‘Cần ứng xử với di sản bằng cái đầu’

Để gìn giữ, phát huy những nét đẹp của di sản văn hóa cần dùng cái đầu chứ không phải dùng chân tay.

Chỉ trong hơn một tuần qua, hai vấn đề tốn không ít giấy mực của công luận là vấn đề lễ hội và cầu Long Biên. Hai chuyện tưởng không liên quan nhưng lại cùng chung một vấn đề. Đó là ý thức của con người đối với di sản. Nếu như lễ hội là một di sản luôn sống và vận động theo đời sống của người dân thì cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng hơn 100 năm tuổi cũng là một chứng nhân lịch sử, một di tích đang bị ảnh hưởng bởi sự vận động của đời sống. Đối xử với di sản như thế nào, cần cái đầu của nhà quản lý, cần cái đầu- ý thức của người dân.

Di sản bị con người làm biến tướng

Với gần 8000 lễ hội, trong đó, trên 70% là lễ hội truyền thống, có thể nói, lễ hội là một di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Trẩy hội xuân đầu năm, lễ chùa, cầu an là một nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam. Thế nhưng nhiều năm qua, các lễ hội đã có sự biến tướng cả trong nghi lễ và cách thực hành nghi lễ ảnh hưởng đến ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội.

Mùa lễ hội xuân 2014 chưa ghi nhận bất cứ tai nạn đáng tiếc nào xảy ra. Tuy nhiên, tại một số nơi vẫn tồn tại hiện tượng rải rắc tiền, rải tiền, áp tiền lên tượng, đốt đồ mã… và đặc biệt, đã xuất hiện nhiều biến tướng trong nghi lễ và thực hành nghi lễ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nét đẹp truyền thống của lễ hội.

Cảnh cướp Hoa Tre ở Hội Gióng  (Ảnh: Ngọc Thành)

Tại lễ hội khai ấn đền Trần- Nam Định nếu như các năm trước, hiện tượng cướp lộc, chen lấn xô đẩy được dư luận phản ánh nhiều thì năm nay, lại xuất hiện những hiện tượng chưa từng có. Sau khi lễ khai ấn vừa được thực hiện xong, “bỗng dưng” hàng trăm người dân lại ào ào xô nhau vào vuốt, xoa tiền vào kiếm trên ban thờ và xoa tiền vào bất cứ vật dụng đồ thờ cúng nào có ở trong đền.

Điều này, theo ông Lương Hồng Quang- Phó Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam là hiện tượng “cuồng tín”. Ông Quang nhấn mạnh: “Người hành hương dường như đang cuồng tín. Mọi năm chỉ có hiện tượng cướp lộc trên ban thờ về lấy may, không có hiện tượng này nhưng năm nay lại diễn ra khiến BTC cũng vô cùng lúng túng trước những hành vi bất thường này”.

Cầu Long Biên, cây cầu chứng kiến nhiều mốc lịch sử quan trọng của Thủ đô hơn 100 năm qua cũng đang bị con người đối xử một cách thiếu “cái đầu”. Những hộ dân lấn chiếm, làm nhếch nhác hai bên đầu cầu đã vài chục năm không được giải tỏa. Trên cầu, bất kể mùa đông hay mùa hè, những hàng bán nước, bán ngô nướng đua nhau mở ra lấn chiếm lối đi của xe máy, xe đạp. Đặc biệt, mùa hè, những nhóm thanh niên tụ tập ở những quán di động này rất lớn cho thấy nhu cầu thưởng thức phong cảnh sông Hồng từ trên cây cầu lịch sử là có thật.

Vậy nhưng, những dự án biến cây cầu thành di sản, thành nơi “hái ra tiền” lại không được đồng thuận. Nhớ lại năm 2011, bà Nguyễn Nga- kiến trúc sư qui hoạch đô thị Paris, người từng hai lần tổ chức Festival cầu Long Biên đề xuất biến cầu trở thành bảo tàng sống khi đó cũng phải đối mặt với bao búa rìu dư luận. Bởi lẽ việc đầu tư cải tạo nâng cấp cây cầu đang xuống cấp sau hơn 1 thế kỷ phong trần với nắng gió khắc nghiệt của miền nhiệt đới là ý tưởng tốt song phương án nâng cầu lên cao thêm 3m và bọc kính đồng thời loại cây cầu ra khỏi trục giao thông hiện tại đã không nhận được sự đồng tình của dư luận lúc ấy. GS Nguyễn Lân, Tổng Thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam khi ấy đã nhấn mạnh rằng “cây cầu là một phần ký ức lịch sử vì thế tất cả những can thiệp mới đến kiến trúc này càng ít càng tốt”. Cũng tại thời điểm đó hàng loạt các ý kiến phản đối việc loại cây cầu ra khỏi trục giao thông, biến cây cầu Long Biên đã bao năm gắn bó với lịch sử, với các biến cố thăng trầm của Hà Nội trở thành một cây cầu “chết”… đã đánh tan mọi ý tưởng, dự án liên quan đến việc cải tạo cầu. Và tiếc thay, cũng từ đó đến nay, công trình kiến trúc ấy lại tiếp tục chìm trong khu xóm tạm, nhếch nhác ven sông.

Trả lại giá trị gốc của di sản

Nhiều ý kiến khi thấy những hình ảnh lễ hội phản cảm lại cho rằng nên hạn chế lễ hội. Đó là những nhận định sai lầm. Lễ hội truyền thống của Việt Nam đã trải qua hàng trăm, thậm chí cả nghìn năm lịch sử. Bởi vậy, lễ hội chính là di sản văn hóa. Văn hóa một dân tộc sẽ ra sao khi dân tộc đó chẳng có một lễ hội nào. Nhiều nước phương Tây, thậm chí còn phải nghĩ ra những lễ hội mới để làm phong phú thêm đời sống của họ như Lễ hội bia của Đức…

Đối xử với di sản như thế nào, cần cái đầu của nhà quản lý, cần cái đầu- ý thức của người dân (Ảnh: Internet)

Chính Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái cũng từng nhận định: “Ngành văn hóa coi lễ hội là di sản quý giá của dân tộc và các lễ hội cần được bảo tồn phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, loại trừ các yếu tố thương mại, mê tín dị đoan”.

Những yếu tố ấy, đều do con người khi tham gia lễ hội tạo nên. Quản lý nhà nước chỉ quản lý được cái vỏ bên ngoài. Những đợt thanh, kiểm tra thường xuyên của Bộ VHTTDL chỉ đôn đốc, nhắc nhở được BTC lễ hội tổ chức sao cho đảm bảo an ninh, trật tự. Còn những hành động phản cảm, những yếu tố mê tín, thương mại… trong từng lễ hội, do những người thực hành nghi thức lễ hội tạo ra thì không một giám sát, kiểm tra nào xuể được.

Bởi vậy, điều cần thiết là tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân khi tham gia lễ hội. Thay đổi nhận thức mới mong thay đổi được căn bản cái gốc của vấn đề.

Nhận thức sai cũng kéo theo những hệ lụy không đáng có. Câu chuyện cầu Long Biên thể hiện điều này. Ba phương án mà ngành giao thông dành cho cầu Long Biên dường như đã quên bẵng tính chất lịch sử của cây cầu. Người ta muốn chữa và làm mới hoàn toàn cây cầu trong khi, giá trị của cây cầu chính là giá trị kiến trúc cổ. Rất may, nhiều nhà văn hóa đã lên tiếng phản đối dự định này của ngành giao thông và đề nghị ứng xử với cầu Long Biên như một di sản văn hóa, tôn trọng giá trị di sản (cả vật chất, tinh thần), giá trị lịch sử mà cây cầu đã mang. Một mặt phải tập trung vào bảo tồn nguyên trạng cây cầu. Nên biến cầu thành phố đi bộ, nơi người Hà Nội ra đây hóng gió, vui chơi và có thể khai thác du lịch.

Về lâu dài, để gìn giữ, phát huy nét đẹp di sản vẫn phải là nâng cao nhận thức của người dân. Nói như nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Lâm Biền: “Chúng ta nên dùng cái đầu để ứng xử với di tích, lễ hội chứ không phải dùng chân tay, phải dựa trên nền tảng trí tuệ thì cái tâm mới sáng được. Nói cách khác, khi đến với di tích, lễ hội mà thiếu sự hiểu biết thì cái tâm dễ dẫn đến sự mù quáng”.

Mà những hành động như vừa nêu, chẳng phải là sự mù quáng hay sao!

Dạ Minh