Pháp thân Bồ-tát Thích Quảng Đức vĩnh hằng bất tử

Trong số những bậc hiền quý đã tự chọn cái chết có ý nghĩa, hiến dâng mạng sống cho lý tưởng cao đẹp, nổi bật là hình ảnh vị pháp thiêu thân của Bồ-tát Quảng Đức. Ngài đã để lại niềm tôn kính và cảm xúc sâu đậm trong lòng người con Phật ở Việt Nam, nói riêng và trên toàn thế giới, nói chung.

Ngày 20-4-Quý Tỵ (2013) kỷ niệm 50 năm Bồ-tát Quảng Đức lưu danh thơm trên cuộc đời. Hồi tưởng lại tấm gương sáng chói mà Ngài để lại, không gì quý hơn là hãy cùng dõi theo cuộc đời tu hành của Ngài. Từ đó, chúng ta rút ra những điểm tinh ba làm tư lương nuôi dưỡng giới thân huệ mạng thăng hoa trên bước đường giải thoát.

 

 

Ngọn lửa từ bi, vô úy của Bồ-tát Thích Quảng Đức - Ảnh tư liệu

Bồ-tát Quảng Đức xuất gia học đạo ở chùa Long Sơn, Ninh Hòa, thuộc Nha Trang. Đó là nơi có nhiều danh mộc và đặc biệt nơi đó còn được gọi là xứ Trầm hương. Trầm hương tiêu biểu cho sự cao quý và cũng tiêu biểu cho con người đức hạnh. Đức Phật từng dạy rằng các loài hương không thể bay ngược gió, chỉ có hương thơm của người đức hạnh ngược gió bay xa.

 Khi còn sanh tiền, Bồ-tát Quảng Đức đã chọn bộ kinh Pháp hoa làm cuộc sống tu hành. Ngài đã thâm nhập thế giới Pháp hoa, hành đạo theo tinh thần nhân duyên, hoàn toàn tự tại, không chấp trước. Quán sát nơi nào có duyên thì Ngài đến gieo hạt giống bồ-đề. Mãn duyên, Ngài lại bình thản ra đi, không có gì ràng buộc bước chân hóa độ của Ngài. Điều đáng trân quý là Ngài đã thấm nhuần sâu sắc tinh thần Bồ-tát của bộ kinh này, tức hiện thân vào đời để làm đẹp cuộc đời. Cho nên, chẳng những Ngài xây dựng nhiều ngôi chùa ở các tỉnh miền Trung của nước ta, mà Ngài còn sang Campuchia và Lào để xây chùa. Và đặc biệt, Ngài xây chùa nhiều nhất ở các tỉnh Nam Bộ. Hơn thế nữa, Ngài đi đến đâu cũng gieo vào lòng người niềm tôn kính đối với một bậc chân tu thạc đức.

Điểm đặc sắc khác nữa của Bồ-tát Quảng Đức, trên bước đường hành trì kinh Pháp hoa, Ngài đã thành tựu được Pháp hoa Tam muội. Vì vậy, sống trong đời thường như mọi người, nhưng gần như Bồ-tát Quảng Đức đoán định được các việc sẽ xảy ra cho đất nước và cho Phật giáo. Điển hình là năm 1963, khi Pháp nạn diễn ra dưới chế độ Ngô Đình Diệm, Ngài đã đến chùa Ấn Quang để gặp gỡ các vị lãnh đạo trong Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo và xin được tự thiêu để cúng dường. 

Bấy giờ, Ngài dám khẳng định rằng chỉ có việc tự thiêu của Ngài mới chấm dứt được sự khủng bố và đàn áp Phật giáo của chế độ Diệm. Đến khi cuộc tranh đấu của Phật giáo rơi vào tình trạng bế tắc, thì Ngài chủ động phát nguyện tự thiêu để cầu nguyện Chánh pháp trường tồn. Và sau khi Ngài vị pháp thiêu thân, hàng hàng lớp lớp Tăng Ni ở các tỉnh đã tập trung về Sài Gòn để viếng tang Bồ-tát và biểu tình phản đối chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. 

Sự kiện này đã đẩy phong trào tranh đấu lên đỉnh cao khiến chính quyền Diệm hoảng sợ, đã sử dụng chiến dịch Nước lũ. Trong đêm 20 tháng 8 năm1963, chính quyền Diệm dùng toàn bộ lực lượng cảnh sát và công an tấn công các chùa và bắt giam tất cả Tăng Ni cùng Phật tử.

Tin tức và hình ảnh Bồ-tát Quảng Đức ngồi an nhiên trong ngọn lửa tự thiêu vào ngày 20 tháng 4 nhuần năm Quý Mão (1963) nơi ngã tư Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng (ngày nay là ngã tư Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu) đã được lan truyền khắp thế giới. Nhiều tổ chức Phật giáo biểu tình phản đối và kêu gọi chính quyền Diệm chấm dứt cuộc đàn áp Phật giáo. Đặc biệt là tiếng nói của ông U Thant, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc lúc bấy giờ cũng đã phản đối việc bắt bớ và tàn sát dã man của chính quyền Diệm đối với Tăng Ni và Phật tử. Và ngay cả Ngoại trưởng của chế độ Diệm là Giáo sư Vũ Văn Mẫu đã cạo tóc để hành hương sang Ấn Độ nhằm chiêm bái và kêu gọi nhân dân thế giới phản đối chế độ độc tài Nhu - Diệm. Chẳng những tín đồ Phật giáo, mà các tôn giáo khác trên thế giới và các dân tộc yêu chuộng hòa bình đã đồng loạt ủng hộ phong trào tranh đấu của Phật giáo Việt Nam.

Bồ-tát Quảng Đức đã sử dụng nhục thân làm ngọn đuốc soi sáng thế giới vô minh. Ngài thiêu thân vì pháp, vì chân lý, không vì quyền lợi hay danh vọng. Trước khi từ giã cuộc đời, Ngài thốt ra lời nói thật từ bi. Đối với người ác, lời nhắn nhủ sau cùng của Ngài thể hiện tràn đầy tình thương, không hề sân hận hay sợ sệt. Câu nói sau đây thật nhẹ nhàng đã tác động thẳng vào lòng người, gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ: “Tôi xin trân trọng gởi đến Tổng thống Ngô Đình Diệm, nên lấy lòng từ bi mà đối với quốc dân”.

Từ trong ánh lửa rực sáng, nhục thân của Ngài kết tinh bằng bốn mươi chín năm trì kinh Pháp hoa, nên hoàn toàn khác hẳn con người kết tinh bằng phiền não nhiễm ô, họ đốt thân quằn quại đau đớn trong lửa bỏng. Với bốn mươi chín năm trầm mình trong giáo pháp Như Lai, Ngài chuẩn bị đầy đủ cho cái chết. Ngài ra đi nhẹ nhàng, trong tư thế ngồi kiết-già rất đẹp. Thái độ của Ngài trầm tĩnh, giải thoát của một hành giả đang trụ thiền định.

Hình ảnh Bồ-tát Quảng Đức trong ánh lửa hồng là một thiên thu tuyệt tác đã gây bàng hoàng xúc động cho biết bao người:

“Ôi ngọn lửa huyền vi

Thế giới ba nghìn phút giây ngơ ngác”.

Ngọn lửa hồng đốt cháy nhục thân của Ngài, nhưng vẫn không sao đốt nổi trái tim của Ngài. Dù sau đó, trái tim Ngài đã được nung lên bằng ngọn lửa nóng bốn ngàn độ đến hai lần, trái tim của Ngài vẫn còn nguyên vẹn. Hình ảnh trái tim bất diệt của Ngài như một minh chứng nhiệm mầu cho tinh thần Bi, Trí, Dũng của hành giả đi đúng con đường Phật dạy.

Hình ảnh bất tử của Bồ-tát Quảng Đức trong ánh lửa hồng gợi cho chúng ta nhớ đến phẩm Dược Vương Bồ-tát Bổn sự thứ 23 của kinh Pháp hoa. Lửa hồng trần bên ngoài có thể đốt cháy sanh thân của hành giả, nhưng không thể nào tiêu diệt pháp thân. Vì đối với hành giả tiến bước trên lộ trình giải thoát, pháp thân vẫn sống mãi hằng hữu. Khó dùng ngôn ngữ diễn tả pháp thân. 

Trong kinh Đức Phật cũng xác định rằng các pháp tướng thường tự vắng lặng, chỉ tu hành mà tự cảm nhận được. Tuy nhiên, dù không thể chỉ được pháp thân, nhưng không thể phủ nhận nó; vì pháp thân là thực thể sống động mà Bồ-tát đã thân chứng. Thật vậy, sanh thân Bồ-tát Quảng Đức đã cháy, nhưng pháp thân Ngài vĩnh hằng bất tử. Ngọn lửa thiêng mà Ngài đốt từ bản tâm thanh tịnh đã trở thành ngọn đuốc rọi vào tim con người. Những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, yêu chuộng chân lý phải bừng tỉnh và thế lực vô minh tự suy yếu.

Trái tim bất diệt của Ngài để lại cho chúng ta, tượng đài thờ Ngài, con đường mang tên Ngài, hình ảnh Ngài còn được ca tụng trong Bách khoa từ điển như một trong những bậc vĩ nhân, công hạnh của Ngài còn được ghi đậm trong sách vở nghiên cứu kinh Pháp hoa ở khắp mọi nơi, cũng như tấm lòng tôn thờ kính ngưỡng của mọi người hướng về Ngài, v.v… Giáo sư Kubota đã xem Ngài là hiện thân của Bồ-tát Dược Vương trong thời đại của chúng ta.

Tất cả những gì Bồ-tát Quảng Đức thể nghiệm trong cuộc sống tu hành vẫn hiện hữu sống động như một xác tín cho hành giả Pháp hoa kiểu mẫu trong đời ngũ trược ác thế. Đồng thời gợi cho Tăng Ni, Phật tử chúng ta thật nhiều suy nghĩ trên bước đường tu hành. Làm thế nào cho pháp thân vĩnh hằng bất tử của chính mình mỗi ngày một lớn mạnh, để lửa phiền não không đốt được, nước ái dục không nhận chìm được, sống giữa lòng thế gian tỏa hương thơm cho đời, không khác gì hương thơm của Bồ-tát Quảng Đức vẫn còn ngào ngạt trong pháp giới:

Thập phương thế giới trung

Thiêu thân cúng dường Phật

Thành tựu đệ nhất pháp

Hy hữu Việt Nam Tăng.

Nam-mô Vị Pháp Thiêu Thân Thích Quảng Đức Bồ-tát

HT.Thích Trí Quảng