"Yêu hay Kính" - Ranh giới mong manh trong tình cảm thầy và trò (Tu sĩ & Cư sĩ)

Sống trên cõi đời này, mỗi con người chúng ta đang bị chi phối bởi chữ ÁI - TÌNH YÊU quá nhiều. Chúng ta đều là chúng sanh, chữ Ái đi liền với chúng ta trong tất cả các mối quan hệ: Giữa cha mẹ với con cái, giữa vợ chồng, nam nữ, bạn bè và đặc biệt mà tôi muốn nói tới ở đây là tình cảm giữa người Thầy (người tu sĩ) & người Trò (người cư sĩ).
Làm một người tu trong lòng ai cũng mang một trái tim nóng bỏng là tu tập chuyển hóa bản thân, gia đình, mang cái đẹp đến cuộc sống, giúp mọi người bớt khổ, giải thoát, sống tốt, sống đẹp… Trái tim phụng sự, mà người tu gọi là LÝ TƯỞNG ấy nó đẹp lắm, nó làm cho người tu có trái tim để thực tập, để vượt qua những chướng ngại, những khó khăn trong cuộc đời và vươn tới mục tiêu ấy… Người tu sở dĩ đẹp là vì nơi người tu có sự thực tập giới luật, có sự thực tập uy nghi, có sự thảnh thơi, bình an, trầm tĩnh, và đặc biệt là có lý tưởng sống, cái lý tưởng ấy có thể cống hiến cho bất kỳ ai mà không có sự ràng buộc, bó hẹp hay nghiêng về bất cứ ai. 
 
Nhưng có một số bạn là cư sĩ có lẽ vì quá ngưỡng mộ và yêu quý các quý Thầy, quý cô vì những điều cao đẹp đó, nên có nảy sinh những tình cảm mà ngộ nhận rằng đó là TÌNH YÊU mà quên đi chữ KÍNH để rồi có những việc làm và lời nói gây động tâm hoặc phiền não đối với quý Thầy, quý Cô.
 
Phải chăng họ nhầm lẫn giữa "YÊU & KÍNH" vì ranh rới đó rất mong manh, họ không hiểu rằng: Nếu muốn nắm bắt, chiếm hữu người tu sĩ thuộc về mình bởi tình cảm cá nhân ích kỷ thì người tu sĩ sẽ không còn đẹp nữa vì chính họ đã làm cho lý tưởng của người tu sĩ bị mất rồi, một người tu mà không có lý tưởng thì không còn đẹp nữa bạn ạ, lúc ấy thì giới luật không còn để bảo hộ cho người tu ấy nữa, và bạn sẽ không còn được cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp từ sự thực tập của người ấy, bạn sẽ không còn thấy người tu ấy đẹp nữa, điều đó thì thật là uổng, phải không?
 
Như vậy, là một người cư sĩ thì mình sẽ làm gì để giúp cho người tu ấy mãi luôn đẹp? Đó là bảo hộ cho người đó, giúp cho người đó thực tập, đi trọn con đường, thực hiện được lý tưởng sống của cuộc đời người tu. Ta có quyền yêu người tu không? Có chứ, vì người tu thật cao đẹp, dễ thương và rất đáng kính nữa, nhưng hãy yêu luôn cả lý tưởng của người tu nữa bằng việc đơn giản đó là thêm chữ KÍNH vào trước chữ YÊU, như vậy thì cái đẹp của người tu mới trọn vẹn được. KÍNH và YÊU lý tưởng của người tu thì mình biết mình phải làm sao đó để giúp người tu giữ gìn được giới luật cho trọn vẹn, đi trọn được con đường của người xuất gia. 
 
Thật ra người tu cũng chỉ là con người, nhưng là một con người biết tôn trọng cái tự do của mình và của người khác. Người tu cũng yêu quí cái đẹp, nhưng là cái đẹp lành mạnh và trong sáng. Người tu cũng yêu con người, nhưng không muốn cầm tù bởi một người cho nên người tu khi yêu thì yêu rất nhiều người có vậy mới có thể giúp cho nhiều người cũng sống được như mình. Chính vì những “cái nhưng” đó mà người tu có giới luật để mà bảo vệ. Đó là người tu chân chính. Cũng có người tu không chân chính cho nên đã đánh mất tự do của mình và của người khác, làm cho mình tỳ vết, làm cho mình bị trói buộc vào vòng luẩn quẩn của tình cảm nam nữ.
 
Có đôi dòng suy nghĩ mình muốn gửi tới những bạn trẻ nhất là những người mới phát tâm tu tập nhưng tâm còn loạn động, chưa phân biệt rõ ràng giữa YÊU & KÍNH trong sự giao tiếp, gần gũi với Quý thầy, Quý cô. Hãy nhìn cho sâu, hiểu cho rõ để không làm ảnh hưởng đến sự trang nghiêm và tôn quý của NGƯỜI TU. Hãy là những "người bạn đẹp" của Người tu và giữ đúng vai trò của Người Phật tử các bạn nhé .
 
Bài thơ này mình thấy đã nói lên tất cả - mong các bạn hãy dành chút thời gian đọc và suy ngẫm nhé. Chúc các bạn luôn an lạc và tinh tấn...
 
Tình yêu 
 
Ta có tình yêu rất đượm nồng,

Yêu đời yêu lẫn cả non sông.

Tình yêu chan chứa trên hoàn vũ,

Không thể yêu riêng khách má hồng.

Nếu khách má hồng muốn được yêu,

Thì trong tâm trí hãy xoay chiều.

Hướng về phụng sự cho nhơn loại,

Sẽ gặp tình Ta trong khối yêu.

Ta đã đa mang một khối tình,

Dường như thệ hải với sơn minh 

Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,

Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh.

 

Tác giả bài viết: Sưu tầm