Ai cho ta nghị lực giữa đời này?

Niềm tin và nghị lực là những điều không thể thiếu đối với một bản thể sống của xã hội. Niềm tin giúp người ta có đủ nghị lực để bước qua chông gai, nghịch cảnh của cuộc sống.

Dù muốn hay không, người ta cũng không thể quyết định mình được sinh ra như thế nào. Nhưng người ta có thể lựa chọn mình lớn lên và chết đi như thế nào. Mỗi người là chủ nhân của chính hiện tại và tương lai của mình, một cách tương đối và khả dĩ. 

 

Ở trên đời này không có đường cùng, chỉ có những ranh giới - Ảnh minh họa

Quá khứ, hiện tại và tương lai dù là hiện diễn một trục thời gian có đầu có cuối nhưng lại đan xen vào nhau không thể tách rời. Quá khứ góp phần làm nên hiện tại và trong hiện tại đã loáng thoáng bóng dáng của tương lai. Nếu quá khứ là một nền tảng tốt đẹp, hiện tại sẽ khá dễ dàng và tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Nếu quá khứ quá đau đớn thì hiện tại và tương lai sẽ ra sao? Có thể là tốt mà cũng có thể là xấu. Cái ranh giới để quyết định một hiện tại và tương lai tốt đẹp hay tồi tệ là ở lý tưởng sống, cái lý tưởng mà người ta xây dựng cho chính bản thân mình, mang lại ý nghĩa nhất định nào đó cho chính mình, người thân và xã hội. 

Mỗi một ngày, khi mở mắt ra, con người có quyền lựa chọn cho mình một ngày vui hay một ngày buồn. Và bản chất của sự thay đổi, của cách mạng là ở sức mạnh nội lực, sức mạnh tự thân của chính mỗi người. Các điều kiện xung quanh có thể có tác động mạnh mẽ đến mỗi cá nhân nhưng không phải là yếu tố quyết định cho những thay đổi của cá nhân ấy. Đó chính là sức mạnh tự thân, nhân tố quyết định cho sự thay đổi cá nhân. 

Có khi người ta quên đi sức mạnh của chính bản thân mình, mà đi tìm cầu một tha lực nào đó để cho mình một năng lực, một sự củng cố về niềm tin và nghị lực. Thế nhưng cái tha lực đó đóng vai trò như thế nào đối với sự thường trực và trường kỳ của quyết tâm duy trì, củng cố và phát huy hết cái sức mạnh nội lực của bản thân?

Niềm tin là cơn mưa mát lành xoa dịu cái oi ả của ngày nắng cháy. Để rồi cơn mưa ấy, bằng ý niệm về trách nhiệm và lý tưởng sẽ bùng khởi thành một nghị lực đi lên, vững chãi và bền bỉ. Và cái năng lực ấy, tiềm tàng chính trong bản thân mỗi con người, trong cái mà ta gọi là nội lực, chứ không phải một tha lực ngoài kia.

Ai cho ta niềm tin? Ai cho ta nghị lực giữa cuộc đời này? Đó có phải là giọt mồ hôi mẹ, giọt nước mắt cha rơi chảy giữa những cánh đồng, những luống rẫy khô khốc trong cái nắng chang chát của những ngày nắng, hay giữa những ngày mưa sa bão táp giữa chợ đời, chợ người nhiều nghiệt ngã, cho đến khi tiều tụy hình hài, mà đến lúc xuôi tay, mắt chưa kịp nhắm vì đau đáu những nỗi lo. Đó có phải là sự hy sinh thầm lặng và xót xa của những người chị, những người anh không ngoài mong muốn một tương lai, một hạnh phúc xán lạn cho em mình? Đó có phải là những tổn thương, những vết sẹo thể chất và tinh thần mà mỗi người phải kiêu hãnh nhận về khi đi bằng đôi chân của chính mình giữa cuộc mưu sinh bỏng rát ngoài kia?... 

Và còn rất nhiều, rất nhiều những điều như thế! Những điều đó có xứng đáng cho ta niềm tin, nghị lực hay chưa? Câu trả lời ở chỗ ý thức của ta về trách nhiệm với mình, với người khác; ở lý tưởng sống của mỗi người. 

Có câu chuyện kể rằng: ngày xưa vì ghen ghét với loài người mà lũ quỹ bàn bạc với nhau sẽ đem giấu đi thứ quý giá nhất của con người - đó là hạnh phúc. Lũ quỷ tranh luận nhau sẽ đem giấu hạnh phúc của con người ở đâu: trên núi cao, trong rừng thẳm, dưới biển sâu…? Cuối cùng chúng quyết định đem giấu hạnh phúc của con người chính trong bản thân con người. Và chúng tin rằng đó là nơi mà con người khó tìm thấy nhất.

Và đúng là như thế, với sức mạnh của mình loài người có thể chinh phục được vũ trụ và những thế giới khác nhưng con người không thể dễ dàng chiến thắng và vượt qua chính bản thân mình. Đúng là hạnh phúc nằm chính trong bản thân con người mà con người không nhận ra, không xúc chạm được mà phải lao đao tìm kiếm ở nơi nào, ở đâu đâu. Hạnh phúc chẳng phải ở cách nhìn, cách nghĩ hay sao?... Cũng như sức mạnh của mỗi người, là chính nội tại trong mỗi con người đấy thôi…

Trần Trọng Hiếu