100 giới tử phát nguyện Quy y Tam bảo tại Niệm Phật đường An Thành - Quảng Điền

Sáng ngày 7 tháng 10 năm 2018 (28/8 Mậu Tuất) tại Niệm Phật đường An Thành, thôn An Thành, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trang nghiêm diễn ra Lễ Quy y Tam bảo cho Đạo hữu và Đoàn sinh GĐPT.
Quang lâm chứng minh có Đại đức Thích Tâm Phương, Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện A Lưới, Cố vấn Giáo hạnh GĐPT An Thành, Quý Đạo hữu trong Ban Hộ tự NPĐ An Thành, các Anh Chị Huynh trưởng GĐPT An Thành.

Đại đức đã truyền trao giới pháp cũng như giảng rõ ý nghĩa của việc Quy y Tam bảo đến hội chúng.

Kinh Ưu Bà Tắc giới có nói: Nếu người Quy y Tam Bảo thời trong tương lai sẽ được phước báo to lớn không thể cùng tận, ví như có được của báu mà người trong cả nước vận chuyển trong bảy năm cũng không hết được, công đức của việc Quy y Tam Bảo còn lớn hơn thế gấp ngàn vạn lần.

Sau khi ổn định đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh và nghi thức niêm hương bạch Phật, Đại đức chứng minh đã có bài pháp thoại về đề tài “Quy y Tam bảo” chia sẻ đến các em Đoàn sinh và quý Phật tử trước khi cử hành nghi lễ Quy y. Qua nội dung bài pháp thoại này, đạo tràng Phật tử đã hiểu rõ: Quy y là gì? Tam bảo là gì? Quy y Tam bảo là gì? Vì sao phải Quy y Tam bảo? Quy y Tam bảo như thế nào đúng chánh pháp?

Quy có nghĩa là trở về, quay về; Y là nương tựa; Quy-y là trở về nương tựa.

Tam có nghĩa là ba; Bảo có nghĩa là quý báu; Ở thế gian, vàng bạc, ngọc ngà và danh vọng là quí báu. Nhưng sự thật, vàng bạc, danh vọng đâu có cứu được con người khỏi khổ, sống, già, bịnh, chết, mà lắm khi còn làm cho con người thêm khổ nữa! Còn Phật, Pháp, Tăng thì có đủ năng lực dắt dẫn con người ra khỏi những cái khổ nói trên. Vì thế, Tam bảo chính là ba ngôi báu: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo.

Phật do chữ Phạn Bouddha phiên âm ra. Trung Quốc dịch là Giác Giả nghĩa là: Bậc đã giác ngộ sáng suốt hoàn toàn về ba phương diện: Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Từ một kẻ phàm phu như chúng ta tu hành thành Phật thực là chuyện ít có trên thế gian này. Thế nên trong Kinh thường nói Phật ra đời khó gặp, như hoa Ưu Đàm một ngàn năm mới trổ một lần. Bởi ít có khó gặp nên nói là Báu. Hơn nữa, tự bản thân Ngài đã thoát khỏi sanh tử luân hồi và giác ngộ thành Phật, rồi đem chỗ giác ngộ ấy dạy lại cho mọi người cùng ra khỏi sanh tử, là điều cao cả nhất trần gian nên gọi là Báu. Phật là đấng hoàn toàn sáng suốt, từ bi vô lượng, phước huệ vô biên, đức hạnh viên mãn. Phật là người dẫn đường vĩ đại nhất, đã có cái kinh nghiệm bản thân thoát ra ngoài vòng sanh tử để chứng Ðạo.

“Phật là thầy chỉ đạo
Bậc tỉnh thức vẹn toàn
Tướng tốt đoan trang
Trí và bi viên mãn”.


Pháp là do chữ Phạn Dharma mà dịch nghĩa ra. Pháp là phuơng pháp tu hành mà Phật sau khi chứng nghiệm đã dạy lại để diệt trừ mọi mê muội, khổ đau và chứng được quả Phật. Pháp của Phật dạy là chơn lý, dù trải qua bao thời gian chơn lý ấy vẫn rạng ngời như hòn ngọc báu. Những kẻ đang lạc lầm trong đêm đen, bất ngờ gặp được ngọn đuốc, vui mừng quý tiếc thế nào thì người học đạo gặp được chánh pháp cũng như thế. Người đang bị chìm đắm ngoài bể cả, trông thấy một con thuyền đến vớt, vui mừng sung sướng quý mến thế nàothì người học đạo gặp được chánh pháp cũng như thế. Cho nên nói "Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm gặp". Ba Tạng Kinh Ðiển đều gọi chung là Pháp. Chỉ có Pháp đầy đủ công năng để đưa chúng ta qua khỏi bể khổ, đến bờ giải thoát. 

“Pháp là con đường sang
Dẫn người thoát cõi mê
Ðưa chúng con trở về
Sống cuộc đời tỉnh thức.”


Tăng hay Tăng già là do chữ Phạn Shanga mà phiên âm ra; Trung Quốc dịch là: Hòa hợp chúng, nghĩa là một đoàn thể tu sĩ học theo Phật từ bốn vị trở lên, cùng nhau sống chung một chỗ, đồng giữ giới luật của Phật, đồng chia sớt cho nhau một cách hòa thuận những gì đã thâu nhận được, từ vật chất đến tinh thần theo đúng tinh thần lục hòa (Thân hòa đồng trú, Khẩu hòa vô tranh, Ý hòa đồng duyệt, Giới hòa đồng tu, Kiến hòa đồng giải, Lợi hòa đồng quân). Sống đúng tinh thần Lục Hòa là việc ít có trên thế gian này. Bởi vì người thế gian sống trong ganh đua giành giật hơn thua với nhau, không bao giờ hòa thuận được. Vì thế, người tu sĩ sống theo tinh thần Lục Hòa, là một điều quí báu trên nhơn gian. Hơn nữa, trên sự tu hành, các vị ấy đã vơi đi phiền não và đạt được phần nào của an ổn thanh tịnh, rồi hướng dẫn mọi người cùng đến chổ an ổn thanh tịnh ấy. Tăng là người đã hy sinh gia đình, tiền của, danh vọng... để tình nguyện bước theo con đường Phật đã chứng ngộ và dắt dẫn chúng sanh trên đường Ðạo.

“Tăng là đoàn thể đẹp
Cùng đi trên đường vui
Tu tập giải thoát
Làm an lạc cuộc đời”.


Tóm lại, Quy y Tam bảo là quay về, trở về nương tựa nơi Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Từ lâu chúng ta mãi chạy theo dục lạc, tạo nghiệp đau khổ, nay hồi tâm thức tỉnh nhất định trở về nương tựa nơi Tam Bảo, lấy Tam Bảo làm chổ cứu cánh, để không còn tạo thêm nghiệp đau khổ, rồi từ đó đem lại cho chúng ta sự an lạc trong cuộc sống. Đây là sự hồi tâm tỉnh giác, phát nguyện trở về của chúng ta. Sự tỉnh giác nầy là nền tảng của lâu đài trí tuệ, nó là bước đầu trên con đường về quê hương giác ngộ. Đặt nền tảng này vững chắc thì lâu đài trí tuệ mới được lâu dài. Chính vì lẽ đó mà chúng ta cần phải Quy y Tam bảo.

Sau bài Pháp thoại để cho quý đạo hữu Phật tử hiểu rõ hơn về Qui y Tam bảo, Đại đức đã cử hành nghi lễ Quy y theo như đúng chánh pháp. Dưới sự hướng dẫn của đại đức, các em Đoàn sinh và quý Phật tử đã phát lồ sám hối cho ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, chí thành phát nguyện Quy y Tam Bảo và thọ trì 5 giới cùng 7 điều nguyện.

Hình ảnh ghi nhận được:


Tác bạch cung thỉnh 
 

Đại đức Thích Tâm Phương niêm hương bạch Phật
 



































































































 

Tác giả bài viết: Ban TT TT GHPGVN huyện A Lưới