Vụ sư tử Trung Quốc ngự tại đền chùa VN: “Đây quả thực là một sai lầm”

Đăng lúc: Thứ sáu - 23/08/2013 09:17 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
Liên quan đến ‘trào lưu’ dựng sư tử đá (vốn thuộc văn hóa Trung Quốc) trước cửa các di tích, đình chùa… của ta hiện nay, Giáo sư Trần Lâm Biền (Cục Di sản, Bộ VH –TT&DL) cho rằng: “Đây là một sự ‘lạc dòng’ văn hóa và cũng là một thất bại lớn của chúng ta trong việc tuyên truyền và quản lý về văn hóa”.

“Đừng tự biến mình thành nô lệ văn hóa”

Trước hiện tượng ‘trào lưu’ đặt tượng sư tử đá – được cho là không phải của văn hóa truyền thống Việt – trước cửa các di tích của ta hiện nay, một số chuyên gia cho rằng đây là một cuộc ‘xâm lăng văn hóa’, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Giáo sư Trần Lâm Biền: Trước hết phải nói rằng câu chuyện nhiều nơi, nhiều địa phương đặt tượng sư tử đá trước cửa các đền chùa, miếu mạo, di tích,… không phải là câu chuyện mới và cũng không phải bây giờ mới xảy ra mà đã xảy ra từ nhiều năm nay và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cũng đã lên tiếng. Tuy nhiên, khi đó hiện tượng này chỉ diễn ra âm thầm và nhỏ lẻ chứ không công khai và phổ biến đến mức gần như thành phong trào như hiện nay.

Tượng sư tử đá có phải là sản phẩm văn hóa truyền thống của Việt Nam không? Xin khẳng định ngay là không. Tượng sư tử đá là sản phẩm của nghệ thuật văn hóa Trung Hoa, không phải của Việt Nam. Một số ý kiến cho rằng đây thực chất là một cuộc “xâm lăng văn hóa”, nghe hơi nghiêm trọng nhưng mà cũng không phải là không có lý. 

Trong suốt thế kỷ XX, các nhà văn hóa, nhà sử học, nhà khảo cổ, nhà khoa học, người làm công tác văn hóa của chúng ta đã ra sức nghiên cứu, sưu tầm, thu thập tài liệu,… tất cả để chứng minh và khẳng định rằng văn hóa Việt Nam có một nền văn hóa riêng, bản sắc riêng, cái hồn cốt dân tộc riêng, nó không phải là “bản sao rập khuôn” của bất kì nền văn hóa nào khác. 

Công việc đó không phải diễn ra trong ngày một ngày hai mà là cả một quá trình bền bỉ, lâu dài và có ý nghĩa hết sức lớn lao đối với dân tộc.

Truyền thống đó, công việc đó, quá trình đó lẽ ra cần được tiếp nối phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong thế kỷ XXI này. Tuy nhiên, hiện tượng “sư tử đá hóa di tích” hiện nay lại là một loại “ lạc dòng”, đã và đang trở thành lực cản cho quá trình trên.

Giáo sư Trần Lâm Biền (Cục Di sản, Bộ VH –TT&DL).

Giáo sư Trần Lâm Biền

 Nghĩa là những tượng sư tử đá đã và đang đặt trước cửa các di tích hiện nay cần phải loại bỏ?

Giáo sư Trần Lâm Biền: Đúng thế. Nó không hề mang ý nghĩa hay đại diện cho bất kì một thông điệp văn hóa nào cho văn hóa truyền thống của dân tộc, mà như trên tôi đã nói, đó là sự “lạc dòng”. Đặt tượng sư tử đá trước cửa các di tích lịch sử văn hóa của Việt Nam, thì dù vô tình hay cố ý, chính chúng ta đã mặc nhiên thừa nhận những di tích đó có liên quan hay gắn liền với văn hóa Trung Hoa, mà thực ra bản chất không phải thế.

Ngay như ở Thủ đô, chùa Một Cột được xây dựng vào thời Lý, nó hoàn toàn mang kiểu dáng kiến trúc, ý nghĩa văn hóa truyền thống của dân tộc, nó không hề liên quan đến văn hóa Trung Hoa. Hay nói một cách khác, chùa Một Cột là một trong những minh chứng hung hồn nhất trong việc triều Lý khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc của mình thông qua thông điệp văn hóa.

Tuy nhiên, tôi không hiểu vì sao mà lại có thể xuất hiện đôi sư tử bằng đá ở nơi này. Đây là một điều lạ. Đau đớn lắm, bởi chính chúng ta đang tự đánh mất đi bản sắc văn hóa truyền thống của mình. Tôi chỉ muốn nói rằng: đừng bao giờ tự nguyện biến mình thành nô lệ cho văn hóa Trung Hoa.

“Lỗi là do người quản lý văn hóa”

Như trên ông vừa nói, chuyện đặt tượng sư tử đá không phải là câu chuyện mới, cũng không phải bây giờ mới xảy ra, vậy hiện tượng “lạc dòng” văn hóa này bắt đầu từ khi nào, có phải từ Trung Hoa du nhập sang?

Giáo sư Trần Lâm Biền: Hiện tượng đặt tượng sư tử đá trước cửa các di tích không phải bây giờ mới có, nó đã bắt đầu “bùng phát” trong khoảng chục năm trở lại đây cùng với sự xuất hiện của nhiều công trình kiến trúc, nhà cửa… 

Ban đầu sư tử đá được đặt trước cửa các công trình như cơ quan, công sở, trụ sở công ty, nhà dân,… dần dần mới “lan” dần đến các di tích. Người ta coi đó là một “trào lưu”, thỏa mãn cái đẹp bởi mắt nhìn mà không hề biết nó mang thông điệp gì, và cũng để lại hậu quả gì cho văn hóa dân tộc về sau.

Tượng sư tử đá không phải trực tiếp từ Trung Quốc đưa sang mà nó lại có con đường đi khác, khá vòng vèo: từ Trung Quốc vào miền Nam Việt Nam (theo chân người Hoa di cư), rồi từ miền Nam “lội ngược” ra miền Bắc. 

Trước kia và cho đến bây giờ cũng vậy, những tượng sư tử đá hầu hết được “sinh” ra từ các vùng Quảng Nam, Đà Nẵng – nơi tập trung các làng nghề chạm khắc đá truyền thống. Những nghệ nhân ở đây họ làm theo các đơn đặt hàng của khách mà cũng không cần biết đến ý nghĩa nó là gì. Rồi thì từ đây mới dần dần lan tỏa ra khắp các địa phương khác và trở thành phong trào như hiện nay.

Tượng hai sư tử đá được đặt ngay trước cửa chùa Một Cột ở Hà Nội.

Tượng hai sư tử đá được đặt ngay trước cửa chùa Một Cột ở Hà Nội.

 Nếu như có thể coi việc đặt sư tử đá trước các di tích lịch sử là một sự sai lầm thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai, thưa ông?

Giáo sư Trần Lâm Biền: Đây quả thực là một sai lầm. Sai lầm đó có nguyên nhân sâu xa là do chưa ý thức hay hiểu biết cặn kẽ về tinh thần văn hóa dân tộc. Nếu như nói “tâm” và “trí” là hai khái niệm của một cặp phạm trù, thống nhất nhau, biện chứng nhau thì ở vụ việc trên, mới chỉ có “duy tâm” mà thiếu mất “duy trí”. Vì “duy tâm” nên mới dễ sa đà vào mê tín dị đoan, chứ nếu “duy trí”, có trí tuệ, có hiểu biết thì hiện tượng trên đã không xáy ra.

Nếu đặt câu hỏi: Vậy trách nhiệm thuộc về ai? Câu trả lời trách nhiệm không phải là do lỗi của người dân bởi bản thân người dân họ không hề ý thức được việc làm trên, không biết thì không có tội. Lỗi ở đây là thuộc về những cá nhân, cơ quan làm công tác quản lý văn hóa đã không làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và cả quản lý văn hóa nên mới dẫn đến sự việc đáng tiếc trên.

Ông có kiến nghị gì về biện pháp giải quyết vấn đề trên không?

Giáo sư Trần Lâm Biền: Hiện nay tôi cũng không rõ là Bộ VH-TT&DL đã ra văn bản để chấn chỉnh lại việc đặt tượng sư tử đá tràn lan ở các di tích hay chưa, nhưng chắc chắn trong thời gian tới cần thiết phải có văn bản quy định chặt chẽ về vấn đề này. Cùng với việc tăng cường công tác quản lý, trước mắt cần di chuyển hết các tượng sư tử đá ra khỏi các di tích lịch sử văn hóa.

Về lâu dài và cũng là quan trọng nhất, các cơ quan chức năng cần phải nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu về văn hóa dân tộc, rằng tượng sư tử đá là hiện tượng ngoại lai, không phải của văn hóa Việt nên tuyệt đối không tự ý dựng, đặt theo sở thích. Chỉ khi người dân có kiến thức, có hiểu biết, ý thức được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình thì đó mới là phương pháp bảo vệ văn hóa truyền thống tốt nhất trước các “làn sóng xâm lăng” của văn hóa ngoại lai.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Hoàng Sơn - theo Trí Thức Trẻ


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 659
  • Khách viếng thăm: 647
  • Máy chủ tìm kiếm: 12
  • Hôm nay: 43669
  • Tháng hiện tại: 2851812
  • Tổng lượt truy cập: 88656415
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012