Phát triển các câu lạc bộ thanh thiếu nhi Phật tử

Phật tử Văn Phụng

Phật tử Văn Phụng

Thanh thiếu niên là những người có nhiều nhiệt huyết, những con người nắm vận mệnh đất nước trong tương lai, những nền móng duy trì Phật pháp cho thế hệ sau.

Nhờ duyên lành tôi được biết đến hội thảo sắp diễn ra với chủ đề “Phương hướng phát triển các Câu lạc bộ Thanh Thiếu nhi Phật tử phía Bắc” nên nhân cơ duyên đầy đủ về mặt thời gian và trải nghiệm bản thân, cũng như một phần giác ngộ về Phật pháp muốn đóng góp chút ít ý kiến để đưa các câu lạc bộ ngày phát triển nhằm duy trì sự ổn định thịnh vượng và phát triển Phật pháp.

Bản thân tôi là một người đã được đi chùa từ lúc bé thơ và trải nghiệm một thời gian sinh hoạt chùa thời còn đi học cũng như tham gia vào câu lạc bộ TN Phật tử TP.HCM tại chùa Từ Tân trong một thời gian lúc đi làm. 

Với cách nhìn của người kinh doanh nhỏ đã được đạo tạo qua quản trị nên cũng có chút hiểu biết về điều hành, vì thế cũng mạo mụi viết đôi dòng ý kiến và nhận định cho câu lạc bộ Câu lạc bộ Thanh Thiếu nhi Phật tử phía Bắc nói riêng và cho toàn bộ câu lạc bộ Phật tử cả nước nói chung như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT PHÁT TRIỂN CÂU LẠC BỘ THANH THIẾU NIÊN PHẬT TỬ

Thanh thiếu niên là những người có nhiều nhiệt huyết, những con người nắm vận mệnh đất nước trong tương lai, những  nền móng duy trì Phật pháp cho thế hệ sau. Hơn nữa khi thanh thiếu niên giác ngộ được Phật pháp thì xã hội ngày càng tốt đẹp, giảm được nhiều tội ác và giúp được việc có ích cho xã hội khi trưởng thành. 

Hiện tại truyền thông trên Phật giáo rất phổ biến, các em nhỏ có thể học Phật pháp từ kinh sách, truyện, phim hoạt hình Phật giáo… Nói chung có rất nhiều phương tiện để các em nhận thức đúng đắng hơn về Phật pháp nhưng chủ yếu là do tính tự giác, thích thú yêu mến đạo Phật, sự từ bi và nhiệm màu từ Phật pháp… để cuốn hút các em tìm hiểu nhưng chưa có sự gắn kết, định hướng rõ ràng.

Tuổi nhỏ có nhiều giới hạn về nhận thức và hiểu biết, cần sự giúp đỡ nhiều từ các vị trưởng thành, các anh chị em đi trước để có nhận thức sâu sắc hơn…

Chẳng hạn như tôi đã trải qua cái thời thích đi chùa vì nơi đó được phát bánh kẹo khi rằm, ngồi tụ tập ăn cơm chay tập thể, được phát quà khi mỗi mùa trung thu về…và ngồi đọc kinh theo các vị lớn tuổi nhưng không hiểu nghĩa thực sự Đức Phật dạy gì…chỉ biết là từ bi không hơn thua, bằng lòng với hiện tại…nghe nói như vậy nhưng thật sự không hiểu phải như thế nào…

Rồi dẫn đến hiểu lầm rằng Phật giáo giúp mình từ bi hơn khi không còn muốn phấn đấu hơn ai, chỉ bằng lòng với cái mình có để rồi thụ động không chịu học hỏi, từ một người năng động trở thành thụ động khi cho rằng mình hiểu Phật pháp và có từ bi, không phấn đấu để giúp nhiều người và cảm thấy cuộc sống an nhàn là đủ…

Đến chùa một thời gian lại buồn chán vì không có một sân chơi, chỉ gặp người lớn tuổi, chỉ tụng kinh rồi về… nên đi một thời gian lại nhàm chán.

Chính vì vậy, chúng ta cần có định hướng rõ ràng để giúp thanh thiếu niên có một nhận thức đúng đắn về Phật pháp và hoạt động trong một tổ chức chuyên nghiệp:  đó là thành lập câu lạc bộ Câu lạc bộ Thanh Thiếu nhi Phật tử. 

Một câu lạc bộ sẽ giúp thanh thiếu nhi có nhiều điều kiện học tập…trải lòng, chia sẻ với mọi người, nơi vui chơi, đồng thời là nơi học hỏi, được giải đáp những thắc mắc…  

II. CÁC YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CLB

Khi hiểu được sự cần thiết của việc thành lập Câu lạc bộ Thanh Thiếu nhi Phật tử, chúng ta cần xác định các yếu tố quyết định đến sự phát triển của câu lạc bộ, tôi xin đưa ra một số yếu tố chính như sau:

- Con người là yếu quan trọng hàng đầu để dẫn dắt hoạt động của câu lạc bộ

- Tổ chức bộ máy, thời gian, địa điểm và nội dung hoạt động triển khải hoạt động của câu lạc bộ

- Tài chính để đảm bảo cho quá trình triển khai hoạt động.

Để hoạt động của câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả thì ta cần tập trung đầu tư vào 3 yếu tố điểm trên và được trình bày rõ thêm như sau:

II.1. Con người là yếu quan trọng hàng đầu để dẫn dắt hoạt động của câu lạc bộ

Vì sao con người là yếu tố hàng đầu? 

Con người hoạt động trong một lĩnh vực tâm linh, định hướng một nhận thức cho một thế hệ trong tương lai, người có tính quyết định sự hội tụ và tan rã của câu lạc bộ. Vì thế nếu một người có tâm và tài trí thì sẽ đưa ra đường lối kế hoạch hoạt động câu lạc bộ hiệu quả, thu hút được nhiều tầng lớp trẻ. 

Do đó, cần xác định tiêu chí để tuyển chọn những vị lãnh đạo điều hành và phụ trợ trong câu lạc bộ một cách nghiêm túc. Các tiêu chí để tuyển chọn các lãnh đạo chủ chốt như sau:

II.1.1  Đối tượng được tuyển chọn làm người lãnh đạo

Đối tượng phải là người có tâm và toàn ý để giúp các em, không bị ràng buộc về tài chính (không cần nhiều tiền để sống cho riêng mình) và cuộc sống để có thể tập trung toàn bộ thời gian đưa ra đường lối và điều hành hoạt động câu lạc bộ. Chính vì vậy đối tượng lãnh đạo câu lạc bộ phải là các vị Xuất gia…

Đây là yếu tố quan trọng nhất trong sự thành bại của câu lạc bộ. Người lãnh đạo câu lạc bộ khi không quan trọng chuyện vật chất cho riêng mình thì sẽ không tham của công, không định hướng kế hoạch hoạt động để có lợi cho riêng mình, không bòn vét của công để làm tư lợi. 

Nói như vậy không có nghĩa là ta cho rằng những người thanh niên có tâm vì Phật pháp sẽ như vậy nhưng người hoạt động trong lĩnh vực này không phải lo chuyện cơm áo gạo tiền và chi phối bởi công việc riêng thì mới có nhiều ý tưởng phục vụ cho câu lạc bộ phát triển về chiều sâu lẫn chiều dài.

Những thành phần thanh niên và thiếu niên có tâm thì nên để ở vị trí hỗ trợ và cấp lãnh đạo bên dưới ở từng nhóm nhỏ hoặc trong ban chấp hành để đóng góp ý kiến phát triển… vì những thanh niên và thiếu niên đó cũng hiểu rõ được nhu cầu các bạn ngoài đời nhiều hơn quý thầy.

II.1.2. Độ tuổi

Tuổi từ 18 đến 30 vì ở độ tuổi này còn gần gũi và hiểu được tâm sinh lý của các em nhỏ, trên 18 tuổi là đã tốt nghiệm kiến thức cơ bản của học thức và dưới 30 là không quá già so với các em, trong độ tuổi đó con người có sự nhanh nhẹn sáng kiến và tiếp thu cái mới để giúp các em. 

II.1.3. Trình độ 

Đồng hành với tiêu chí chọn người có tâm thì người có trí thức và sáng tạo cũng là yếu tố quan trọng cho người lãnh đạo câu lạc bộ mang đến thành công.

Có trí thức trong tiếp cận cái mới, có óc sáng tạo để không có sự nhàm chán trong hoạt động, thu hút nhiều giới trẻ và duy trì được sự hoạt động của câu lạc bộ. (Vì bản thân tôi có tham gia vào câu lạc bộ nhưng mỗi lần đi thì không còn thấy ít người cũ, thành viên mới nhiều hơn…). Chính vì vậy trình độ tối thiểu phải tốt nghiệp đại học.

Cần có sự đào tạo chuyên nghiệp cho các thành viên trong câu lạc bộ, các chủ nhiệm câu lạc bộ…, trang bị về kiến thức lãnh đạo và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc hiệu quả. 

II.2. Tổ chức bộ máy, thời gian, địa điểm và nội dung hoạt động triển khai hoạt động của câu lạc bộ

II.2.1. Tổ chức bộ máy

Khi nhân tố con người đã đảm bảo các tiêu chí trên thì tổ chức bộ máy và đường lối hoạt động là nhân tố thứ 2 quyết định sự phát triển của câu lạc bộ.

Tổ chức bộ máy hoạt động phải tinh gọn, không phức tạp, mỗi thành viên giữ một nhiệm vụ trọng yếu. Tôi xin đưa ra vài ý cơ bản như sau:

- Thành lập ban chấp hành hoạt động CLB, chủ nhiệm có trách nhiệm chính đối với đường lối hoạt động, phải luôn lắng nghe ý kiến đóng góp từ các thanh viên và các thanh thiếu niên trong câu lạc bộ qua một địa chỉ mail hoặc phương tiện nào đó để đáp ứng được nguyện vọng mong muốn của các em. 

- Tổ chức phải có website hoặc các trang mạng cần thiết để công khai hoạt động, lắng nghe ý kiến đóng góp và phản ánh…lưu trữ những hoạt động và quảng bá hình ảnh của CLB.

- Các thành viên khác chịu trách nhiệm trong từng nhóm câu lạc bộ của mình thì phải thường xuyên đóng góp ý kiến để ban chấp hành hoạt động hiệu quả hơn, khi đã thống nhất kế hoặch thì phải đồng lòng thực hiện. 

- Theo tôi mỗi thành viên trong ban chấp hành chịu trách nhiệm cho 5 câu lạc bộ nhỏ ở từng chùa ở khu vực gần mình nhất để hạn chế đi xa…, chịu trách nhiệm kiểm soát, triển khai hoạt động để báo cáo lên ban chấp hành hỗ trợ, giải quyết các vấn đề.

II.2.2. Thời gian  và địa điểm sinh hoạt

II.2.2.1. Thời gian hoạt động họp thường kỳ của Tổng câu lạc bộ là giữa tháng mỗi kỳ vì thời gian này là giữa kế hoạch hoạt động, có thể triển khai sửa chữa cho hoạt động trong nửa tháng còn lại sau khi đã triển khai được nửa tháng. Và có thể lên kế hoạch hoạt động cho tháng kế tiếp.

Tối ngày thứ 4 giữa mỗi tháng là thuận tiện cho tu sĩ và các thành viên là các thanh niên trong ban chấp hành, không bị áp lực các mỗi quan hệ xã giao  vào ngày cuối tuần và có thời gian lo cho gia đình.

Giữa mỗi tháng họp đưa ra kế hoạch và báo cáo tình hình hoạt động nửa tháng đầu. Chọn thời gian giữa tháng vì các thanh viên là thanh niên trong ban chấp hành không bị áp lực do công việc làm ăn, phải tổng kết báo cáo tổng kết hàng tháng cho các công ty hoặc việc kinh doanh riêng.

Hoạt động các câu lạc bộ nhỏ ở chùa thống nhất vào chiều chủ nhật hàng tuần, từ 15h (3 giờ chiều) trở đi vì chủ nhật là ngày nghỉ các em và thuận tiện cho cha mẹ đồng thời cho các thành viên trong câu lạc bộ ở chùa. Thời gian 3 giờ nhằm hạn chế cái nắng….ở 3 giờ chiều các em đã được ngủ trưa và có tinh thần sinh hoạt vui chơi….

II.2.2.2. Địa điểm họp tổng câu lạc bộ là ở nơi trung tâm, để thuận tiện cho việc đi lại các thanh viên trong ban chấp hành, nơi họp yên tĩnh và không bị tác động do các yếu tố bên ngoài.

Điểm sinh hoạt cho các câu lạc bộ ở các chùa là sân chùa thoáng mát hoặc điều kiện không đủ thì mượn một nơi nào đó rộng rãi (sân trường, công viên…), thoáng mát để dễ sinh hoạt tập thể, trò chơi, hát…

II.3. Nội dung hoạt động triển khai hoạt động của câu lạc bộ

II.3.1 Hoạt động truyền thông, phương pháp thu hút thiếu nhi biết đến câu lạc bộ, hành động cần có sự hỗ trợ từ các trụ trì và thành viên ban chấp hành CLB:

Để câu lạc bộ càng ngày phát triển thì phải thu hút được nhiều thành viên tham gia và đây là hoạt động cần quan tâm để giúp các em biết đến tổ chức. Cách thức thực hiện như sau:

- Bước đầu tuyên truyền những hình ảnh và lợi ích khi tham gia cho các em nbỏ thông qua cha mẹ các em để thu hút các em chú ý tới chùa, tác động đến nhận thức cha mẹ về tầm quan trọng việc các em tới chùa tham gia sinh hoạt có nhiều lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội trong hiện tại và sau này khi trưởng thành. 

- Khuyến khích các cha mẹ dẫn con em tới chùa khi đi lễ Phật. Tổng câu lạc bộ Phật tử phổ biến kế hoạch cho các chủ nhiệm ở từng chùa, treo băng rôn, bảng hiệu thời khóa sinh hoạt các cho các thanh thiếu nhi, hấp dẫn bằng các chương trình thực tế…

- Phổ biến các kế hoạch và lợi ích sinh hoạt cho cho các Phật tử thăm cảnh chùa, lễ Phật, cúng… để họ khuyến khích con cháu họ tới chùa… và nhờ các Thầy trụ trì tác động đến họ.

II.3.2. Hoạt động tổ chức giúp học hỏi Phật pháp, tụng kinh ghi nhớ lời Phật dạy và thiền định

Đây là mục đích quan trọng nhất để hoằng dương Phật pháp, giúp các em nhận thức sâu rộng về Phật pháp một cách tích cực, tránh nhận thức sai trái chỉ biết đến chùa là cầu nguyện xin.

Hoạt động phải thường xuyên: 

- Trước khi bước vào sinh hoạt khác, ở chùa phải có những bài pháp nhỏ về Đức Phật,  những câu chuyện hay về Phật pháp liên quan đến đạo đức, nhân quả để giúp các em nhận biết chuyện thiện ác, cái tốt và cái xấu. 

- Và sau đó có một bài kinh kệ nhỏ để cho các em đọc để lắng tâm vào những lời dạy của đức Phật. 

- Thiền định giúp thông minh hơn… Cần phải tuyên truyền về lợi ích của thiền và niệm Phật…

- Hằng tháng phải có những buổi trò chuyện trao đổi Phật pháp, hỏi đáp thắc mắt…khuyến khích các em có những câu hỏi về giáo lý, những câu kinh mà các em không hiểu…và trước tiên nên để các bạn nhỏ trao đồi, người này hỏi nhưng ta mời những em khác thay mặt trả lời trước các thầy hoặc các bậc hiểu biết hơn nhằm tạo sự thoải mái và cũng để biết nhận thức Phật pháp của các em, các căn cơ mà ta giảng giải và giúp các em mình đã hiểu đúng hay sai.

- Bên cạnh trao đổi Phật pháp, câu lạc bộ còn phát động cuộc thi hiểu biết Phật pháp ở các độ tuổi…từ đó nắm được nhận thức về Phật pháp các em. Những câu hỏi về Đức Phật, ý nghĩa những lời dạy của ngài…cách thực hiện những lời dạy đó… Những câu đố về Phật pháp để khuyết khích sự tìm hiểu và học hỏi các em…

- Những cuộc thi về kể chuyện cuộc đời Đức Phật… để giúp các em tìm hiểu sâu về tích cách và lời dạy Đức Phật…, cuộc thi đóng kịch để các em học hỏi và tập tích cách của Đức Phật…(cách thức cụ thể thế nào thì còn rất nhiều vấn đề cần thảo luận).

- Những cuộc thi về bài viết cảm ơn cha mẹ, đạo hiếu trong Phật pháp…

- Điều quan trọng nhất là ở các tuổi thanh thiếu niên có nhiều thắc mắc…tò mò về thế giới tâm linh… 

Chúng ta cần có những buổi pháp để giảng giải rõ về thế giới tâm linh để biết mục đích chúng ta tu ở hiện tại sẽ được kết quả thế nào ở thế giới tâm linh, giúp thanh niên hiểu rõ bản chất tồn tại sau khi mất để không mù quáng… không sợ cái chết cho dù trong hoàn cảnh nào…để biết yêu cuộc sống hiện tại và con người xung quan, đem lại niềm tin tuyệt đối về thế giới chư Phật, hướng họ làm thiện để đạt đến một thế giới tốt đẹp và hạnh phúc hơn. 

Khi tuổi trẻ nhận thức được mục đích đến trong thế giới tâm linh thì tôi tin chắc họ sẽ cố gắng làm nhiều điều tốt để có điều kiện về thế giới tốt đẹp đó… Họ không tranh giành quyền lợi chà đạp lẫn nhau, họ sẽ làm điều tốt giúp đỡ lẫn nhau, phấn đấu thành đạt để giúp nhiều người.

- Những cuộc thi đố mang tích chất tập thể, tổ chức thành nhóm để khuyến khích các em làm việc với nhau, một phần rèn luyện sự đoàn kết và giao lưu với nhau để trang bị những hành trang khi các em vào đời, làm việc có hiệu quả theo nhóm.

Và tất nhiên là có những phần quà nhỏ, những lời khen thưởng để khích lệ tinh thần. Sau khi đạt giải ở từng chùa ta tổ chức để tham gia các chương trình mang tích chất khu vực, giữa chùa này với chùa khác…khu vực này đến khu vực khác…

Những cuộc thi là những động lực để các em tò mò, thích thú tìm hiểu đạo Phật…khi tìm hiểu kỹ về Phật pháp thì đó là một thành công lớn để các em biết đạo Phật là gì và nhận thức đúng đắn hơn về đạo Phật.

Ở mỗi chùa cần có những bảng tin, băng rôn, khẩu hiệu để phổ biến thông tin, kế hoạch…cuộc thi và giải thưởng. Cần có biện pháp tuyên truyền đến các em học sinh trong trường học để khuyến khích tới chùa.

II.3.3. Hoạt động vui chơi giao tiếp

Hãy biến câu lạc bộ là một sân chơi lành mạnh cho các em, nơi để giao lưu sinh hoạt giải trí để hấp dẫn thu hút ngày càng đông thanh thiếu niên tới chùa. Đây là điều cần thiết để dùy trì hoạt động của câu lạc bộ ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo thuận duyên để sống trong môi trường thiện, tránh xa nghiệp xấu….

- Những thành viên trong nhóm câu lạc bộ phải đươc hiểu rõ lý lịch hoàn cảnh, tuổi tác và cần thiết nhất là ĐEO BẢNG TÊN thật, pháp danh, khu vực sống thậm chí là số điện thoại liên lạc… để những em biết rõ nhau và hỗ trợ nhau khi sống gần gũi… Chẳng hạn như có xe thì cho bạn quá giang đến chùa… 

- Thường xuyên tập huấn cho các chủ nhiệm câu lạc bộ ở từng chùa những trò chơi mới…

- Thường xuyên tập hát những bài hát về cha mẹ, đức Phật, mái chùa….tổ chức những cuộc thi hát hay về Phật pháp…giao lưu văn nghệ giữa các chùa, phát hiện những tài năng mới đóng góp pháp âm cho Phật pháp

- Những cuộc thi vẽ về đức Phật…quê hương…cha mẹ…

- Những cuộc sáng tác thơ, văn truyện mang tính chất Phật pháp về đạo đức, tình yêu thương con người…

- Và giải thưởng những cuộc thi, cuộc chơi được tổ chức ở cấp độ ở chùa và đến khu vực…liên kết các tổ chức câu lạc bộ khác trong khắp cả nước nhằm tạo sự đoàn kết vững mạnh có hệ thống.

II.3.4. Hoạt động giúp đỡ các thành viên khó khăn trong câu lạc bộ.

Đây cũng là hoặc động cũng không kém phần quan trọng vì tạo thuận duyên cho người biết đến đạo Phật, nhờ Phật pháp mà họ được giúp được khó khăn.

Tôi đi tham gia câu lạc bộ và được tổ chức đi giúp đỡ những người khác nhưng ở rất xa nhưng các câu lạc bộ quên rằng trong câu lạc bộ của mình cần có nhiều bạn  học sinh, sinh viên khó khăn, nhà nghèo mà không cần quan tâm trước, họ cũng đóng góp cho câu lạc bộ nhưng bản thân họ không thoát được khó khăn thì sao giúp người khác. 

Chính vì vậy các câu lạc bộ sau khi thành lập cần phải tìm hiểu rõ từng thành viên để có cơ sở giúp họ, khi làm được điều này thì mới giữ được thành viên tham gia tích cực lâu dài, khi họ được giúp khó khăn thì tăng thêm sự đoàn kết và lòng biết ơn lẫn nhau, thấy được lợi ích thiết thực khi tham gia vào câu lạc bộ…

Cần có chương trình khuyến khích học bằng việc trao học bổng cho các thành viên có thành tích tốt trong học tập…vượt qua khó khăn,…

Và tất nhiên là nêu cao những tấm gương hiếu học, học giỏi để khích lệ các bạn trong câu lạc bộ đồng thời làm tấm gương cho các bạn khác noi theo…

Ở chùa cần phổ biến để nhờ các vị hảo tâm, đại thí chủ để giúp đỡ các thành viên khó khăn, TẠO CƠ HỘI VIỆC LÀM (đối với câu lạc bộ thanh niên) cho các em sinh viên, các thanh niên khó khăn khi biết đến Phật pháp… Đó là một cách giúp đỡ rất tốt đối với người đến với Phật pháp…khi họ thành đạt thì tất nhiên họ là những vị hỗ pháp đắc lực cho Phật pháp. Và khi thanh niên đến với câu lạc bộ họ có được sự quan tâm thì tất nhiên nhiều người tìm đến, đó cũng là cơ hội để ta gieo duyên Phật pháp đến với họ, đó cũng là một phần trong công việc hoằng dương chánh pháp. 

Hãy nhờ phương tiên vật chất của các nhà hảo tâm mà giúp đỡ cho các thành viên trong học tập cũng như trong công việc thì tổ chức đó mới bền vững, gắn bó lâu dài với nhau và đó là hành động thiết thực nhất cho tấm lòng nhân ái… của một tổ chức Phật pháp.

II.3.5. Hoạt động giúp ích xã hội, trải nghiệm tình thương.

Mục tiêu của Phật pháp là giáo dục con người có tình thương chân thật, từ bi, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống cũng như tu học, hoàn thiện bản thân, xa hơn nữa là giải thoát thế giới ta bà để về thế giới niết bàn hay cực lạc…

CLB được thành lập và hoạt động là một phương tiện sẽ đóng góp cho quá trình hoằng dương Phật pháp vô cùng hiệu quả khi đi đúng con đường vì tình thương chúng sinh. 

Chính vì vậy Ban chấp hành câu lạc bộ cần có kế hoạch thực tế để áp dụng những hiểu biết về tình thương lên xã hội, gieo nhân Phật pháp đến với những người kém phước. 

- Trước tiên Câu lạc bộ phải tìm hiểu những gia đình khó khăn xung quanh chùa và các khu vực gần chùa để có biện pháp định hướng các thành viên trong câu lạc bộ biện pháp giúp đỡ họ. Có thể là vật chất nếu có nhưng tuổi nhỏ thường bằng những hành động quan tâm đến gia đình đó, hành động lao động hoặc sự quan tâm của các thành viên trong câu lạc bộ, giúp các thanh thiếu niên cảm nhận được cuộc sống khó khăn và trải tình thương đến cho họ. 

Giúp những cụ ông, trẻ em bán vé số…những người già bệnh tật…đó là hành động trải tình thương và đồng thời gieo Phật pháp đến với người bất hạnh…giúp họ có niềm tin vào Phật pháp trong tương lai.

- Thường xuyên tổ chức những chuyến thăm đến trại mồ côi để khích lệ giúp đỡ những người đó đồng thời cho các em trong câu lạc bộ biết quý giá những gì đang có để trân trong yêu thương cha mẹ hơn….

- Thường xuyên tổ chức những chuyến thăm các làng khuyết tật để khơi dạy tình thương con người với con người, giúp đỡ gieo duyên Phật pháp đến với những người kém phước…và đồng thời giúp các em nhận thức được giá trị cuộc sống mình đang có, biết cố gắng phấn đấu để giúp người khó khăn.

- Đồng thời một động tác không kém phần quan trọng để lấy sự ủng hộ và truyền thông tổ chức đó là thường xuyên tổ chức cho các em tham gia hoạt động xã hội công ích, chẳng hạn như quét rác, dọn vệ sinh…nhổ cỏ làm sạch công cộng những nơi thờ phụng đình làng…miếu…nghĩa trang, nhà các bà mẹ liệt để giúp cho mọi người biết có một CLB thật sự mang lợi ích đến mọi người…

II.3.6. Hoạt động trao thưởng thành viên tích cực, thành tích.

- Đây là hoạt động nhằm khích lệ tinh thần của các thành viên đã đóng góp cho Ban chấp hành trong CLB, các thành viên tích cực hoạt động hiệu quả ở từng chùa, có nhiều đoàn sinh nhất…căn cứ vào nhiều hành động thiết thực được cộng đồng, xã hội khen thưởng…

- Đây là những bằng chứng để thu hút nhiều thanh thiếu niên tham gia, họ thấy một tổ chức thiết thực và có tiếng vang, khi người có tình yêu thương con người thì nhất định sẽ tham gia vào câu lạc bộ đẻ tiếp sức.

- Các buổi lễ tổng kết cần có sự tham gia của Giáo hội trung ương và các đại diện lãnh đạo, các đại diện doanh nghiệp là Phật tử…để báo cáo những hành động thiết thực đã làm do CLB mang đến, từ đó sẽ tạo được nhiều thiện cảm cho tổ chức đồng thời dễ dàng nhận được sự hỗ trợ tài chính làm phương tiện cho hoạt động phát triển và duy trì câu lạc bộ. 

- Và buổi lễ trao giải, ca ngợi cần có nhiều phương tiện truyền thông của báo chí Phật giáo, góp phần đêm tiếng vang cho đại chúng cũng như Phật tử biết lợi ích của CLB thanh thiếu niên Phật tử cũng như

Qua sự trình bày trên, ta cần phối hợp chặc chẽ 6 hoạt động chủ yếu thì sẽ có kết quả tốt đẹp

III. Tài chính để đảm bảo cho qua trình triển khai hoạt động.

Vấn đề tài chính cũng là yếu tố góp phần đến sự thành công của CLB, đó là phương tiện để triển khai kế hoạch và giúp đỡ con người vì tình thương. 

Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng không phải không có tài chính là ta không làm được, có ít làm ít và cứ mạnh dạn làm vì khi làm thì mới được nhiều người giúp…

Và ban đầu thực hiện sẽ có nhiều khó khăn nhưng đó là khởi đầu của sự thành công, có tư liệu quảng bá để kêu gọi sự giúp đỡ tài chính từ nhiều nhà hảo tâm.

Nhận thức được vấn đề tài chính là phương tiện của sự hoạt động thì CLB cần thành lập BAN VẬN ĐỘNG QUYÊN GÓP TÀI CHÍNH TRONG CÂU LẠC BỘ.

Ban này chịu trách nhiệm kêu gọi đóng góp từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, những Phật tử thuần thành. Nhưng trước tiên cần sự hỗ trợ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ủng hộ và hỗ trợ bước đầu để làm phương tiện thực hiện để có những hình ảnh quảng bá cho hoạt động của câu lạc bộ, tạo nên sự tin tưởng từ các nhà hảo tâm, từ đó mới có cơ sở để vận động quyên góp có nhiều nguồn tài chính ổn định. 

Điều cần thiết để có nhiều sự ủng hộ nhanh nhất là phương tiện truyền thông báo chí Phật giáo.

Để hoạt động tạo nên sự tin tưởng từ nhiều người thì Ban vận động quyên góp luôn hoạt động chi tiêu công khai, rõ ràng để tránh nhầm lẫn, hiểu lầm và mất thời gian để thanh minh… Mọi hoạt động nhỏ nhất phải có báo cáo rõ ràng và đưa ra nhiều phương án thực hiện có hiệu quả và tiết kiệm nhất. 

Chúc các Câu lạc bộ thành công.

Tác giả bài viết: Văn Phụng

Nguồn tin: Theo Phật Tử Việt Nam