Vụ “khóa môi” nhà sư: Mr. Đàm có thể bị cấm diễn

Vụ “khóa môi” nhà sư: Mr. Đàm có thể bị cấm diễn
Theo LS Trần Đình Triển, hành động “khóa môi” nhà sư của ca sĩ ngay trên sân khấu, giữa chỗ đông người là phản cảm, không thể chấp nhận được, ngay cả khi nhà sư đồng ý.

Luật sư Trần Đình Triển (Văn phòng Luật sư Vì Dân, Hà Nội): “Hành động “khóa môi” nhà sư trên sân khấu của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là rất phản cảm. Căn cứ theo các quy định của Bộ VH-TT&DL mà trực tiếp là Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở VH-TT&DL TP HCM, ca sĩ có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị cấm biểu diễn trong một thời gian”.

Theo LS Trần Đình Triển, hành động “khóa môi” nhà sư của ca sĩ ngay trên sân khấu, giữa chỗ đông người là phản cảm, không thể chấp nhận được, ngay cả khi nhà sư đồng ý.

LS Trần Đình Triển: "Hành động trên là phản cảm, trái với thuần phong mĩ tục".

 

 Quy định về biểu diễn
Ngày 05/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2012/NĐ-CP “Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu”. Điều 6 của Nghị định này đã ghi rõ các quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu. Trong đó có quy định cấm thực hiện hành vi thiếu văn hóa khi biểu diễn.

“Mỗi tôn giáo đều có những quy định riêng của họ. Đạo Phật cũng thế, họ có giới luật riêng, trong đó có những điều cấm kị đối với người xuất gia tu hành cũng như người bình thường đối với người tu hành. Hành động hôn hít nhà sư trên sân khấu là xúc phạm người tu hành, vi phạm vào giới luật của Đạo Phật và cả ảnh hưởng đến thuần phong mĩ tục. Cả nhà sư lẫn ca sĩ đều sai, đáng bị xử lý”, LS Trần Đình Triển cho biết.

Ngoài ra, cũng theo LS Trần Đình Triển, qua vụ việc trên, một lần nữa lại cho thấy, trong công tác quản lý ca sĩ và biểu diễn còn quá nhiều bất cập, đặc biệt là những chế tài xử lý chưa đủ mạnh.

“Cho đến nay, việc quản lý ca sĩ rất lỏng lẻo. Hành nghề luật sư phải có giấy phép, nhà báo phải có thẻ, bác sĩ hành nghề cũng phải có giấy phép,… trong khi ca sĩ thì chẳng phải chịu một sự quản lý ràng buộc nào của pháp luật. Thích hát thì hát, miễn có chút ít chất giọng. Nhiều ca sĩ hát trên sân khấu mà chẳng cần qua một trường lớp nào, thậm chí không hề có một tí kiến thức nào về thanh nhạc. 

“Đầu vào” và cách quản lý lỏng lẻo như thế thì “chất lượng” ca sĩ thấp là đương nhiên. “Chất lượng” mà tôi muốn nói đến ở đây là cả về chuyên môn lẫn cách biểu diễn lẫn ứng xử của ca sĩ trên sân khấu và đối với khán giả. Thực tế là không ít những ca sĩ đã có những hành động coi thường khán giả, dù là vô tình hay cố ý”.

Theo LS Trần Đình Triển, vụ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng “khóa môi” sư thầy, ngoài việc xử lý về hành động phản cảm, trái với thuần phong mĩ tục, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở VH-TT&DL cũng cần xem xét lại tất cả quy trình của buổi biểu diễn ngày 4/11 như buổi biểu diễn có giấy phép không, thành phần khán giả đăng ký bao gồm những đối tượng nào… để có thể đưa ra hình thức xử lý phù hợp nhất.
 

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL TP Hồ Chí Minh cho biết cơ quan quản lý đã nhận được thông tin về vụ việc này và hiện đang xem xét. Ngoài ra, ông Nguyễn Thành Nhân – Phó Phòng quản lý biểu diễn (Cục Nghệ thuật Biểu diễn) cũng cho biết, Cục sẽ có hướng xử lý khi nhận văn bản chính thức từ Sở VH- TT&DL TP Hồ Chí Minh.

Tuấn Linh - KTO