Quả lành

Đăng lúc: Thứ tư - 23/01/2013 20:53 - Người đăng bài viết: Thường Trung
Cuộc họp bị kéo dài hơn dự kiến, Phan nôn nóng liếc nhìn đồng hồ đeo tay, hai chiếc kim đã chập làm một.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bốn giờ hai mươi phút chiều, lòng Phan nóng ran như bị lửa đốt. Phía ban lãnh đội công trường vẫn còn nhiều ý kiến phản biện giải pháp kỹ thuật do công ty chuyển giao.

Hai chiếc kim nhỏ xíu của chiếc đồng hồ vẫn thản nhiên luân chuyển trong trạng thái lo lắng đầy nguyên cớ từ đoạn đường dài hơn năm mươi cây số, xuyên qua những cánh rừng hoang vu trống lặng, những con dốc ngoằn ngoèo hiểm trở đầy ám ảnh. Từng làm một kẻ dày dạn chuyện băng rừng vượt núi, truyền đạt chỉ thị và kiểm tra từ tổng công ty đến các đơn vị thi công trải rộng khắp địa bàn tỉnh như Phan cũng phải kinh hãi, ớn lạnh.

Chuyện cũng khởi phát từ một cuộc họp kéo dài hơn dự kiến, nên quá năm giờ chiều Phan mới rời khỏi thị trấn.

Buổi chiều miền núi bao giờ cũng nhanh tối, con đường trước mặt đã nhập nhoạng. Anh thầm nghĩ, “có lẽ cứ chạy xe với tốc độ này, chưa xuống hết con dốc cheo leo hiểm trở, biên giới cuối cùng của cái trị trấn miền núi cực Tây của tỉnh thì trời đã tối thui”.

Thường xuyên đi lại đoạn đường này, Phan biết qua hết con dốc mà anh vui miệng đặt tên “Dốc Trời Gầm” đường sẽ bằng phẳng, ít bị lỗ chỗ ổ gà, nên phải tranh thủ qua nó trước lúc trời tối hẳn.

Phan vội rồ mạnh ga định tăng tốc. Bất chợt một gã đàn ông từ trong rừng lao ra đứng chắn ngang đường, dang rộng đôi tay ra hiệu dừng xe.

Chỉ thoáng tích tắc, trong đầu Phan nảy ra nhiều ý tưởng trái ngược nhau. Anh muốn phóng nhanh vượt qua gã đàn ông râu ria xồm xoàm, có ánh mắt ngầu đỏ, khoác bộ đồ lính sáu túi lôi thôi lếch thếch đầy mụn vá, rồi lại thoáng nghĩ nếu chạy không lọt khỏi hai cánh tay gân guốc dang rộng chắc chắn sẽ nảy sinh ác cảm với gã và chiếc gùi nhô lên những cán rìu, rựa... Tốt hơn hết là dừng lại xem gã muốn gì?

Anh vội đạp thắng. Chiếc xe bị thắng gấp, trượt dài trước lúc dừng lại sát sạt bên gã. Trong tư thế cảnh giác toàn thân và với kinh nghiệm rút được từ rất nhiều chuyến đi một mình đường xa, Phan biết biện pháp hữu hiệu nhất để đối đầu với những trường hợp như thế này, là phải tỏ rỏ vẻ cứng rắn, dữ dằn để trấn áp nỗi lo sợ phập phồng của chính mình, trấn áp gã đàn ông xa lạ, đột hiện giữa miền rừng núi hẻo lánh.

Anh gằn tiếng, lớn giọng hỏi gã sao đột nhiên chặn ngang đường, suýt nữa gây tai nạn. Gã ngước mặt lên nhìn Phan bằng tia mắt ngầu đỏ, một lúc sau mới lầm bầm ngỏ ý xin quá giang.

Phan đảo mắt quan sát bốn phía, chẳng thấy động tĩnh gì. Có lẽ ngoài gã đàn ông dang tay đứng giữa đường thì chẳng còn ai khác, Phan hơi yên tâm. Một mình gã thôi, anh nghĩ nếu là gặp cướp vẫn có thể chống trả. Phan thoáng phân vân, tuy rất muốn từ chối nhưng một phần sợ gã phật ý sinh sự thêm rách việc.

Anh thoáng ngẫm nghĩ một chút, nhìn kỹ gã một chút, suy diễn tình hình một chút... rồi nhận định: tuy ngoại hình, cung cách ăn nói nhát gừng nuốt giọng như mắc nghẹn khá thô lỗ bặm trợn, nhưng không chắc là cướp. Kẻ cướp chính hiệu thường không lộ ra vẻ bên ngoài, nhất là cách ăn mặc, kiểu nói. Chí ít chúng cũng ra dáng lịch sự đàng hoàng để tạo cảm giác an toàn cho kẻ khác mới dễ bề hành động, chứ không thể làm cướp đường với bộ dạng thốc thếch như vậy... Phan tự trấn an bằng những lập luận đầy tâm lý, thứ tâm lý tội phạm nhan nhản trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Được, anh đồng ý cho đi nhờ. Gã “người rừng” (cái biệt danh vừa lóe lên trong đầu Phan) vội nhảy tót lên yên sau, không thèm nói một lời cảm ơn ngoài một tiếng lộc cộc “Chạy đi”.

Lúc này bầu trời đã chuyển sang màu sẫm đậm, vài tia nắng muộn màng hiu hắt trên những tán cây rừng rậm rịt, con đường chỉ còn là một vệt đen lờ nhờ. Có thêm người để đồng hành giữa bóng tối hoang vu, trống lạnh, theo tâm lý thường tình thì càng yên tâm vững dạ hơn... Ngược lại, lúc này tâm tưởng Phan đầy cảm giác bất an. Khi mặt đối mặt với gã đàn ông xa lạ, anh còn có chút tự tin vào sức vóc và chiếc đai đen “Không thủ đạo” của mình nên chẳng ngán. Nhưng bây giờ, trước tình huống hoàn toàn thụ động, bất lợi vì chẳng thấy được gì ngoài cái thân nhiệt hâm hấp nóng áp sát phần lưng, gã người rừng rất dễ dàng cắt cổ anh từ phía sau bằng bất cứ thứ gì dính đuôi với mấy chiếc cán bằng tre cắm dựng trong chiếc gùi của gã. Một cú lướt nhẹ bất ngờ, vô phương phản kháng là mình đi đứt.

Ý tưởng về sự chết chóc không biết sẽ đến với mình lúc nào, làm Phan rùng mình. Hơi ấm đồng loại đang bám sau lưng, nhanh chóng chuyển thành cảm giác lạnh lẽo chạy dọc theo xương sống, dồn lên gáy khiến anh sợ đến toát mồ hôi hột, toàn thân run lên bần bật.

Cái rùng mình, run rẩy của Phan khiến chiếc xe chao mạnh, gã người rừng đưa cả hai bàn tay chộp cứng hai bên hông anh, cứng như hai gọng kìm thép...

***

Tay chỉ huy trưởng công trình, một kỹ sư già dặn kinh nghiệm, vân vê bộ râu mép tỉa tót cẩn thận trước khi tuyên bố bế mạc cuộc họp. Phan lại liếc nhìn chiếc đồng hồ đeo tay. Lại là năm giờ chiều, cũng là tất tả nôn nóng chạy xuôi hơn năm mươi cây số đường núi rừng.

Định mệnh rủi ro hình như luôn chờ chực chơi khăm anh ở quãng đường này. Vừa đổ hết dốc Trời Gầm, chiếc xe đang ngon trớn êm ru, bỗng nhảy lục cục lên như phi ngựa. “Quỷ, xẹp lốp rồi”, Phan thảng thốt kêu lên.

Nhìn cái lốp sau xẹp lép, nhìn phía trước, phía sau. Con đường vắng ngắt đang dần tối, Phan ngán ngẩm thở dài. Chẳng thà nó bị xẹp lốp trước anh còn khả dĩ chạy liều, chứ bị lốp sau là bó tay chịu chết. Phan bực tức đá mạnh vào cái lốp xẹp, cú đá khá mạnh, bàn chân dù được bọc cứng trong chiếc giày da cũng bị đau nhói. Phan bật tiếng rên, ngồi bệt xuống vệ đường nhăn nhó ôm chân.

Mãi một lúc khá lâu sau đợi cơn đau dịu đi, anh mới thẫn thờ tính toán đối sách. Khu dân cư gần nhất ở xuôi hay phía ngược, tính từ chỗ anh ngồi cũng xa hơn chục cây số, con đường thì hiếm khi có người qua lại, nên không hy vọng gì ngồi chờ ai đó giúp đỡ, tốt nhất là cứ nổ máy, rồ ga mà đẩy tới đâu hay tới đó.

Phan mệt nhừ mỏi rã, toàn thân ướt đẫm mồ hôi, cái bụng đói meo thỉnh thoảng lại sôi lên ồn ột. Chiếc xe máy bám đầy bụi đất, gầm rú trệu trạo trườn đi. Cả hai đều khó nhọc bò từng mét một, trên con đường được tính bằng hàng chục cây số tối đen đầy ổ gà ổ voi, giữa chốn núi rừng trùng điệp. Phan vừa đẩy xe, vừa suy nghĩ. Muốn đến được nơi có dân cư, chắc phải nửa đêm.

Nghĩ ngợi, tính toán, rồi hối hận... Hình ảnh tay kỹ sư chỉ huy trưởng công trình tay vân vê bộ ria mép cắt tỉa sắc lẻm, đứng bên chiếc bàn dọn đầy món nhậu, nài nỉ anh ở lại dự bữa cơm đặc sản núi rừng của ban lãnh đạo chiêu đãi, cứ nhảy múa trong đầu anh. Phan cám cảnh cười lớn.

Âm thanh điệu cười cảm thán vọng qua bóng tối, tán rừng vách núi, dội trả lại anh những tiếng u... u... như tiếng khóc. Phan tự dưng bái phục kẻ nào đó từng nói “cười là tiếng khóc khô lệ”. Chắc chắn thằng chả phải rơi đúng cái hoàn cảnh bi đát như anh bây giờ mới nói được một câu hay đến vậy.

Tiếng u... u... khô lệ ấy chưa kịp chìm xuống, sau lưng Phan chợt nổi lên một giọng nói khùng khục quen thuộc cùng lúc với hai gọng kìm thép bấu lên đôi vai ướt rượt mồ hôi:

- Hay quá! Lại gặp anh chàng nhát gan đây rồi.

Bị chộp vai bất ngờ, Phan hoảng hốt xô ngã cả chiếc xe, nhảy bật tới trước và nhanh chóng xoay người lại, hai tay cung lên thủ thế.

Phía đối diện anh, gã người rừng vẫn một bộ đồ lính sáu túi cũ mèm, chiếc gùi nhô lên mấy cán tre và bộ râu rậm rịt đang nhăn nhở cười khoe hàm răng trắng nhởn...

Ngày mẹ tôi còn sống, bà thường nhắc nhở con cái phải ở hiền mới gặp được lành, gieo nhân nào gặt quả ấy. Anh em tôi hay hùa nhau làm mẹ buồn, giận bằng những phản biện mang tính thực dụng của mình. Chúng tôi, những đứa con mẹ rứt ruột sinh ra quay lại chê mẹ cổ hủ, không hợp thời.

Tôi biết mẹ từ cõi vô cùng nào đó vẫn đau đáu dõi theo từng bước chân chuệch choạc trên đường đời, của những đứa con chưa kịp học hết đạo lý làm người.

Có lẽ trên quãng đường khó khăn bế tắc nhất của tôi, chính mẹ lại thêm một lần nữa, gởi gã người rừng đến... Mấy củ khoai, củ sắn ngọt bùi lôi ra từ chiếc gùi; một đôi bàn tay cứng như thép nguội đẩy bon bon chiếc xe xẹp lốp qua hết chặng đường núi tối tăm; một chỗ ngả lưng qua đêm ấm áp trên chiếc nhà chòi, nằm cheo leo bên mép rừng hoang vắng, đúng vào nơi tôi dừng xe cho gã nhảy xuống bữa đêm hôm ấy với một tiếng thở phào nhẹ nhõm, tự răn đe mình đừng bao giờ lặp lại chuyện xuẩn ngốc như vậy nữa...

Truyện ngắn của Bùi Nguyên
Nguồn tin: www.giacngo.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 588
  • Khách viếng thăm: 574
  • Máy chủ tìm kiếm: 14
  • Hôm nay: 78521
  • Tháng hiện tại: 2886664
  • Tổng lượt truy cập: 88691267
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012