Hoa hồng cài áo mẹ

Tiếng chuông điện thoại báo cuộc gọi đến. Tôi bấm máy nghe. Tiếng mẹ tôi run run, đứt quãng:

- Tuyết ơi, bà ngoại… bà ngoại…

Tôi linh cảm có điều không hay:

- Dạ con nghe đây, mẹ nói đi, bà ngoại sao?

Giọng mẹ tôi nghẹn lại. Hẳn là mẹ đang khóc:

- Bà ngoại sắp đi rồi con ơi! Bệnh viện đã bảo đem bà về chiều nay.

hoa-hong-do.jpg

Ảnh minh họa

Dù cố trấn tĩnh, tôi vẫn nghe lạnh buốt cả hai vai. Tôi nghe tiếng thổn thức nho nhỏ của mẹ chen vào từng câu nói:

- Các bác sĩ bảo nên đưa bà về sớm để có thể thấy mặt con cháu lần cuối cùng… Các dì, cậu đã đưa ngoại về đến nhà rồi!

Mẹ không còn kiềm được, khóc òa lên. Tôi định tâm, cố nén tiếng khóc, chậm rãi an ủi mẹ:

- Ngoại không sao đâu mẹ. Bà thọ lắm. Tuần trước con về thăm, ngoại còn khỏe, ăn uống bình thường. Mẹ yên tâm đi, con nói chắc vậy đó. Mẹ thắp hương bàn Phật và niệm hồng danh Đức Quán Thế Âm Bồ-tát gia hộ cho bà khỏe. Con sắp xếp công việc, sáng mai con sẽ về sớm.

Tôi nói cứng thế để mẹ an tâm, chứ thật ra trong lòng tôi cũng hoang mang khôn tả. Bà ngoại tôi năm nay 103 tuổi, đã quá thọ, thì sự ra đi của bà cũng không phải là điều gì bất ngờ. Và mẹ tôi cũng đã 85. Tôi chợt nhớ câu nói của người xưa rằng mẹ trăm tuổi vẫn thấy con tám mươi còn nhỏ dại. Tình mẫu tử quả thật thiêng liêng. Dù mẹ tôi đã vượt xa cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng với bà ngoại, mẹ vẫn thấy mình là một đứa con nhỏ. Trước cuộc chia ly của mẹ và con thì ở tuổi nào cũng đều có nỗi đau khổ như nhau.

Tôi lo lắng sợ mẹ buồn, tuổi đã cao, sẽ dễ bị suy sụp, bệnh hoạn. Tôi vội vã sắp xếp mọi thứ, dặn dò các con tôi những công việc nhà, việc mua bán với khách. Loay hoay với mọi thứ mà lòng tôi vẫn như lửa đốt. Tôi muốn về sớm để được nhìn ngoại tôi lần cuối vì với cái tuổi hơn trăm không biết bà có thể vượt qua được lần này không. Hơn nữa tôi cần có mặt bên cạnh mẹ tôi để an ủi mẹ, giúp mẹ bớt buồn đau vì tôi biết mẹ yêu bà lắm. Cũng dễ hiểu vì thật ra trên đời này ít có mẹ con nào sống gắn bó với nhau suốt 85 năm trời, không rời nhau nửa bước, cùng trải qua bao năm tháng khổ cực, hãi hùng, biết bao kỷ niệm buồn vui. Tôi gọi điện dặn các anh chị em tôi luôn thắp hương và niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm cầu bà bình an, nếu bà không qua khỏi thì cũng ra đi một cách thanh thản, nhẹ nhàng.

Đêm ấy tôi trằn trọc không ngủ được. Chợp mắt được một chút lại giật mình thức giấc. Lần đầu tiên tôi sợ tiếng điện thoại reo lên lúc nửa đêm… Thời gian chậm chạp trôi dần. Khi màn đêm còn chưa tan hết, tôi đã thức dậy chuẩn bị mọi thứ để về quê theo chuyến xe đầu tiên…

*

Tôi hồi hộp bước theo con đường nhỏ trong sân từ cổng dẫn vào hiên nhà. Bóng tối vẫn còn trùm lên cảnh vật. Tất cả đều yên ắng. Tôi hơi yên tâm. Đẩy cánh cửa khép hờ, tôi bước vào nhà.

- Tuyết về đó hả con? Tiếng mẹ tôi hỏi. Dường như mẹ đang thức.

- Dạ, con đây. Bà ngoại khỏe không mẹ?

Mẹ tôi ngồi dậy trên chiếc chõng tre đặt bên chiếc giường bà ngoại. Mẹ vấn lại đầu tóc:

- Chiều hôm qua đưa bà về, mẹ nghĩ bà sắp đi. Nhưng đến khuya bỗng bà thức dậy nói đói bụng. Dì Năm đã đút bà ăn được hơn chén cháo, uống thuốc xong bà nằm ngủ yên đến giờ. Mẹ thức canh chừng.

Tôi đến gần sờ tay lên trán bà, thấy ấm, và bà thở đều. Tôi nói:

- Vậy là ngoại đã khỏe rồi. Sáng mai cho ngoại ăn thêm cháo, và uống thuốc. Mẹ yên tâm, ngoại bình an thôi.

Mẹ có vẻ thắc mắc:

- Ờ, mà sao chiều qua lúc đem ngoại về con đã biết bà ngoại sẽ khỏe lại, không việc gì?

Tôi ngước mắt nhìn những cây hương còn đang cháy dở trên bàn thờ Đức Quán Thế Âm ở giữa nhà:

- Con biết mẹ rất yêu bà ngoại, và bà ngoại cũng thế. Con nói mẹ thắp hương cầu Bồ-tát. Thành tâm của mẹ đã cảm ứng tới Ngài. Con rất tin vào điều ấy vì đã có rất nhiều trường hợp xảy ra như vậy. Và lúc ấy con phải hứa chắc như vậy để mẹ được định tâm khi thắp hương cầu nguyện.

- Ồ, linh thiêng thật! Mà con cũng giỏi. Lúc đó nếu con không nói, mẹ cũng quýnh quáng chẳng biết làm gì.

Tôi ngồi xuống, cầm bàn tay nhăn nheo xương xẩu của mẹ, bỗng nghe chạnh lòng:

- Mẹ à, Đức Phật đã dạy đời người là vô thường, sinh lão bịnh tử không ai tránh khỏi, nên nếu bà ngoại có đi thì mẹ cũng cố gắng nhớ lời Phật dạy giữ tâm thật thanh tịnh. Tu là phải làm cho được những lời Phật dạy mới có được sự an lạc.

Mẹ cười:

- Con nói giống như mấy thầy giảng ở đạo tràng.

Tôi cười theo mẹ:

- Thì con cũng học từ mấy thầy và đang cố gắng làm theo.

Những ngày sau đó bà ngoại tôi đã khỏe lại bình thường cùng với niềm vui của mẹ.

*

Ngày Vu lan năm ấy, tôi đưa mẹ lên chùa lễ Phật. Khi chúng tôi vào khỏi cổng, một em gái Phật tử trên ngực cài một đóa hồng trắng bước đến chào và hỏi:

- Con chào bà, con chào cô. Dạ, bà đây là…

Tôi nhanh nhảu:

- Là mẹ của cô đấy.

Cô bé nét mặt rạng rỡ:

- Con chúc mừng cô. Cô cho phép con cài cho cô một đóa hồng đỏ cô nhé. Và bà … Con sẽ cài cho bà một đóa...

Tôi cắt ngang:

- Cũng một đóa hồng đỏ!

Cô bé mở tròn cặp mắt có vẻ ngạc nhiên.

- Vâng, bà vẫn còn mẹ... Bà ngoại của cô vẫn còn sống, khỏe lắm! Tôi nói.

Cô bé kêu lên:

- Ôi, bà và cô hạnh phúc quá!

Cô bé cài đóa hồng lên ngực áo mẹ. Mẹ cười móm mém, không giấu được niềm vui trong đôi mắt. Mẹ hỏi:

- Còn mẹ là được cài hoa hồng đỏ hả con?

- Vâng, mẹ ạ!

- Thế cháu bé này?

Nghe câu hỏi, khuôn mặt cô bé dường như có một lớp sương mù phả qua. Tôi thấy cặp mắt cô bắt đầu đỏ lên. Cô ngoảnh mặt và xin phép đi cài hoa cho những khách khác.

Tôi nói nhỏ với mẹ:

- Mẹ à, cô bé ấy thật tội nghiệp, đã mất mẹ quá sớm. Hoa trắng cài lên áo cho những ai không còn mẹ nữa.

Giọng mẹ trầm xuống, tha thiết:

- Ôi, tội nghiệp cho cháu ấy quá. Có lẽ mẹ là người hiếm hoi ở tuổi này mà vẫn còn được cài hoa hồng đỏ!

Và cũng thật hiếm hoi khi tôi thấy mắt mẹ ánh lên, sáng long lanh trong đêm rằm Vu lan Báo hiếu…

Truyện ngắn của Ái Nghĩa