Hóa đơn của mẹ

Trong xã hội mọi người đều có bổn phận và việc làm khác nhau để đóng góp lợi ích thiết thực mà cùng nhau bảo tồn mạng sống. Cây có cội, nước có nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây là đạo lý chân thật không thể thiếu trong đời sống con người. Cung kính, hiếu dưỡng đối với cha mẹ là trách nhiệm và bổn phận của tất cả mọi người.
Trong các thứ tình trên thế gian không có gì cao quý và thâm sâu bằng tình mẹ, mẹ mang nặng đẻ đau, sớm hôm nuôi dưỡng. Khi con mở mắt chào đời mẹ mớm cho con dòng sữa ngọt, chăm sóc lo lắng từng giờ, bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn. Những khi trái gió trở trời con đau là mẹ đứng ngồi không yên. Mẹ thức khuya dậy sớm, lao khổ cực nhọc đủ điều, tần tảo nuôi con mong con mau khôn lớn.
 
Có một cậu bé là con trai của một chủ tiệm tạp hóa nhỏ, mỗi ngày sau khi đi học về cậu thường ra tiệm. Do công việc bề bộn nên cậu tranh thủ chút ít thời gian phụ mẹ. Trước tiên cậu phụ lau chùi, quét dọn từ trong ra ngoài. Những khi rảnh rỗi cậu đem hóa đơn đến bưu điện để thanh toán gián tiếp cho các khách hàng ở xa. Cứ thế mỗi ngày ngoài buổi học cậu vẫn giúp mẹ các việc lặt vặt, làm vậy lâu ngày nên cậu cảm thấy mình cũng là một nhà kinh doanh nho nhỏ. 
 
Một hôm, cậu bé tự nghĩ sao mình không viết hóa đơn cho mẹ để mẹ thanh toán những việc mình phụ mẹ hằng ngày. Một buổi sáng trước khi đi học, mẹ cậu nhận được hóa đơn đề nghị thanh toán tiền công như sau: “Mỗi ngày phụ các việc lặt vặt: 1 đồng; tưới và chăm sóc vườn hoa: 2 đồng; đem hóa đơn đến khách hàng: 1 đồng; quản lý cửa hàng mỗi khi mẹ có việc: 2 đồng; chăm chỉ học hành và biết vâng lời mẹ: 2 đồng”. Tổng cộng mẹ phải thanh toán cho chú là 8 đồng. Mẹ cậu xem tờ hóa đơn xong cảm thấy vui vui trong lòng và hứa với con tối mai bà sẽ thanh toán đầy đủ. Lần đầu tiên cậu nghe mẹ hứa như vậy nên thấy thật hạnh phúc.

Y như lời đã hứa, tối hôm sau cậu nhận được 8 đồng từ mẹ, lòng vô cùng mừng rỡ vì nghĩ đây là số tiền mình bỏ công làm ra. Cậu định đút tiền vào túi nhưng không ngờ phía dưới tiền lại kèm theo một hóa đơn: “Con yêu quý của mẹ, hãy thanh toán về công mẹ nuôi con như sau. Con sống hạnh phúc 12 năm nay trong ngôi nhà của mẹ: 0 đồng. Con được dưỡng nuôi và cho ăn uống đầy đủ 12 năm nay: 0 đồng. Con được học hành đàng hoàng và mỗi khi con đau ốm mẹ lo cho con thuốc men đầy đủ: 0 đồng. Từ đó đến nay con có được người mẹ biết quan tâm, lo lắng, chăm sóc và thương yêu con không nề hà khó khăn, gian khổ: 0 đồng. Tổng cộng con phải trả cho mẹ là 0 đồng”. 
 
Đứa bé tay cầm hóa đơn đọc đi đọc lại nhiều lần mà hai hàng lệ rơi, cảm động vô vàn trước tấm lòng của mẹ mà ăn năn, hối hận vô cùng vì mới phụ mẹ một chút mà đã đòi hỏi tiền công. Trong khi tình mẹ dành cho cậu không gì có thể so sánh được. Nghĩ thế cậu liền đi đến bên mẹ nói lời xin lỗi và bỏ tiền vào túi mẹ, trong lòng cảm thương mẹ biết dường nào.
 
Thật ra, bà mẹ ấy có được đứa con như thế thì hãy nên mừng thầm trong bụng, vì ngoài việc học cậu ta còn biết tranh thủ để phụ giúp mẹ. Cậu bé đó chắc chắn sau này khi lớn khôn sẽ là người hữu dụng cho gia đình và xã hội. Tuổi trẻ ngày nay dễ bị tiêm nhiễm các thói hư tật xấu do bạn bè lôi cuốn nên dễ dàng xao lãng việc học, hoặc do sự thiếu quan tâm của cha mẹ vì bận chạy theo công danh sự nghiệp, không có thời gian chăm sóc, dạy dỗ con cái. Lại có một số cha mẹ làm hư con cái bằng cách lúc nào cũng muốn cho con được ăn ngon mặc đẹp, có nhiều tiền tiêu xài, chơi điện thoại đẳng cấp, sắm sửa xe xịn, con hầu như muốn gì được nấy nên vô tình khiến con ỷ lại mà làm khổ mẹ khổ cha. 
 
Trên đà văn minh tiến bộ con người tự do quá, văn hóa không lành mạnh thâm nhập với hàng loạt những phim ảnh đồi trụy, game bạo lực kích thích lòng hận thù, giết hại, hủy diệt lẫn nhau không thương tiếc. Trẻ nhỏ đam mê, sa đà vì thiếu nhận thức sáng suốt nên tiêm nhiễm nhanh chóng; nếu không thì cũng ỷ lại vào sự giàu có của cha mẹ mà ăn chơi, hưởng thụ.
 
Cậu bé trong câu chuyện trên có những ý thức và việc làm có ích cho gia đình nhờ người mẹ biết sống với trái tim yêu thương và hiểu biết, điều đó giúp em có thêm nghị lực trong cuộc sống để biết cách sống đúng và sống tốt. Một gia đình có được những đứa con như vậy thật là hạnh phúc và sung sướng làm sao. Tuy cậu bé có một chút toan tính, kể công với mẹ, nhưng khi nhận được những lời nói chân thành của mẹ với 12 năm vất vả, nhọc nhằn nuôi con khôn lớn mà có bao giờ kể lể, tính công. Phận làm con ta phải biết thương yêu, quý trọng, hiếu thảo với cha mẹ. Ngay khi còn nhỏ phải ý thức được công ơn sâu dày mà cố gắng chăm chỉ học hành, biết vâng lời cha mẹ và còn phụ giúp những việc cần thiết để cha mẹ bớt nhọc nhằn. 
 
Ngày xưa có 3 anh em người nào cũng có hiếu nên cùng chia nhau nuôi mẹ. Người anh cả giàu có nên mỗi khi đến kỳ nuôi mẹ đều lo chu đáo, đầy đủ, do đó người mẹ hồng hào, khỏe mạnh. Người con thứ hai cũng vậy, nhờ khá giả nên anh nuôi mẹ cũng được vuông tròn tốt đẹp. Tới phiên người con út vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nuôi mẹ không được đầy đủ mà làm bà sụt ký. Khi bước lên cân bà phải bỏ chì trong túi để đứa con út không bị hai người anh quở trách. 
 
Câu chuyện bù chì là một đạo lý thiêng liêng nói về tình mẹ bao la như trời biển, bà không muốn con mình buồn phiền vì tâm so đo, ích kỷ. Hai người anh có tiền mở lòng rộng lớn hơn mà cung cấp tiền bạc, phương tiện để em mình lo cho mẹ đầy đủ thì hạnh phúc biết bao nhiêu. Do đó câu chuyện trên nói lên ý nghĩa:
 
Giàu cha, giàu mẹ thì hơn,
Giàu anh, giàu chị khó lòng giúp nhau.
 
Ở đây về phương diện tình mẹ đã cho chúng ta cách nhìn sáng suốt hơn. Người mẹ ấy thật từ bi, bà không muốn con mình oán trách lẫn nhau nên phải đeo chì để hai người con lớn không phiền lòng. Điều này chứng tỏ tình mẹ bao la không ngần mé khó có gì sánh, ví được. Câu chuyện người mẹ bù chì khi nghe qua ai cũng cảm động, chứng tỏ tình mẹ thương con như trời cao biển rộng. Cha mẹ giàu có thì lo cho con đầy đủ, ăn học đến nơi đến chốn, biết sống tự lập, không ỷ lại. Ngược lại, cha mẹ nghèo thì tùy thuận hoàn cảnh mà con cái tìm cách nuôi nấng, giúp đỡ để cha mẹ được an vui trong tuổi già. Tuổi già thường đau yếu, bệnh hoạn nếu cha mẹ không biết tu tâm dưỡng tính, sẽ làm khổ mình và ảnh hưởng đến con cháu. 
 
 
 

Tác giả bài viết: Thích Đạt Ma Phổ Giác