BRVT: Hội thảo "Nói không với Game" khóa hè Phật Quang 2013

Đăng lúc: Thứ tư - 19/06/2013 19:36 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Sáng ngày 16/06/2013, tại Thiền Tôn Phật Quang đã diễn ra một buổi hội thảo chủ đề NÓI KHÔNG VỚI GAME do các em khóa sinh thực hiện chương trình này. Mục đích của buổi hội thảo nhằm giúp các em ý thức sâu sắc về tác hại của game và phát nguyện trước Phật, mỗi em phải là một Chiến sĩ cai nghiện game thực thụ.
Hai ngày trước các em đã học bài NÓI KHÔNG VỚI GAME - phần lý thuyết. Buổi thảo luận này là phần thực hành. Như đã biết, có 4 điều quan trọng mà một người chơi Game đánh mất, đó là: Tiền bạc, Thời gian, Sức khỏe và quan trọng nhất là đạo đức. 

Người dẫn chương trình là thầy Khải Thành.

Thể lệ buổi thảo luận gồm 8 đội (8 Chánh), mỗi đội 5 em đại diện cho các bạn trong Chánh của mình. Mỗi đợt sẽ có 2 đội thảo luận về một tiêu đề. Và một bên sẽ bảo vệ quan điểm "Những lợi ích của game" và một bên sẽ phản biện về mặt tác hại của nó. Nếu đội nào đưa ra lập luận mà không đủ xác đáng thì các bạn bên dưới được quyền trợ giúp.
Mở đầu, Chánh Cần và Chánh Hạnh sẽ thảo luận về tác hại đầu tiên của Game là tốn tiền bạc

- Chánh Cần: Tôi có tiền nên có quyền chơi game, không ai cấm cản tôi được. Mỗi một ngày tôi chơi một ít để giải trí. Tiện ích là chơi game có thể giết thời gian, có trí tuệ, chơi game có thể cho tôi mối lợi, có mối quan hệ bạn bè, xả stress, tập cho tôi có thói quen nhanh nhẹn.

- Chánh Hạnh: Xin hỏi tiền bạc chơi game có phải do bạn làm ra hay là bạn xin tiền của ba mẹ để chơi game. Trong hiện tại bạn dùng tiền chơi game, nhưng mà bạn có nghĩ đến ba mẹ đã làm lụng vất vả để có tiền nuôi mình ăn học, bản thân mình đã không làm ra tiền thì phải biết tiết kiệm, đừng phung phí tiền vào những trò chơi không có lợi cho tương lai của chúng ta, nếu như chúng ta mắc bệnh ghiền. Và khi mà mình đã lạm dụng tiền bạc vào việc chơi game thì không thể nói chơi game mang lại trí tuệ.

- Chánh Cần: Một game thủ khác phản biện lại: Chơi game cũng hái ra tiền vì bán các dụng cụ ảo trên mạng để lấy tiền thật.

- Chánh Hạnh: Đội thuyết phục bám vào ý kiến này để hỏi lại rằng: Số tiền bán được dụng cụ có bằng tổng số tiền điện, tiền mua card để nạp vào hay không. Hay là cách kiếm tiền đó rất hao tốn thời gian của các bạn.

- Chánh Cần: Theo tôi nghĩ quan trọng là do ý thức của người chơi game, tại vì giải trí trò chơi là một nhu cầu quan trọng của con người, thay vì chơi ở ngoài thì nó được phát triển đưa lên những máy vi tính. Chơi game có thể áp dụng các chiến thuật trong chiến đấu ảo vào cuộc sống thật. Có thể lấy mô hình trồng cây để áp dụng bên ngoài.

- Chánh Hạnh: Cũng bằng hình thức phản biện, đội Chánh Hạnh cũng có những lập luận khá vững vàng để thuyết phục những tay game thủ từ bỏ chơi game, nên tham gia những trò chơi giải trí lành mạnh để tránh xao lãng việc học tập và nhiều sai phạm khác, ví dụ như nói dối ba mẹ, làm những điều không tốt, thậm chí gây án mạng để có tiền chơi game. Trong khi game là trò chơi ảo nhưng người nghiện game sẽ mất đi chính cuộc đời thật của mình.

Cứ thế, cuộc tranh luận giữa lợi ích và tác hại của game đối với vấn đề thời gian, sức khỏe và đạo đức diễn ra giữa các Chánh như: Chánh Niệm - Chánh Nguyện; Chánh Trí - Chánh Tín; Chánh Đạo - Chánh Tâm rất sôi nổi, gay cấn. Bên nào cũng đưa ra những dẫn chứng thật thuyết phục để bảo vệ quan điểm của mình. Đôi khi cách lập luận phản biện còn sơ hở, thầy Khải Thành phải củng cố các lập luận của các em, chỉ điểm nói thế nào để thuyết phục được đối phương. Ví dụ đội Chánh Đạo lý luận đạo đức trong game là sự yêu thương, vì những game bán đồ hàng, có những em bé. Hoặc tôi chơi game trồng cây vì tôi yêu thiên nhiên. Lúc đó Chánh Tâm phản biện lại: bạn trồng một cái cây trong thế giới ảo thì bạn tốn bao nhiêu năng lượng? đánh đổi này có tương đồng hay không? nhưng vẫn chưa đưa ra được những hệ lụy đạo đức nên không thuyết phục. 

Một trong những hệ lụy đạo đức khi chúng ta chơi game là bỏ bê học hành, rối loạn thần kinh, lừa gạt bạn bè, sát hại người thân... Chúng ta đang sống trong thế giới thật, có cha mẹ, có người thân, có bạn bè, có những mối quan hệ tình thân, còn trong thế giới ảo chỉ là những hình thức bên ngoài của game mà thôi. Ấy mà chúng ta dại dột bỏ hết tất cả, cứ dồn nén tiền bạc, thời gian vào thế giới ảo. Cuối cùng chúng ta được gì? được bệnh tật, suy đồi đạo đức. Các em sẵn sàng đánh đổi điều đó không? 

Bất cứ cái gì dù tốt đến mấy nếu bị lạm dụng thì đều phản tác dụng. Vấn đề đạo đức trong game nên nhớ, khi chúng ta đã chơi game đến mức độ không dừng lại được thì đạo đức chúng ta sẽ giảm theo. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn các em đến tình trạng bạo lực phạm pháp. Mối nguy ấy không chỉ xảy ra với giới trẻ mà cả người lớn cũng thế, nếu không có đủ bản lĩnh để thoát khỏi sự say mê cuồng nhiệt với chúng. Vì vậy chúng ta nên từ bỏ thế giới ảo trong game để hướng về cuộc sống thật. Trước đây chơi game, các em chỉ biết thắng là vui, không nghĩ tới ai nhưng một khi mình tích cực tham gia các hoạt động xã hội như từ thiện, hay phong trào của lớp hay các hoạt động tình nguyện thì sẽ cảm nhận được cuộc sống với từng cung bậc cảm xúc mà yêu thương cuộc sống này, sống có trách nhiệm với cuộc đời hơn. 

Trong Lớp sinh hoạt hè này, mỗi sáng tập thể dục các em đều hô to 3 khẩu hiệu để huân tập vào tâm thức những điều tốt đẹp nhất suốt đời, đó là nền tảng của đạo đức:

1/ Tu nghĩa là gì? Diệt trừ bản ngã. Trong chơi game thì ngược lại, chơi game là hình thức thỏa mãn tối đa nhất của bản ngã, các em muốn giết ai, giết được liền; các em muốn thắng ai, muốn tiêu diệt ai, muốn vây bủa ai. .. đều được tất cả. Thế là bản ngã các em tăng trưởng một cách tồi tệ nhất. Mà khi bản ngã chúng ta tăng trưởng thì đạo đức sẽ suy giảm theo. Ví dụ trong một tập thể đang thuyết trình mà các em muốn nói thì nói; thầy trên bục giảng đang giảng dạy, bạn bè lên đây ý kiến, phụ huynh đang lắng nghe, còn các em bên dưới cứ việc nói chuyện, chúng ta đang thích gì làm nấy vì bản ngã thì là nguy cơ của hiện tượng đạo đức suy đồi. Như thế là chúng ta đi ngược lại với sự tu mà Sư phụ Trụ trì đã thương yêu dạy dỗ chúng ta. Tu nghĩa là diệt trừ bản ngã mà nếu để tăng trưởng bản ngã là không có tu. 

2/ Sống để làm gì? Phụng sự mọi người. Chơi game các em phụng sự được ai không? thời gian chơi game thì ba mẹ ai quan tâm, chăm sóc, ai phụ việc nhà? các em có bỏ thời gian ra để đi thăm viếng giúp đỡ một ai đó, ví dụ như trẻ em nghèo cơ nhỡ hoặc bà cụ neo đơn hay không? các em chưa hình dung đến vấn đề này mà chỉ nghĩ cho mình thôi thì tinh thần đó không phải sống để phụng sự mọi người. Và game có ảnh hưởng gì? là gây tác hại đến mọi người. Nhớ như vậy. 

3/ Người Việt Nam thì sao? kiên cường, bất khuất. Nhưng khi chơi game các em trở thành một con người cách biệt với thế giới thật bên ngoài, ngược lại thế giới ảo càng lúc càng trở nên thật hơn và các em không còn sự hồn nhiên thơ ngây tuổi học trò mà sức khỏe bị tàn lụy, có khi từ một người vốn là con ngoan trò giỏi lại sa vào vũng bùn đen tối. Với tấm thân suy kiệt, tinh thần bạc nhược và thiếu đạo đức như vậy, các em làm sao trở thành chủ nhân tương lai của đất nước như Bác Hồ dạy: “Thanh niên là chủ tương lai của nước nhà". 

Với 3 khẩu hiệu chúng ta hô to mỗi ngày mà khi đối chiếu lại trong game thì hoàn toàn bị trái ngược, game nó đi ngược lại những điều tốt đẹp. Các em có tin là khi thực hành 3 điều này một cách triệt để thì sẽ nâng cấp tầm vóc chúng ta lên không? Nhưng game thì phá hủy tất cả tầm vóc của chúng ta, về thời gian, tiền bạc, sức khỏe. Đạo đức là chất liệu sống của cuộc đời này, nếu mất luôn đạo đức thì chúng ta mất đi cái văn minh, cao thượng của cuộc sống con người. Giống như căn bịnh thế kỷ (AIDS), hệ miễn dịch của con người bị nó ăn, nó tấn công vào thì tất cả những căn bịnh khác sẽ tác động vào con người chúng ta. Cũng vậy, khi chúng ta đã mất đạo đức, tức đã mất hệ miễn dịch đạo đức rồi thì tất cả những tính xấu nó tràn ngập vào con người chúng ta. Mà kẻ thù của đạo đức là ai? Là game. Cho nên chúng ta phải từ bỏ, từ bỏ vì bản thân, vì gia đình, vì xã hội, vì đất nước, vì thế giới này. 

Tiếp theo, Thầy Khải Thành hỏi các em: Bây giờ chú hỏi một cách nghiêm túc, em nào dứt khoát từ bỏ game ngay từ bây giờ? em nào đang chơi game quyết tâm từ bỏ? em nào không chơi game quyết tâm không chơi? em nào dự định chơi game quyết tâm không dự định? giơ tay cao lên. Thế là hơn 95% cánh tay giơ cao. 

Câu hỏi tiếp: Trong đạo Phật, điều tốt chúng ta nhân lên, điều xấu chúng ta ngăn ngừa. Ai đồng ý trở thành một người chiến sĩ cai nghiện game trên khắp mọi nẻo đường đất nước này để giúp cho những số phận hẩm hiu, những số phận không biết đạo đức là gì, những số phận đang tàn hại xã hội này thì giơ tay lên? Một lần nữa những cánh tay tiếp tục giơ cao trong ánh mắt ngời sáng niềm tin sẽ thực hiện được. 

Và bắt đầu từ ngày mai, mỗi buổi sáng sau khi tụng kinh xong, các em phát nguyện không chơi game nữa./.

Dưới đây là những hình ảnh về toàn cảnh buổi thảo luận chủ đề NÓI KHÔNG VỚI GAME do các em khóa sinh Thiền Tôn Phật Quang thực hiện:


















































Tâm Trụ (PTVN)
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 489
  • Khách viếng thăm: 479
  • Máy chủ tìm kiếm: 10
  • Hôm nay: 41013
  • Tháng hiện tại: 2849156
  • Tổng lượt truy cập: 88653759
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012