Thăm chùa Yên Thái xã Sơn Hải huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An

Dù xưa dù nay, dù xa dù gần thì mái chùa vẫn là nơi đi về, quy hướng của đa số người dân Việt, vẫn là chỗ dựa tinh thần không gì có thể thay thế được, và cũng là nơi un đúc, đào luyện những giá trị đạo đức và tinh thần cho bất cứ ai biết quay về nương theo Tam bảo, để giúp họ vững bước trên con đường đời chông chênh nhiều đau khổ mà vẫn có thể sống vui trong an lạc và hạnh phúc vì luôn có một đời sống chân chính và hướng thiện.
Nhận lời mời của Đại đức Thích Tâm Ngọc, ngày 4/11/2014 (nhằm ngày 12 tháng 9 nhuận Giáp Ngọ), Đại đức Thích Tâm Phương đã có chuyến thăm viếng tại chùa Yên Thái (xóm 13, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), đi cùng với Đại đức có các đạo hữu Phật tử thành phố Huế và Vinh, tỉnh Nghệ An.
 


Đại đức Thích Tâm Ngọc và Đại đức Thích Tâm Phương
 
Từ trung tâm thị trấn Cầu Giát đi theo trục đường quốc lộ 48B đến ngã tư Cầu Giát rẽ về phía đông khoảng 7km là đến Chùa Yên Thái – xã Sơn Hải. Xã Sơn Hải nằm về phía Đông của huyện Quỳnh Lưu, có chiều dài bờ biển là 5km, phía bắc giáp xã An Hòa, phía nam giáp xã Quỳnh Thọ, phía đông giáp xã Quỳnh Thuận, phía tây giáp xã Quỳnh Ngọc.
 


Chánh điện
 
Chùa Yên Thái được xây dựng vào thời Lý (1009-1025), có lối kiến trúc cổ mái ngói cong, 2 tầng 8 mái, chánh điện thờ Phật Thích Ca, Phật A Di Đà ở giữa, ở hai bên thờ Quan Âm bồ tát và Địa Tạng bồ tát. Chùa còn đang lưu giữ một tượng Hộ Pháp cổ làm bằng đá xanh nguyên khối có chiều cao 1,2m, 1 khánh đá có từ thời Lý - Trần (thế kỷ XI – XIV), hai tượng Bổn Sư, một tượng Di Lặc và một cụ rùa làm bằng đá nguyên khối, trên lưng cõng  một tấm bia đá… Tất cả những hiện vật đều có giá trị về văn hóa và lịch sử. Hiện nay chùa đang được Đại đức Thích Tâm Ngọc tu bổ, mở rộng thêm một số hạng mục để có chỗ cho bà con Phật tử nơi đây sinh hoạt và tu tập.
 



 
Dựa vào điều kiện thiên nhiên ưu đãi, có bờ biển trải dài nên người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề biển. Bà con tự đóng thuyền, dong buồm ra khơi khai thác hải sản (còn gọi là nghề "giã"). Bên cạnh đó, nghề làm muối, nông nghiệp, tiểu thủ công, thương mại, dịch vụ cũng rất phát triển do có nhiều người từ nơi khác đến an cư lập nghiệp tại đây. Tuy nhiên, tất cả bà con nơi đây đều có một điểm chung là đều có niềm tin vào chánh pháp, đều là những người con phật chân chính, thuần thành. Đúng 19h30’ hằng ngày, quý đạo hữu tại đây đã vân tập đông đủ để cùng tụng kinh, tu tập dưới sự hướng dẫn của Đại đức Thích Tâm Ngọc.
 


Tượng Hộ pháp bằng đá trên 720 năm
 
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”


Dù xưa dù nay, dù xa dù gần thì mái chùa vẫn là nơi đi về, quy hướng của đa số người dân Việt, vẫn là chỗ dựa tinh thần không gì có thể thay thế được, và cũng là nơi un đúc, đào luyện những giá trị đạo đức và tinh thần cho bất cứ ai biết quay về nương theo Tam bảo, để giúp họ vững bước trên con đường đời chông chênh nhiều đau khổ mà vẫn có thể sống vui trong an lạc và hạnh phúc vì luôn có một đời sống chân chính và hướng thiện. 
 


Chụp hình lưu niệm
 
 

Hình ảnh Khoá tu Một ngày an lạc năm 2013
 

Tác giả bài viết: Quảng Hưng - Nguyễn Anh Đức