Hoa đời

10 giờ sáng, khi mặt trời đã lên cao, từng tia nắng xuyên qua lỗ hổng mái ngói chiếu vào chiếc "giường" nơi gã ăn mày đang ngủ, mà nói đúng hơn đó là một manh chiếu rách rải trên nền đất, một khúc gỗ to đúng bằng cổ chân dùng để gối đầu, trong một cái miếu bỏ hoang đã lâu phía cuối khu tập kết rác thải của thành phố.

Trên đài phát thanh thành phố phát nhiều tin tức buổi sáng rất hay và thú vị như: "Tên tội phạm giết 5 mạng người đã ra tự thú sau 20 năm lẩn trốn", "Cậu bé ăn mày giúp cụ già mù đi tìm con"... rồi nhiều những tin tức xã hội quan trọng khác nữa.

Tên thật của gã ăn mày là Tỉnh, nhưng cái tên đối lập với hình thức của gã, nhìn gã lúc nào đầu tóc cùng bù rù, quần áo nhem nhuốc, trông gã như một kẻ điên điên, khùng khùng, lập dị, lúc khóc, lúc cười, suốt ngày lang thang đầu đường, xó chợ. Mắt gã luôn cúi gằm xuống đất, vừa đi vừa nghêu ngao hát rất yêu đời, mà dường như gã đang tìm kiếm thứ gì đó rất quan trọng thì phải.

Mười năm về trước Tỉnh là một chàng trai khoẻ mạnh, thông minh, tháo vát và có học thức. Tỉnh sống cùng với gia đình tại một phố huyện nghèo phía tây bắc tỉnh Thượng Ninh. Từ ngày Tỉnh mắc căn bệnh thế kỷ AIDS, sau một lần làm phúc cứu một con nghiện bị nhiễm HIV tai nạn giao thông gần nhà, vô tình Tỉnh đã bị nhiễm HIV từ khi nào cũng không hay nữa. Nhưng có ai hiểu đúng cho Tỉnh đâu, dù Tỉnh có cố gắng giải thích, Tỉnh bị chính những người thân yêu của mình ruồng bỏ, rồi cả xã hội lên án, Tỉnh mặc cảm, đau khổ khi buộc phải rời khỏi ngôi làng thân yêu ấy, lang thang nay đây mai đó, và giờ đây có bộ dạng như vậy.

Từ khi lên thành phố, đã nhiều lần gã đi xin việc, nhưng không ai dám nhận, bởi nhìn tay chân của gã lở loét, bẩn thỉu, ai cũng tránh xa. Rồi gã xin làm bốc vác tại một vài bến phà, bến xe khách, nhưng sức của gã làm sao chịu nổi, buộc gã phải chuyển sang công việc ngửa tay đi ăn mày. Những ngày đầu của gã cũng rất khó khăn và cực nhọc, gã thường xuyên bị hành hạ, đánh đập vì cái tội "phạm thượng" dám tranh giành địa bàn với bọn "ma cũ". Vậy mà giờ đây gã cũng đã trở thành một "ma cũ" thực thụ.

Nhiều trẻ em mồ côi và những người cùng đi xin như gã cũng cảm thấy kinh tởm mỗi khi gần gã, chỉ có duy nhất cu Tũn, người cùng quê với gã, có chút cảm thông và thường xuyên gần gũi với gã. Từ ngày thân với Tũn, gã cũng bớt mặc cảm và phần nào thấy cuộc đời còn có ý nghĩa.

Một buổi chiều gã lim dim nằm ở góc chợ, bọn trẻ ăn mày đang chuyền tay nhau tờ báo, mà có đứa nào biết chữ đâu, chúng nhờ gã đọc giùm. Gã rụi rụi mắt nhìn tờ báo, thấy hình ảnh làng mạc thân quen hiện ra, gã mủi lòng rơm rớm nước mắt, gã đọc:

"Chiều chiều vọng phía trời xa

Trông về nơi ấy lòng ta thấy buồn

Mắt mờ đẫm lệ mưa tuôn

Hỏi chăng người cũ có buồn vì ta"


Đây là bài thơ của tác giả "Hiếu Hạnh". Đọc đến đó thôi mà nước mắt gã tuôn trào, gã không dám đọc nữa. Mấy đứa trẻ há hốc miệng, ngơ ngác chẳng hiểu sao. Nhưng sau đó bọn chúng cũng ào ào vỗ tay như tán dương gã.

Nghĩ đến gia đình là gã buồn lắm, lại càng buồn hơn khi chiều nay gã vô tình đọc được một bài thơ giống với hoàn cảnh của gã.

Dần dần bọn trẻ cũng cảm thấy quý mến gã hơn và không xa lánh gã như trước nữa vì bọn chúng tôn sùng gã như một vị thầy, gã cũng khá hiểu biết, bởi trước đây gã đã từng học hết lớp 12. Gã rất nhiệt tình dạy bọn trẻ và những người cùng cảnh ngộ học chữ, học cách làm người.

Tuy gã là một tên ăn mày điên điên, khùng khùng nhưng gã tốt bụng và bao dung lắm, ngày ngày gã đều giúp đỡ, dắt tay người già sang đường, gã chỉ đường cho nhiều các cô các bác từ nhà quê ra thành phố, gã còn sẵn lòng giúp đỡ những người rủi ro bị tai nạn giao thông nữa, gã không còn cảm thấy ám ảnh và oán trách cái người bị tai nạn giao thông trước đây đã hại cuộc đời của gã.



hình minh họa

Gã không như những kẻ ăn mày khác, một ngày gã chỉ xin đủ ăn cho 2 bữa, còn đâu gã không xin nữa, lúc rảnh rỗi gã lại bước đi, miệng lẩm bẩm, lúc cười, lúc khóc, mắt vẫn cúi gằm xuống đất, hình như gã vẫn chưa tìm được vật quan trọng của gã.

Ngày ngày gã vui vẻ, cười nói là vậy, nhưng cứ đêm về là gã lại khóc, gã cảm thấy đau đớn cho một mảnh đời bất hạnh. Dạo này, không biết gã đi lang thang ở đâu đó, gã thường đi vào lúc giữa đêm như bị ma xui, quỷ khiến, đến hôm sau mặt trời đứng bóng mới thấy gã xuất hiện.

Có nhiều lần gã bị ốm, gã tưởng mình không qua khỏi nữa, mỗi lần gã ốm là sốt li bì mấy ngày liền, gã bị tiêu chảy, nôn mửa, gã trốn biệt trong cái miếu hoang mà không ai biết gã đi đâu, dường như gã không muốn người khác cảm thấy phiền hà hay kinh tởm vì căn bệnh của gã. Nhưng nghị lực sống đã khiến cho gã chiến thắng với bệnh tật.

Lại một buổi chiều nữa, gã ngồi đọc báo cho lũ trẻ nghe, lần này lại là một câu chuyện, chứ không phải một bài thơ, nhưng vẫn của tác giả "Hiếu Hạnh", câu chuyện nói về nghị lực của một cậu bé nhà nghèo, đã vươn lên trong gian khó và đã thành danh giữa cuộc đời, cậu bé đã trở thành một bác sỹ giỏi, sự thành công của cậu bé chính là món quà dành cho bố mẹ mình nhân dịp bố mẹ cậu tròn 60 tuổi. Đó là một gia đình hạnh phúc mà gã từng mơ ước, và ước mơ làm bác sỹ của cậu bé cũng giống với ước mơ của gã. Vậy mà giờ đây...., gã thở dài, buồn rầu, nhưng lần này gã không khóc, gã vẫn đọc hết câu chuyện cho các em nghe. Nghe xong câu chuyện, em nào cũng rơm rớm nước mắt vì ước muốn giản đơn có một gia đình hạnh phúc của mình chính là một ước muốn xa xỉ.

Từ ngày gã buộc phải rời bỏ quê hương, trong lòng gã lúc nào cũng đau khổ, tuy gã vẫn còn oán hận gia đình, người thân nhưng gã vẫn thương bố mẹ của gã lắm. Có một lần gã quyết tâm gọi điện về hỏi thăm bố mẹ, nhưng thật không may cho gã, số điện thoại đó không còn dùng nữa, gã buồn và tủi thân lắm, gã lại nghĩ bố mẹ gã không còn cần đến gã nữa.

Có những đêm mưa, gã nằm trong miếu hoang, gã nhớ về tuổi thơ bên mẹ, gã lại khóc rưng rức vì nhớ mẹ, gã thương bố mẹ gã rất nhiều, nhưng gã không biết hiện giờ bố mẹ gã ra sao, còn sống hay đã chết. Gã cũng chẳng bao giờ dám mơ ước được trở lại quê hương.

Ngày nào cũng một bài thơ hay một câu chuyện của tác giả Hiếu Hạnh. Đó chính là một liều thuốc quý báu, món quà vô giá, một trái tim, một ngọn lửa tin yêu, hi vọng về một cuộc đời đẹp đẽ vô tình cuốn hút bọn trẻ và gã. Chính nhờ những bài viết của tác giả Hiếu Hạnh đã làm thức tỉnh bao tâm hồn khờ dại, u mê của lũ trẻ và bao người cùng cảnh ngộ như gã. Gã cảm thấy cuộc đời vẫn còn có hạnh phúc, có niềm tin yêu và hy vọng.

Trong một lần gã đọc một câu chuyện rất cảm động của tác giả Hiếu Hạnh về tình mẫu tử thiêng liêng và lên án sự kỳ thị đối với những người mắc căn bệnh thế kỷ. Gã đã đọc trong nước mắt, và câu chuyện cũng khiến bọn trẻ rơi lệ, chúng dường như đã dần hiểu và cảm thông cho một mảnh đời bất hạnh trong bất hạnh của gã. Những ánh mắt nhìn gã hôm nay khác trước rất nhiều, dường như thân thiện và trìu mến hơn.

Nhờ có sự giúp đỡ, dạy bảo của gã, bọn trẻ giờ đây đứa nào cũng biết đọc, biết viết, không còn phải nhờ đến gã nữa.

Gần trưa hôm nay, bọn trẻ bất ngờ khi đọc được một bài báo viết về thần tượng của chúng - tác giả Hiếu Hạnh. Chúng ngờ đâu một người nổi tiếng như tác giả Hiếu Hạnh lại là một con người vô thực. Hàng ngày, đều đặn 1 bài được gửi bí mật đến Toà soạn báo, những bài viết rất hay, ý nghĩa, có tính giáo dục cao được chủ biên lựa chọn đăng tải. Hàng trăm tác phẩm của tác giả Hiếu Hạnh được độc giả quan tâm, ai cũng muốn đọc nó bởi nó rất ý nghĩa cho cuộc sống này. Hội Văn học nghệ thuật của thành phố và hàng triệu độc giả trên khắp mọi miền của Tổ quốc cũng muốn biết được tác giả Hiếu Hạnh thực sự.

Đọc xong bài báo, bọn trẻ đã đi tìm gã để thông báo, nhưng chẳng biết gã đi đâu nữa. Cứ mỗi lúc cần gã là bọn trẻ lại chẳng thấy gã đâu, thật là bực mình. Nhưng mấy hôm nay, hình như sức khoẻ của gã có vẻ yếu hơn, sắc mặt tím tái, chân tay run rẩy. Chiều hôm trước, thấy gã co ro, trời thì nóng nhưng nhìn gã dường như rét lắm, bọn trẻ hỏi han thì gã nói là không sao.

Gã biến mất một cách lạ lùng nên bọn trẻ lo lắm, bây giờ trong đầu chúng chẳng còn nghĩ tới nội dung bài báo nữa, chúng kéo nhau đi tìm gã. Lạ thay tìm mãi, tìm mãi mà không thấy gã đâu. Thằng Tũn thân thiết nhất với gã suy nghĩ một hồi rồi nói: "mấy hôm trước tao thấy gã đi lối này". Vậy là bọn trẻ cùng nhau đi theo hướng chỉ của thằng Tũn, rồi chúng cũng đã tìm được cái miếu hoang.

Trong miếu, mạng nhện giăng rất nhiều, hình như còn có cả mấy con chuột đang chạy, chúng đã tìm thấy gã, chúng liền gọi gã. Nhưng gọi năm, bẩy câu mà gã vẫn nằm trơ trơ dưới đất. Thấy vậy chúng liền lại gần và lay gã dậy. Thằng Tũn phát hiện ra những vệt máu loang nơi gã nằm, nó giật mình hoảng hốt kêu lên: "Gã Tỉnh chết rồi chúng mày ơi!".

Đúng vậy, gã đã chết, khuôn mặt gã đã trắng bệch, miệng gã vẫn còn có dính những dòng máu đông, dường như gã nôn ra khá nhiều máu.

Nhưng chúng đã phát hiện ra một chuyện kỳ lạ, đó là trong cái miếu dột nát ấy có rất nhiều những tập giấy viết dang dở. Chúng lại gần mở ra xem thì giật mình choáng váng, đó chính là những tác phẩm của tác giả Hiếu Hạnh mà hằng ngày chúng vẫn đọc đi đọc lại, chúng lại càng không thể tin vào mắt mình khi trên tay gã Tỉnh vẫn cầm 1 cây bút, 1 tập giấy trắng phía dưới ngực gã, mới viết được hai hàng chữ: tác phẩm "Hoa đời"; tác giả: Hiếu Hạnh.

Chúng đã lờ mờ hiểu ra những tác phẩm mà chúng đã từng đọc, tác giả Hiếu Hạnh mà chúng coi là thần tượng lại chính là gã Tỉnh điên điên, khùng khùng này.

Bọn trẻ không cầm được nước mắt, chúng đã bật khóc, chúng khóc như vừa mất đi một người thân yêu của mình, những tiếng gào thét kinh hoàng về một sự thật phũ phàng, một cái chết thương tâm của người thầy đáng kính.

Và lần đầu tiên sau 7 năm từ ngày gặp gã, chúng đã đồng thanh gọi gã là thầy:

- Thầy ơi! Xin thầy đừng bỏ chúng con?


Tác giả bài viết: Hoa Ưu Đàm