Rưng rưng với tuổi thơ trong đại dịch Covid-19 cùng họa sĩ Lê Sa Long

Nói về sở thích vẽ tranh thiếu nhi của mình, họa sĩ Lê Sa Long kể: “Khoảng 1997 khi đang học năm 3 trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, tôi có may mắn được đến vẽ cho trường Mầm non 30.4 (Q.1, TP.HCM).

 
Khi ấy Nhà giáo ưu tú Tôn Nữ Kim Anh đang làm Hiệu trưởng, chị lên ý tưởng và tư vấn cho tôi về những hình ảnh các con vật như: huơu cao cổ, thỏ, gấu... đi tàu hỏa chở quà đến trường, để mọi thứ sống động đúng như tinh thần “mỗi ngày đến trường là một niềm vui” của các con. Riêng những hình khối khô cứng như trước đây ở cổng, tôi làm cách điệu thành hình cây bút chì nhìn rất bắt mắt và dễ thương. Tôi cùng cô Hiệu trưởng thống nhất không vẽ theo khuôn sáo mà vẽ ký họa các em bé từ đời sống thực thành câu chuyện đưa vào tranh lên tường của lớp, đồng thời cách điệu trang trí ngoài hàng rào, hồ bơi, sân chơi... cho bắt mắt”.

Đường đến trường của học sinh xã đảo Cần Giờ
 
Tác phẩm Bác sĩ cứu em bé trong đại dịch
 
Sau này khi đã trở thành giảng viên mỹ thuật, họa sĩ Lê Sa Long thường đưa sinh viên đến các trường để vẽ trẻ em, khiến các sinh viên rất thích và có nhiều em sau này tiếp bước cùng anh ở đề tài này.
 
Nói về nghề, họa sĩ Lê Sa Long cứ nhắc mãi cô Mỹ Phương - Bí thư Chi đoàn trường Mầm Non 30.4 khi ấy (hiện là Hiệu trưởng trường Mầm non Bé Ngoan, Q.1), rất năng nổ và cũng là giảng viên phụ trách mảng mỹ thuật đã hỗ trợ anh rất nhiều trong những năm tháng mới dấn thân vào hội họa. “Có những đêm tôi và Mỹ Phương phải thức rất khuya để kịp trang trí lớp chuẩn bị cho đoàn giáo viên của Sở GD-ĐT và các trường bạn xuống tham quan. Cô Phương có năng khiếu, nhiệt tình ham vẽ, đoạt nhiều giải trong các cuộc thi giáo viên dạy giỏi hoặc làm đồ chơi cho trẻ mầm non. Và chính cô Mỹ Phương đã giúp tôi có thêm nhiều động lực để gắn bó với đề tài thiếu nhi đến giờ”, Lê Sa Long tâm sự.
 
Sau này trưởng thành với nghề, họa sĩ Lê Sa Long vẽ nhiều tranh con em ở các đại sứ quán và những phụ nữ thành công. Đặc biệt năm 2018 trong triển lãm tranh quốc tế màu nước tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, anh có bức tranh Đôi mắt Sapa tạo ấn tượng và được một nhà sưu tập tranh người Anh rất ưng ý khi mua tác phẩm này.
Họa sĩ Lê Sa Long vẫn hằng ngày đam mê với niềm vui vẽ tranh thiếu nhi
 

Vừa qua, đại dịch Covid -19 như cơn bão lớn quét qua cuộc đời làm nhiều số phận tuổi thơ phải gánh chịu những mất mát quá lớn khiến nhiều đêm họa sĩ Lê Sa Long rớt nước mắt. Anh lại dành nhiều thời gian cho niềm đam mê vẽ tranh thiếu nhi để chuyển tải những thông điệp thời sự từ đời sống.
 
Đó là hình ảnh em bé có ba mẹ là F0 được nuôi dưỡng từ dòng sữa ngọt ngào của nữ bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy (30 tuổi, quê Lâm Đồng) đang làm việc tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM. Rồi hình ảnh bé trai hơn 9 ngày tuổi cùng bố mẹ vượt hơn 1.000 km bằng xe máy về quê tránh dịch như bóp nghẹt trái tim anh. Họa sĩ Lê Sa Long chia sẻ: “Vẽ tranh này thâu đêm mới xong, tự nhiên tôi muốn đặt tên tranh là Ngủ ngon Akay với mong muốn bé lớn lên sẽ ngoan cho ba mẹ đi làm và nhớ mãi chuyến hành trình khó quên cùng tấm lòng của đồng bào Việt Nam mình trong đại dịch lịch sử”.
Tác phẩm mới nhất Nỗi đau bà và cháu sau cơn bão Covid -19
Dịch Covid -19 thời gian qua còn khiến hơn 1.500 trẻ em ở TP.HCM bỗng chốc trở nên mồ côi. Có em mất cha hoặc mất mẹ, nhiều em thì mồ côi cả cha lẫn mẹ với những đau thương, khó khăn chồng chất trên con đường học tập và cuộc sống. Bởi thế mà những sáng tác của họa sĩ Lê Sa Long về tuổi thơ cứ rưng rưng, ngay cả khi tác phẩm của anh vẫn còn dang dở trên giá vẽ.

Nguồn tin: Thanh Niên Online