9 điều không nên cầu xin khi đi chùa

Theo quan niệm của người xưa, đi lễ chùa không phải để cầu xin điều này điều nọ mà là cơ hội để mỗi người tu dưỡng tâm tính, tâm tính tốt ắt sẽ gặp điều may. Vậy những điều nào bạn không nên cầu khi đi chùa?

Cầu thân thể không đau ốm, bệnh tật
 
Người đi lễ chùa không nên cầu thoát khỏi bệnh tật vì như vậy sẽ sinh ra tham niệm, có thể dẫn đến phạm giới. Bệnh tật là do Nghiệp, không phải cầu mà khỏi được. Muốn thoái khỏi nỗi thống khổ bệnh tật thì nên thực hành giác ngộ, làm cho tâm không bệnh. Nhà Phật cho rằng việc hành thiện, tu dưỡng tâm tính mới có thể đẩy lùi căn nguyên bệnh tật cũng như mọi đau khổ trong kiếp người.
 
Cầu luôn thuận buồm xuôi gió
 
Khó khăn, trắc trở là thử thách mà con người phải trải qua. Nếu cuộc đời không gặp khó khăn thì sẽ sinh ngạo mạn, kiêu căng và làm biến đổi tâm tính. Vượt qua được khó khăn thì con người sẽ bớt kiêu ngạo và vững vàng hơn trong cuộc sống. Vượt qua trở ngại sẽ khiến con đường của bạn thêm rộng mở.
 
Cầu danh lợi
 
Nên nhớ, danh lợi là thứ hão huyền và làm con người tham lam sinh ngông cuồng, vì lợi ích bản thân mà sẵn sàng vứt bỏ đức hạnh. Danh lợi vốn là hư không, tham vọng danh lợi dễ đọa vào kiếp luân hồi.
 
Cầu không bị ma chướng
 
Nhiều người đến chùa với mong muốn xua đuổi tà, giải ma chướng gặp phải. Nhưng với người tu hạnh, ma quỷ là người bạn tốt. Vì tà ma sẽ giúp người tu hành rèn luyện, tu tâm dưỡng tính để trở thành người Đức cao. Người tu hành đến cảnh giới cao có thể tự hàng phục các loại ma quỷ.
 
Cầu giúp người để được báo đáp
 
Không nên giúp người khác chỉ vì mong muốn họ báo đáp mình vì như thế, tâm đức giúp đời giúp người đã bị vấy bẩn. Có ý muốn người khác hồi đáp thì việc thiện không còn mang đúng ý nghĩa. Chỉ có buông bỏ sự “được-mất” mới có thể an nhiên tự tại.
 
Chỉ có buông bỏ sự “được-mất” mới có thể an nhiên tự tại.
 
Cầu mọi chuyện theo ý mình
 
Nhân-quả trên đời đều do quá trình tu tâm dưỡng tính mà nên chứ không phải do ý muốn của mỗi người. Nếu ai cũng cầu được ước thấy thì sẽ sinh tính kiêu kỳ, tự cao tự đại cho mình có quyền năng thay đổ mọi thứ. Chỉ có “nghịch cảnh” mới có thể làm tăng cảnh giới bản thân, khai thông trí tuệ.
 
Cầu người khác giúp mình
 
Cầu người khác giúp đỡ mình sẽ khiến cho bản thân bị phụ thuộc và không thể tự mình vượt qua nghịch cảnh. Hơn nữa, người luôn cầu viện người khác thì sẽ sống trong tâm  lý luôn mang ơn, mang khổ chứ không tự do tự tại được
 
Cầu giải được oan khuất
 
Bị người khác hiểu lầm đừng nhất quyết phải giải thích cho rõ ràng, vì càng giải thích càng sa vào tranh cãi, tranh chấp sinh oán hận.
Người khác la mắng, chửi bới chính là trợ hạnh cho mình. Chỉ cần nhượng bộ, nhẫn nhịn thì công đức vẹn toàn.
 
Cầu lợi ích cho bản thân
 
Nếu việc gì cũng cầu phần lợi cho mình, phần thiệt cho kẻ khác thì sẽ đánh mất Đạo của một người tốt. Hãy luôn tâm niệm không tranh giành, không vụ lợi bản thân để làm kim chỉ nam cho việc tu luyện và giữ đức hạnh của chính mình
 
Doanh Doanh