Ban Trị sự GHPGVN huyện A Lưới về thăm quê Bác ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An

Trong khuôn khổ chuyến công tác Phật sự tại Nghệ An, ngày 23/10, chư Tôn đức Tăng Ni, quý Đạo hữu Phật tử trong Ban Trị sự GHPGVN huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có dịp về thăm quê Bác.
Ban Trị sự GHPGVN huyện A Lưới đã về thăm làng Hoàng Trù - quê ngoại và làng Sen - quê nội của Bác Hồ. Đây là Khu Di tích Quốc gia đặc biệt và là một trong bốn di tích quan trọng bậc nhất của cả nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây còn vẫn lưu giữ những hiện vật gắn với cuộc sống, sinh hoạt bình dị của Người.

Làng Sen và làng Hoàng Trù - hai quê hương của Bác hiện ra đẹp như một bức tranh làng quê Việt Nam thanh bình. Những cảnh quan và hiện vật quá đỗi thân thuộc, dung dị của lũy tre làng, đường đất nhỏ, bờ dâu, hồ sen... đặc biệt là những ngôi nhà tranh đơn sơ sau lũy tre xanh bình dị đã nhuốm màu thời gian của gia đình Bác, khiến chúng tôi luôn có cảm giác gần gũi, thân thương và xúc động vô cùng.  

Theo dòng thời gian, dù vạn vật đổi thay nhưng những hình ảnh xưa cũ của làng Sen, làng Hoàng Trù gắn liền với tuổi thơ Bác vẫn được lưu giữ đến bây giờ như một miền ký ức đẹp và là tấm gương sáng cho mọi những thế hệ. Bên trong ngôi nhà 3 gian ở quê ngoại Hoàng Trù, nơi Bác đã cất tiếng khóc chào đời và trải qua những ngày thơ ấu vẫn còn lưu giữ những kỷ vật quý, là khung cửi dệt vải của bà Hoàng Thị Loan, bộ phản, chiếc án thư của ông Nguyễn Sinh Sắc, chiếc rương gỗ, chiếc võng gai...

Còn ngôi nhà lá 5 gian đơn sơ ở làng Sen - ngôi nhà vốn được bà con làng Sen quyết định xuất quỹ công dựng để mừng ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nằm nép mình dưới những tán cây xanh ở quê nội, nơi đây ghi dấu suốt những tháng năm tuổi thơ của Bác (từ năm 11 đến 16 tuổi), hiện nay các kỷ vật trong gian nhà còn được giữ lại hầu như nguyên vẹn.

Hai bộ phản gỗ là nơi nghỉ của cụ phó bảng và hai con trai. Chiếc giường xinh xinh là của bà Thanh, con gái cụ. Chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen vẫn còn nguyên đó… Chính tại nơi này, đã nuôi dưỡng lòng yêu nước, khát vọng giải phóng dân tộc và nhân cách vĩ đại của Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiếp đó, phái đoàn Ban Trị sự thăm phần mộ bà Hoàng Thị Loan nằm trên núi Động Tranh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đặc điểm: Mộ bà được xây năm 1985, nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 95 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tham quan các khu di tích, trực tiếp nhìn thấy những hiện vật gắn liền với cuộc sống sinh hoạt bình dị hàng ngày của Bác Hồ thời thơ ấu, được nghe qua giọng kể ấm áp, truyền cảm của của quý cô hướng dẫn viên xứ Nghệ khiến những kỷ niệm về gia đình Bác hiện lên sinh động, gần gũi, thân thương và xúc động… đã giúp chư Tôn đức càng hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Người, cảm nhận một cách sâu sắc, đầy đủ hơn về làng quê xứ Nghệ. Chư Tôn đức Tăng, Ni, và quý Phật tử đến thăm quê Bác có người đến lần đầu tiên, có người đã đến nhiều lần, nhưng tất cả đều chung một tâm trạng bồi hồi, xúc động.

Thời gian lưu lại ở quê Bác không nhiều, nhưng cũng đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng chư Tôn đức. Chuyến đi đầy ý nghĩa là dịp chư Tôn đức hiểu rõ hơn về truyền thống cách mạng, lòng yêu nước nồng nàn, lịch sử anh hùng của dân tộc Việt Nam nói chung và của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nói riêng.
 
Chùm ảnh ghi nhận:












 
Phái đoàn Ban Trị sự GHPGVN huyện A Lưới nghe hướng dẫn viên thuyết minh về thời thơ ấu của Bác nơi quê ngoại làng Hoàng Trù.




















































































































 
Tối cùng ngày, Ban Trị sự về tại xóm 8, xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An thắp hương tưởng niệm nhân Lễ Tiểu tường Cố Phật tử Nguyễn Thị Nghị, pháp danh Diệu Quý, thân mẫu của Đại đức Thích Hương Sơn, Chánh Thư ký Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN huyện A Lưới.
 




















Chư Tôn đức cử hành Lễ Tưởng niệm 








 
Chiều ngày 24/11, Ban Trị sự GHPGVN huyện A Lưới về vũng chùa viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nằm dưới chân dãy Hoành Sơn, thuộc thôn Thọ Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách Đèo Ngang (ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh) khoảng 6km về hướng Đông Nam, cách Quốc Lộ 1A khoảng 3km (có bảng hướng dẫn rẽ vào), là Vũng Chùa - Đảo Yến. Nơi đây có địa thế cong hình cánh quạt, được bao bọc bởi ba đảo: Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm (hay còn gọi là Đảo Yến).

Với diện tích khoảng 10ha, đến Vũng Chùa bất cứ ai cũng đều cảm nhận đây là vùng đất rất yên bình, hướng ra biển Đông nhưng do được bao bọc xung quanh bởi các hòn đảo nên quanh năm kín gió, là nơi là thuyền neo đậu trong những ngày gió bão, bởi thế người dân địa phương mới gọi là Vũng.

Tích xưa kể rằng nơi đây có một ngôi chùa rất linh thiêng, mà qua bao nhiêu dâu bể chỉ còn lại nền móng, đã làm thành địa danh Vũng Chùa. Từ lâu người ta cho rằng đây là thế đất rồng cuộn hổ ngồi, nơi dãy Hoành Sơn đâm từ dãy Trường Sơn ra biển lớn, biển trời hiền hòa, người dân chất phác, thân thiện.

Đến Vũng Chùa, chúng ta bị chinh phục bởi vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ, thanh bình, hài hòa núi, rừng, biển sạch, cát trắng. Quan trọng hơn, nơi đây có mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là động lực chính để khách đến viếng, thắp hương không chỉ vào các dịp lễ, Tết mà quanh năm, bất kể ngày mưa, tháng nắng.
 


Chư Tôn đức Tăng Ni Ban Trị sự GHPGVN huyện A Lưới đến Vũng chùa





Đại đức Thích Tâm Phương, Trưởng BTS trang nghiêm đặt hoa lên mộ phần



Thắp hương cầu nguyện



Một phút tưởng niệm





Lưu lại kỷ niệm tại phần mộ Đại tướng





 

Tác giả bài viết: Ban TT TT GHPGVN huyện A Lưới