Những quán chay đã đến với bà con dân tộc vùng cao huyện A Lưới

Đi tiên phong trong việc đáp ứng nhu cầu ăn chay của bà con Phật tử cũng như người dân huyện A Lưới là quán chay Ánh Đạo Vàng (số 36, đường Hồ Huấn Nghiệp, thị trấn A Lưới) do hai anh chị Huynh trưởng Quảng Thông – Lê Văn Hoàng và Quảng Ánh – Hồ Thị Ngọc Lanh mở. Kế tiếp là quán chay Diệu Hương (số 219 đường Hồ Chí Minh, thị trấn A Lưới) khai trương vào ngày 11/11 năm Ất Mùi do Đạo hữu Ngô Thị May pháp danh Quảng Hải làm chủ.
Cổ nhân có câu:

“Xưa nay trong một bát canh,
Oán sâu như bể hận thành non cao,
Muốn hay nguồn gốc binh đao,
Lắng nghe lò mổ tiếng gào đêm thanh”.

 
Tất cả loài chúng sinh, từ loài có vảy, có mao, lông vũ... đều ham sống sợ chết. Bởi đời trước tạo nghiệp bất thiện nên đời này phải thọ thân súc sinh. Chúng vẫn có hiểu biết, đau khổ và yêu thương không khác con người.
 
Đạo Phật được xây dựng trên nền tảng từ bi và trí tuệ. Từ bi là chất liệu không thể thiếu để xây dựng nên giáo lý tuyệt vời của Đạo Phật. Có rất nhiều phương pháp để trưởng dưỡng lòng từ bi trong mỗi chúng ta, trong đó phải kể đến phương pháp ăn chay. Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh như nhau”, “Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, cứ tạo nhân tội ác, sát hại ăn thịt lẫn nhau, nên bị ác quả, là sanh tử luân hồi mãi trong sáu đường”. Trong Kinh Lăng Nghiêm có nói: “Hễ giết một mạng thì hãy trả lại một mạng; tâm giết hại chẳng dứt trừ, thì không thể nào ra khỏi trần lao được.” Cho nên muốn tránh oan báo luân hồi, tránh các điều tội lỗi thuộc về giới sát, người con Phật phải thực hành ăn chay.

Với nhiều lợi ích như thế nên phương pháp ăn chay được đông đảo Phật tử thực hành để trưởng dưỡng đạo tâm, thể hiện lòng từ thương xót chúng sanh, tránh ác báo của nghiệp sát, dứt tâm tham nhiễm nơi vị trần, cho thân tâm được nhẹ nhàng, thuận ích trên bước đường tu tập.
 
Trong cuộc sống ngày nay, con người đang đối mặt với nhiều thách thức trong vấn đề ăn uống để đảm bảo sức khỏe đến nỗi có người phải thốt lên rằng: “Con đường từ miệng đến nghĩa trang ngày càng ngắn lại”. Để giải quyết vấn đề đó, ăn chay đang là xu hướng đang thịnh hành hiện nay trên thế giới. Nhiều nhà khoa học đã chứng minh và đều công nhận rằng ăn chay rất bổ dưỡng, hợp vệ sinh, hạn chế bệnh tật và tăng cường sức khỏe.
 
Ăn chay đã được người dân Việt biết đến từ lâu và trở thành nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của dân tộc Việt Nam. Ăn chay giúp chúng ta lắng lòng để cảm nhận, để chiêm nghiệm lại cuộc đời, chiêm nghiệm bản thân, làm tâm hồn trở nên thanh sạch hơn. Đó là những điều mà có lẽ không có nét văn hóa ẩm thực nào làm được ngoài văn hóa ăn chay. Thời phong kiến, trước khi tế trời ở Đàn Nam Giao, đức vua phải cử ăn thịt cá ba ngày và ở tại Tịnh Trai cung. Trên tinh thần đó, người dân Việt dù không phải là Phật tử cũng thích ăn chay và tập tục này đã ảnh hưởng sâu rộng trong mọi giai tầng xã hội Việt Nam từ xưa đến nay.
 
Tuy ẩm thực chay đã gắn bó với người Việt lâu đời và được duy trì cho đến ngày nay nhưng đối với bà con dân tộc thiểu số thì còn quá xa lạ. Tín ngưỡng đa thần cùng với các nghi thức tế lễ cũng như thói quen săn bắt thú rừng đã ăn sâu vào trong phong tục, tập quán, nếp sống sinh hoạt của người dân bản địa. Cho nên khuyến khích họ ăn chay là đều thực sự rất khó khăn và nan giải.
 
Nhưng thật đáng mừng khi mà ở vùng cao A Lưới, nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, các quán chay đã được mở và khai trương theo qui luật “có cầu thì phải có cung”. Qua đó, chúng ta thấy được ẩm thực chay dần dần đã thâm nhập vào đời sống văn hóa ẩm thực của Đạo hữu Phật tử nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới nói chung.

Chính nhờ những bài pháp thoại ngắn, đơn giản, dễ hiểu về các đề tài như Quy y Tam Bảo, ngũ giới, ăn chay, tụng kinh, niệm Phật, nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, … trong các khóa tu “Niệm Phật” và “Tịnh hóa Tam nghiệp” một tháng 2 lần mà đời sống tâm linh của bà con Phật tử được chuyển hóa tích cực và rõ nét, dần dần trở thành những Phật tử thực thụ, thể hiện qua cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Đây là điều đáng tự hào và khích lệ trong công tác hoằng pháp của chư Tôn đức trong BTS GHPGVN huyện A Lưới.
 
Đi tiên phong trong việc đáp ứng nhu cầu ăn chay của bà con Phật tử cũng như người dân huyện A Lưới là quán chay Ánh Đạo Vàng (số 36, đường Hồ Huấn Nghiệp, thị trấn A Lưới) do hai anh chị Huynh trưởng Quảng Thông – Lê Văn Hoàng và Quảng Ánh – Hồ Thị Ngọc Lanh mở. Kế tiếp là quán chay Diệu Hương (số 219 đường Hồ Chí Minh, thị trấn A Lưới) khai trương vào ngày 11/11 năm Ất Mùi do Đạo hữu Ngô Thị May pháp danh Quảng Hải làm chủ.
 
Ban đầu, việc mở quán chay là quyết định khó khăn vì đa số người dân huyện A Lưới chưa có thói quen ăn chay. Nhưng với tinh thần “Phật pháp tại thế gian” của người con Phật cũng như được sự khích lệ vận động của chư Tôn đức trong Ban Trị sự GHPGVN huyện A Lưới, hai quán chay đã được mở để phục vụ bà con Phật tử.

Thật đáng tự hào, khi vào các ngày 14,15 hay 30, mồng 1, rất đông bà con Phật tử cũng như người dân A Lưới đến dùng ẩm thực chay. Điều này chứng minh được ẩm thực chay đang dần lan tỏa và thâm nhập vào đời sống của bà con dân tộc vùng cao A Lưới. Đây là thành tựu rất đáng tự hào trong công cuộc hoằng pháp ở vùng sâu, vùng xa.
 
Nhân đây, xin chúc cho quán chay ngày càng đông khách và ngày càng có nhiều quán chay được mở không chỉ ở miền núi A Lưới nói riêng và trên cả nước nói chung. Đó là những bông sen nở trên miền sơn cước vùng cao A Lưới!

Người viết xin mượn lời bài hát “Ăn chay” gửi đến quý độc giả thay lời muốn nói.
 
“Ai bảo ăn là khổ, ăn chaу vui lắm chứ.
Vì từ bi, tấm lòng vị tha, vì thương xót chúng sinh.
Không lấу sát sinh làm vui, mà dùng chaу thanh khiết.
Bát canh rau, ta chấm tương chao, cơm trắng và thật mau”.


PV xin giới thiệu hai quán chay tại huyện A Lưới
 
 
 
Quán chay Ánh Đạo Vàng (số 36, đường Hồ Huấn Nghiệp, thị trấn A Lưới) do gia đình anh chị Huynh trưởng Quảng Thông – Lê Văn Hoàng và Quảng Ánh – Hồ Thị Ngọc Lanh làm chủ



Chư Tôn đức Thường trực Ban Trị sự GHPGVN huyện A Lưới chúc mừng Khai trương


Quán chay Diệu Hương (số 219 đường Hồ Chí Minh, thị trấn A Lưới) khai trương ngày 11/11 năm Ất Mùi do Đạo hữu Ngô Thị May pháp danh Quảng Hải làm chủ. 
 




Đại đức Thích Tâm Phương phát biểu chúc mừng đến gia đình Đạo hữu Ngô Thị May



Chư Tôn đức và quý Đạo hữu tặng quà chúc mừng khai trương

 Nguyên Bình - Tâm Diệu