Ơn mẹ, cha khó đền trả

Tôi bây giờ dù có chút tuổi tác nhưng đối với mẹ tôi vẫn còn bé bỏng quá chừng. Ước gì tôi còn mẹ để cùng mẹ sống với trái tim yêu thương và hiểu biết, nhưng định luật vô thường đã làm cho kẻ ở người đi phải xa cách nghìn trùng. Ngậm ngùi, thương tiếc, nhớ nhung nhưng người còn đâu nữa.
Nhờ mẹ tôi biết đường tu,
Nếu không có mẹ tôi giờ ra sao?
Tôi nhờ có được mẹ hiền,
Nên vào cửa Phật tu hành đến nay.
 
Mẹ tôi sinh ra nơi vùng quê xa xôi hẻo lánh tại xã Thái Hồng, huyện Thái Ninh, tỉnh Thái Bình và theo cậu vào Nam vì nạn đói do phát xít Nhật gây ra, ngoại trừ ông cậu đi kháng chiến, hầu như người thân đều chết trong nạn đói. Bà vào Nam rồi lớn lên, lập gia đình sinh được 8 anh em tôi, gồm 6 trai, 2 gái và tôi là con trưởng. Mẹ tôi một đời hy sinh tận tụy, khổ sở vì con vì chồng mà không có một ngày ngơi nghỉ. 
 
Khi sinh ra, tôi là đứa con đầu lòng èo uột, khó nuôi với chứng bệnh đau ban khỉ, căn bệnh này đã hành hạ mẹ tôi khổ nhọc trăm bề, khiến bà ốm o gầy mòn, lao tâm nhọc trí vì lo lắng, chăm sóc cho tôi nhưng không một lời than vãn. Chính bởi căn bệnh hiểm nghèo đó mà suốt đêm ngày tôi được nằm trên hai đầu gối mẹ, trông chẳng khác nào con khỉ khô. 
 
Tôi ngồi và nằm như thế cả ngày lẫn đêm, mỗi khi mệt mỏi hay khó chịu, mẹ tôi thay đổi tư thế thì tôi khóc thét lên, cứ như thế tôi không bao giờ chịu xa rời vòng tay ôm ấp của mẹ. Phân tôi thải ra dù có chà rửa sạch sẽ nhưng vẫn hôi tanh đến 7 ngày, vậy mà mẹ phải chịu đựng suốt cả năm ròng không hề than thở. Trong lòng mẹ luôn nguyện cầu Bồ tát Quán Thế Âm gia hộ cho tôi mau được tai qua nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ.
 
Cơn bệnh hiểm nghèo của tôi đã hành hạ mẹ suốt cả năm trời không hề thuyên giảm mà càng ngày càng nặng thêm, các thầy thuốc đều xin bó tay nên tôi không còn hy vọng mà chỉ nằm chờ chết. Như có một phép lực nhiệm mầu, đêm hôm đó mẹ tôi nằm mộng thấy rõ ràng Bồ tát Quán Thế Âm hiện về, tay cầm bình nước Cam Lồ rưới lên khắp thân thể tôi và bảo với mẹ tôi: “Này tín nữ, chớ có lo buồn vô ích, đứa bé này chưa hết duyên trần đâu, nếu ngay bây giờ nhanh chân lên núi Bà Đen ở Tây Ninh chắc chắn sẽ được một vị thầy chữa khỏi!”. 
 
Ngay trong đêm mẹ tôi choàng dậy và kể lại giấc chiêm bao với ba tôi. Nghe mẹ nói ông liền thu xếp đồ đạc rồi cùng mẹ không quản đường xá xa xôi, vừa đi vừa hỏi đường và cuối cùng cũng tìm đến nơi. Gặp được thầy, cha mẹ tôi lòng mừng vô hạn vì tin chắc con mình sẽ tai qua nạn khỏi. Nhìn hình dáng tôi như con khỉ khô không đầy một ký, thầy bắt mạch và buông ra một lời thở dài: “Đứa bé này 95% coi như đã chết, khó bề hy vọng cứu sống; nhưng còn nước còn tát, tôi sẽ hết lòng thuốc thang theo dõi, chăm sóc, mong họa may có thể cứu sống”.
 
Mẹ tôi nghe thầy nói thế vừa khóc lóc, vừa kể lể, trông bà chẳng khác nào thiếu phụ 40: “Thầy ơi, con đêm qua thấy Bồ tát Quán Thế Âm chỉ dạy con của con sẽ được thầy cứu sống. Con trăm lạy, ngàn lạy thầy, kính mong thầy vì lòng thương xót trẻ thơ mà cứu chữa cho con của con, đời đời kiếp kiếp con xin đội ơn thầy, nhớ ơn thầy. Sau này khi con lo tròn bổn phận đối với gia đình xong sẽ nguyện đầu Phật xuất gia”. Vậy mà tâm nguyện ấy đến năm 74 tuổi mẹ mới đủ duyên lành được Hòa thượng thượng Nhật hạ Quang, trụ trì Tổ đình Thiền Viện Thường Chiếu thế phát xuất gia với Pháp danh Thích Nữ Chơn Huyền và tu học tại Hoa Viên Thường Chiếu.
 
Nhờ vào sự chịu khó, chịu khổ hy sinh của mẹ và sự chăm sóc nhiệt tình, thuốc men đầy đủ mà sau gần 1 tháng bệnh tình của tôi đã phần nào thuyên giảm, tôi dần hồi phục sức khỏe và trở lại như bình thường. Thật là một duyên phúc lớn lao, một sự nhiệm mầu đã cứu sống tôi. Ơn cứu mạng của thầy, ơn mang nặng đẻ đau, nuôi con gian khổ, nhọc nhằn vất vả mà tôi nào hay biết. 
 
Đến khi khôn lớn tôi quậy cọ làm khổ cha mẹ đủ điều, lúc này cha tôi mới nhắc lại: “Hồi nhỏ tao không cứu chữa cho mày thì giờ đây mày đã chết rục rồi, mày trả ơn cho cha mẹ như thế đó hả?”. Nhưng tôi nào có biết thương cha, thương mẹ, tôi vẫn cứ một bề làm khổ ông bà dù đã có vợ, có con. Từ nhỏ tôi đã làm khổ mẹ, lớn lên tôi lại càng làm khổ mẹ nhiều hơn. Khi còn nhỏ bước ra khỏi nhà là tôi đã bị nhiều người mắng vốn, cho nên trong 8 anh em tôi là đứa bị mẹ đánh đòn nhiều nhất vì cái tội phá phách, chọc ghẹo người vô cớ.
 
Tôi,
 
Lang thang, lận đận khi còn nhỏ
Bôn ba khắp chốn, si mê độn
Công danh sự nghiệp càng đi xuống
Hết đường, tìm cách chầu âm phủ
 
Sự thật phũ phàng lại trớ trêu
Từ khi được mẹ trao bí kiếp
Lại gặp minh sư chuyển kiếp hèn
Không ngờ số phận đã đổi thay
 
Xưa kia lầm chấp chết là hết
Nên đành chấp nhận chịu khổ đau
Nay gặp Tam bảo bừng tỏ sáng
Chuyển được mê lầm từ xưa nay.
 
Tình thương của mẹ đối với tôi thật là bao la và cao cả, dù tôi có vô số kiếp gánh hết các nỗi nhọc nhằn của mẹ hoặc tu hành thành Phật cũng không thể nào trả hết công ơn ấy. Trong cuộc đời này tôi không thể nào kiếm đâu ra được người như mẹ của tôi hiện giờ. Bà như một Bồ tát Quán Thế Âm ứng hiện 32 thân đi vào đời để cứu độ chúng sinh; nơi nào cần tình yêu thương Bồ tát đem yêu thương đến; nơi nào khốn khó, khổ đau nhiều, Bồ tát đến làm vơi đi nỗi đau bất hạnh; cứ như thế mà đi vào đời để chia vui, sớt khổ. 
 
Bồ tát trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa đâu có tướng nam nữ, nhưng tại sao Bồ tát Quán Âm ở Việt Nam được thờ tự ở các chùa là tướng nữ? Nhiều người không hiểu gọi là mẹ Quan Âm, chúng ta dùng từ ngữ như thế là không phù hợp. Thờ tự là mang tính cách tượng trưng để chúng ta tỏ lòng tôn kính mà cố gắng bắt chước tu tập, nhiều người không hiểu nên thờ tự chỉ để cầu nguyện, van xin suông mà không hiểu ý nghĩa đích thực của nó. Bồ tát Quán Âm ở Việt Nam được tượng trưng qua hình ảnh mẹ hiền. Chỉ có mẹ hiền mới thương con vô điều kiện nên các nhà mỹ thuật tạc tượng Bồ tát là người nữ là có lý do. Dân gian có những bài hát để ca ngợi mẹ hiền Quán Thế Âm là vì vậy.
 
Bản thân chúng tôi hơn nửa đời người lầm lạc cũng vì thấy biết sai lầm nên lao đầu vào làm các việc xấu ác mà bất chấp mọi hậu quả xấu xa, đê tiện. Tôi đã làm khổ mẹ từ khi mới sinh ra cho đến khi được xuất gia tu hành, bà mỗi tháng đều đến thăm tôi để động viên, an ủi, cho tiền để mua kinh sách học hỏi và làm các việc phước đức. Tôi làm gì lường gạt ai bà sẵn sàng đền bù tất cả để giúp tôi thoát vòng lao lý, tù tội. Vậy mà tôi nào có biết thương tưởng, nhớ nghĩ đến mẹ bao giờ đâu.
 
Ngày nay tuy chúng tôi có điều kiện tu hành an ổn nhưng không có cơ hội gần gũi để chăm sóc và an ủi mẹ trong khoảng đời còn lại. Những lần mẹ bệnh tai biến, được điều trị tại bệnh viện tôi có dịp đến thăm và nuôi mẹ. Có lần tôi đã trực tiếp nuôi mẹ gần 3 tháng, dù mẹ đang bệnh nhưng lúc nào mẹ cũng lo lắng cho tôi nhiều hơn. Mẹ nói với tôi: “Con ráng tu nghe con, tu sướng lắm con ơi!”. Mẹ bệnh đau nhức, khổ sở vô cùng nhưng lúc nào cũng thương nhớ về con trẻ. Tôi bây giờ dù có chút tuổi tác nhưng đối với mẹ tôi vẫn còn bé bỏng quá chừng. Ước gì tôi còn mẹ để cùng mẹ sống với trái tim yêu thương và hiểu biết, nhưng định luật vô thường đã làm cho kẻ ở người đi phải xa cách nghìn trùng. Ngậm ngùi, thương tiếc, nhớ nhung nhưng người còn đâu nữa.
 
“Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào…”. Thật ra lời ca ấy luôn gợi nhớ và nhắc nhở phận làm con phải biết hiếu kính, nuôi dưỡng cha mẹ. Vậy mà có những người cha mẹ nuôi nấng đàng hoàng, cho ăn học trưởng thành, đến khi khôn lớn chỉ biết ăn chơi sa đọa làm khổ mẹ khổ cha; lại còn hăm he cha mẹ đủ thứ, cha mẹ vì thương con nên đâm ra phát hoảng, lo lắng, khổ sở vô cùng. 
 
Ai có những đứa con như vậy thật đau khổ và tủi hổ vì sợ mất mặt với người thân, vì sợ con mình cùng đường làm liều, nhưng càng đầu tư vốn liếng cho con thì càng tán gia bại sản. Bản thân tôi có một thời cũng vậy vì căn bệnh ỷ lại. Ai còn mang bệnh này đều không bao giờ làm ăn khấm khá vì có chí thú tận tụy làm ăn đâu, chỉ sẵn có tiền của cha mẹ mà mặc tình vui chơi trác táng; đến khi vỡ nợ, khó khăn đủ thứ mà vẫn làm khổ cha mẹ; rồi lại còn trách móc cha mẹ sao chẳng thương con, chẳng lo lắng cho con.
 

Tác giả bài viết: Thích Đạt Ma Phổ Giác