Một cõi đi về

Một cõi đi về
cảm nhận về ca khúc một cõi đi về của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh công sơn

Dù đang trôi lăn trong kiếp nhân sinh phù du, giả tạm, dù đang đắm chìm giữa bể dục, sông mê, con người vẫn đôi khi nhận ra sự bất toàn, bấp bênh của đời sống. Đã có biết bao thi nhân, nhạc sĩ gởi gấm nỗi niềm ưu tư của kiếp người qua lời thơ, tiếng nhạc. Một trong những nghệ sĩ đó là cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người đã sáng tác hàng trăm bản nhạc, với thân phận con người luôn là niềm khắc khoải được thể hiện trong hầu hết các tác phẩm của ông. Nổi bật và đậm nét nhất là trong ca khúc Một Cõi Đi Về.

Có thể nói nội dung chính mà Một Cõi Đi Về đề cập đến là khổ đế, hay nói đúng hơn, là Dukkha. Dukkha không chỉ đơn thuần là khổ, Dukkha còn là vô thường, là bất toàn, giả tạm, là trống rổng, và hơn thế nữa, là năm uẩn trói buộc (Theo Walpola Sri Rahula - Con đường thoát khổ).

Ngay ở hai câu đầu tiên của Một Cõi Đi Về, Trịnh Công Sơn đã cho ta thấy con người luôn lẩn quẩn trong sinh tử luân hồi, khó lòng vượt thoát:

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mõi mệt


Bởi năm uẩn trói buộc nên chúng ta mãi loanh quanh theo nghiệp duyên khổ lụy. Chúng ta đã đến rồi lại đi, đã rời bỏ rồi lại tìm về. Cứ thế theo nhau từng vòng sanh tử. Mỗi vòng tròn là sáng tối đổi thay, ngày đêm nối tiếp, nhật nguyệt xoay vần. Mỗi kiếp người là trăm năm mõi mệt:

Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về


Chỉ bấy nhiêu thôi mà tới lui mãi miết, chỉ một cõi ta bà thôi mà nổi trôi bao kiếp luân hồi. Hiện đời, chúng ta đang là những con người, nhưng có biết đâu, ở một tiền kiếp nào đó chúng ta đã là cây, là cỏ:

Lời nào của cây, lời nào cỏ lạ
Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ ngày qua


Có một hôm nào người quên hết thời gian, hồn bềnh bồng say giữa không gian tịch lặng, lắng nghe tiếng nói cuộc đời từ quá khứ xa xôi. Người sẽ thấy đời mình qua rất vội, từng ngày qua, mãi trôi xa theo cơn gió vô tình. Lý vô thường luôn hiển bày ngay giữa kiếp nhân sinh:

Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ
Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa


Tuổi trẻ như mùa xuân, rồi cũng sẽ tàn phai cho mùa hạ đến. Thời gian trưởng thành nào được bao lâu, hay sẽ vụt qua theo mưa mau, nắng sớm? Rồi hạ cũng trôi nhanh, cơn gió mùa thu vội đến, như đời người thoáng chốc qua đi, để một ngày đầu thu, chỉ còn tiếng vó ngựa mơ hồ tiễn đưa người về nơi xa, xa lắm.
Ôi, đời người sao thật ngắn ngủi, bốn mùa trời đất chưa qua mà nẽo tử sinh đã vội khép thành vòng.

Ngoài nổi khổ của sinh tử luân hồi, của đời người giả tạm, Trịnh Công Sơn như cũng đã thấm thía nỗi khổ của kiếp nhân sinh từng ngày nếm trải:

Mây che trên đầu và nắng trên vai

Con người và mọi vật trong trời đất đều có mối tương quan duyên hợp,vừa nương tựa, vừa chống trái lẫn nhau. Áng mây bay qua đời vừa là bóng râm hạnh phúc, bóng mát bình yên, nhưng cũng chính là sự ngăn che, đè nặng. Cái nắng trên vai làm rạng rở đất trời, sáng tươi đời sống lại là điều phảì gánh chịu, vương mang. Niềm vui thường đến với nổi buồn. Hạnh phúc đan xen cùng đau khổ. Có thật là Trịnh Công Sơn đang nói đến mây trời, nắng gió của thiên nhiên, hay ông đang đề cập đến những mối quan hệ yêu thương, và ràng buộc; thân thiết, với cưu mang; gần gũi, cùng trách nhiệm giữa cha con, vợ chồng, anh em, bè bạn, những tình cảm thân, sơ của một kiếp người?

Những quan hệ buộc ràng giữa người và người, giữa con người và sự vật đều chịu ảnh hưởng bởi sự chi phối của những cộng nghiệp và biệt nghiệp:

Đôi chân ta đi sông còn ở lại

Người cứ đi theo nghiệp lực của người, sông vẫn nơi đây rì rào con sóng, đợi một ngày hóa bãi bễ, nương dâu!

Dẫu biết con người cùng mọi loài, mọi vật trong trời đất đều do tứ đại hợp thành, nhưng con người vẫn là sinh vật kỳ lạ, đặc bìệt so với mọi giống hữu tình ở cõi trần gian:

Con tim yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người


Khi con tim yêu thương chợt lên tiếng gọi là lúc ta nhận ra mình là một con người. Chỉ có sự yêu thương mới làm con người khác với muôn loài, mọi vật. Chính sự yêu thương đó, bản- chất- người đó vừa giúp con người thăng hoa vừa đưa người về đọa lạc. Yêu thương trong bao dung, xả bỏ, là thuyền từ bi đưa bồ tát nhân qua miền tỉnh thức. Yêu thương với vị kỷ, chiếm hữu, là dây ái dục trói kẻ phàm trần trong chốn nhân gian.

Bởi không thể chặt đứt, đoạn tuyệt được với Ái, một mắt xích quan trọng trong chuỗi mắt xích thập nhị nhân duyên nên con người mãi tới lui sa bà trong nhiều đời, lắm kiếp. Mỗi một kiếp qua đi đã để lại nơi ta những dấu ấn không thể phai mờ, khó lòng bôi xóa. Dấu ấn đó như những vết xước trên mặt chiếc gương soi, bị che lấp đi bởi sự lãng quên của vô minh, tăm tối, như đang bị phủ mờ bởi lớp bụi thời gian.

Rất tình cờ một hôm trên phố vắng, có cơn mưa qua đời, cuốn trôi đi một mãnh bụi trần, gợi nhớ về tiền kiếp nào xa:

Nghe mưa nơi nầy lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ


Cơn mưa đẫm ướt dục lạc, của những niềm vui, nổi buồn, của những nếm trãi đau thương, của những nhục vinh được, mất. Cơn mưa quá đỗi thân quen, như đã đến, đi nhiều lần, như đã tới, lui lắm bận. Trong buốt đau của cơn mưa nghiệp báo, người nhận ra sự trống rỗng của cuộc đời. Người chỉ mong tìm về một nơi nương náu, một chốn bình yên. Ôi đường trần sao xa lạ quá, ta đi mãi, tìm hoài mà không biết quê nhà đang ở chốn nao!

Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà


Không tìm thấy chốn thân quen, nên con người vẫn mãi đi tìm trong muộn phiền, mõi mệt. Bản chất vô thường của đời sống lại được tác giả đề cập đến một lần nữa:

Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy
Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa


Những hy vọng xanh non cỏ mượt ngày mới lớn đã sớm trôi đi, như giấc mơ nào xa xưa lắm, và mỗi ngày, khi bóng tà dương khuất nẽo, là một lần con người nhận được hồi chuông báo tử cho mạng sống của mình:

Từng lời tà dương là lời mộ địa

Người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh dường như đã thấu hiểu sự bất toàn, giả tạm của mạng sống con người như trong Kinh Phạm Võng đã dạy:

Ngày nay đã qua,
Mạng sống giảm dần
Như cá cạn nước
Nào có vui chi


Hay xa hơn nữa, ngay khi dòng nước đang còn là khe suối, đã biết một ngày rồi sẽ thành bể lớn, sông sâu

Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe

Câu hát này làm chúng ta nhớ tới Nguyễn Du với cái nhìn tương tự về lý vô thường khi ông viết:

Trong sum họp đã có mầm ly biệt (Truyện Kiều)

Dù có đi đến đâu ở cõi sa bà này thì con người vẫn không tránh khỏi nỗi khổ đau mà mình đang nếm trãi, chịu đựng. Đó là sự đối mặt với những khắc nghiệt của tình đời vốn lắm đua chen, tỵ hiềm, vốn nhiều giựt giành nhỏ nhặt:

Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì


Cay đắng đã từng, gian truân đã lắm, con người thật sự thấm thía nỗi cô đơn khắc khoải, nỗi trống vắng lạnh lùng của một kẻ tha hương muốn tìm về chốn bình yên, cõi an lạc mà trong lắng sâu tâm thức con người luôn mong có được.

Một cõi đi về trong tác phẩm của Trịnh Công Sơn là ta Bà khổ lụy, là cõi trần gian mà con người đã đến rồi đi, đã rời bỏ rồi lại tìm về, cứ thế kết từng vòng sinh tử trong nghiệp báo luân hồi. Nhưng dù không được đề cập tới, ta vẫn thấy thấp thoáng đâu đó còn có một cõi khác. Một cõi mà con người luôn mong tìm đến, một chốn để đi về, là nơi không có buồn đau, không còn khổ lụy, là quê hương Cực Lạc, nơi đức Di Đà từ phụ đang ngày đêm mong đợi, mở lòng tiếp dẫn chúng sinh. Bởi có Sa Bà nên còn Cực Lạc. Bởi khao khát sanh ra, ước ao tồn tại nên phải chấp nhận chết đi, vương mang chuyển đổi. Một khi nào ta thật tâm dừng lại, thôi không khao khát, hết những ước ao, không ra đi cũng sẽ chẵng quay về. Cõi thường hằng, nhất như đó chính là bản lai diện mục. Hãy quay về an trú ở tự tâm.

Tác giả bài viết: Từ Quang