TT. Huế: Khóa tu niệm Phật nhân kỷ niệm Khánh đản Đức Phật A Di Đà tại huyện A Lưới

Ngày 25/12/2015 (15/11 Ất Mùi), tại Niệm Phật đường Sơn Thủy (thôn Quảng Phú, xã Sơn Thủy, huyện A Lưới), Ban Trị sự đã tổ chức khóa tu Niệm Phật nhân kỷ niệm Khánh đản Đức Phật A Di Đà 17 tháng 11 năm Ất Mùi tại huyện A Lưới.


Quý Đạo hữu cử hành khóa lễ Sám hối










 
Đại đức Thích Tâm Phương, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện A Lưới đã quang lâm khai khóa và thuyết giảng Lễ vía Đức Phật A Di Đà đản sanh 17-11 ÂL đến quý Đạo hữu Phật tử.   

Lễ vía Đức Phật A Di Đà đản sanh 17-11 ÂL. Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà như Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Đại Bổn A Di Đà… thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.
 


Cung thỉnh Đại đức Trưởng Ban Trị sự





Đại đức niêm hương bạch Phật





Đại đức Thích Tâm Phương thuyết giảng về đề tài "Lễ vía Đức Phật A Di Đà đản sanh 17-11 ÂL"


 
Thực ra, ngày 17 tháng 11 âm lịch là ngày sanh của Đại sư Vĩnh Minh-Diên Thọ, Tổ sư đời thứ sáu của 13 vị Tổ tông Tịnh Độ Phật giáo Trung Quốc.

Theo Tiểu sử 13 vị tổ Tịnh Độ tông của HT.Thích Thiền Tâm, Đại sư Vĩnh Minh-Diên Thọ (904-975), tự Xung Huyền, họ Vương ở Tiền Đường, người đời Tống. Lúc thiếu thời, ngài thích tụng kinh Pháp Hoa.

Lớn lên, Xung Huyền được Văn Mục Vương tuyển dụng, cho làm quan trông nom về thuế vụ. Nhiều lần Xung Huyền đem tiền công quỹ đến Tây Hồ mua cá trạnh phóng sanh nên bị pháp ty xử ngài vào tội tử. Lúc sắp đem đi chém, thấy ngài trước sau vẫn an nhiên điềm tĩnh nên lấy làm lạ mới cho diện kiến Văn Mục Vương. Vương hỏi duyên cớ, ngài đáp: "Tôi tự dụng của công, đáng tội chết. Nhưng toàn bộ số tiền đó, tôi dùng cứu được muôn ức sanh mạng, thì dù thân này có chết, cũng được vãng sanh về cõi Lạc bang, vì thế nên tôi không có gì phải lo sợ". Văn Mục Vương nghe qua cảm động, ra lịnh tha bổng. Ngài xin xuất gia, Vương bằng lòng.

Sau đó, ngài đến quy đầu với Thiền sư Thúy Nham ở Tứ Minh. Kế lại tham học với Thiều quốc sư ở Thiên Thai, tỏ ngộ tâm yếu, được quốc sư ấn khả, ngài từng tu Pháp Hoa Sám ở chùa Quốc Thanh. Trong lúc thiền quán thấy Đức Bồ tát Quán Thế Âm rưới nước cam lồ vào miệng, từ đó được biện tài vô ngại và nhất ý chuyên tu Tịnh nghiệp.

Năm Kiến Long thứ hai, đời Tống, Trung Ý Vương thỉnh ngài trụ trì chùa Vĩnh Minh, tôn hiệu là Trí Giác thiền sư. Ngài ở đây khoảng 15 năm, độ được 1.700 vị Tăng. Đại sư lập công khóa, mỗi ngày đêm tụng một bộ kinh Pháp Hoa, niệm 10.000 câu Phật hiệu. Đại sư thường truyền giới Bồ tát, mua chim cá phóng sanh, thí thực cho quỷ thần, tất cả công đức đều hồi hướng về Tịnh độ. Ngài trước tác Tông Cảnh Lục, Vạn Thiện Đồng Quy Tập…, đặc biệt là soạn Tứ Liệu Giản: "1-Có Thiền không Tịnh độ/Mười người, chín lạc lộ/Ấm cảnh khi hiện ra/Chớp mắt đi theo nó. 2-Không Thiền có Tịnh độ/Muôn tu muôn thoát khổ/Vãng sanh thấy Di Đà/Lo gì chẳng khai ngộ? 3-Có Thiền có Tịnh độ/Như thêm sừng mãnh hổ/Hiện đời làm thầy người/Về sau thành Phật, Tổ. 4-Không Thiền không Tịnh độ/Giường sắt, cột đồng lửa/Muôn kiếp lại ngàn đời/Chẳng có nơi nương tựa" để xiển dương đường lối tu tập cũng như yếu chỉ của tông Tịnh Độ.

Niên hiệu Khai Bảo thứ tám, vào buổi sáng sớm ngày 26 tháng 2 âm lịch, Đại sư lên chánh điện đốt hương lễ Phật xong, ngài họp đại chúng lại dặn dò khuyên bảo, rồi ngồi kiết già trên pháp tòa mà vãng sanh thị tịch, thọ 72 tuổi.

Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề thị tịch vãng sanh của Đại sư Vĩnh Minh-Diên Thọ, có một giai thoại thiền lâm thật thú vị, mà theo đó, người đời truyền tụng Đại sư là một trong những hóa thân của Đức Phật A Di Đà tại Trung Hoa.

Tiểu sử 13 vị tổ Tịnh Độ tông ghi: "Theo truyện ký, vào thời Ngô Việt Vương, tại Hàng Châu có Hòa thượng Hành Tu, trụ trì chùa Pháp Tướng. Ngài vốn con nhà họ Trần ở Tuyền Nam, sanh ra có tướng lạ, hai tai dài chấm tới vai, đến bảy tuổi vẫn không nói. Một hôm có người đùa hỏi, ngài bỗng ứng tiếng đáp:

- Nếu không gặp bậc tác gia, nói cho lắm chỉ xô phá lầu khói mà thôi!

Sau ngài Hành Tu xuất gia ở chùa Ngõa Quan tại Kim Lăng, tham phỏng với Tuyết Phong thiền sư, ngộ được tâm ấn. Từ đó mãnh thú gặp ngài đều thuần phục, từng nổi tiếng là ông Tăng có nhiều sự phi thường, linh dị.

Ngô Việt Vương nhân khi đến chùa lễ Phật, hỏi Đại sư Vĩnh Minh:

- Bạch Tôn đức! Thời nay có bậc chân tăng nào khác chăng?

Đại sư đáp:

- Có Hòa thượng Hành Tu, đôi tai dài, chính là Phật Định Quang ứng thân đấy!

Vương y lời tìm đến ngài Hành Tu ở chùa Pháp Tướng, cung kính đảnh lễ, tôn xưng là Định Quang Như Lai ra đời.

Hòa thượng Hành Tu bảo:

- Đại sư Vĩnh Minh thật khéo nhiều lời. Ông ta cũng chính là Phật A Di Đà ứng thân đó! Nói xong, Hòa thượng Hành Tu ngồi yên mà hóa.

Ngô Việt Vương vội vã trở về chùa Vĩnh Minh định gạn hỏi cho rõ ngọn ngành thì Đại sư Vĩnh Minh-Diên Thọ cũng vừa thị tịch".

Thì ra, chư Phật và Bồ tát thường xuyên thị hiện để chuyển mê khai ngộ cho chúng sanh. Hành trạng của các Ngài vốn thong dong tự tại, không thể nghĩ bàn. Đại sư Vĩnh Minh-Diên Thọ được người đời truyền tụng là hóa thân của Phật A Di Đà nhưng trong 72 năm thị hiện làm Tăng ở Ta bà không ai biết được. Chỉ đến những giờ phút sau cùng, lúc thị hiện nhập Niết-bàn, mới phương tiện cho hàng Tăng kẻ tục biết Ngài là Phật A Di Đà hóa thân để tăng trưởng tín tâm, phát tâm niệm Phật, cầu vãng sanh Tây phương Tịnh độ. Từ đây, ngày sanh của hóa thân Phật A Di Đà (Đại sư Vĩnh Minh-Diên Thọ) được chọn làm ngày vía Khánh đản Phật A Di Đà.

Hôm nay nhân ngày lễ vía đức Phật A Di Đà, chúng ta tìm hiểu về danh nghĩa và sự tích của Ngài để mỗi khi đến chùa niệm Nam mô A Di Đà Phật ta có thêm niềm tin và nhờ đó công đức niệm Phật sẽ mau chóng thành tựu.

1. Danh nghĩa của đức Phật A Di Đà:

Đức Phật A Di Đà là đức Phật làm giáo chủ ở cõi Tây Phương Cực Lạc, tên Ngài có 3 nghĩa:

- Vô Lượng Quang có nghĩa là hào quang trí tuệ của Ngài vô lượng vô biên chiếu khắp mười phương thế giới

- Vô Lượng Thọ có nghĩa là thọ mạng của Ngài sống lâu không thể nghĩ lường được

- Vô Lượng Công Đức có nghĩa là Ngài làm những công đức to lớn không thể kể xiết.

2. Sự tích Đức Phật Di Đà:

Theo kinh Đại A Di Đà, về thời đức Phật Thế Tự Tại Vương ra đời có một vị quốc vương tên Kiều Thi Ca. Vua Kiều Thi Ca nghe Phật thuyết pháp liền bỏ ngôi vua xuất gia làm vị tỳ kheo hiệu là Pháp Tạng, một hôm Ngài đảnh lễ Phật quỳ xuống chấp tay cầu Phật chứng mình và phát 48 lời nguyện. Do nguyện lực ấy sau này thành Phật hiệu A Di Đà.

Lại theo kinh Bi Hoa, về đời vua Chuyển Luân Thánh Vương tên Vô Tránh Niệm có vị đại thần tên là Bảo Hải, vị này có người con tên là Bảo Tạng tướng tốt dị thường, sau xuất gia thành Phật hiệu là Bảo Tạng Như Lai. Một hôm vua Vô Tránh Niệm nghe Phật thuyết pháp liên phát tâm muốn cúng dường các món ăn uống, y phục cho đức Phật và đại chúng luôn luôn trong ba tháng. Vị đại thần Bảo Hải khuyên vua nên phát tâm bồ đề cầu đạo vô thượng. Vua liền nguyện sau này thành Phật sẽ làm giáo chủ một cảnh giới cực kỳ trang nghiêm thanh tịnh để giáo hóa chúng sanh; vua Vô Tránh Niệm phát nguyện xong đức Bảo Tạng Như Lai liền thọ ký cho vua sau này sẽ thành Phật hiệu là A Di Đà và cõi nước của Ngài sẽ là cõi Cực Lạc Tây Phương. Vị đại thần Bảo Hải sau này cũng thành Phật tức là đức Phật Thích Ca Mâu Ni. (theo tài liệu Phật pháp bậc Sơ Thiện của Gia đình Phật tử)

Trong 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà có các nguyện sau đây:

Giả sử khi tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương chí tâm tin ưa muốn sanh về nước tôi, chỉ cần niệm mười niệm mà nếu không được sanh thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.

Giả sử khi tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương phát Bồ đề tâm, tu các công đức chí tâm phát nguyện muốn sanh về nước tôi. Lúc họ mạng chung, tôi và đại chúng vây quanh hiện ra trước mặt họ. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác

Giả sử khi tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương nghe danh hiệu của tôi, chuyên nhớ nước tôi, trồng những cội công đức, chí tâm hồi hướng muốn sanh về nước tôi mà chẳng được toại nguyện thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.

Đức Phật Thích Ca sau này đã vì những hạnh nguyện của đức Phật A Di Đà nên khai thị pháp môn Niệm Phật để chuyển thân và tâm trở về bản thể thuần khiết nhất của con người. Pháp môn này được hiểu đơn giản là người tu chỉ cần nhất tâm trì niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, gọi là lục tự Di Đà thì khi mệnh chung sẽ được vãng sanh về cõi Tịnh độ để tiếp tục con đường tu tập giải thoát.

Đức Phật A Di Đà ở giữa, đức Quán Thế Âm bên tay trái và đức Đại Thế Chí bên tay phảiKinh Đại Thừa Vô Lượng Trang Nghiêm là bộ kinh nói về phương pháp niệm Phật. Phương pháp tu của Tịnh Độ tông gồm có : Tự lực và Tha lực.

Tự lực có nghĩa là: Trì giới, Trì Tuệ và Thiền định.

Tha lực gồm có: Chánh hạnh và Tập hạnh.

a/ Chánh hạnh gồm: Chánh định nghiệp và Trợ nghiệp

- Chánh định nghiệp: là một lòng niệm danh hiệu A Di Đà.

- Trợ nghiệp: là một lòng tụng kinh Tịnh Độ, một lòng quán sát, nhớ cõi Tịnh độ trang nghiêm, một lòng lễ bái A Di Đà Phật và một lòng ca ngợi cúng dường Phật Di Đà.

b/ Tập hạnh là thực hành các điều thiện theo pháp tu của Tịnh Độ Tông

Thường năm đến ngày 17 tháng 11 âm lịch Phật tử chúng ta làm lễ vía của Đức Phật Di Đà. Trong khi gần lâm chung và khi đưa tang hoặc khi cúng lễ thường niệm danh hiệu của Ngài là hiệu THANH TỊNH để trừ những tà niệm, chuyển đổi cảnh đời ô trược thành cảnh giới thanh tịnh sáng suốt như cảnh giới Cực lạc.

Nhân ngày vía của Đức Di Đà. Chúng ta cầu mong mọi người thân tâm được an lạc, được hạnh phúc. Cùng hướng về Ngài, niệm danh hiệu Ngài, làm điều phước thiện, nguyện cầu cho thế giới không còn lầm lạc, oán ghét, khổ đau, chia rẽ... Chúng ta hợp sức và đoàn kết lại đề mọi người được an vui trong ánh hào quang nhiệm màu của Đức Phật Di Đà.
 








Nghi thức quá đường

















Kinh hành niệm Phật






















Tác giả bài viết: Ban TT TT GHPGVN huyện A Lưới