Tham luận hội thảo: Trách nhiệm của người Huynh trưởng với lý tưởng màu Lam

Như chúng tôi đã thông tin, toàn bộ tài liệu của Hội thảo Gia Đình Phật Tử: Sứ mệnh và Phát triển diễn ra tại Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vào ngày 28/07/2013 sẽ lần lượt được chúng tôi truyền tải trên Website. Tham luận của Ni sư Thích Nữ Hạnh Nghiêm Phó trưởng Ban Hướng dẫn đặc trách Phật tử DT người Kinh.
Chiều dài lịch sử của GĐPTVN đã nói lên sự tích cực đóng góp cho ngôi nhà chung của Phật giáo, chúng ta hết sức trân trọng. Lịch sử là nét son ghi nhận những cái đã qua, nhưng là cái đang và sẽ đánh dấu sắp tới. Chúng ta tự hào cho một GĐPTVN, nhưng có lẽ chúng ta cũng rất lo cho những vết rạn chưa được hàn gắn. Với những lý tưởng cao đẹp nêu trên, với vai trò của những Huynh trưởng, hy vọng chúng ta kịp thời chung vai, chung tay, chung sức, chung lòng, chung trách nhiệm để xây dựng GĐPT lớn mạnh hơn về nhiều mặt. Có như thế thì mỗi thành viên là mỗi viên gạch, mỗi ý tưởng là mỗi chất keo hồ, mỗi Huynh trưởng là mỗi trụ cột để dựng xây, chống đỡ tòa nhà GĐPT ngày càng to lớn và kiên cố hơn.
 
 
A/ DẪN NHẬP:

Màu lam, màu đặc trưng của phật giáo, của những người đã quyết chí chọn cho mình lý tưởng cao đẹp. Cũng là màu trân quý của Đoàn sinh GĐPT VN, hơn nửa thế kỷ rồi, đoàn phục của họ vẫn là LAM.

Nói đến GĐPT là nói đến một tổ chức của GHPGVN, có truyền thống, có truyền thừa và có người sáng lập. GĐPT một ngành không thể thiếu trong tổng số hoạt động của Giáo hội. Sự lớn mạnh hay yếu kém của Giáo hội như thế nào do nhiều yếu tố, nhiều ngành, nhiều ban quyết định, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của GĐPT mà lịch sử đã chứng minh. Vì vậy, muốn Phật giáo phát triển lớn mạnh, thì GĐPT cũng cần phải phát triển lớn mạnh, và ngược lại.Tuy nhiên sự phát triển lớn mạnh đó cần phải đặt trên nền tảng của con người biết truyền thừa, biết tiếp nối và đầy trách nhiệm đối với lý tưởng màu lam mà mình đã chọn.

Trong phạm vi của đề tài hôm nay, chúng tôi xin mạo muội đề cập đến một vài TRÁCH NHIỆM CỦA HUYNH TRƯỞNG ĐỐI VỚI LÝ TƯỞNG MÀU LAM. Để hiểu rõ hơn, hãy cùng nhau đi vào phần nội dung:


 
B/ NỘI DUNG:

Toàn bộ nội dung của đề tài, chúng ta đặt điều kiện cần có của một Huynh trưởng, đối với lý tưởng của mình. Nghĩa là chúng ta muốn nói đến vai trò, trách nhiệm của họ đối với ngôi nhà chung của Giáo hội, đối với GĐPTVN nói riêng và thế giới nói chung. Trước hết chúng ta hãy xác định : Huynh trưởng – họ là ai? Lý tưởng của  họ là gì?
Như đã biết Huynh trưởng là một thành viên, là một con em của GĐPT, có trách nhiệm và khả năng cầm đoàn. Trong chừng mực nào đó, họ đã trưởng thành về tuổi tác cũng như về kiến thức, khả năng, đạo đức mà thời gian sinh hoạt với Gia đình họ được đào tạo, được truyền trao để tiếp nối sứ mạng. Như vậy, họ là một anh trưởng trong nhiều số anh trưởng của các em, đáng được tin cậy và giao phó trách nhiệm. Hơn thế nữa họ càng có ý thức trách nhiệm nhiều hơn đối với lý tưởng họ đã chọn và tôn thờ. Vậy trách nhiệm của huynh trưởng là những gì?
 
I/ TRÁCH NHIỆM CỦA HUYNH TRƯỞNG:

Để góp phần xây dựng một khối GĐPT lớn mạnh có sức hút, có đầy đủ uy tín đối với quần chúng, đối với quốc gia xã hội, trước hết các bậc Huynh trưởng phải thể hiện hết tinh thần và trách nhiệm của mình:
 
1/ Trách nhiệm với ngôi nhà chung của Phật giáo:

Ngôi nhà chung của Phật giáo đó là ngôi Tam Bảo. Là Phật tử thì bao giờ cũng đặt ngôi Tam Bảo lên hàng đầu. Hàng đầu của niềm tin, của lý tưởng, của lòng cung kính, trong ý thức hộ trì và xiển dương chân lý, để Phật pháp được trường lưu. Ai thiếu niềm tin và lòng tôn kính đối với Tam Bảo, dù có cố gắng đi tìm lý tưởng thì thiện tâm cũng gập ghềnh và thiện quả cũng mù xa. Bởi vậy, trách nhiệm của Huynh trưởng là làm sao đem Phật chất vào đời bằng cách sống, cách nghĩ, cách nói năng, ăn ở của chính mình, khiến người thấy sanh lòng tin tưởng, và tìm về với Gia đình.
 
Sau thời Phật Niết Bàn, Ấn độ đã có một Ức già Trưởng giả thể hiện niềm tin và trách nhiệm của mình đối với ngôi Tam Bảo thật kiên định và sáng chói vô ngần. Hãy lắng nghe lời ông đối đáp với Tôn giả A Nan: “Bạch Tôn giả A-nan, nếu con có thí xả như thế, có huệ thí như thế, dù cho tất cả tài vật đều khô cạn, cũng chỉ làm cho con mãn nguyện thôi, như thể là ý nguyện của vị Chuyển luân vương....”

Khi con đến chúng viên, nếu trước hết mà gặp một vị Tỳ-kheo nào, con liền đảnh lễ. Nếu vị Tỳ-kheo ấy kinh hành, thì con cũng kinh hành. Nếu vị ấy ngồi, con cũng ngồi theo một bên, ngồi rồi nghe pháp. Vị Tôn giả ấy thuyết pháp cho con nghe; con cũng thuyết pháp cho vị Tôn giả ấy nghe. Vị Tôn giả ấy vấn sự con, con cũng vấn sự vị Tôn giả ấy. Vị Tôn giả ấy trả lời câu hỏi của con, con cũng trả lời vị Tôn giả ấy. Con nhớ chưa từng có lần nào con khinh mạn các vị Tỳ-kheo thượng tôn trưởng lão, trung hay hạ…” 

   … Khi con ở giữa chúng Tỳ-kheo, hành sự bố thí, thì có chư Thiên trụ giữa hư không bảo con rằng: ‘Này Trưởng giả, đây là vị A-la-hán, đây là vị Hướng A-la-hán, đây là vị A-na-hàm, đây là vị Hướng A-na-hàm, đây là vị Tư-đà-hàm, đây là vị Hướng Tư-đà-hàm, đây là vị Tu-đà-hoàn, đây là vị Hướng Tu-đà-hoàn. Vị này tinh tấn, vị này không tinh tấn. Bạch Tôn giả, khi con cúng thí cho đại chúng Tỳ-kheo, con nhớ chưa từng có ý phân biệt      
                                                          
  ….Khi con hành sự bố thí ở trong chúng Tỳ-kheo, có chư Thiên trên hư không bảo con rằng: ‘Này Trưởng giả, có Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, và Thánh chúng của Như Lai khéo thú hướng’. Bạch Tôn giả, con không do vi trời kia mà có tín, không do vị trời kia mà dục lạc, không nghe theo vị kia, nhưng con tự có tịnh trí để biết Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, và Thánh chúng của Như Lai khéo thú hướng…


    Lại nữa, bạch Tôn giả A-nan, con ly dục, ly ác bất thiện pháp, v.v..., cho đến, thành tựu và an trụ thiện pháp. Bạch Tôn giả A-nan, con có những pháp ấy.” Ngài A Nan khen rằng: Những pháp ông có, thật là kỳ diệu! …

Có thể nói niềm tin và trách nhiệm đối với Tam Bảo của Ức già trưởng giả ngày xưa đã trở thành kinh điển cho ta ngưỡng mộ. Bởi có thực sự sống với niềm tin như vậy, mới xứng đáng vai trò một Phật tử, biết hộ trì Phật pháp. Những tưởng đó là một trong những tấm gương sống động nhất mà chúng ta cần phải tôn vinh và học hỏi. Ở đây chúng tôi không phải muốn đề cập đến khía cạnh bố thí, cúng dường, mà là muốn nhấn mạnh đến niềm tin kiên cố của Phật tử tại gia đối với Tam Bảo, để chúng ta có dịp nhìn lại mình và tự đánh giá lấy, mới thẩm định được chính mình.  

Bên cạnh đó, nếu gặp thời bạo loạn, vua quan đàn áp Tăng Ni, phá hoại Tam Bảo thì Phật tử không thể làm ngơ hay xu hướng. Điều nầy, năm 1963 cùng với Tăng Ni cả nước, GĐPT đã làm tốt vai trò hộ pháp, hy sinh bảo vệ chân lý mà lịch sử đã khắc ghi. Thế thì để lý tưởng được huy hoàng, để Phật chất đi vào được cuộc đời, đến với mọi người và để có được những tinh thần bất khuất  hy sinh vì đạo như thế, đòi hỏi người Huynh trưởng phải có trách nhiệm hiểu biết để định hướng, truyền trao, hướng dẫn cho đúng với vai trò cầm đoàn của mình.

 2/ Trách nhiệm với GĐPT:
 
GĐPT là gia đình chung của tất cả đoàn sinh GĐPT trên cả nước và quốc tế. Ở đây chúng ta chỉ nói đến phạm vi của GĐPTVN mà thôi. GĐPTVN do cụ Tâm Minh - Lê Đình Thám sáng lập, đó là bậc tiền nhân có nhiều công lao, sức lực, tâm huyết đối với Giáo hội nói chung và GĐPT nói riêng. Nhắc đến Cụ, chúng ta không thể nào quên một tấm gương sáng chói về sự cộng tác, sự hy sinh, đức khiêm cung, lòng tận tụy... và chúng ta cũng trân trọng về đạo đức, kiến thức thế học và phật học mà Ông đã từng đóng góp thiết thực cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo tăng tài thời bấy giờ. Nói đến Cụ là nói đến một con người toàn diện với nhiều tài năng và dư đức nhiệt tình: Là nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà truyền đạo, nhà dịch thuật kinh điển, nhà tổ chức …  tài tình. Ở thời gian nào cụ cũng mang đầy ý thức khơi dậy niềm tin, lửa đạo cho nhân sinh bằng nhiều phương tiện. Nhờ thế mà phong trào, Đồng ấu - Thanh thiếu niên học phật, Gia đình Phật hóa phổ, Thanh Niên Phật Học Đức Dục mới được ra đời. Từ đó tiến bước đi lên và hình thành một GĐPTVN có tầm cỡ. Thói thường khi có tài năng và công trạng, con người dễ phạm vào lỗi phách lối, ngạo mạn, kiêu căng. Ở đây chúng tôi tìm thấy trong lịch sử đánh giá về ông: Bao giờ Cụ Tâm Minh cũng rất nhiệt tình, khiêm tốn và cung kính Tăng Ni rất mực. Những tưởng cuộc đời và những đức tính cao quý của Ông là tấm gương sáng, là bài học hay nhất mà trách nhiệm của các Huynh trưởng là phải trân kính, học hỏi, tiếp nối thừa hành sức lửa ấy, từ người khai sinh ra mình, để trao truyền cho hậu tấn. Hãy như Ông nói, hiểu và làm, làm bằng chính sức lực mình, mang chất cống hiến thật sự. Có đôi khi ta nói, hiểu, làm nhưng chưa toát lên được đức hy sinh như tiền bối.

Ngoài Cụ Tâm Minh ra, còn nhiều bậc Huynh trưởng tiền bối khác nữa, nhưng vì hạn cụôc của bài tham luận không thể đề cập hết được.
 
3/ Trách nhiệm đối với gia đình:

Mỗi gia đình là một tiểu xã hội. Mỗi Huynh trưởng, mỗi đoàn sinh đều có một gia đình để cùng sống,cùng thương yêu, tin tưởng, nương tựa, quay về, xây dựng và bồi đắp cho tốt đẹp. Đó là trách nhiệm. Ai không chu toàn trách nhiệm với gia đình mình, thì cũng khó hoàn thành hết trách nhiệm với cái gọi là đại gia đình, quốc gia xã hội. Vậy một Huynh trưởng đối với gia đình của mình, ngoài những yếu tố cần có nêu trên, còn phải biết áp dụng lời Phật dạy vào trong đời sống  gia đình một cách thiết thực. Điều đó được thể hiện qua lòng tôn kính Tam Bảo và ý thức thọ trì 5 giới cấm. Giả sử Huynh trưởng của một gia đình, mà không thực hiện đời sống của một Phật tử tại gia là lấy chánh nghiệp nuôi chánh mạng, thì  mọi người khó chấp nhận hơn, là một gia đình bình thường khác, đôi khi lại trở thành điều kiện cho họ xúc phạm, chê bai đến đạo Phật nữa. Bởi muốn Phật hóa nhiều gia đình, trước phải Phật hóa gia đình mình, vì đó là sức hút mạnh nhất cho người quy tụ về với GĐPT một cách hữu hiệu. Qua phong cách sống của gia đình một Phật tử, sẽ là thước đo đạo đức để các bậc làm cha mẹ khơi dậy niềm tin tưởng mà cho phép hoặc gởi gắm con em tham gia sinh hoạt với Gia đình. Đó là việc cần lưu ý.
 
4/ Trách nhiệm với bản thân:

Điều kiện cần có để trở thành một Huynh trưởng chúng ta đã đượcđào luyện rồi, nhưng bánh xe tiến hóa của nhân sinh luôn luôn đi tới, cho nên  hằng ngày mỗi Huynh trưởng phải tự soi xét lại mình để tô bồi kiến thức và phẩm chất sống cho hoàn thiện hơn. Đừng bao giờ tự mãn với vốn liếng bấy nhiêu của mình. Tự bản thân mỗi người luôn thức nhắc: Lý tưởng mà ta tôn thờ là ngôi Tam Bảo và vành đai bảo vệ đời sống đạo đức của mình là 5 giới cấm mà đức Phật đã ban cho.

Thứ nữa phải biết phát huy và sáng kiến những phương cách hay để việc trao truyền, hướng dẫn, đào tạo đàn em đạt được kết quả hữu hiệu hơn.

Phải tự biết khắc kỷ mình để làm gương cho các em. Không dễ duôi, tha thứ, bào chữa những sai lầm của mình mà lại thiếu khoan dung với người khác.

Những nội quy, điều lệ của đoàn sinh GĐPT, chính mình làm gương mẫu chấp hành mới có sức thuyết phục đàn em và người khác.

Lúc nào cũng thể hiện tinh thần cống hiến, hy sinh vô điều kiện một cách thiết thực, cho đúng với mục đích cảm hóa con người, và vai trò hộ trì - phụng sự chánh pháp.

Biết xây xựng mình, chính là biết xây dựng cho GĐPT ngày càng tốt đẹp và lớn mạnh hơn. Đó là trách nhiệm của mỗi Huynh trưởng  vậy.
 


 
II/ LÝ TƯỞNG MÀU LAM:

“Lý tưởng bẻ lái cho thuyền đời, nở hoa cho cuộc sống”. Sống không lý tưởng như thuyền không định hướng, lênh đênh, bồng bềnh, trôi về đâu cũng chả biết. Như thế nào có nghĩa lý gì. Phật tử chúng ta đã định hướng đời mình qua niềm tin Tam Bảo. Lý tưởng của mình là lý tưởng màu lam. Như chúng ta biết, màu lam – màu đặc trưng cho đoàn phục của GĐPT. Chắc hẳn khi chọn màu sắc tiêu biểu nầy, tiền nhân đã thấy được ý nghĩa sâu sắc của nó. Chúng ta thử khái lược:
 
1/ Màu nhu hòa:

Nhu hòa là đức tánh cao quý nhất của Đức Phật. Vì vậy mới có câu  rằng: “Đạo Phật đến đâu hòa bình đến đó”. Điều nầy lịch sử đã minh chứng rõ ràng, khi đạo Phật xuất hiện ở nơi đâu là ở đó có hòa bình, có yêu thương, có lăn xả. Trong Kinh A Hàm, Đức Phật khẳng định: “Ta không tranh cãi với đời”. Rõ ràng  khẳng định mọi sự đấu tranh, chia rẽ không phải là chủ trương của Đạo Phật. Tranh cãi nào có ích lợi gì. Ích lợi thiết thực là làm sao ngay trong cuộc sống đời thường, con người hiểu con người hơn và biết sống một cách hòa hợp. Dù ở đâu đi chăng nữa, khi chọn lý tưởng LAM cho mình, là ta đã tự công nhận mình là một thành viên của Gia đình, cùng anh em, huyết thống. Thế nên, không hận thù, không đấu tranh, chia rẽ. Bài kinh “Cái Đập Nước”: Đức Phật trên bước đường du hóa, đã đem đức nhu hòa nầy để phá vỡ thành kiến hẹp hòi, cố chấp giữa 2 vua của 2 dân tộc Koliya và Sakya. Cũng từ đó nhịp cầu yêu thương nối kết, sự sống an hòa, oán thù tiêu tan ... là một minh chứng sáng ngời đã trở thành kinh điển. Thiết tưởng đó cũng là tố chất cần có như một trách nhiệm của người Huynh trưởng.
 
2/ Màu khiêm cung:

Khiêm là khiêm tốn. Cung là cung kính đối với người trên kẻ trước, hay nói đúng hơn là đối với mọi người.

Triết gia Tenny son đã nói: “Sự khiêm tốn thực sự chính là mẹ của mọi nhân đức”, câu nói rất hay và chính xác vô cùng dành cho những ai biết sống. Chúng ta đi trên con đường lý tưởng màu lam mà thiếu năng lượng khiêm cung là đã chệch hướng, sai đường, cách đạo quá xa. Bao đời chư Phật, chư Bồ tát, các vị Tổ sư, tiền nhân lớp lớp khi còn ở địa vị tu nhơn hay thành đạo rồi, quý Ngài đều thể hiện đức khiêm cung nầy một cách trọn vẹn. Bởi vậy, trong Kinh Pháp Hoa mới xuất hiện một Thường Bất Khinh Bồ tát, Ngài Thiện Hòa mới chắp tay chào hỏi mọi người ngay phút đầu mới gặp, dù người đó là kẻ nhỏ nhoi, thấp thỏi hơn Ngài:

“ Thế sao em không theo Hạnh Bất Khinh.
Cung kính lễ từng phàm phu tục tử”.

Có lẽ nhờ vậy mà đức của quý Ngài mới cao, hạnh mới sáng, đạo mới thành.

Nếu mỗi người Huynh trưởng đều có được đức tánh khiêm cung cao đẹp nầy, thì việc cầm đoàn chắc hẳn sẽ vững vàng, mọi người sẽ tin yêu, và đó cũng là cách giúp người biết phụng hành lý tưởng.
 
3/ Màu nhân đức:

Như trên đã nói sự khiêm tốn thật sự chính là mẹ sinh ra nhân đức. Lý tưởng qua màu áo đã hàm chứa ý nghĩa thiêng liêng của chúng ta là nhân đức. Không nhân đức sao được, khi mục đích sinh hoạt của GĐPT là làm sao hướng con người đến với đường thiện.Vì đến với Phật là đến với Chân - Thiện - Mỹ. Đi trên con đường thiện thì cái đẹp của thân được toát lên từ nét đẹp của tâm hồn, để cái Chân được hiển hiện. Có ai đó nói rằng: “Nhìn sắc phục, biết tư cách”. Có lẽ không hoàn toàn đúng như vậy, nhưng ở góc độ nào đó, vẫn nói lên được phần lớn ý nghĩa. Vẫn biết chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng trong cuộc sống đời thường nầy, thầy tu lìa chiếc áo, thế gian biết đo lường phẩm giá từ đâu? Chẳng hạn những đoàn sinh GĐPT khi sinh hoạt với y phục bình thường của xã hội, họ chưa nói lên được gì khi người đối diện mới gặp họ, nhưng chắc chắn khi mũ áo của đoàn sinh được khoác lên rồi, thì gây một ấn tượng cho người sơ giao. Hơn thế nữa, càng làm tăng thêm niềm tin cho người có tâm đối với đạo. Nhất là khi biết Huynh trưởng ấy đã từng sống hy sinh và không trái những luân thường đạo lý. Lúc nào cũng biết lấy giáo pháp của Phật để soi đường. Biết đem 5 giới cấm của Phật làm kim chỉ nam để đối nhân xử thế. Như vậy, nhân đức đã là lý tưởng sống cần yếu của một đoàn sinh Huynh trưởng, hãy lấy đó làm lòng.
 
4/ Màu của sự hy sinh:

Đức Từ phụ của chúng ta, trên con đường đi tìm lý tưởng, đã hy sinh đầu óc, tủy não, thân mạng, tiền tài, của cải … trải kiếp số hằng sa đại địa, không thể đếm hết, mới tìm được chân lý giải thoát giác ngộ. Hôm nay chúng ta là đồ đệ, là con em, dù là Phật tử tại gia, cũng đang dò dẫm từng bước trên lối xưa mà Như Lai đã trải nghiệm để tìm về lý tưởng. Như vậy  một mặt chúng ta khẳng định, là mình đang đi tìm lý tưởng, mặt khác là đang bảo vệ và tôn thờ lý tưởng. Thế thì sự lăn xả, hy sinh là đức tính không thể thiếu của một Phật tử. Hy sinh có nhiều cách, nhưng cách nào cũng đòi hỏi phát xuất từ trái tim chân thật, có hiểu biết, có từ tâm, và trở thành vô điều kiện. Chẳng hạn khi muốn đoàn sinh  GĐPT lớn mạnh, chúng ta phải có những phương cách khéo léo tiếp cận, gần gũi, khuyến khích để người phát tâm, tin tưởng tham gia với mình. Làm thế nào để họ thấy được sự lợi ích thiết thực, sự cao đẹp trong ngần mà ở nơi khác không có. Vì lý tưởng của ta là cải hóa mình, cải hóa người, cải hóa cuộc đời làm cho đẹp hơn và thăng hoa cuộc sống. Muốn được như vậy đòi hỏi người cầm đoàn phải biết hy sinh ở nhiều phương diện.
 
Trong tuần báo Giác Ngộ số 699, tác giả Diệu Kim có đề cập đến việc CHO TRẺ ĐI TU ở những khóa mùa hè, có lẽ chúng ta cũng cần lắng nghe về điều trăn trở ấy: “…Trừ những sinh hoạt cá nhân như tắm rửa, giặt quần áo, còn lại tất cả các công việc nấu nướng, dọn dẹp, rửa chén, lau chùi… đã có Ban Thiện Nguyện lo hết. Tóm lại trong các khóa tu, các em không làm gì động móng tay, luôn được phục vụ chu đáo từ miếng ăn tới giấc ngủ. Điều ấy cũng đương nhiên vì trên lý thuyết là các em phải được dành trọn vẹn thời gian để “ tu”. Nhưng nếu hiểu chữ  “ TU ” là sửa đổi thân tâm, thì theo thiển ý của chúng tôi, thời gian đó phải có những thay đổi khác đi. Sửa tâm là giúp các em bớt ích kỷ, ganh tỵ, giận hờn, biết thương yêu gia đình, thầy cô, bạn bè, đất nước, biết hòa đồng, chia sẻ, giúp đỡ, tận tụy. Sửa thân là bớt làm biếng, vụng về, biết làm việc nầy việc kia đỡ đần người khác, biết nhanh nhẹn, năng động, đúng giờ, kỷ luật, biết xử lý sự việc để vượt qua khó khăn v.v… Đằng nầy, chúng ta hình như chưa rèn luyện cho các em đúng mức. Lý thuyết là giúp các em biết chia sẻ, thương yêu người khác, nhưng ngược lại ở nhà các em cũng được cha mẹ “ hầu” từ A đến Z , vô chùa cũng được Ban thiện nguyện “ hầu”  từ Z đến A……”

Ở đây. tuy nói về các em tham dự khóa tu mùa hè, nhưng xem người rồi nghĩ lại ta, chắc chắn sẽ cho chúng ta có nhiều kinh nghiệm trong việc định hướng và giáo dục các đoàn sinh của mình. “Xe trước đổ, xe sau nên tránh”.  Có như vậy, lực hút bởi niềm tin từ các bậc phụ huynh sẽ chắp cho GĐPT chúng ta đôi cánh ước mơ “làm đẹp con người” tung bay trên nhiều bình nguyên tâm thức cho ý đạo xanh mầm.

Như vậy, “Hy sinh” phải trở thành thuộc tính của người Huynh trưởng nói riêng, và chung cho những ai đã quyết chọn màu lam làm lý tưởng của mình.
 

III/ VÀI Ý KIẾN NHỎ:
 
Hiện tại ưu điểm của đoàn sinh GĐPT là các em khi đến với đoàn, có nhiều mặt tiến bộ, nhất là không có em nào rơi vào những tệ nạn xã hội như lời khẳng định của nhiêu bậc Huynh trưởng. Điều nầy đã giúp các bậc cha mẹ, các cấp chính quyền bớt đi nỗi lo âu, chính là tích cực góp phần xây dựng quốc gia, xã hội. Tuy nhiên để hoàn thành tốt vai trò của một Huynh trưởng, thiết tưởng chúng ta cần quan tâm đến những điều sau:

1/ Cần khắc phục những khó khăn về nội tại cũng như khách quan.

2/ Cần nâng cao kiến thức: Thế học cũng như Phật học và phẩm chất đạo đức ngày càng cao đẹp hơn.

3/ Luôn hy sinh và luôn vận dụng phương pháp khéo léo để các em tham gia nhiều hơn, Phật hóa gia đình nhiều hơn, vì hiện tại tuổi trẻ hôm nay, con người hôm nay, phần đông bị nhiều cám dỗ, sa đọa, thiếu lành mạnh trong cuộc sống, làm mất đi phẩm chất đạo đức tối thiểu vốn cần có của  người con Việt.

4/ Không nên chỉ bằng lòng, tự mãn với những hào quang quá khứ, mà hãy biến thực tại thành pháp sống tích cực nhất, để chân lý Phật Đà không phôi pha, và lý tưởng lục hòa luôn là mục đích sống. Bởi có hòa mới bắt  nhịp hợp. Nhịp bước hợp hòa gây sức mạnh, để chị em, huynh đệ chung nhà không rơi lệ chia phân, làm đau lòng cha mẹ. Có như vậy uy tín của GĐPTVN mới có một thế vững trong lòng xã hội.

5/ Trong việc lèo lái cho GĐPT lớn mạnh, chúng ta cần có những thay đổi hay hơn, phù hợp với trình độ các em ngày nay, để không gây nhàm chán. Nói như vậy không phải là ta đổi mới hoàn toàn, bỏ đi những cái cũ, mà là biết duy trì và phát huy, để làm mới phong cách sinh hoạt của mình gây ấn tượng lành mạnh cho người quy tụ.
 
C/ KẾT LUẬN:
 
Chiều dài lịch sử của GĐPTVN đã nói lên sự tích cực đóng góp cho ngôi nhà chung của Phật giáo, chúng ta hết sức trân trọng. Lịch sử là nét son ghi nhận những cái đã qua, nhưng là cái đang và sẽ đánh dấu sắp tới. Chúng ta tự hào cho một GĐPTVN, nhưng có lẽ chúng ta cũng rất lo cho những vết rạn chưa được hàn gắn. Với những lý tưởng cao đẹp nêu trên, với vai trò của những Huynh trưởng, hy vọng chúng ta kịp thời chung vai, chung tay, chung sức, chung lòng, chung trách nhiệm để xây dựng GĐPT lớn mạnh hơn về nhiều mặt. Có như thế thì mỗi thành viên là mỗi viên gạch, mỗi ý tưởng là mỗi chất keo hồ, mỗi Huynh trưởng là mỗi trụ cột để dựng xây, chống đỡ tòa nhà GĐPT ngày càng to lớn và kiên cố hơn. Bất cứ trong một con người, hay trong một đoàn thể tổ chức nào, cái ưu và khuyết luôn có mặt, chúng ta hãy công tâm mà nhìn nhận để khắc phục, để cố gắng vượt qua, rồi làm mới lại kịp thời, cho lịch sử GĐPTVN được huy hoàng trong lòng xã hội nhân sinh.
 
Nhân danh LÝ TƯỞNG MÀU LAM và TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG chúng ta hãy bắt tay vào việc!
 
 
 
Ni sư THÍCH NỮ HẠNH NGHIÊM
  (Phó Ban Hướng dẫn đặc trách Phật tử DT người Kinh)