  như thị (如是), nghĩa là như vậy; dưới là chữ tâm (心). Từ là tâm như vậy. Tâm như vậy là khi thấy niềm vui hay nỗi khổ của người khác, đều có sự cảm nhận tương đương như vậy. Khi thấy người khác vui  thì cầu mong cho mọi người có niềm vui. Khi người khác khổ thì mong muốn cho họ chấm dứt sự khổ.
 
Chữ Bi (悲), trên là chữ phi (非), là không phải; dưới là chữ tâm (心). Bi là chữ phi tâm (非心). Phi tâm là không ngừng cải cách, chuyển hóa cái tâm phân biệt, ích kỉ của ta. Khiến cái tâm đó tiếp cận với “cái tâm như vậy”, tâm có khả năng cảm nhận niềm vui sướng cũng như nỗi khổ đau của người khác. Khi ấy chúng ta mới có được lòng từ bi đích thực. Nếu như không biến đổi được, hoặc không tìm ra được “cái tâm như vậy” thì lòng từ bi của chúng ta sẽ không được chân thật. “Cái tâm như vậy” chính là chân tâm, là Phật tánh, là bản thể thanh tịnh của chúng sanh.
 
Hiểu từ bi theo nhân gian:
 
Trong nhân gian chữ từ bi được hiểu là lòng thiện, lòng thương người, thương vật, không có tính vị kỷ và nhất là hay giúp đỡ người khác lúc khó khăn. Khi những hoàn cảnh cùng khổ xảy ra thì người ta mong ước có vị Bụt với tấm lòng từ bi hiện ra. Cửa chùa được người đời gọi là “cửa từ bi”, bóng dáng của một vị sư được gọi là “bóng từ bi”, lòng hiền từ hay giúp đỡ người khác gọi là lòng từ bi, thậm chí đôi mắt từ bi, đôi môi từ bi. Nói chung những gì có tính năng giúp đỡ hoặc đem niềm vui đến cho người khác đều được gọi là từ bi. Như vậy chữ từ bi là thuần của Phật giáo và được ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp vào tâm trí nhân gian. Nó là niềm tin, là một điều gì đó hiền lành, thân thiện.
 
Như vậy “Từ”, “Bi” vừa là một loại tâm vừa là một loại nhận thức để hành động, vừa là một biểu tượng đẹp đẽ. Cho nên nó vừa là pháp tu tập cho bản thân để thăng hoa tâm linh vừa là pháp hành động để lợi ích cho tha nhân, và cũng vừa là lẽ sống cao đẹp, hạnh phúc cho mọi người.
 
Nhận thấy sự hổ tương mật thiết có tính lợi tha của “Từ” và “Bi” nên Phật giáo Đại thừa đã nêu cao giá trị của chúng thành tinh thần “từ bi” chung trong công cuộc cứu nhân độ thế. Cho nên từ bi thường được hiểu trong tinh thần: “Từ năng dữ lạc, bi viết độ sanh; từ bi nhị tự diệt thiên khiên”; hay “từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc, bi năng bạt nhất thiết chúng sanh chi khổ”. Nghĩa là đặc tính của từ bi thì rất dịu mát, hiền từ, hay mang sự an ổn đến cho chúng sanh. Bởi vì nó có tính tích cực trong việc chia sẻ khổ đau với chúng sanh; mong tất cả được sống an lành và hạnh phúc.
 
Từ bi là cho không nhận, không bị cưỡng bách phải cho, không vì tự ngã, danh tiếng mà cho… Trong Phật giáo, tâm từ bi được đánh giá là tâm lý tối thượng, hành động từ bi là hành động thiện tích cực nhất trong mọi hành động. Bản chất từ bi là vẽ đẹp, là niềm hạnh phúc cao thượng nhất. Từ bi là suối nguồn tươi mát, là nền tảng căn bản cho con đường tâm linh.

 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 434
  • Khách viếng thăm: 399
  • Thành viên online: 1
  • Máy chủ tìm kiếm: 34
  • Hôm nay: 69972
  • Tháng hiện tại: 2789553
  • Tổng lượt truy cập: 88594156
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012