Bụi trần bám vào đâu?

Khi tấm thân tứ đại này còn đang trú ngụ ở cõi Ta bà, sẽ không thể nào thoát khỏi vòng tục lụy. Sự đời không động, nhưng cũng không tĩnh. Điều trái lòng có đến, rồi sẽ có đi. Vậy phải sống thế nào để giữa chốn trần ai này vẫn giữ được an yên và trái tim thuần khiết.
Bồ-đề bổn vô thọ
Minh kính diệc phi đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai?
 
(Bồ-đề vốn chẳng cây
Gương sáng cũng không đài
Xưa nay không một vật
Bụi trần bám vào đâu?).
 
Bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng trích trong Pháp Bảo Đàn kinh khi người nghe đã thấu cảm, sẽ thấy như buông bỏ được bao gánh nặng sự đời trên vai. Có lẽ , ta còn phiền khi ta còn vướng chấp vào sự được mất, hơn thua, có không, để rồi chuốc lấy đau khổ, phiền muộn trong mỗi ngày đang sống.
 
Trong cuộc sống hiện đại, đi kèm với sự phát triển của kinh tế và xã hội là những áp lực chồng chất.
 
Ngày xưa, ông bà ta thường bảo: ”Trời sinh voi sinh cỏ”. Nghĩa là sự sống vận hành như một lẽ tự nhiên, không cần đấu tranh cho sự sinh tồn. Đó là khi nguồn cung vô cùng dồi dào cho số lượng người cần vừa phải. Đến lúc nào đó, nguồn cung ấy sẽ vơi dần, sự thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần sẽ hình thành, tạo ra những mâu thuẫn gay gắt trong không gian sinh tồn.
 
Ngày nay, cuộc sống chúng ta không chỉ gói gọn trong khái niệm: ”đủ ăn, đủ mặc” mà đó là “ăn ngon, mặc đẹp”; có lẽ vì thế mà áp lực cuộc sống mỗi người ngày càng gia tăng. “Căng thẳng”, “trầm cảm”, “sang chấn tâm lý”… đã trở thành từ khóa nhiều người tìm kiếm. Đây là một nghịch lý khi cuộc sống càng tiện nghi con người lại có vẻ ít hạnh phúc hơn. Sự thúc bách của những nhu cầu cá nhân và các định chuẩn của guồng máy xã hội khiến cho mọi sự việc đi quá nhanh. Lượng thông tin một người phải tiếp nhận và xử lý hằng ngày vô cùng khủng khiếp.
 
Mỗi ngày, con người phải đắm chìm trong mớ bòng bong của email công việc, tin nhắn hối thúc của sếp, lời trách móc của gia đình hay bạn bè, và cả nỗi thị phi trên đường trần ai gió bụi. Dù mạnh mẽ đến đâu, cũng có lúc chúng ta gục ngã, chao đảo.
 
Thông thường, kẻ phàm tục sẽ có hai cách phản ứng. Một là phản ứng tự vệ cực đoan, gay gắt, vô tình phóng thích những năng lượng tiêu cực. Hoặc sẽ lẳng lặng cho qua nhưng tâm lại xáo động vô cùng, chấp trước chẳng yên.
 
Khi đã thấu hiểu về tự tánh, ta sẽ hiểu rằng vốn dĩ buồn giận, khổ đau, chấp trước chẳng có cũng chẳng không. Vậy thì cái sự đời sẽ không còn gì để ta bám víu ?
 
Bồ-đề vốn chẳng cây
Gương sáng cũng không đài
Xưa nay không một vật
Bụi trần bám vào đâu?
 
Vấn đề nằm ở chỗ, mỗi cá thể khi tạo dựng cuộc sống, dấn thân thương trường luôn chăm chút để gầy dựng bản ngã. Chúng ta luôn tỏ vẻ hiểu thấu sự đời, hiểu sâu tất cả, nhưng thật sự chưa thấu hiểu chính mình. Khi hiểu rõ giá trị của bản thân, không còn để tâm chấp nhặt, biết ơn những gì quy luật vũ trụ đã an bày thì có lẽ không một sự “động” nào ngoài xã hội kia làm lòng ta bất an, không một hồng trần nào làm tâm ta vẩn đục.
 
Cũng ở chữ “động” này mà Lục Tổ Huệ Năng đã để lại một câu chuyện cho hậu thế.
 
Sau khi nhận lãnh y bát, Lục Tổ Huệ Năng ẩn cư trong nhóm thợ săn mười mấy năm. Đến lúc hữu duyên, ngài mới ra thế gian giáo hóa. Một hôm, thấy hai vị tăng mặt mày đỏ tía tranh luận về gió động hay phướn động. Vị thứ nhất cho rằng nếu không có gió thì phướn làm sao động? Cho nên nói là gió động. Vị thứ hai cho rằng không có phướn động làm sao biết là gió động? Cho nên kết luận phướn động. Mỗi vị chấp một bên không ai chịu thua ai. Lục Tổ Huệ Năng nghe xong, nói :
 
-  Không phải gió động cũng không phải phướn động mà chính là tâm hai vị động.
 
Chúng ta thường đổ lỗi cho hoàn cảnh, trách cứ người khác khi hữu sự. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Lời người xưa dạy người nay lại hay quên. Có trách là trách chính chúng ta. “Trách” ở đây là tự nhìn nhận và phân tích điểm cần tu sửa của mỗi người. Nếu cứ theo tinh thần ấy, sống là để học và tu sửa, thì tâm ta chẳng bao giờ vọng động trước hoàn cảnh khôn lường.
 
Người có tri kiến cần nhận thức rõ rằng khi tấm thân tứ đại này còn đang trú ngụ ở cõi Ta bà, sẽ không thể nào thoát khỏi vòng tục lụy. Sự đời không động, nhưng cũng không tĩnh. Điều trái lòng có đến, rồi sẽ có đi. Vậy phải sống thế nào để giữa chốn trần ai này vẫn giữ được an yên và trái tim thuần khiết.
 

Tác giả bài viết: Thiên An