Dấu ấn của chư tôn đức Chủ tịch HĐTS qua các thời kỳ

Sau ngày đất nước thống nhất, giang sơn nối liền một dải (4-1975), toàn dân tộc tập trung nguồn lực vào công cuộc tái thiết đất nước, các lĩnh vực quan trọng trong đời sống cũng được Nhà nước quan tâm, trong đó có sinh hoạt tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo - một tôn giáo có quá trình đồng hành, gắn bó sắc son với dân tộc.
Trong bối cảnh xã hội và điều kiện thuận lợi lúc bấy giờ, Phật giáo Việt Nam với nguyện vọng hợp nhất các tổ chức hệ phái thành một khối thống nhất, trong khoảng thời gian này, Ban liên lạc Phật giáo yêu nước TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành ra đời nhằm làm gạch nối gắn bó giữa các tổ chức Giáo hội.

Trên cơ sở đó, vào năm 1980, Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam được hình thành, từ đây tiến đến Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo toàn quốc và GHPGVN chính thức được thành lập vào tháng 11-1981 tại Hà Nội. 

HT.Thích Trí Thủ, Chủ tịch HĐTS GHPGVN khóa I, trao tặng cụ Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQVN bức tranh ghép gỗ ảnh chùa Một Cột - biểu tượng văn hóa dân tộc - tại buổi tiếp Đoàn đại biểu Hội nghị thống nhất PGVN (11-1981) - Ảnh: Giác Ngộ

Cách nay 35 năm, Đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ I (1981 - 1987) và sự ra đời của GHPGVN đã trở thành sự kiện lịch sử trọng đại của Phật giáo Việt Nam, ghi đậm nét son vàng trên trang sử Phật giáo nước nhà thời hiện đại.

Giáo hội dưới sự lãnh đạo của chư tôn túc thực sự trở thành chiếc la bàn dẫn đường đưa con thuyền Phật giáo Việt Nam từng bước vượt qua những gập ghềnh trắc trở, là kim chỉ nam giúp cho toàn thể Phật giáo đồ vững bước trên con đường đạo pháp, đóng góp công sức vì lợi ích dân tộc.

Nhìn lại quá trình hình thành, ổn định và phát triển của Phật giáo Việt Nam trong suốt 35 năm qua, trên tinh thần hòa hợp, đoàn kết, vận dụng trí tuệ tập thể, phát huy tính sáng tạo, chúng ta dễ dàng nhận thấy Phật giáo Việt Nam đã thật sự lớn mạnh trên nhiều phương diện, đạt được kết quả khả quan trong hầu hết các lĩnh vực Tăng sự, Giáo dục, Hoằng pháp, Văn hóa, Từ thiện xã hội.

Theo đó, đời sống sinh hoạt của Tăng Ni Phật tử ngày càng được nâng cao; cơ sở thờ tự và hệ thống giáo dục Phật giáo ngày càng được xây dựng khang trang, hiện đại; Tăng Ni Phật tử dễ dàng ra nước ngoài học tập hay thuyết giảng; các đạo tràng tu học Phật pháp được tổ chức quy củ, phát triển rộng khắp mọi miền đất nước; chất lượng tu học của Tăng Ni Phật tử và hoằng pháp lợi sanh ngày càng được nâng cao; công tác từ thiện đã đóng góp thiết thực vào đời sống an sinh xã hội; nhất là trên mặt hoạt động đối ngoại, thông qua các Hội nghị, Hội thảo quốc tế, đã không ngừng nâng cao vị thế Phật giáo trong lòng dân tộc, trên trường quốc tế, những thành tựu vượt bật này là nền móng cho sự phát triển bền vững của Giáo hội, đồng thời là cơ sở vững chắc để tăng cường niềm tin đạo pháp của Tăng Ni và Phật giáo đồ trong và ngoài nước. 

Tính từ ngày thành lập đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trải qua 7 nhiệm kỳ, với ba giai đoạn lịch sử gánh vác trọng trách lãnh đạo điều hành của Hội đồng Trị sự.

Ở giai đoạn đầu, nhiệm kỳ I (1981 - 1987), Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ được Đại hội suy cử vào ngôi vị Chủ tịch Hội đồng Trị sự (HĐTS) đầu tiên của Giáo hội, HT.Thích Thế Long và HT.Thích Trí Tịnh được Đại hội cung thỉnh suy cử làm Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS. Đặc biệt, tại Đại hội vô cùng quan trọng này, Hiến chương GHPGVN gồm 11 chương và 46 điều đã được thông qua.  

Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ

Trong giai đoạn này, dưới sự lãnh đạo của HT.Thích Trí Thủ, được xem là giai đoạn khởi đầu công cuộc xây dựng và củng cố cơ sở Giáo hội, là bước đầu ổn định cơ cấu hành chánh của Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự các tỉnh thành.  

Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ (1909 - 1984) là bậc cao Tăng của Phật giáo Việt Nam, ngài có công lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo, thống nhất Phật giáo Việt Nam, giáo dục đào tạo Tăng tài, hoằng dương chánh pháp, một đời phụng sự đạo pháp và dân tộc.

Sinh thời Hòa thượng từng nói: “Những gì tôi làm cho đạo pháp tức là làm cho dân tộc, những gì tôi làm cho dân tộc tức là làm cho đạo pháp”. Vào giữa nhiệm kỳ I (tháng 4-1984), Trưởng lão Hòa thượng viên tịch. Sự ra đi của ngài là sự mất mát to lớn của GHPGVN trong giai đoạn đầu Phật giáo nước nhà vừa thống nhất.  

Sau khi HT.Thích Trí Thủ viên tịch, HT.Thích Trí Tịnh được Ban Thường trực HĐTS cung thỉnh làm Quyền Chủ tịch HĐTS, rồi Chủ tịch HĐTS ở nhiệm kỳ II và các nhiệm kỳ kế tiếp cho đến ngày về cõi Phật vào tháng 4-2014.

Trải qua 7 nhiệm kỳ, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Trị sự, HT.Thích Trí Tịnh đã tận tâm tận lực cống hiến cho sự nghiệp xương minh Giáo hội, lèo lái con thuyền Phật giáo Việt Nam vượt qua bao khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc sứ mạng lịch sử giao phó.

Trưởng lão HT.Thích Trí Tịnh (1917 - 2014) là một bậc cao Tăng thạc đức, ngài đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, đóng góp công đức to lớn trong công cuộc chấn hưng, thống nhất và hòa hợp Phật giáo, góp phần xây dựng và bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc, phụng sự đất nước.

Đặc biệt, Hòa thượng đã đóng góp công sức rất lớn trong việc dịch thuật kinh điển đại thừa, tạo điều kiện cho chư Tăng Ni có phương tiện tu hành thăng tiến đạo tâm.

Công đức và đạo hạnh của Hòa thượng mãi mãi lưu lại trong tâm tư, trong ký ức Tăng, Ni, Phật tử và những người yêu mến đạo Phật; sự hiện hữu của Hòa thượng đối với Phật giáo Việt Nam như một nét son vàng tô đậm thêm trang sử rạng ngời của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại. 

Đại lão HT.Thích Trí Tịnh

Xuyên suốt các thời kỳ HT.Thích Trí Tịnh làm Chủ tịch HĐTS là giai đoạn GHPGVN thật sự ổn định và phát triển vững mạnh, tạo nền móng vững chắc để Phật giáo Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu của sự nghiệp phát triển bền vững và đầy đủ nội lực để có thể dễ dàng vượt qua mọi khó khăn thử thách cũng như đáp ứng trước mọi yêu cầu thời đại.   

Sau khi Đại lão HT.Thích Trí Tịnh viên tịch, HT.Thích Thiện Nhơn trên cương vị Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN, đã được Thường trực HĐTS suy cử làm Quyền Chủ tịch HĐTS. Tại Hội nghị kỳ 3 khóa VII, toàn thể Hội nghị thống nhất suy cử Hòa thượng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐTS.

Như vậy, HT.Thích Thiện Nhơn làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự từ giữa nhiệm kỳ VII (2012 - 2017) cho đến nay.

HT.Thích Thiện Nhơn

Trong giai đoạn này, có thể nói rằng, guồng máy GHPGVN được vận hành bởi một đội ngũ lãnh đạo tâm huyết và năng lực, điều đáng phấn khởi là chỉ trong một thời gian ngắn thừa hành nhiệm vụ Tăng sai, công tác Phật sự đã đạt được những kết quả rất khả quan.

Cụ thể, là đã triển khai thành công các Nghị quyết của Trung ương Giáo hội; phát huy vai trò cầu nối quan trọng của hai Văn phòng Trung ương Giáo hội và các Ban, Viện, thông qua các buổi họp giao ban, tạo sự phối hợp nhịp nhàng chặt chẽ trong việc triển khai các Thông điệp, Thông tư, hướng dẫn các Phật sự của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đến các Ban, Viện và Ban Trị sự các tỉnh, thành; tổ chức thành công nhiều Hội nghị, Hội thảo và các lễ hội Phật giáo trên các lĩnh vực Hoằng pháp, Giáo dục, Văn hóa Phật giáo, Nghiên cứu Phật học, từ thiện xã hội...

Đặc biệt, trên mặt hoạt động đối ngoại, thông qua các Hội nghị, Hội thảo quốc tế, đã không ngừng nâng cao vị thế Phật giáo trong lòng dân tộc, trên trường quốc tế...
 
Minh Quang (*)
----------------
(*) Giác Ngộ online lược lại từ tham luận của tác giả được đọc tại Hội thảo Tăng sự toàn quốc 2016 hôm qua, 25-9. Tít do GNO đặt.

Nguồn tin: www.giacngo.vn