Tình thầy trò

Người ta ở đời ai chẳng có tình. Trong các mối tình ấy, ngoài tình cha mẹ và con cái, thiết tưởng tình thầy trò là cao đẹp hơn cả. Trò đến với thầy vì lòng hiếu học, muốn tìm hiểu những tri thức mênh mông của loài người mà chỉ thầy mới có thể truyền thụ cho mình được. Thầy gần gũi trò, ngày ngày đem cái sở học của mình ra truyền lại cho đám môn sinh, trò lĩnh hội đến đâu thì thầy vui đến đó, năm qua tháng lại, tình thầy trò ngày càng khắng khít như keo sơn, đến chết vẫn không phai nhạt.

Tình thầy trò sở dĩ cao đẹp vì đó là thứ tình bất vụ lợi, họ đến với nhau bằng những tâm hồn trong sáng, không gợn một chút riêng tư, mỗi người cảm thấy vui khi làm vui lòng người khác.

Ở phương Đông, tình thầy trò xưa nay được nhắc đến nhiều nhất là tình thầy trò giữa Khổng Tử (551-479 trước công nguyên) và các môn đệ của ông. Chẳng những học trò ngưỡng mộ cách dạy của ông mà họ còn yêu quí ông như cha vì cách cư xử của ông nữa. Thiết tưởng trên thế giới không một nhà giáo nào được học trò thương yêu, quí mến và ca tụng như Khổng Tử, mà cũng không một nhà giáo nào được môn sinh thương tiếc như ông sau khi mất.

Khổng Tử và học trò sung sướng sống bên nhau, nhất là những năm họ lênh đênh trôi giạt từ nước này sang nước khác. Trong cảnh hoạn nạn, thầy trò lại càng yêu quí nhau hơn, càng khắng khít với nhau hơn.

Trong số ba ngàn môn đệ, Khổng Tử thân nhất với mấy người : Nhan Hồi, Tử Lộ, Tử Cống, Tăng Sâm, Tử Hạ, Mẫn Tử Khiên…. Người được Khổng Tử yêu quí nhất là Nhan Hồi (tức Nhan Uyên), nhưng tiếc thay Nhan Hồi mất sớm, lúc mới 31 tuổi, khiến Khổng Tử đau xót vô cùng.

Nhan Hồi phục thầy như một bậc thánh :“Đạo của thầy ta, càng trông lên thì thấy càng cao, càng dùi vào càng thấy kiên cố, mới nhìn thấy trước mặt bỗng hiện ra ở sau lưng…. Dẫu ta muốn theo cho cùng cũng không sao theo được” (Luận Ngữ - Thiên Tử Hãn - 10).

Khi Khổng Tử không được các vua chúa trọng dụng, ông tâm sự với Nhan Hồi:

- Người ta dùng mình thì mình đem đạo lý ra thi hành, chẳng dùng mình thì ở ẩn mà giữ đạo lý; chỉ có thầy trò mình là được như vậy thôi.

Câu nói ấy làm cho Nhan Hồi vui lòng nhất.

Mối tình giữa hai thầy trò thật tuyệt vời. Họ hợp tình hợp ý nhau đến nỗi thầy giảng là trò hiểu ngay, không hề nghi ngờ gì cả nên có lần Khổng Tử đã nói: “Thầy giảng điều gì anh Hồi cũng cho là phải nên chẳng giúp thầy được điều gì cả” (Luận Ngữ - Thiên Tiên tiến - 3). Thật ra đây chỉ là lời trách yêu thôi, ý ông muốn nói sao Nhan Hồi không thắc mắc nghi ngờ gì để thầy trò cùng bàn luận mà tìm ra chân lý. Nhưng Nhan Hồi là người rất thông minh mẫn tiệp, thầy giảng là hiểu ngay và làm theo ngay, còn hỏi đi hỏi lại làm gì nữa.

Còn Tử Lộ rất thích thầy khen, mỗi lần được một lời khen của thầy thì mừng như trẻ con được kẹo. Có lần Khổng Tử đùa với Tử Lộ: “Đạo của thầy mà không thi hành được, thầy sẽ thả cái bè, lênh đênh trên mặt biển. Lúc đó theo thầy có lẽ chỉ có anh Do chăng?” (Trọng Do là tên của Tử Lộ). Tử Lộ tưởng thật mừng lắm vì nghĩ rằng thầy đặc biệt yêu mình.

Thầy trò xa nhau thì nhớ, gặp lại nhau thì mừng rỡ vô cùng, nói đùa với nhau chẳng khác gì cha con. Khổng Tử tận tâm săn sóc từng môn sinh, tùy theo khả năng từng người mà hướng dẫn, khuyến khích, dìu dắt, lúc cần thì rất nghiêm, lúc bình thường thì vui vẻ chuyện trò với họ, sẵn sàng nghe những thắc mắc, những ý kiến ngược lại, chấp nhận cả lời trách cứ của họ nữa. Ông yêu một số môn sinh còn hơn cả người con trai duy nhất của ông là Khổng Lý (tức Bá Ngư). Lớp học của ông là lớp học của một triết nhân, thầy trò cùng bàn luận với nhau để tìm ra chân lý, chứ không đem thuyết của mình ra áp đặt, buộc môn sinh phải nghe theo.

Tình thầy trò như vậy nên khi Khổng Tử mất, học trò tiếc thương vô hạn, để tang thầy đến ba năm (như tang cha) và Tử Cống làm nhà ở bên mộ thầy đến sáu năm. Khổng Tử thật xứng đáng là bậc “vạn thế sư biểu”.

Ở phương Tây, tình thầy trò được sách vở nhắc đến nhiều nhất là tình thầy trò giữa Socrate và Platon.

Socrate (470-399 trước công nguyên) là nhà triết học lừng danh Hy Lạp cổ đại, một trong những người khai sinh ra phép biện chứng (dialectique) bằng cách đặt ra những câu hỏi dẫn dắt để tìm ra chân lý. Ông có lối biện luận gọi là “Khích biện pháp” (Maїeutique). Trước mắt mọi người, Socrate đồng nghĩa với sự thông thái, sự dũng cảm về tư tưởng và nhân cách anh hùng. Ông không trước tác, không để lại một câu một chữ nào nhưng người học trò yêu quí nhất của ông là Platon (428-347 trước công nguyên) đã ghi chép khá đầy đủ những tư tưởng cao đẹp, những lời dạy tuyệt vời của ông để lưu lại cho hậu thế.

Xuất thân từ một gia đình quí tộc ở Athènes (thủ đô Hy Lạp), Platon yêu hội họa, làm thơ, soạn kịch, diễn kịch và chỉ huy đội hợp xướng. Văn tài của ông thật xuất chúng. Văn ông được ca tụng là những danh tác triết học, những kiệt tác văn chương. Thơ ông còn được truyền tụng đến ngày nay.

Vậy mà trong một lần được nghe Socrate thuyết giảng, lúc hùng biện, lúc bi tráng, chàng thanh niên Platon bị cuốn hút như thỏi sắt gặp nam châm. Trở về nhà, chàng mang ra đốt hết tác phẩm của mình rồi quyết tâm xin làm môn đệ của Socrate.

Một buổi sáng, ông chú dượng dẫn Platon đến gặp Socrate. Nhìn chàng trai văn nhã, mi thanh mục tú, sắc diện toát lên một thứ ánh sáng trí tuệ ngời ngời, Socrate khấp khởi mừng thầm, chậm rãi kể với ông chú dượng:

- “Đêm qua ta nằm mơ thấy một con thiên nga bé bỏng bay tới, đậu trên đầu gối. Con thiên nga này hãy còn non nớt, lông cánh còn chưa mọc đủ. Nhưng sau khi đậu xuống đầu gối ta, lông mọc rất nhanh, cánh trải dài cứng cáp. Sau đó thiên nga vỗ cánh tung bay, trời cao lồng lộng, tiếng hát của nó từ tầng mây vọng lại trong vắt du dương…. Hôm nay các người tới đây, giấc mơ của ta quả là linh ứng. Con thiên nga ấy chính là Platon (*). Năm ấy Platon vừa tròn hai mươi tuổi.

Từ đó Platon theo thầy, một bước không rời. Thầy trò rất tương đắc, yêu quí nhau còn hơn cha con. Suốt tám năm theo Socrate, Platon hấp thụ tất cả tinh hoa triết học của thầy.

Socrate đi diễn thuyết khắp nơi, chế giễu các nhà bác học chỉ bàn cãi những điều vô bổ về các thần linh, dạy cho thanh niên khinh mạn chế độ. Thấy hành động của ông nguy hại cho địa vị của mình, các bạo chúa kết tội ông không chịu thờ các thần linh của địa phương như họ mà lại thay thế bằng những thần linh mới và đầu độc thanh niên. Trước tòa, ông tỏ ra vô cùng can đảm, hùng hồn phản bác lời buộc tội của quan tòa nhưng không tự bào chữa cho mình. Dù vậy, ông vẫn bị kết án tử hình.

Trước thảm họa này, người đau khổ nhất dĩ nhiên là Platon. Sau này ông kể lại một cách đơn sơ nhưng đầy xúc động về cái chết của thầy: “Nói xong, người (tức Socrate) đưa chén thuốc độc lên miệng, vui vẻ uống một hơi.

Phần đông chúng tôi đã ráng giữ cho lệ khỏi trào, nhưng khi người uống xong chén thuốc độc thì chúng tôi không thể nén lòng được nữa và nước mắt tôi cứ tuôn ra ròng ròng. Tôi phải che mặt mà khóc cho tôi, vì chắc chắn là tôi không khóc cho người mà khóc cho thân phận đau đớn của tôi từ nay mất một người vừa là thầy vừa là bạn. Mà tôi không phải là người khóc đầu tiên. Citro khi thấy không còn giữ được lệ nữa, đã đứng dậy bước ra ngoài, rồi tôi cũng bước theo. Và chính lúc đó, Apolladorus, nước mắt đầm đìa, gào to lên một tiếng làm cho chúng tôi muốn đứt ruột. Chỉ riêng thầy là giữ được bình tĩnh. Người nói: “Khóc lóc gì kỳ vậy? Ta đã đuổi đàn bà ra khỏi đây là để tránh cái phiền đó vì ta muốn được chết trong sự yên ổn. Thôi, bình tĩnh và an mệnh cả đi”. Nghe những lời đó, chúng tôi xấu hổ và ráng nuốt lệ.

Rồi người đi đi lại lại cho tới khi, như người nói, hai chân bắt đầu thấy nặng nề thì người nằm ngửa theo lời dặn của ngục tốt. Tên này ngó bàn chân và ống chân của người, rồi bóp mạnh bàn chân, hỏi có thấy gì không. Người đáp “không” rồi hắn bóp lên phía trên, chỉ cho chúng tôi thấy rằng thân thể người lạnh và cứng dần. Thầy tự rờ mình và nói: “Khi nó lên tới tim là hết”. Khí lạnh lên tới bụng, người vạch tấm khăn phủ mặt ra, nói lần cuối cùng: “Crito, chúng ta còn thiếu thần Esculape một con gà trống; đừng quên món nợ đó nhé!”. Crito đáp: “Thưa thầy, con xin vâng lời thầy, thầy còn điều gì dặn dò nữa không?” Người không đáp, nhưng một lát sau, người cử động. Tên đầy tớ kéo tung tấm khăn phủ mặt ra thì mắt người đã đờ ra rồi. Crito vuốt mắt và khép miệng lại cho thầy”.

Tình thầy trò như vậy đó, thử hỏi có tình nào thắm thiết hơn, cao đẹp hơn?

Nước Việt Nam ta có truyền thống tôn sư trọng đạo từ nghìn xưa nên tình thầy trò cũng hết sức đậm đà, thân ái. Hằng năm, cứ đến ngày 20 tháng 11, học trò khắp nơi trong nước, người còn đang học cũng như người đã thôi học từ lâu, tưng bừng rộn rịp đến thăm hỏi, chúc mừng thầy cô giáo. Ngay cả các vị lãnh đạo cao cấp cũng không quên thầy cũ. Không cần phải quà cáp đắt tiền, chỉ một bó hoa và lời chúc chân thành cũng đủ làm vui lòng thầy cô sau những ngày vất vả, lao tâm khổ tứ vì học sinh thân yêu. Đó là một nét đẹp văn hóa mà ta cần duy trì mãi mãi.

 


Nguyễn Đức Thắng sưu tầm


(*) Khổng Tử (551-479 trước CN) Socrate (470-399 trước CN) Platon (428-347 trước CN)