Lạ lùng những nhà sư “không nguồn gốc”

Sư giả

Sư giả

Họ là bốn người phụ nữ mặc quần áo nhà sư đi khắp các huyện trên địa bàn Nghệ An để xin tiền, có người còn rất trẻ. Khi hỏi họ tu hành ở chùa nào, dòng tu gì thì những người này đều tránh mặt…

 

Khoảng 5 ngày gần đây, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu và Yên Thành xuất hiện bốn “sư nữ” đi xin tiền bố thí tại hầu hết các đường thôn, ngõ xóm, thị tứ với dáng điệu rất vội vàng.

Lần theo thông tin của người dân, chúng tôi đã có mặt tại thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu thì được biết bốn sư nữ này đi xe máy từ ngoài Bắc vào, sau đó gửi xe lại nhà dân và bắt đầu chia hai tốp đi xin. Một “ni sư” khoảng 25 đến 30 tuổi là người dẫn đầu tốp với khuôn mặt ưa nhìn, sáng sủa. Khi hỏi nhà sư đi xin cho ai và xin về đâu thì người này trả lời “xin về cho trẻ mồ côi, xin cho nhà chùa”.

Chúng tôi góp tiền, phát tâm nguyện và hỏi các vị sư này tu chùa nào thì nhà sư bước đi rất nhanh. Xin được số tiền hàng triệu đồng tại huyện Quỳnh Lưu sau mỗi ngày, đến sáng 23/9, bốn nhà sư tiếp tục phóng xe máy vào huyện Diễn Châu tiếp tục xin tiền. Gặp họ, tại ngã ba Cầu Bùng, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, sau khi họ nhận từ tay chị Nguyễn Thị Cát số tiền 10 ngàn đồng, chúng tôi thấy tốp hai người tản nhanh sang các quán khác để xin và tất cả người dân đều cho tiền.

Chúng tôi lấy máy ra ghi hình thì tất cả các sư đều cúi và che mặt hoặc quay lưng lại trước ống kính. Để xác minh sư thật hay sư giả, chúng tôi đề nghị họ cho xem giấy tờ hoặc bất cứ một thông tin nào liên quan đến công việc làm từ thiện thì tất cả bốn nhà sư đều tiếp tục lảng tránh.

1

Những phụ nữ mặc áo nhà sư đi xin tiền quanh thị trấn Cầu Giát.

Chị Cát nói: “Trong vòng hơn hai tiếng đồng hồ tại đây họ cũng đã xin được trên 500 ngàn đồng. Mặc dù chúng tôi nghi ngờ nhưng với tấm lòng thánh thiện, ai cũng muốn mình được góp chút ít nho nhỏ cho trẻ mồ côi, nhà chùa nên không dám hỏi họ lúc xuất tiền”.

Anh Nguyễn Văn Bình, thường trú thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu thì cho biết “nhóm nhà sư này đi đến đâu cũng gom được tiền, cả ngày họ gửi xe máy đi bộ, tối đến xin đầy túi họ quay về điểm trọ lấy xe máy và tiếp tục đến địa bàn khác”.

Với tình cảm tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của người Việt nên khi nghe tin xin tiền nhân đạo nuôi trẻ mồ côi, ai cũng hưởng ứng. Thế nhưng thời gian qua không  ít người lợi dụng uy tín của các nhà tu hành mẫu mực để trục lợi bất chính. Đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa để tâm nguyện của người dân không bị lợi dụng.

Nguồn tin: Theo Trần Thất - GĐ&XH