Chấp là nguồn gốc của đau khổ

Có người cầm cục gạch chọi con chó, con chó bị trúng gạch đau điếng nên tức quá quay sang cục gạch sủa tới tấp. Nó không biết ai là thủ phạm mà chỉ biết cục gạch làm nó đau. Cũng vậy, cái làm cho chúng ta đau khổ không phải do bên ngoài mà chính là sự ngu si, mê muội chấp trước của mình tạo ra.
Vô minh hay còn gọi là si mê, muốn định nghĩa cho mọi người thấu đáo rõ ràng không phải là chuyện dễ, chỉ khi nào chúng ta thật sự trải nghiệm trong đau khổ mới cảm nhận được thực tướng của nó. 
 
Vô minh theo triết học Phật giáo là không thấu rõ luật nhân quả, lý nhân duyên và nguyên nhân của sự khổ và cách thức diệt khổ, không thấy được thực tánh của các pháp, không thấy được sự thật của cuộc đời, không nhận ra ông chủ hay Phật tính nơi mỗi con người và là cái thấy không sáng suốt bị tối tăm che phủ. Vô minh là cái thấy sai lầm về thân và tâm suy tư, nghĩ tưởng là thật. Nhân quả rất công bằng, sòng phẳng, khi đã gieo nhân thiện hoặc ác dù trăm kiếp ngàn đời vẫn không mất, chỉ đến sớm hay muộn mà thôi. Người thấu rõ nhân quả sẽ không bao giờ dám làm các điều xấu ác mà ngược lại hay làm các việc thiện lành tốt đẹp.
 
Do si mê, tham đắm chấp thân - tâm làm ngã, từ đó muốn chiếm hữu về mình nên suy nghĩ, hành động sai lầm, thấy có ta, người và muôn loài, muôn vật nên bám chấp vào đó. Ý là đầu dây mối nhợ của phiền não, nó thường hay suy tư, nghĩ ngợi nên gọi là ý nghĩ; nó hay nhớ nghĩ về quá khứ hoặc hiện tại gọi là ý niệm; nó hay tưởng tượng, mơ mộng hão huyền nên gọi là ý tưởng và nó có công năng phân biệt, hiểu biết nên gọi là ý thức. 
 
Do phân biệt, hiểu biết sai lầm nên ý thức không rõ được thực tướng của các pháp là vô ngã, không chủ thể cố định, từ đó sinh ra thấy biết sai lầm mà chấp ta, người, chúng sinh. Sự bám víu vào “cái ta” rồi đến “cái của ta” như vợ ta, con ta, nhà ta, tài sản của ta, đất nước của ta. Dưới cái nhìn của người thế gian như thế đâu có gì sai quấy, thế gian này nếu không bám víu vào “cái ta” và “của ta” thì con người sẽ sống ra sao? 
 
Vì cuộc sống này như vậy nên chúng ta không thể làm khác được, còn sự sống là còn có tham muốn, nhưng ta phải tham muốn thế nào cho phải lẽ. Ở đây Phật vì lòng từ bi chỉ cho ta biết thân - tâm này không thật ngã để mọi người bớt luyến ái, chấp trước mà làm khổ cho nhau. Thật ra, đã làm người khó có ai muốn ít biết đủ, chỉ một bề mong cầu được nhiều mà không bao giờ nhàm chán. Tham muốn càng nhiều thì tội lỗi càng phát sinh, càng gây ân oán, hận thù cho nhau không có ngày thôi dứt.
 
Người phật tử chân chính thường muốn ít biết đủ để sống cuộc đời thanh nhàn, không phải lao tâm nhọc trí và luôn lấy trí tuệ làm gốc để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Tiền của, vật chất, danh lợi, sắc đẹp chỉ là phương tiện để chúng ta vui sống mà dấn thân phục vụ. Bồ tát biết được tác hại của nó nên không say mê, đắm nhiễm, do đó cùng mọi người đồng hành để giúp họ vượt lên chính mình. Thế giới chúng ta đang sống hiện giờ là cõi dục, là cõi mà lòng tham muốn của con người không bến bờ nhất định như giếng sâu không đáy. Người nghèo khổ thiếu trước hụt sau luôn tham cầu có nhiều tiền của thì không chuyện gì đáng nói; bằng ngược lại, người giàu có bao nhiêu cũng không thấy vừa lòng nên cứ làm cả ngày lẫn đêm không khi nào biết đủ. 
 
Người muốn ít biết đủ dù có thiếu một chút cũng không sao, vì cuộc sống lúc nào cũng an vui, hạnh phúc. Người nhiều tham muốn thì phải chịu khổ triền miên không có ngày dừng, khi chưa được thì tham cầu, mong muốn cho bằng được nên phải khổ; khi được rồi thì sợ mất mát nên cố gắng giữ, do đó càng khổ; giữ không được nên bị mất mát, lại càng khổ hơn; rốt cuộc khổ, khổ, khổ, có khi khổ rồi không muốn sống nữa.
 
Vậy khổ là do ai? Có ai buộc mình khổ không? Chỉ có mình làm khổ mình thôi. Biết được như vậy rồi chúng ta có nên tham muốn quá đáng hay không? Đa số người thế gian hay bám vào tiền bạc, của cải, vật chất mà quên đi phần tâm linh nên sẵn sàng giết hại lẫn nhau dù đó là người thân. Từ những năm 90 trở về trước, khi đất nước chúng ta chưa phát triển, đất đai còn quá rẻ nên cuộc sống nhiều người rất ấm êm, hạnh phúc, ít ai nghĩ đến phần lợi nhuận. Đất nước về sau dần chuyển mình theo năm tháng, đất đai bắt đầu có giá, nhiều gia đình tiền mất tật mang vì tranh chấp, kiện tụng nên người thân hóa kẻ thù; cuối cùng hai bên đều trắng tay và tình nghĩa anh chị em, cha con, chồng vợ, cháu chắt trở nên xa lạ. Kẻ chết, người ngồi tù, con thưa cha mẹ chỉ vì bờ ranh đất. 
 
Gia đình anh Tám và chị Bảy từ xưa nay sống với nhau rất thâm tình, con cháu vui vẻ “tay bắt mặt mừng”. Hai chị em có căn nhà chung tường, đất vách lá được cha mẹ để lại. Chị Bảy vì phải nuôi mẹ nên được hưởng căn nhà đó. Anh Tám có vợ và nhà riêng nên đời sống khấm khá hơn. Đùng một cái đất đai nhà cửa bắt đầu có giá, căn nhà chị Bảy nay lên đến bạc tỉ. Trước kia anh Tám nói chị Bảy nuôi mẹ cực khổ nên ưu tiên hưởng căn nhà đó, lúc đó căn nhà giá chỉ hai ba chục triệu. Anh nói có vẻ tình nghĩa lắm, bây giờ nhà lên tiền tỉ anh lại đòi cưa đôi. Chị Bảy phân trần, “em cũng biết chị nuôi mẹ gần 20 năm nay nên mới được hưởng căn nhà, em bây giờ đã có nhà riêng, cuộc sống đâu thiếu thốn gì, đợi chị bán nhà rồi mua lại căn khác rẻ hơn để có chỗ cho các cháu ở, còn lại hơn 300 triệu chị gửi lại cho em. Anh Tám nghe chị nói thế không chịu, đòi phải chia hai. Chị Bảy năn nỉ nhiều lần nhưng rốt cuộc phải chờ tòa xử lý. Không biết anh Tám chạy chọt thế nào mà tòa xử chia đôi theo tổng giá trị căn nhà là một tỉ hai, mỗi bên được 600 triệu, coi như phần thắng đã nằm chắc trong tay anh Tám.
 
Căn nhà khi xưa chỉ là nhà lá, chỉ Bảy nuôi mẹ gần 20 chục năm, sau con chị Bảy sửa thành nhà tường mới có đủ chỗ con cháu cùng ở. Tất cả bà con lối xóm ai cũng biết rõ như thế nên xúi chị làm đơn khiếu nại và họ sẽ làm chứng. Đợt xử lần hai chị Bảy thắng kiện và chỉ chia cho anh Tám 1/5 giá trị tiền, khoảng 240 triệu. Anh Tám bây giờ trở nên điên cuồng không làm chủ được bản thân, dẫn đến hận thù gia đình chị Bảy. Tình nghĩa chị em ruột thịt bao nhiêu năm tháng sống với nhau giờ biến thành kẻ thù không đội trời chung. Anh phát đơn khiếu nại lần ba và đợt này anh thắng, nhưng trên thực tế phần đúng phải thuộc về gia đình chị Bảy, anh Tám chỉ hưởng 1/5 là đúng. Lần này tất cả bà con lối xóm cùng họ hàng thân thuộc đồng làm đơn khiếu nại để bảo vệ chân lý cho gia đình chị Bảy, cuối cùng phần thắng vẫn là gia đình chị Bảy. Tuy nhiên, qua bốn lần kiện tụng kéo dài những mấy năm, cuối cùng tiền mất tật mang, anh Tám phải chi hơn số tiền được hưởng. Điều đau lòng nhất là hai gia đình giờ thành ra thù địch.
 
Người nắm cán cân công lý khi muốn xét xử và giải quyết vấn đề gì hãy nên căn cứ trên lý và xét trên tình để giúp người dân không bị mất mát, thiệt hại. Đây là câu chuyện có thật trong gia đình của một người bạn, chúng tôi kể ra đây để mọi người cùng tham khảo và học hỏi. Con người ta vì lòng tham muốn quá đáng nên bất chấp luân thường đạo lý mà làm tổn hại cho nhau. 
 
Chúng tôi còn nhớ rất rõ những thập niên 78 hoặc 79 khi kinh tế nước nhà còn khó khăn, hàng hóa không được lưu thông các tỉnh, tôi lúc đó đang làm kiểm soát tổng hợp ở trạm Phú Cường, Dốc Mơ, đã thấy rõ ràng con kiến chui qua không lọt mà con voi khổng lồ vẫn hiên ngang đi qua. Tất cả mọi dối trá, gian lận chung quy cũng từ lòng tham không đáy của con người mà ra, từ sự chấp trước, bám víu vào bản ngã và muốn chiếm hữu mà nhân loại đành lòng giết hại, triệt tiêu, hủy diệt lẫn nhau.
 
 

Tác giả bài viết: Thích Đạt Ma Phổ Giác