Hà Nội: Lễ khánh thành chùa Long Vân huyện Mỹ Đức

Sáng ngày 27 /12/2015 (tức 17 tháng 11 năm Ất Mùi) tại chùa Long Vân, thôn Đốc Hậu, xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã long trọng tổ chức lễ cắt băng khánh thành công trình đại trùng tu chùa Long Vân. Trong không khí hoan hỷ của các phật tử, sự chứng kiến của các chư tăng, chính quyền các cấp cùng đông đảo bà con phật tử và nhân dân địa phương đến dự và tặng hoa chúc mừng.
Tới dự buổi lễ cắt băng khánh thành có sự hiện diện của Thượng tọa Thích Minh Hiền, Phó Trưởng Ban văn hóa Trung ương, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện Mỹ Đức; Đại đức Thích Minh Đồng, Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện Mỹ Đức cùng đông đảo chư tôn đức các tỉnh thành: Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hòa Bình…

Về phía chính quyền địa phương có lãnh đạo các ban ngành huyện Mỹ Đức, các ban ngành xã Đốc Tín cùng đông đảo các nhà hảo tâm và hơn 2000 phật tử nhân dân xa gần.

Phát biểu tại buổi lễ cắt băng khánh thành, đại diện lãnh đạo huyện Mỹ Đức và đại diện chính quyền xã Đốc Tín tặng hoa và chúc mừng buổi lễ. Phát biểu tại buổi lễ, đại diện cho các cấp chính quyền đã nêu chùa Long Vân được xây dựng là công trình văn hóa tín ngưỡng tâm linh, mang lại niềm hạnh phúc an lạc cho nhân dân và Phật tử.

Ngôi chùa Long Vân in đậm dấu ấn trong lòng người bao thế hệ được xây dựng từ lâu đời, trải qua biến cố thăng trầm của lịch sử chiến tranh tàn phá nhưng dấu tích vẫn còn lưu lại đến ngày nay.

Theo sử sách ghi chép, thôn Đốc Hậu nơi của quê hương của Danh tướng Vũ Duy Bình trong phong trào khởi nghĩa Mỹ Lương cuối thế kỷ XIX (1854-1856) do Cao Bá Quát khởi xướng lãnh đạo xây dựng căn cứ ở chợ Bến - Cầu Dậm và rừng ngang (thuộc địa phận của huyện Mỹ Lương, bao gồm huyện Mỹ Đức và huyện Lương Sơn, Hòa Bình). Cụ Vũ Duy Bình là một nhà Nho (hiệu Trọng Đông, người thôn Đốc Hậu) đã cùng trai làng tham gia cuộc khởi nghĩa. Cụ Vũ Duy Bình cùng 2 con trai đã sát cánh cùng chủ tướng Cao Bá Quát xây dựng căn cứ, vận động nhân dân trong vùng ủng hộ tiền của, mua sắm vũ khí, chiêu tập nghĩa binh, luyện tập chuẩn bị khởi nghĩa.

Thôn Đốc Hậu là một cứ điểm phía Nam của cuộc khởi nghĩa, nơi tiếp nhận binh lương, vũ khí từ đồng bằng: Ứng Hòa, Hà Nam, Hưng Yên…đưa lên. Đây cũng là nơi qua lại của Cao Bá Quát. Hai người con trai cụ Vũ Duy Bình tham gia lãnh đạo nghĩa quân, được phong làm tướng quân đã trực tiếp chỉ huy cánh quân chủ lực tiến đánh quân của triều đình nhà Nguyễn. Cuối năm 1854, Vũ Duy Thúy, người con thứ 3 của cụ Bình đã chỉ huy một cánh quân tiến đánh thành Kim Bảng (Hà Nam).

Trong trận giao chiến quyết liệt với quân triều đình do lãnh binh Trần Bào chỉ huy tại Quyến Sơn đã anh dũng hy sinh. Người con trai cả của cụ Bình chỉ huy một cánh quân tiến đánh thành Yên Sơn (Phù Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây). Sau đó đánh chiếm huyện Vĩnh Tường, Tam Dương, chiếm thành Yên Sơn lần thứ 2 (tháng Giêng 1856) đã hy sinh anh dũng tại chiến trận.

Cụ Vũ Duy Bình tuy tuổi già sức yếu nhưng đã trực tiếp chỉ huy cánh quân tiến đánh Vĩnh Tường, Tam Dương. Khi bị vậy hãm, giặc bắt dụ hàng, cụ vẫn kiên trung “thà chết chứ không chịu hàng” Quân nhà Nguyễn đã sát hại cụ và ngày 6/1/1856.

Cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương và nhiều cuộc khởi nghĩa khác bị đàn áp khốc liệt, nhưng ý chí quật cường của nghĩa quân yêu nước Cao Bá Quát, Vũ Duy Bình của các dũng tướng Vũ Duy Thúy, Vũ Duy Nghiêm cùng các liệt sỹ khác sống mãi với dân làng.

Phát biểu tại lễ khánh thành thầy Thích Đàm Kim cho biết: Chùa Đốc Hậu tên tự là (Long Vân Tự), nơi mảnh đất nghèo khó, làng duy nhất có một họ, nay có khoảng 20 nóc nhà, hơn 30 hộ. Từ lâu ngôi chùa do ảnh hưởng của chiến tranh, thiên tai kéo dài, cùng sự tàn phá của thời gian nên toàn bộ công trình bị hư hại. Với tâm nguyện trùng tu  để Phật pháp được trường tồn của những người con Phật, từ năm 2010 khởi công xây dựng ngôi nhà tổ. Từ ngày 1/9/ 2012 (Nhâm Thìn) bắt đầu khởi công xây dựng chùa đến khi khánh thành thời gian hơn 3 năm.

Chùa được xây dựng tọa lạc trên nền đất cũ bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ, dán ngói mũi hài đẩm bảo tính bền vững công trình. Ngôi chùa mặt tiền hướng về phía Đông - Nam, mặt nhìn ra sông Đáy. Mặt sau thế tựa vào dãy núi của Chùa Hương trải dài xanh thẳm rất “Sơn thủy hữu tình”. Trong ngôi bảo điện cùng hoành phi câu đối được trạm khắc tinh vi, các pho tượng và  Hương án được chế tác bằng đá; quả chuông được đúc nặng hơn 4 tạ. Giá trị hạng mục công trình ngôi chùa được hoàn thành với trị giá gần 4 tỷ đồng.  

Trong buổi lễ cắt băng khánh thành thầy Thích Đàm Kim trụ trì Chùa Long Vân đã tán dương ghi nhận và cảm ơn các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương, chư tôn đưc chư tăng Ni và nhân dân Phật tử, chung tay phát tâm công đức xây dựng khu Tam bảo “ Long Vân Tự” được khang trang, uy nghi như hôm nay.

Tuy nhiên ngôi chùa đã hoàn thành nhà chùa kêu gọi các Phật tử, công ty, xí nghiệp, mạnh trường quân trong và ngoài nước hướng về “Chùa Long Vân” bằng tấm lòng hảo tâm phát tâm công đức để ngôi chùa được hoàn thiện. Đồng thời mong muốn toàn thể nhân dân hãy gìn giữ những công trình văn hóa của làng xã, phát huy giá trị văn hóa dân tộc do ông cha để lại.

Hình ảnh CTV ghi nhận
 


Thượng tọa Thích Minh Hiền, Phó Trưởng Ban văn hóa Trung ương phát biểu tại buổi lễ



Tăng ni, phật tử các tỉnh thành về tham dự



Nghi thức cắt băng khánh thành



Ông Vũ Văn Mạnh, Trưởng thôn Đốc Hậu phát biểu



Ông Vũ Bá Khoát, Bí thư Chi bộ thôn Đốc Hậu phát biểu





Đội Văn nghệ của Phòng Văn hóa thông tin huyện Mỹ Đức hát múa phục vụ buổi lễ



Các phật tử làm lễ dâng hương

 
Niệm hương tại ngôi chính điện

 

Tác giả bài viết: Văn Bình - Minh Xuân