Tình đồng hương

Đăng lúc: Thứ tư - 06/02/2013 07:49 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Tình đồng hương

Tình đồng hương

Hệt như một giấc mơ. Trang không nghĩ mình lại gặp may đến thế. Không thể ngờ được mình lại có một chỗ trên chuyến xe chờ đồng hương miễn phí này. Còn hơn cả trúng số độc đắc. Vậy là mình được về ăn tết quê rồi, mừng quá. Nhưng… bỗng cô nhớ đến cái anh nhường vé cho mình lúc nãy. Người đâu tốt đến thế là cùng, vậy mà bây giờ anh ấy phải ở lại Sài Gòn rồi. Có phải như mẹ hay nói, người tốt thường bị thua thiệt? Trang thấy ăn năn quá, chao ơi, niềm vui không trọn vẹn.
Hai mươi tháng chạp, Sài Gòn rộn rã không khí tết. Hàng cây hai bên đường được người ta treo vào đấy băng rôn mừng đảng mừng xuân. Đèn điện chớp nháy sáng trưng phía trong các quán xá. Trang đạp xe đi thật chậm để lắng nghe cái mùi tết ở thành phố sôi động, lòng dậy lên những cảm giác khó tả. Tới ngã tư, đèn đỏ, cô đảo vòng chân đạp rồi bóp phanh cho xe dừng hẳn. Nhìn qua bên vỉa hè, Trang nhìn thấy một người phụ nữ chừng năm mươi tuổi đang gánh tàu hũ đi bán dạo. Tự dưng Trang rơm rớm nước mắt vì nhớ mẹ, cô thần mặt ra cho đến lúc có người phía sau giục đi đi, đèn xanh rồi kìa thì Trang mới đạp đi tiếp. Và từ đó về đến phòng trọ, nước mắt cứ chảy không sao ngăn được. Nước mắt làm cho sắc vàng của những cánh hoa mai bên đường mà cô nhìn thấy bỗng nhòa đi.

Trang dựng xe vào bên vách phòng trọ. Tiếng nhạc vang lên giọng hát Duy Khánh, “Con biết bây giờ mẹ chờ em trông” và không thể kìm lòng thêm nữa, cô khóc òa lên. Tết này con lại không được về quê nữa rồi, nhớ mẹ và khói đêm giao thừa quá.

Cô bạn cùng phòng tên Cúc chạy ra, cầm lấy tay Trang mà lay hỏi có chuyện gì. Trang đáp buồn bã:

- Tao thèm về quê quá mày ạ!

Cúc vùng vằng bỏ vào phòng.

- Dở hơi à. Tự dưng làm người ta tưởng chuyện gì nghiêm trọng. Biết thế sao không đặt vé tàu từ sớm, giờ vé đâu nữa mà về, đi xe đò xe chợ nó chen lấn cho mà chết.

- Tao không hiểu sao nữa. Mới gặp một người như mẹ tao đi bán ngoài đường. Giờ này chắc mẹ ở ngoài quê cũng đang đi bán rau kiếm tiền lo tết mày ạ.

- Đấy, thế mà bữa trước bảo không thèm về, nỏ thèm về – Cúc vẫn lạnh lùng, như xát thêm muối đắng vào lòng Trang, khiến cô khóc nấc lên – Ơ kìa. Không nín đấy à. Mà thôi. Về chi cho tốn tiền tàu xe. Ở đây kiếm tiền. Tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ. Tao chả thiết tha về quê, ở đâu cũng được, cứ có tiền là có tết.

Trang và Cúc đều là dân miền Trung. Học xong phổ thông, thi đại học không đỗ, hai cô rủ nhau vào Sài Gòn làm công nhân cho xí nghiệp may được ba năm nay. Tết năm đầu, cả Trang và Cúc đều về quê. Tết năm ngoái hai cô cùng rủ nhau ở lại ăn tết Sài thành, là người làm ăn ở thành phố cũng nên thưởng thức một cái tết cho biết, để về còn có cái mà kể lỡ bà con xóm làng hỏi.

Năm nay, ngay từ hồi tháng mười, đôi bạn đã quyết định không về. Xí nghiệp may tới tận ngày hai nhăm mới nghỉ tết. Với lại, cả hai dự tính sau ngày nghỉ việc ở xí nghiệp sẽ lên chợ, nhận bán hàng giúp người ta để kiếm thêm tiền. Hằng năm cứ cận tết, trên chợ họ cần mướn người bán lắm, trả công cũng cao. Có khi chỉ bán dăm ngày tết mà thù lao bằng cả tháng lương ở xí nghiệp may. Không về quê, nghĩa là còn tiết kiệm được khoản vé tàu xe hai lượt ra vào.

Hồi bữa, lúc Cúc hỏi Trang quyết định tết này thế nào thì Trang ấm a ấm ớ. Thật lòng Trang cũng muốn tết này về quê, nhưng nghe cô bạn phân tích chuyện tiền nong và rủ lên chợ bán hàng giúp, Trang cũng đồng tình ở lại Sài Gòn. Những đứa con xuất thân từ làng quê như Trang, như Cúc đều hiểu sự cần thiết của đồng tiền đối với người nông dân nhường nào. Chính vì tiền mà cả hai đã không thể nán thêm một năm ôn thi đại học lần nữa, sợ cha mẹ cực khổ rồi kỳ vọng, sợ đi học ra trường không thân thế chẳng kiếm được việc. Quyết chí vào Nam lập nghiệp, nói có vẻ oai, thật ra chỉ làm thuê cho người ta. Tằn tiện dè sẻn chi tiêu cũng có tiền gửi về nhà cho mẹ. Mỗi tháng Trang còn dư dật được khoảng một triệu bạc, ngần ấy ở thành phố thì nhỏ, chi tiêu được đôi ba thứ là hết vèo, nhưng gửi về quê thật lớn. Nhất là ngày tết, có tiền gửi về để mẹ sắm áo quần cho ba đứa em với mua mứt bánh mời khách thì tốt quá. Nghĩ đến đấy Trang rơn rơn mừng, hy sinh niềm vui bản thân để cho gia đình được đón một cái tết đủ đầy cũng đáng. Là chị cả trong nhà, Trang thương các em. Cô thèm cảm giác ngày tất niên được tắm rửa cho lũ em. Thèm mùi bồ kết gội chung với hai bé em gái. Năm ngoái không về ăn tết, cô gọi điện về dặn mẹ nhớ mua áo quần mới cho các em, đừng dè sẻn với các em tội nghiệp, thiếu thốn thì để con gửi về sau.

Năm nay không về quê, Trang tính sẽ dành dụm tiền gửi về cho mẹ thật sớm để mẹ yên tâm chuẩn bị tết chu đáo. Vụ lúa vừa rồi mất mùa, rau màu lại ế ẩm, mẹ chẳng có tiền. Bố lại bị bệnh đau lưng, đi khám bác sĩ bảo gai cốt sống, thuốc thang điều trị thường xuyên. Những chuyện khó khăn này gia đình giấu kỹ không cho Trang biết. Nhưng vì có ông chú hàng xóm ngoài quê vào đây làm ăn, nói cho Trang hay.

Trang đã suy nghĩ rất nhiều, phân vân đắn đo liệu tết này có nên về hay không? Về, được sum họp với gia đình, được đón tết quê đậm đà hương vị. Không về, sẽ có thêm được ba triệu bạc gửi cho mẹ lo tết và cho bố mua thuốc. Cuối cùng cô quyết định không về. Năm ngoái đã ăn một cái tết ở Sài Gòn, chưng hửng tẻ ngắt, tết phố không đậm đà như tết quê, cô buồn, nhưng nỗi buồn nào rồi cũng qua. Năm nay không về cũng chẳng phải là điều quá ghê gớm.

Dù quyết định là thế, nhưng mấy lần mẹ gọi điện vào hỏi, Trang đều dạ vâng là sẽ về ăn tết với cả nhà. Mẹ sợ cô quên, cứ nhắc đi nhắc lại. Gắng về đi con, nhà mình cũng chả đến nỗi túng quẫn chi đâu mà đôi ba ngày tết còn tắt mắt kiếm ăn xa xôi. Về có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít, ngày tết cốt là vui chớ ăn uống chi mà lo. Về cho các em nó mừng, cứ hỏi chị hoài. Con bé út cứ đếm lùi từng ngày ngóng chị nó về đấy, nó còn dặn chị mua cho con búp bê Sài Gòn.

Sang tháng chạp, mẹ lại càng hay gọi điện vào hỏi han xem cụ thể ngày nào thì về. Trang trả lời vòng vo là tùy vào xí nghiệp, lúc nào người ta cho nghỉ mới được về chứ. Mẹ ờ, chắc cũng nghỉ trước ngày hai ba con hỉ? May vá cả năm, chẳng lẽ tới ngày ông công ông táo mà xí nghiệp người ta còn may. Trang dạ vâng cho mẹ yên tâm. Đến khi ngắt điện thoại, cô mới nao nao lo, nếu mẹ biết mình không về thì chắc buồn lắm, khéo hỏng cả cái tết của cả nhà cũng nên.
 
1

Ngày hai nhăm xí nghiệp may cho công nhân nghỉ tết. Nhìn mọi người đi ra khỏi cổng phấn khởi rôm rả nói chuyện ngày mai lên tàu lên xe về quê, Trang chưng hửng và buồn não ruột. Nếu hồi bữa cô quyết định về, thì giờ cũng đã nao nao nôn nóng như người ta rồi. Bây chừ có muốn thì đã muộn. Vé tàu vé xe người ta đã bán sạch trơn từ hồi đầu chạp. Giờ ra mua vé chỉ tổ cho bọn làm vé giả được phen lừa, báo chí họ nói ầm lên bọn làm vé giả đấy. Nghĩ thế nên Trang cố gắng xóa đi cảm giác tiếc nuối, dìm đi cái sự thèm muốn về quê.

Trang và Cúc lên chợ bán giúp cho một quầy mứt bánh. Hàng hóa nhiều, người mua tấp nập, cả hai bận tối mắt tối mũi; búa xua giao hàng, nhận tiền, trả tiền thừa; rối rít vâng dạ cám ơn, chúc người mua ăn tết vui vẻ. Cũng nhờ bận bịu mà quên đi cảm giác buồn nhớ quê hương.

Mười giờ đêm, cả hai mới về tới phòng, uể oải lăn xoài ra giường. Hết năm rồi mà đêm Sài Gòn không lạnh, chả như ngoài quê, giờ này đang rét rơn, rất đúng không khí tết. Trang nhớ cái mùi chăn mền ở nhà quá. Độ này những năm trước, cô thường quấn chăn nằm nghe mẹ kể chuyện tết xưa, kể chuyện về bà nội bà ngoại. Người quê thường đến tết cứ hay kể lại lục tích chuyện cũ, như một dịp để nhắc nhủ con cháu nhớ đến tổ tiên.

- Cúc ơi ngủ chưa?

- Chi nữa trời. Bán hàng cả ngày không mệt à. Ngủ đi mai còn lên chợ. Gắng gỏi, thêm hai ngày nữa là xong.

- Nhớ quê quá mày ạ.

Cả hai cùng lặng đi một lúc. Có tiếng khịt mũi rấm rức khóc của Trang. Cúc quay sang hỏi:

- Khóc đấy à bà cụ? Cứ nặng tình nặng nghĩa như mày thì ở nhà trồng rau, nuôi lợn, vô Sài Gòn chi cho cực.

- Mày không nhớ chút nào cả sao? – Trang nói trong nước mắt.

- Người chớ phải đất đá mà vô tư rứa được. Nhưng tao chịu được. Nghĩ đến khoản tiền thù lao mà ngày kia bà chủ trả là tao hết buồn. Dễ cũng được hơn triệu bạc mày nhỉ?

- Tao chẳng thiết tha gì bạc tiền nữa. Giờ chỉ thèm về với ba mẹ, với mấy đứa em thôi.

Cúc thở hắt ra. Rõ chán. Thôi ngủ đi. Rồi cô chìm vào giấc ngủ ngon lành. Chỉ còn Trang vẫn thức. Bao nhiêu hình ảnh tết quê cứ gợn lên. Giờ này nhà mình chắc đang ngồi canh nồi bánh tét. Năm nào nhà mình cũng gói bánh vào chiều hai tám, hễ tháng chạp thiếu thì gói vào hai bảy. Nồi bánh thể nào cũng có thêm ba cặp bánh tày nhỏ để cho ba đứa em xâu dây cầm chơi, chơi chán thì bóc ra ăn. Mẹ bảo phải làm thế để chúng không đòi ăn bánh tét bánh chưng trước khi cúng. Rồi Trang nhớ cái con đường làng, mấy hôm nay người đi chợ tết đông lắm, ai cũng nói cười rôm rả. Đúng là vui như tết. Cô nhớ chiều cuối năm, có một việc thiêng liêng là dắt các em đi thắp nhang cho phần mộ của ông bà tổ tiên.

Suốt đêm Trang cứ trằn trọc, chập chờn nhớ cảnh tết quê. Rạng sáng cô đã đánh thức Cúc dậy.

- Này. Mày chở tao ra bến xe đi. Biết đâu còn có chỗ.

- Điên à. Dễ thế thì người ta đã chẳng phải đặt vé từ trước.

- Mày không chở thì để tao ra bắt xe ôm.

Nói xong Trang vơ vội áo quần nhét vào xách. Cúc chiều theo ý bạn, lấy cái xe đạp đèo Trang đi.

Tới bến xe, Cúc nhét ít tiền vào tay Trang:

- Tao còn được mấy trăm. Cầm bù thêm vào mà mua vé. Nếu không bắt được xe thì đi xe ôm mà về phòng. Tao phải lên chợ đây. Đứng đây thấy người ta về quê, cũng nẫu cả ruột gan.

Năm cùng tháng tận, bến xe đông đúc người từ rạng sáng, nhao nháo cả lên. Trang vừa đi vừa tìm xe về miền Bắc. Đi hết một lượt vẫn không có xe nào nhận khách nữa. Họ từ chối bai bải. Không có vé thì thôi, nhé, tết nhất chứ không phải ngày thường đâu mà xin với xỏ.

Trang run rẩy đi đến chỗ sau cùng của bến xe. Ở đây người chen chúc rất đông, có hai chiếc cạnh nhau, biển số 74 và đính băng giấy đề “Xe chở đồng hương Quảng Trị về quê ăn tết”. Trang mừng rơn, xe đồng hương thì không phải mất tiền. Một chú gầy gầy đứng giữ ở cửa lên xuống hét náo lên: “Anh em bà con từ từ, đồng hương thì đừng chen lấn nhau, ai có vé mời lên để về Quảng Trị ăn tết với mạ”. Trang sấn tới sát cửa, nhưng cũng như năm sáu người ở phía trước, cô bị gạt ra vì không có vé.

Có người không được lên xe tức tối quát:

- Xe đồng hương đồng khói mà cũng đòi vé à? Cho lên đi, tết nhất tới nơi rồi.

Cái chú gầy gầy giữ cửa xe lại phải rống to lên giải thích, như kiểu nãy giờ đã phải giải thích bao nhiêu lần rồi:

- Khổ quá. Đã bảo là chở nhiều không được. Bác thông cảm cho, chỉ dám chở bà con theo số lượng vé đăng ký. Chở quá người công an phạt. Mần ơn mắc oán bác ơi. Thông cảm cho với.

Tưởng gặp được xe đồng hương là trúng mánh, ai dè không có vé, Trang bật khóc ngon lành. Cô lững thững bước đi như người mất hồn. Vậy là không còn hy vọng gì nữa. Đường về quê mẹ ăn tết đã hết.

Từ trên chiếc xe biển số 74 chở đồng hương, một anh thanh niên chừng hai nhăm tuổi xách túi nhào xuống. Chú giữ cửa phải kêu với theo, xe sắp chạy rồi, xuống mần chi nữa. Hình như anh ta đã quan sát Trang từ lúc nãy đến giờ. Rất nhanh chóng anh tới trước mặt Trang, chìa ra cái vé.

- Vé của anh đây. Em cầm lấy, lên xe mà về.

Quá bất ngờ, Trang khựng lại ú ớ.

- Rứa anh đi xe chi?

- Cứ về đi. Anh đàn ông. Không về cũng chả sao.

- Dạ. Rứa em cám ơn anh nhiều.

- Thôi lên đi. Khách sáo chi. Đồng hương mà.

Xe chuyển bánh, tài xế bấm còi tút tút cho mấy người đứng trước tránh ra. Anh thanh niên nhanh chóng ném cái xách của Trang lên xe, rồi đẩy lưng Trang lên lối cửa. Trang ngoái đầu ra cửa hỏi anh ở xã mô. Nhưng người thanh niên đã khuất phía sau không nghe thấy.

Hệt như một giấc mơ. Trang không nghĩ mình lại gặp may đến thế. Không thể ngờ được mình lại có một chỗ trên chuyến xe chờ đồng hương miễn phí này. Còn hơn cả trúng số độc đắc. Vậy là mình được về ăn tết quê rồi, mừng quá. Nhưng… bỗng cô nhớ đến cái anh nhường vé cho mình lúc nãy. Người đâu tốt đến thế là cùng, vậy mà bây giờ anh ấy phải ở lại Sài Gòn rồi. Có phải như mẹ hay nói, người tốt thường bị thua thiệt? Trang thấy ăn năn quá, chao ơi, niềm vui không trọn vẹn.

Trên xe, đồng hương nói chuyện rôm rả bằng giọng Quảng Trị. Ai cũng hớn hở mừng vì được về quê ăn tết trên cùng chuyến xe toàn người quen. Một không khí ấm áp lạ kỳ mà những người đồng hương đã tạo cho nhau trên chuyến xe này. Riêng Trang vẫn thấy một chút trống trải, cô nghĩ và thương cái anh đã nhường vé cho mình quá.

Xe chạy ra khỏi thành phố. Có chiếc xe chạy cùng chiều ở phía sau bấm còi xin vượt lên. Trang đánh mắt nhìn qua cửa kính. Ơ, cái anh lúc nãy nhường vé đang ngồi ở bên xe kia kìa. Anh cũng nhìn thấy Trang và đưa tay lên chào, miệng cười rất tươi. Trước khi xe kia vượt qua, Trang đã kịp nhìn thấy phía sau. Cũng một chiếc xe biển số 74 và dòng chữ “Xe chở đồng hương Quảng Trị về quê ăn tết”.
 
Tác giả bài viết: Hoàng Công Danh
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 499
  • Khách viếng thăm: 492
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 44666
  • Tháng hiện tại: 2852809
  • Tổng lượt truy cập: 88657412
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012