Đường phượng bay mù không lối vào

Đăng lúc: Thứ năm - 28/11/2013 22:16 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Huế được mệnh danh là thành phố vườn, là thành phố của cây xanh với sự hài hòa của những con đường rợp bóng cây hay những khu vườn quanh năm xanh tươi hoa trái. Có lẽ không có một thành phố nào ở Việt nam có nhiều cây xanh như Huế. Cây xanh trên các con đường, trong công viên, cây trong mỗi vườn nhà, vườn đồi, ven sông… thậm chí có những con đường mà người ta đã quên đi tên chính thức của nó và thay vào đó là tên của những loài cây đã hiện hữu tại đó suốt bao năm tháng như đường Phượng bay, hàng Me, hàng Đoác…Những con đường Huế và những hàng cây trên những con đường Huế đã tạo cho thành phố này đầy chất thơ và lãng mạn.


Con đường xanh ngắt
 
Thế nhưng có một con đường có cái tên thật hoài niệm - đường phượng bay, con đường vẫn thường được nhắc đến trong thi ca và âm nhạc, mà cho đến tận bây giờ, vẫn còn là một dấu hỏi lớn, bởi lẽ ở Huế, có quá nhiều con đường với những hàng cây phượng hai bên.

Cũng như nhiều người Huế khác, từ trước đến giờ tôi vẫn nghĩ con đường phượng bay chính là con đường Đoàn Thị Điểm. Đó là con đường men dọc bờ thành bên trái của Đại Nội Huế, dẫn từ cửa Thượng Tứ vào đến hồ Tịnh Tâm. Con đường với những hàng cây phượng ken dày hai bên, như những gì mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết “Đường phượng bay mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau”. Những hàng cây hai bên con đường này đan hẳn vào nhau, che bóng cả suốt con đường, dày đến nỗi có thể leo lên từ một gốc cây bên này và xuống từ một gốc phía bên kia đường. (Cái này không phải nói ngoa đâu, một người bạn tôi quen đã từng làm như vậy. Ôi, cái thời trẻ con ấy mà!).
 
1

Đường Đoàn Thị Điểm - con đường được nhiều người cho là đường phượng bay
 
Hồi ấy, lúc đang còn sinh viên, ngày hai buổi đạp xe qua con đường này, trong trí óc tưởng tượng của tôi, hình dung ra khung cảnh người nhạc sĩ tài hoa trong một góc nhỏ quán cafe, ngắm nhìn những tia nắng hồng xuyên qua hàng lá soi xuống lòng đường như những hạt mưa hồng len lỏi qua tán lá, mà ngẫu hứng hình thành nên bài hát nổi tiếng Mưa hồng.

Thế nhưng, cũng thật bất ngờ, một lần lang thang trên mạng tôi bắt gặp bài viết “Người con gái của đường phượng bay” của tác giả Nguyễn Trường Uy, dẫn lại lời của Dao A: “A. nhớ Huế. Nơi ấy, mấy chục năm trước, đêm đêm chị trốn cậu (ba của chị) rời nhà đi qua cầu Phủ Cam về Bến Ngự thăm anh Sơn, rồi anh tiễn chị về, đi theo con  đường bên kia sông có hai hàng phượng chụm đầu vào nhau. Anh gọi  đó là đường phượng bay, con đường tình yêu của anh, con đường nhớ nhung một đời của chị. Con đường mà bắt đầu từ đó, trong hơn một nửa sáng tác của anh để cho đời đều có hình bóng chị, người mà anh chỉ gọi bằng một từ lúc nào cũng được viết hoa trong nhạc của anh : Em”

Bất ngờ, bởi vì nếu như vậy thì con đường phượng bay chính là con đường Phan Chu Trinh bây giờ, lại hoàn toàn không có cây phượng nào. Từ ngôi nhà mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng ở trước đây (11/3 Nguyễn Trường Tộ) đi qua cầu Phú Cam để đến nhà của Dao A. và Thúy Diễm (2 chị em), hai bên đường chỉ là những hàng cây long não. Chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài viết của mình năm 1973 đã viết : “Thuở  ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường đại học văn khoa ở Huế...Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường.” Vậy thì chắc hẳn con đường này không phải là con đường phượng bay ?

1

Ánh nắng len lỏi qua hàng cây lá đan cài nhau
 

Vậy, con đường nào là đường phượng bay đã tạo cảm hứng cho Trịnh nhạc sỹ viết nên Mưa hồng? Theo một số người thì đã từng nghe nhạc sỹ Trịnh Công Sơn trong một chương trình phỏng vấn của đài truyền hình Huế trả lời về đường phượng bay “đường phượng bay trong Mưa hồng đó là con đường từ An Hoà đi vô, có đôi hàng phượng với những cành cây rủ xuống, lá bay đầy…”. Theo mô tả thì đó là con đường Lê Duẫn hiện nay, con đường tuyệt đẹp chạy dọc theo công viên xanh mát bờ bắc sông Hương, kéo dài từ cửa Ngăn cho đến cầu Bạch Hổ. Con đường này, trước kia là một con đường nhỏ, thuở ấy không có xe lớn, lưu lượng xe cộ cũng thưa thớt, cho nên phượng mặc sức toả bóng mà không bị chặt tỉa. Đường hẹp, đôi hàng cây như tình nhân chụm đầu vào nhau. Một cơn gió thoảng, lá phượng rủ nhau rơi lả tả như mưa, đẹp mê hồn… Tuy vậy đó cũng chỉ là nghe nói mà thôi.

1

Đường Lê Duẫn - cũng là con đường với những hàng phượng thắm
 

Cho đến bây giờ, con đường nào là con đường phượng bay cũng vẫn là một ẩn số, thế nhưng xuất phát từ nhạc phẩm nổi tiếng Mưa hồng của Trịnh, mà trong tâm khảm người Huế, con đường phượng bay đã trở thành con đường đẹp nhất, con đường lãng mạn nhất của Huế, của người dân xứ Huế và những người yêu Huế. Với riêng tôi, chừng nào những con đường của Huế vẫn còn màu xanh, thì bất cứ con đường nào của Huế cũng đều là những  đường phượng bay.

1

Con đường đi qua trước cửa Ngọ Môn - Huế

1

Đường Ngô Quyền - TP Huế

1

Những cây phượng trên đường Nguyễn Huệ - TP Huế

 
Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Liêm
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 327
  • Khách viếng thăm: 312
  • Máy chủ tìm kiếm: 15
  • Hôm nay: 133520
  • Tháng hiện tại: 2946933
  • Tổng lượt truy cập: 91838506
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012