Tăng Tín đồ Phật giáo Thừa Thiên Huế tảo tháp Tổ sư khai sáng dòng thiền Liễu Quán

Sáng ngày 4/01/2018 (18/11/Đinh Dậu) tại P.An Tây, Tp.Huế, BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế trang nghiêm tổ chức lễ tảo tháp Tổ sư Liễu Quán. Đây là hoạt động truyền thống của Phật giáo xứ Thiền Kinh - Cố Đô Huế.


Khuôn viên bảo tháp Tổ Sư Liễu Quán


 
Từ sáng sớm chư tôn đức Tăng Ni cùng Phật tử trở về khuôn viên bảo tháp để chung tay chỉnh trang, phát quang cây cỏ.
 

 
Với sự kính ngưỡng bậc Tổ sư, chư tôn giáo phẩm Phật giáo Huế trang nghiêm cử hành nghi lễ tảo tháp.
 

Hình ảnh trang nghiêm trong lễ tảo tháp Tổ sư Liễu Quán
 

 
Đối trước bảo tháp uy nghi, HT. Thích Huệ Phước cung tuyên tiểu sử vị tổ khai sáng dòng thiền mang tên của ngài.
 

 
Theo đó, Tổ sư Liễu Quán sinh năm 1670, tại làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
 
Lên 6 tuổi mẹ ngài qua đời. Năm 12 tuổi, trong dịp theo cha đi chùa Hội Tôn lễ Phật - như một túc duyên, ngài gặp Thiền sư Tế Viên thu nhận và hết lòng dạy bảo.
 
Những năm hành điệu tại chùa Hội Viên, ngài chăm chỉ làm những công việc như gánh nước và hành trì hai thời khóa công phu và luật tiểu Sa-di... Sau 9 năm thì Thiền sư Tế viên tịch, ngài tròn 19 tuổi. Sau khi chu tất tang lễ của thầy, ngài từ giả quý huynh đệ đồng tu ở đây rồi một mình lên đường tìm thầy tiếp tục học đạo.
 
Năm 1690, ngài vượt Trường Sơn ra đất Thuận Hóa, đầu sư với Tổ Giác Phong ở chùa Thiên Thọ, núi Hàm Long (tức Phật học đường Báo Quốc bây giờ).
 
Sau một năm, hay tin thân phụ lâm bệnh, ngài trở lại quê nhà chăm sóc. Bốn năm sau, thân phụ ngài qua đời, lo việc hiếu sự xong, ngài tiếp tục lên đường học đạo.
 
Năm 1695, nghe Thiền sư Thạch Liêm tổ chức giới đàn ở chùa Thiền Lâm, cố đô Huế, ngài xin cầu thọ Sa-di giới với đạo hiệu thượng Liễu hạ Quán, húy Thiệt Diệu, thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 35.
 
Năm 1697, Thiền sư Từ Lâm làm Đàn đầu Hòa thượng, ngài tròn 27 tuổi - được tấn đàn Tỳ-kheo giới. Đắc giới xong, ngài ở lại đây hai năm để cầu học những giới pháp đã thọ chưa được thông suốt rồi lại tiếp tục tham cầu Phật pháp với các bậc tôn sư khắp nơi.
 
Năm 1702, ngài gặp Thiền sư Tử Dung tại chùa Ấn Tôn (tức tổ đình Từ Đàm bây giờ) ở núi Long Sơn, cố đô Huế. Tổ Tử Dung dạy cho ngài tham cứu câu thoại đầu: “Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ ?”.Nghĩa là: Muôn pháp về một, một ấy đi về đâu?
 
Ngài lại phải trở về chốn cũ Phú Yên để tịnh tu và tham cứu cho được câu mà Tổ đã trao. Suốt năm năm liền mà vẫn chưa làm bung vỡ được thâm ý của câu thoại đầu, lòng tự hổ thẹn. Một hôm, nhân đọc cuốn Truyền đăng lục, khi đọc đến câu: “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hồi xứ” - nghĩa là: Chỉ vật mà truyền tâm, chính vì vậy mà người ta không hiểu nổi; thoạt nhiên ngài tỏ ngộ và buông sách xuống với một tâm niệm an lạc.
 
Sau hai lần trình bày ý của ngài cho Tổ rõ về công phu đã tu tập, vào năm 1712, tại đất Quảng Nam khi Tổ Tử Dung và ngài cùng dự lễ Toàn Viện, lần này ngài đã trình bài kệ Tắm Phật với Tổ và được tổ ứng chứng.
 
Ngài đắc pháp và được truyền tâm pháp vào lúc ngài vừa 42 tuổi. Tổ Liễu Quán là nhân vật quan trọng trong việc phục hưng, xiển dương và trực tiếp lãnh đạo Phật giáo ở Đàng Trong (Chúa Nguyễn).
 
Ngài khai sơn chùa Thiền Tôn, Viên Thông (Huế), tổ đình Hội Tôn, Cổ Lâm và  Bửu Tịnh (Phú Yên).
 
Từ năm 1733 đến 1735, ngài đã mở liên tiếp ba Đại giới đàn để truyền trao giới pháp cho hàng xuất gia và tại gia.
 
Năm 1740, ngài làm Đàn đầu Hòa thượng cho Đại giới đàn Long Hoa ở tổ đình Thuyền Tôn.
 
Vào năm 1742, lúc này ngài đã 72 tuổi, vì sự nghiệp Phật pháp, ngài lại phải làm Đàn đầu Hòa thượng cho Đại giới đàn tại tổ đình Viên Thông và có đến gần bốn ngàn người tại gia cũng như xuất gia phát nguyện thọ giới.
 
Một buổi sáng đẹp trời mùa đông năm 1742, nhằm ngày 21 tháng 11 âm lịch, tại tổ đình Viên Thông, ngài dạy đồ chúng đem bút mực ra để viết bài kệ:
 
Thất thập dư niên thế giới trung,
Không không sắc sắc diệc dung thông,
Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý,
Hà tất bôn mang vấn tổ tông?
 
Nghĩa là:
 
Ngoài bảy mươi năm trong thế giới,
Không không, sắc sắc đã dung thông,
Hôm nay nguyện mãn về chốn cũ,
Nào phải ân cần hỏi tổ tông?
 
Sau khi dặn dò đồ chúng, trong tư thế thân ngồi kiết-già, ngài đã nhắm mắt thị tịch. Chúa Nguyễn Phúc Khoát sắc làm bia ký và dựng tháp phụng thờ ngài trên núi Thiên Thai cạnh tổ đình Thuyền Tôn, xóm Ngũ Tây với thụy hiệu: Đạo Hạnh Thụy Chánh Giác Viên Ngộ Hòa Thượng.
 
Tháp của ngài được xây gần tổ đình Thuyền Tôn, trên núi Thiên Thai. Trước khi ngài viên tịch, ngài phú pháp cho hàng đệ tử và truyền kệ như sau:
 
Thiệt tế đại đạo,
Tánh hải thanh trừng,
Tâm nguyên quảng nhuận,
Đức bổn từ phong,
Giới định phước tuệ,
Thể dụng viên thông,
Vĩnh siêu trí quả,
Mật khế thành công,
Truyền trì diệu lý,
Diễn xướng chánh tông,
Hành giải tương ưng,
Đạt ngộ chơn không.
 
Tổ sư Liễu Quán đã làm cho thiền phái Lâm Tế trở thành một tông phái đặc thù và linh động, có một nền móng vững chắc ở Đàng Trong (tức từ Thanh Hóa trở vào). Trước khi Tổ Liễu Quán xuất hiện, thiền phái Lâm Tế ảnh hưởng của Trung Quốc (vì có ngài Nguyên Thiều, ngài Thạch Liêm, ngài Tử Dung...). Chính Tổ Liễu Quán đã Việt hóa tất cả từ văn hóa, kiến trúc và nghi lễ...
 
Ngài có bốn vị đệ tử lớn: Tổ Huấn, Trạm Quan, Tế Nhân và Từ Chiếu (Từ Chiếu, húy Tế Căn, khai sơn chùa Hồ Sơn - Tuy Hòa, Phú Yên).
 
Bốn ngài này đã tạo lập bốn trung tâm hoằng dương chánh pháp lớn khắp Đàng Trong. Và, từ thế kỷ thứ 18 trở về sau này nghiễm nhiên với danh xưng Thiền phái Liễu Quán.  
 
Trong không khí trang nghiêm, đối trước bảo tháp Đức Tổ sư, chư tôn Hòa thượng niệm hương, toàn thể Tăng Ni, Phật tử phủ phục, hữu nhiễu bảo tháp trong sự tĩnh lặng.
 
Hằng năm, để tướng nhớ đến công đức Tổ sư, Tăng Ni, Phật tử tại Huế cùng nhau trở về bảo tháp của Tổ - hành lễ tảo tháp để cùng nhau nhớ lại hành trạng một bậc Tổ sư để cùng nhau sách tấn trên bước đường cầu giải thoát.
 


Chư Tôn đức Tăng Ni




Hữu nhiễu bảo tháp
 














 

Tác giả bài viết: Ban TT TT GHPGVN huyện A Lưới