Con đường giác ngộ (film)

Ngày mồng 2 tháng 11-2013, chùa Hoằng Pháp mời một số nhân vật trong và ngoài đoàn làm phim về tham dự buổi trình chiếu bộ phim: "Con Đường Giác Ngộ" mà tên gọi khi khởi quay là "Phật và Thánh Chúng".
Sau khi cứu trợ từ Tây Nguyên về, Minh Mẫn được thầy Chân Tính mời riêng đến xem bộ phim bốn tập dài 6 tiếng tại phòng thính thị của chùa Hoằng Pháp. Suốt 6 tiếng để theo dõi bộ phim cũng khá mệt mỏi. Không chỉ xem mà còn thẩm định nội dung cũng như kỹ thuật, nghệ thuật, đòi hỏi sự chú tâm cao độ. (vì có một phần trách nhiệm giám định nội dung và biên tập kịch bản, chứ không phải biên tập diễn xuất, nên phải đến xem để đánh giá, góp ý, rút kinh nghiệm mà không thể chỉnh sửa gì thêm được).

Đây là bộ phim không đòi hỏi mang tầm vóc quốc tế như phim "Cuộc đời đức Phật" do diễn viên gạo cội Ấn Độ là Gagan Malik thủ diễn; cũng chẳng là tầm vóc quốc gia như các phim tham dự liên hoan truyền hình. Phim "Con đường Giác Ngộ" chỉ đòi hỏi sự thành công tương đối trong phạm vi mà khả năng chùa Hoằng Pháp chung chi với kinh phí hạn chế. Tuy nhiên, hai tỷ không thể nói là không làm được bộ phim ra hồn, nếu đạo diễn, đoàn làm phim, các diễn viên là những người sống bằng nội tâm và đức tin tôn giáo mà mình đang diễn. Liệu cơm gắp mắm, thay vì 6 tập cắt xuống còn 4 tập, và để cô đọng ý nghĩa hơn, đạt yêu cầu nghệ thuật hơn, chỉ cần hai tập cũng đủ nói lên cái hồn của phim, cái chất của các diễn viên và cái đẹp của cuộc đời đức Phật.

Trước nhất, dưới cặp mắt chuyên nghiệp, người ta sẽ thấy đạo diễn không thể hiện hết nét tinh túy mà một số diễn viên chưa lột tả:

- Đức Phật quá nghiêm túc nên không toát hiện được ánh mắt từ bi và hoan hỷ. Đáng ra đức Phật không nên phát biểu qua ngôn ngữ và tự sự quá nhiều mà nên thể hiện qua phong cách, ánh mắt với sự điềm đạm giải thoát. Cách hóa trang búi tóc mang tính sân khấu cải lương hơn là điện ảnh nghệ thuật. Đôi tai Phật tuy dài nhưng dái tai như là cục thịt chảy xuống, thiếu tự nhiên. Bộ phận hóa trang lúc nào cũng cho hình ảnh đức Phật trẻ trung dù là đã 80 tuổi.

- 10 vị đại đệ tử cũng không toát hiện được gương mặt thanh thoát của một Thánh Tăng. Duy nhất, vai Đề Bà Đạt Đa biểu cảm tương đối, nếu tốt hơn, sẽ lột tả được nét sâu độc, tương phản với ánh từ của Đức Phật. Đoạn kết khi Đề Bà hối cải, sám hối về với Đức Thế Tôn khá đạt.

- Số đồ chúng cư sĩ vây quanh nghe Phật thuyết giảng, nếu có đàn ông thì tốt hơn toàn là phụ nữ.

- Trang phục đức Phật và tu sĩ lúc đầu còn nghiêm túc, nhưng về sau quấn y lượm thượm, để hở cả cổ, thậm chí có đoạn xệch xoạc. Ngay cả phía sau gót chân đức Phật cho người ta thấy không phải quấn xà rông mà xẻ hở khá cẩu thả, như các loại váy xẻ của các cô thời trang. Trong một đoạn ngắn, chư Tăng để vai trần ngược với truyền thống. Một số tịnh nhân cũng trang phục không hợp với thời đại Phật tại thế. Kể cả phụ nữ ngày nay cũng không ăn vận nửa cổ nửa kim như thế (có lẽ  họ nhầm cách ăn vận của phụ nữ Chàm Châu Giang miền Tây Nam Bộ). Nam nhân quý tộc và quần thần trong vương triều, lai một phần áo dài theo trang phục thường dân Tàu, cũng có nét đàn ông Chàm Châu Giang; chỉ khác cổ xẻ mà Ấn Độ cũng không có vào thời ấy.

Tóm lại, bộ phận hóa trang chưa nắm bắt được cổ trang của Ấn gần ba ngàn năm trước, cũng như chưa biết cách trang phục của chư Tăng Nam tông. Ngay cả bình bát cứ y như cái cối. Một sơ suất không thể bỏ qua, đức Phật và Thánh chúng ngày cũng như đêm, luôn cầm bình bát như đi khất thực.

- Về câu thoại đã lột tả được tinh thần giáo lý đạo Phật, mặc dù từ kịch bản, nhưng diễn viên thể hiện khá điềm đạm, rõ ràng.

- Nhạc nền nhiều đoạn không thích hợp với cảnh quan tôn giáo. Suốt 6 tiếng, phim luôn hoạt náo, không giành một không gian yên tĩnh cần có của nhà Phật để người xem được lắng sâu vào nội tâm, hội nhập với cuộc đời Phật và Thánh chúng.

- Có đoạn không cần thiết, như La Hầu La bị ngoại đạo đánh chảy máu, chêm vào vì nó không ăn khớp với đoạn trước và sau. Ma Đăng Già sau khi được đức Thế Tôn giao cho Ma Ha Ba Xà Ba Đề hướng dẫn tu tập, đến đó đủ rồi, không cần bước qua tập ba. Ma Đăng Già lại bộc bạch với thế Tôn là đã ngộ ra "ái nhiễm" rồi nguyện xuất gia, có vẻ thừa.

- Cảnh đánh nhau như kiếm hiệp, chỉ cần thoáng qua một lần là đủ, nếu muốn sinh động; nhưng thiết nghĩ, cuộc đời đức Phật hay con đường giác ngộ không thể hiện bằng gươm đao mà bằng Từ Bi và Trí tuệ. Đây là bộ phim lịch sử thể hiện linh hồn tôn giáo không cần đưa cảnh bạo lực vào. Phim "Cuộc đời Đức Phật" của Ấn Độ không hề có nét bạo lực nhưng vẫn thể hiện được tầm cao nghệ thuật làm xôn xao khán giả.

- Lịch sử Phật giáo và cuộc đời giác ngộ của Phật mang tính thực tế, sử dụng kỹ xảo thể hiện huyền thuật đôi khi làm thấp giá trị thực của nội dung giáo lý nhà Phật. Tạo cho người xem cảm tưởng đây không là phim lịch sử của một tôn giáo lớn.

- Phim lịch sử tôn giáo có hai phần: một là lịch sử thật, hai là tinh thần giáo lý và tâm linh. Đòi hỏi diễn viên, kể cả đạo diễn phải nhập vai thật. Muốn nhập vai thật phải có thời gian sống thật với linh hồn của một tôn giáo. Bộ phim với một nền giáo lý vĩ đại, những nhân vật vĩ đại như Phật giáo mà dự trù ban đầu thực hiện 4 tháng quả là liều, mà các báo từng bảo là mì ăn liền. Sau đó, không thể là 4 tháng mà kéo dài gần một năm.

- Về cảnh quan, là một tôn giáo mang tính triết lý tâm linh, cái hồn thể hiện từ nhân vật, ngoại cảnh hỗ trợ cho nhân vật diễn xuất chứ không không là trang trí cho cảnh diễn xuất. Phật và chư Tăng là những ẩn ngữ sống với tâm hồn trong sáng, đơn giản và thanh thoát, không cần ngoại cảnh rườm rà hoa lá cành như phim thế tục. Một bộ phim "sạch sẽ" về tôn tôn giáo như đạo Phật, là bộ phim từ nhân vật đến ngữ cảnh thật nhẹ nhàng, đơn giản nhưng giàu ẩn nghĩa, không ồn ào như phim thế tục.

Tóm lại, các diễn viên mặc dù cố gắng biểu đạt, nhưng quá trình thâm nhiễm tinh thần nhà Phật quá mỏng, chưa đủ để toát hiện đúng tâm linh và trí tuệ của những Thánh Tăng, trong đó có vai đức Phật. Đạo diễn chưa thể hiện hết chức năng và chưa thâm nhập được tinh thần giải thoát của nhà Phật. Hóa trang chưa kinh nghiệm, kể cả kinh nghiệm hóa trang y phục chư Tăng hiện có. Kỹ thuật dàn dựng cảnh còn ảnh hưởng phim ảnh thế tục.

Tất cả dù cố gắng cũng chỉ thành công trên hình thức và kỹ thuật mà linh hồn của phim đòi hỏi chưa thể hiện được; chính vì thế đáp ứng nhu cầu giải trí hơn là làm rung động người xem về tâm thức của một tôn giáo giải thoát.

Mục đích của chùa Hoằng Pháp không phải tạo bộ phim mang tính sử liệu mà là một việc hoằng pháp như những bộ phận hoằng pháp đã làm như: Phật Pháp nhiệm Mầu - Ánh sáng Phật Pháp - khóa tu cho sinh viên, cho quần chúng, bố thí băng đĩa kinh sách... Với cái tâm của thầy Trụ Trì, khả năng của chư Tăng và ước nguyện của Phật tử bị dừng lại ngưỡng cửa nghệ thuật điện ảnh hơn là tiếp cận với cái hồn của của giáo lý qua màn ảnh.

Dẫu sao, với kinh phí như thế, đạo diễn và diễn viên như thế, không thể đòi hỏi hơn được, mặc dù không thể hơn được nhưng vẫn thể hiện cái tâm hoằng pháp của thầy trụ trì. Và nếu, chùa có kinh nghiệm hơn, sẽ nhờ nhiều cố vấn phim trường và chắt lọc kịch bản cô đọng để lấy cái hồn không bị dàn trải quá rộng, người xem sẽ cảm xúc được linh hồn thoát tục của một bộ phim thể hiện giáo lý giải thoát của "Phật và chư Thánh chúng". Khi xem xong, người xem sẽ có cảm giác nhẹ nhàng tươi mát hơn. Thể hiện cái hồn của Phật giáo không cần phải kỹ thuật rườm rà, "kỹ nghệ nặng". Một chung trà của "Trà Đạo", một cánh hoa của "ikebana" một cách dương cung của nghệ thuật bắn tên cũng toát hiện phong cách Thiền của nhà Phật mà Phật giáo Nhật Bản đã chuyển hóa vào đời sống thường nhật.

Đây là một kinh nghiệm cho những bộ phim sau nầy. Nếu chỉ xem đây là bộ phim giải trí thuần túy thì đáp ứng 80% cho quần chúng Phật tử đang chờ đón.
 
 

Tác giả bài viết: MINH MẪN 09/11/2013