Tư tưởng giải thoát trong triết học Phật giáo

Phật giáo ra đời ở Ấn Độ cách ngày nay hơn 25 thế kỷ. Hiện nay Phật giáo là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới sau đạo Công giáo, Phật giáo có ảnh hưởng lớn trong đời sống tinh thần người phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng.

Với nội dung cơ bản là triết lý nhân sinh sâu sắc về nỗi khổ của con người và cách tu luyện để diệt khổ và giải thoát nỗi khổ. Cốt lõi của triết lý đó là triết lý Tứ diệu đế. Phật giáo chủ trương bình đẳng giữa các giai tầng trong xã hội và đề cao lòng từ bi, bác ái của con người trong xã hội. 

Khác với các tôn giáo khác, giáo lý, luật lệ, lễ nghi và triết lý của họ thường bị các tầng lớp thống trị phản cách mạng lợi dụng để hạ thấp và đọa đày con người nói chung, người lao động nói riêng xuống địa vị của những sinh vật thấp hèn; tư tưởng Phật giáo đã chống đối lại những thế lực đó - những thế lực nấp sau lưng Thượng đế  dùng “Thần quyền” để duy trì vĩnh viễn quyền lực thống trị của mình trong các xã hội tồn tại dựa trên sự phân chia đẳng cấp. Triết thuyết Phật giáo chứng minh vạn vật đều có mâu thuẫn nội tại của nó và đều nằm trong quá trình vận động biến đổi không ngừng. Sự biến đổi đó không do một lực lượng siêu tự nhiên nào đó chi phối điều khiển đến mức an bài cả cuộc sống con người mà con người không thể nhận thức được. Ngược lại, Phật giáo khẳng định sự biến đổi ấy đều theo duyên sinh, nhân quả mà thành. Theo đó, Phật giáo đã lấy tư tưởng giải thoát (giải thoát luận) làm trọng tâm trong triết lý của Phật giáo nói chung. Đức Phật nói: “Này các đệ tử, ta nói cho mà biết, nước ngoài khơi chỉ có một vị mặn, đạo của ta dạy cũng chỉ có một vị là vị giải thoát”. Ngài khuyên mọi người dẹp bỏ mọi tham, sân, si và trở về với thực tại giải quyết những vấn đề nhân sinh: “Này các vị, đừng thắc mắc rằng thế giới này là hữu hạn hay vô hạn, cõi đời này là hữu cùng hay vô cùng. Dù nó hữu hạn hay vô hạn, hữu cùng hay vô cùng thì điều các vị phải thừa nhận trước hết vẫn là: cuộc đời đang đầy rẫy khổ đau.” (Kinh Ahàm).
 
Tư tưởng chủ đạo trong triết lý giải thoát của Phật giáo là cố gắng giải thoát con người ra khỏi mọi khổ đau của cuộc đời. Đây là điểm gây sự chú ý nhất cho tất cả những ai tìm hiểu, nghiên cứu tư tưởng Phật giáo.
 
1. Nguồn gốc tư tưởng giải thoát trong triết lý Phật giáo
 
Có thể nói, không một tôn giáo nào trên thế giới lại có giọng thiết tha thâm trầm đối với nỗi đau khổ của thế gian như ở Phật giáo: “Nước mắt chúng sinh trong ba ngàn thế giới đem chứa tích lại còn nhiều hơn nước trong bốn bể”. Phải chăng cảnh tượng lúc bấy giờ đầy rẫy những bất công đau khổ đã khiến cho mọi người đều cảm thấy nỗi đau khổ của nhân loại?. Điều này cũng đòi hỏi Phật giáo phải hướng đến tư tưởng giải thoát cho mình và cho chúng sinh. 
 
Theo “Phật học từ điển“ của Đoàn Trung Còn, thì “Giải thoát“ (Morksha) cần được hiểu như sau: Giải là lìa khỏi sự trói buộc, được tự tại, mở những dây trói của nghiệp lầm. Thoát là ra ngoài quả khổ tam giới (Dục, Sắc, Vô Sắc). Chẳng hạn như giải thoát đối với kết (thắt, buộc), hệ phược (trói buộc). Giải thoát có các nghĩa: 
 
- Giải thoát là niết bàn, là thể niết bàn, vì lìa tất cả sự trói buộc (giải thoát khỏi ngũ uẩn cũng gọi là năm loại niết bàn); 
 
- Giải thoát cũng là thiền định, vì nhờ thiền định mà thoát khỏi vòng trói buộc, trở nên tự tại (Chẳng hạn như Tam giải thoát, Bát giải thoát, Bất tư nghị giải thoát); 
 
 - Giải thoát là một phần trong Ngũ phần pháp thân.
 
Chính vậy đạo Phật cũng gọi là Giải thoát đạo, Giải thoát hạnh, Giải thoát giới. Áo cà sa cũng gọi là giải thoát phục, giải thoát y. Giải thoát có hai loại: 
 
Tính tịnh giải thoát, tức bản tính của chúng sinh vốn là thanh tịnh không có cái hướng hệ phược (trói buộc), ô nhiễm.
 
Chủng tận giải thoát, tức bản tính của chúng sinh nói chung là thanh tịnh, nhưng vì từ vô thượng đến nay chúng sinh luôn bị phiền não làm mê hoặc, chẳng thể hiện được bản tính của mình, vậy nên mới phải đoạn tuyệt với cái hoặc chướng ấy mà được giải thoát, tự tại. Giải thoát cũng có hai cách về sự và lý: 
 
Về sự tức là giải thoát khỏi vòng khổ não, tai nạn đương trói buộc cái thân (chẳng hạn giải thoát khỏi địa ngục, ma quỷ, súc sinh); Giải thoát khỏi mọi pháp luật (quy luật của mọi vạn pháp). 
 
Về lý tức là giải thoát tất cả mọi nỗi phiền não, những duyên luyến ái đã từng trói buộc cái tâm (chẳng hạn giải thoát luân hồi để đạt quả thánh: A La Hán, Bồ tát, Phật, Giác ngộ). 
 
Như vậy, giải thoát theo triết lý Phật giáo tức là trạng thái tinh thần con người vượt ra khỏi mọi sự ràng buộc của thế giới nhục dục, là sự “diệt“ hết mọi dục vọng, dập tắt ngọn lửa dục vọng để đạt tới cõi Niết bàn (Nirvana) với cái tâm tuyệt đối thanh tịnh. Giải thoát tức là giải thoát tất cả những mối phiền não, những dây phiền não đã trói buộc cái tâm, làm mê tâm mờ tính do nhục dục quyến rũ. Khi con người ta được giải thoát cũng chính là con người ta đạt tới sự siêu thoát, nghĩa là họ vượt sự trói buộc của thế giới trần tục, thoát khỏi sự chi phối của dục vọng, sinh tử, phiền não, sống hoàn toàn thanh thoát tự tại. Giải thoát là thấu suốt lý nhân sinh để đạt tới thể “không tịch”. Song đạt tới thể không tịch không có nghĩa là trở về với cái hoàn toàn hư vô, mà thưc ra là để xóa bỏ thành kiến chấp ngã hẹp hòi bởi thế giới đang tồn tại là thế giới vô ngã, để từ đó có thể thấu đạt tư tưởng: “chư hành vô thường, vạn pháp vô ngã, hết thảy đều là không” của pháp ân. Triết lý Phật giáo cho rằng xuất phát điểm của tư tưởng giải thoát là từ nỗi khổ của cuộc đời con người. Vì vậy muốn được giải thoát thì cần dập tắt mọi dục vọng, trở về với chân bản tính của mình.
 
2. Triết lý Nhân duyên khởi và Tứ diệu đế - nội dung cơ bản của tư tưởng giải thoát trong Phật giáo
 
Có thể nói rằng đỉnh cao của tư tưởng giải thoát trong hệ thống triết học - tôn giáo Ấn Độ cổ đại là triết lý giải thoát của Phật giáo. Ở đó có sự kế thừa, chắt lọc, dung hợp và cả sự hoàn thiện những mặt mạnh và cả những mặt yếu của tất cả những quan điểm, những phương pháp, các chủ trương giải thoát của các trường phái triết học - tôn giáo vào thời đó. 
          
Trái với quan điểm của thánh kinh Véda, Upanishad và các môn phái triết học tôn giáo đương thời đều thừa nhận sự tồn tại của một thực thể siêu nhiên tuyệt đối, tối cao, sáng tạo và chi phối đến tinh thần vũ trụ (Brahman, Atman), đạo Phật cho rằng vũ trụ này là vô thủy vô chung, vạn vật trong thế giới này chỉ là dòng biến hóa vô thường, duyên sinh vô định, không do một vị thần nào sáng tạo nên cả. Sở dĩ tất cả các sự vật hiện tượng trong thế giới này luôn biến đổi không ngừng nghĩa là bởi vì trong vũ trụ từ cái vô cùng nhỏ đến cái vô cùng lớn đều không thoát khỏi luật nhân quả hay còn gọi là luật “Nhân duyên khởi ”. Theo triết lý này thì cái gì phát động ra ở vật, gây ra một hoặc nhiều kết quả được gọi là “Nhân” (hetu), cái gì được kết tập từ “nhân” gây ra thì được gọi là “quả” (phala). Còn “Duyên” (pratitya) lại chính là điều kiện là mối liên hệ để giúp “nhân” biến thành “quả”. Như vậy, “nhân” nhờ “duyên” mới thành  “quả”, “quả” lại nhờ “duyên” mới biến thành “nhân” mới, “nhân” mới lại nhờ “duyên” mới biến thành “quả” mới. Cứ như thế mà thế giới nối tiếp nhau biến hóa vô cùng vô tận và vì vậy mà mọi sự vật hiện tượng cứ sinh sinh hóa hóa mãi, quá trình đó được Phật giáo gọi là “Chư hành vô thường”. Dừng ở đây, triết học Phật giáo có tính biện chứng vô thần sâu sắc.
 
Trong sự vận động của thế giới sự vật hiên tượng, con người là một thực thể sống trong thế giới vận động đó. Do vậy, ngay chính bản thân con người cũng do “nhân – duyên” kết hợp mà thành. Con người được cấu tạo bởi hai thành phần thể xác và tinh thần, hai thành phần này là kết quả tan – hợp, hợp – tan của ngũ uẩn, duyên hợp ngũ uẩn lại thì ra “ta”, duyên tan ngũ uẩn thì không còn “ta”, mà là diệt. Nhưng đó không phải là sự mất đi mà là sự trở lại với ngũ uẩn và ngay cả mỗi yếu tố của ngũ uẩn (sắc, thụ, tưởng, hành, thức) cũng luôn luôn biến đổi không ngừng theo luật nhân – quả. Như vậy, vạn vật chúng sinh cứ biến hóa vô thường, vụt mất vụt còn, không có thực thể, không có một hình thức nào tồn tại riêng lẻ và vĩnh viễn, không có cái tôi thường định, không có bản ngã hay cái ngã cá nhân bất biến (vạn pháp vô ngã). Nhưng do không thấy được nguồn gốc của sự biến đổi vô cùng vô tận của vạn vật và chúng sinh là do đâu và như thế nào, nên con người đã lầm tưởng rằng ta tồn tại mãi mãi, cái gì cũng thường định, cái gì cũng là của ta, do ta. Vì thế mà con người cứ khát ái tham dục, dẫn đến hành động để chiếm đoạt để thỏa mãn những dục vọng của mình, tạo ra những kết quả gây nên nghiệp báo (Karma), mắc vào bể khổ trầm luân. Đức Phật cũng có dạy rằng: “Này chư Tỳ khưu, Như Lai không thấy dây trói buộc nào khác mà chặt chẽ cột trói chúng sinh lâu dài, dai dẳng, thênh thang và hối hả bất định xuyên qua vòng quanh những kiếp sinh tồn như trói buộc của ái dục. Quả thật vậy, này chư Tỳ khưu, bị thằng ái dục cột trói, chúng sinh lê bước thênh thang và hối hả bất định trong vòng luân hồi” . Ái dục chính là những khát vọng mù quáng của chúng sinh đã gây nên sân hận và tất cả mọi khổ đau phiền lụy. Vì vậy việc đầu tiên theo đức Phật, để giúp con người thoát ra được bể khổ triền miên đó là phải diệt ái dục; tiếng nói của sự giải thoát khổ đau phải là tiếng nói của duyên sinh vô ngã.  
 
Con đường giải thoát chúng sinh cũng như tư tưởng giải thoát khổ đau không chỉ thể hiện qua lý “Nhân duyên khởi” mà còn được thể hiện trong học thuyết “Tứ diệu đế” (Catvary Arya Satya) - tư tưởng xuyên suốt toàn bộ hệ thống kinh sách nhà Phật. Cùng với “lý nhân duyên khởi”, học thuyết “Tứ diệu đế” đã trở thành nền tảng cho giáo lý nhà Phật. Thông qua các thuyết này, Phật giáo không chỉ vạch rõ con đường, cách thức để giải thoát chúng sinh ra khỏi nghiệp báo luân hồi và những nổi khổ của cuộc đời con người, mà chúng còn tìm ra nguồn gốc của nỗi khổ của cuộc đời con người, chỉ ra căn nguyên biến đổi không ngừng của vũ trụ và thế giới. Chính ở đây chứ không đâu khác đã thể hiện rõ nét và tập trung nội dung tư tưởng giải thoát đặc sắc của triết lý Phật giáo. Triết lý Phật giáo phủ nhận thế giới quan thần quyền cũng như quan điểm về cái tôi cá nhân bất biến. Phật giáo không tán thành cách tu luyện ép xác khổ hạnh để có thể giải thoát (của đạo Jaina), cũng như phê phán chủ nghĩa khoái lạc vật chất (của trường phái Lokayata). Theo Phật giáo thì cả hai khuynh hướng đều không thể dẫn đến trạng thái diệt ái dục một cách trọn vẹn. Tu luyện khổ hạnh sẽ làm suy giảm trí lực do đó khó có thể đạt tới minh giác, còn nếu sa vào thế giới vật chất tức là đã sa vào thế giới vật dục, là đam mê theo đuổi cái giả tưởng, làm lu mờ tâm tính, điều này dẫn đến sự chậm trễ trong tiến bộ tinh thần. Vì vậy, theo Phật giáo con đường đúng đắn nhất để đạt tới giác ngộ  và giải thoát là con đường trung đạo. Trong kinh Chuyển Pháp Luân đức Phật đã nói: “Người xuất gia có hai cực đoan cần tránh, một con đường thấp hèn chủ trương cuộc sống chỉ cần khoái lạc, một con đường cực nhọc vô ích như chủ trương của phái khổ hạnh ép xác. Con đường trung đạo thì ở giữa hai thái cực kia, có thể dẫn đến giác ngộ và giải thoát. Như vậy, đức Phật đặc biệt nhấn mạnh và nhắc nhở người xuất gia phải tránh những điều thái quá hay những điều cực đoan khi xác định con đường giải thoát chúng sinh.  
 
Như vậy, con đường giải thoát trong triết lý của Phật giáo được thể hiện qua các nội dung như sau: Đầu tiên, thể hiện trong thuyết Tứ diệu đế, tư tưởng giải thoát Phật giáo có xuất phát điểm từ nỗi khổ của cuộc sống con người. Theo quan điểm của Phật giáo, thì ngay việc con người sinh ra và tồn tại thì con người lại càng rơi vào vô minh, rơi vào những ảo tưởng giả tạo. Chính vì thế nhiệm vụ và mục đích tối cao của sự giải thoát chính là xóa bỏ sự vô minh của con người để đạt tới sự giác ngộ với cái tâm sáng tỏ, có thể nhận ra chân bản tính của mình và thực tướng của vạn vật. Có vậy mới dập tắt được ngọn lửa ái dục, thoát ra mọi khổ não của cuộc đời để đạt đến cõi Niết bàn (Nirvana). Vì vậy, mà đức Phật đã đưa Khổ đế thành chân lý thứ nhất. Triết lý của đạo Phật khẳng định thực tại nhân sinh là khổ. Phật đã nói trong kinh Chuyển Pháp Luân rằng: Sinh là khổ, lão là khổ, bệnh là khổ, tử là khổ, oán tăng hội khổ, thụ biệt ly khổ, thụ ngũ uẩn khổ, sở cầu bất đắc khổ. Như vậy, với Bát Khổ mà đức Phật đưa ra cũng đã khái quát rằng cuộc đời con người vốn đã là bể khổ. 
        
Thứ hai, trong Tập Đế, Ngài đã nêu ra và lý giải căn nguyên của nổi khổ, tức chỉ ra nguồn gốc, nguyên nhân của mọi nổi khổ. Cũng như ở thuyết “Nhân – Duyên khởi”, nguyên nhân chính để gây nên nổi khổ của con người chính là lòng ái dục. Nhưng sở dĩ có ái dục là vì sự vô minh, từ cái mê lầm của con người do không nhận thức được bản chất của thế giới. Con người muốn tồn tại mãi nhưng thực tại lại cứ luôn biến dịch, con người muốn trường tồn nhưng cuộc đời cứ luân chuyển không ngừng nghĩ theo quy trình: sinh – lão – bệnh – tử; thành – trụ –hoại –không; sinh – trụ –dị – diệt. Vì thế, con người mới sinh ra lòng tham, lòng sân, lòng si, chiếm đoạt để rồi gây nên những nỗi khổ triền miên trong đời. Cùng với “Nhân duyên khởi”, đức Phật đưa ra thuyết “Thập nhị nhân duyên” để giải thích căn nguyên nổi khổ ấy, cùng với đó cũng vạch ra mối liên hệ của nghiệp từ quá khứ tới hiện tại, rồi từ hiện tại tới tương lai. Mười hai duyên đó là: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thụ, aí, thủ, hữu, sinh, lão tử. Mười hai duyên này nối tiếp nhau, chúng liên hệ và chuyển hoá cho nhau, chúng vừa là “nhân” vừa lại là “quả” của nhân. 
         
Thứ ba, để con người có thể được giải thoát khỏi bể khổ thì phải diệt khổ, đó chính là mục đích tối cao của sự giải thoát. Chân lý tối cao mà đức Phật đưa ra đó là diệt đế. Phật Tổ nói rằng: “Đó là sự xa lánh trọn vẹn, là sự tận diệt chính cái ái dục ấy. Đó là sự rời bỏ, sự khước từ, sự thoát ly và sự tách rời ra khỏi tâm ái dục. Đó là chân lý cao thượng về sự diệt khổ” , để đạt tới trạng thái Niết bàn; Niết bàn được xem là trạng thái tuyệt đối: trạng thái không tịch, diệt trừ mọi danh sắc, cảm giác, ý thức, trạng thái diệt mọi ái dục, vô vi, thanh tịnh, là hoàn thiện, vĩnh hằng, bất tử… Chính vì thế mà Long Thọ Bồ Tát đã viết: “Niết bàn là ngừng định, ngừng hết tư tưởng vô và hữu, sắc và không” . 
        
Thứ tư, để thực hiện được mục đích và lý tưởng giải thoát, để đạt tới trí tuệ bát nhã, Phật giáo đưa ra thuyết về Đạo Đế. Đạo đế là quan điểm về con đường, cách thức hay phương pháp giải thoát của đạo Phật. Trong đó, con đường trung đạo như đã nói ở trên với thuyết tiêu biểu là “Bát chính đạo”. Tám con đường đó là: 
 
1) Hiểu biết nhận thức đúng đắn (Chính kiến). 
 
2) Suy nghĩ chân chính (Chính tư duy). 
 
3) Hành động , làm việc chân chính (Chính nghiệp). 
 
4) Chỉ nói những điều hay, đúng (Chính ngữ).
 
5) Sống một cách trung thực (Chính mệnh).
 
6) Cố gắng vươn lên theo con đường chân chính (Chính tịnh tiến).
 
7) Suy nghĩ chính pháp, gạt mọi tà niệm (Chính niệm).
 
8) Chuyên chú vào con đường chân chính để giác ngộ (Chính định).
 
Cùng với tám con đường này, đức Phật đưa ra những phương pháp thực hành tu luyện cho các phật tử để chủ động thực hiện điều tốt cho người và cho mình, ví như  “Ngũ giới”, “Lục độ” và “Thập thiện”.              
 
Nói một cách khái quát, trong thuyết Tứ diệu đế, thì Khổ Đế và Tập Đế trình bày về sự khổ và nguyên nhân của nổi khổ. Đây chính là điểm xuất phát của tư tưởng giải thoát trong triết lý Phật giáo. Diệt Đế là quan điểm của Phật giáo về mục đích và nhiệm vụ tối cao của sự giải thoát, mục đích và nhiệm vụ ấy là xóa bỏ mọi vọng tưởng, thoát khỏi mọi sự ràng buộc của thế giới vật dục, diệt ái dục để có thể giác ngộ, đến với Niết bàn. Còn Đạo Đế là con đường và cách thức giải thoát, đó là “Bát chính đạo”.        
 
Như vậy, với tư tưởng giải thoát mà đức Phật đưa ra đã thể hiện rất sâu sắc tính chất nhân bản, nó quan tâm đến thân phận và đời sống của mỗi con người, giúp con người thoát khỏi những nổi khổ của cuộc đời, tìm cho họ một niềm tin trong cuộc sống, một chỗ dựa vững chắc và chỗ dựa vững chắc ấy không ở đâu xa lạ mà chính ngay trong tâm mỗi người. Theo đó, con đường và cách thức giải thoát trong triết lý Phật giáo rất giản dị, có ý nghĩa hết sức thiết thực và phù hợp với đời sống hiện thực khách quan. Nó chủ trương tu luyện toàn diện trên mọi lĩnh vực từ đời sống đạo đức luân lý đến tâm linh, trí tuệ.

 
Nguyễn Tiến Nghị, Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 1 năm 2016