Đi lại trong hành xứ của mình

Đức Phật khuyên nhắc các Tỷ-kheo nên sáng suốt đi lại trong hành xứ của mình để được an toàn mà thực hành đạo giải thoát, không nên mê lầm đi lại trong cảnh giới của người khác nhằm tránh cho mình khỏi các vướng lụy khổ đau.

 
Đây hẳn là lời khuyên rất mực căn bản của Đức Thế Tôn dành cho các đệ tử xuất gia của Ngài, một lời khuyên tỏ rõ sự quan tâm lo lắng của bậc Đạo sư đối với hạnh phúc của các học trò mình. Thế nào là đi lại trong hành xứ của mình, không đi lại trong cảnh giới của người khác? Phật kể câu chuyện để minh họa:

“Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, một con chim ưng cái thình lình vồ xuống và chụp lấy một con chim cút. Rồi này các Tỷ-kheo, con chim cút bị con chim ưng cái bắt, than khóc như sau:

“Như thế này, thật bất hạnh cho tôi! Thật thiếu công đức cho tôi! Vì rằng tôi đã đi không phải chỗ hành xứ của mình, đi vào cảnh giới của người khác. Nếu tôi đi trong chỗ hành xứ của tôi, trong cảnh giới của cha mẹ tôi, thời con chim ưng này không thể hơn tôi, nếu phải đánh nhau”.

 
“Này Chim cút, thế nào là chỗ hành xứ của ngươi, thế nào là cảnh giới của cha mẹ ngươi?”

 “Là vạt đất được lưỡi cày xới lên”.

Rồi này các Tỷ-kheo, con chim ưng cái không có siết mạnh sức mạnh của mình, không có bóp chặt sức mạnh của mình, thả con chim cút rồi nói:

“Hãy đi, này Chim cút. Sau khi đi tại chỗ ấy, ta sẽ không thả cho ngươi”.

Rồi này các Tỷ-kheo, con chim cút đi đến vạt đất được lưỡi cày xới lên, leo lên một hòn đất lớn, đứng trên ấy và nói với con chim ưng:

“Này, hãy đến ta, Chim ưng! Này, hãy đến ta, này Chim ưng!”


Rồi này các Tỷ-kheo, con chim ưng cái siết mạnh sức mạnh của mình, bóp chặt sức mạnh của mình, xếp cả hai cánh, thình lình vồ lấy con chim cút. Này các Tỷ-kheo, khi con chim cút biết được: “Con chim ưng này đang vồ mạnh xuống ta”, liền nấp sau hòn đất ấy. Này các Tỷ-kheo, ở đây, con chim ưng bị bể ngực.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với ai đi tới chỗ không phải hành xứ của mình, đi đến cảnh giới của người khác. Do vậy, này các Tỷ-kheo, chớ có đi đến chỗ không phải hành xứ của mình, chỗ cảnh giới của người khác. Này các Tỷ-kheo, đi đến chỗ không phải hành xứ của mình, đi đến cảnh giới của người khác, thời Ác ma nắm được cơ hội, Ác ma nắm được đối tượng.

 
Này các Tỷ-kheo, chỗ nào không phải hành xứ của Tỷ-kheo? Chỗ nào là cảnh giới của người khác? Chính là năm dục công đức. Thế nào là năm?

Các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các hương do mũi nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các vị do lưỡi nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, đây không phải là chỗ hành xứ của Tỷ- kheo, là chỗ cảnh giới của người khác.

Này các Tỷ-kheo, hãy đi đến chỗ hành xứ của mình, chỗ cảnh giới của cha mẹ mình. Này các Tỷ-kheo, đi đến chỗ hành xứ của mình, đến cảnh giới của cha mẹ mình, thời Ác ma không nắm được cơ hội, không nắm được đối tượng.
 
Và này các Tỷ-kheo, chỗ nào là chỗ hành xứ của Tỷ-kheo? Chỗ nào là cảnh giới của cha mẹ? Chính là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các cảm thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây là chỗ hành xứ của Tỷ- kheo, chỗ cảnh giới của cha mẹ mình”.
(1)

Câu chuyện con chim ưng và con chim cút ở trên minh họa rõ ràng hành xứ yên ổn hay chỗ đi lại an toàn của người xuất gia. Đó là người xuất gia chỉ nên đi lại trong giáo pháp giác ngộ hiền thiện của Phật, chuyên tâm thực hành bốn niệm xứ (quán thân, thọ, tâm, pháp) để đoạn tận các phiền não lậu hoặc, không nên đi lại trong thế giới dục lạc thuộc thế gian để tránh rơi vào phiền não khổ đau. Người xuất gia mà chánh niệm đi lại trong hành xứ của mình, nghĩa là tập trung tu tập giáo pháp giới-định-tuệ của Phật thì Ác ma có hung dữ đến đâu cũng không làm gì được vị ấy; giống như con chim cút đi lại trong vạt đất cày xới thì con chim ưng hung dữ không có cơ hội chộp bắt được. Trái lại, người xuất gia mà thiếu chánh niệm tỉnh giác, rời khỏi hành xứ giới-định-tuệ của mình, lang thang trong thế giới dục lạc thuộc thế gian thì Ác ma có cơ hội chi phối vị ấy ngay lập tức; tựa như con chim cút không thoát được móng vuốt của con chim ưng một khi nó rời khỏi hành xứ an toàn của nó là vạt đất cày xới.
 
Câu chuyện Phật kể thật nhẹ nhàng mà thâm thúy đối với các Tỷ-kheo bởi nó liên quan mật thiết đến ý nghĩa và mục đích của những người quyết chí tu học theo giáo pháp giác ngộ của Phật bằng con đường xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Theo quan điểm của đạo Phật thì người xuất gia quyết tâm rời bỏ đời sống gia đình để thực hành đạo giải thoát vì nhận thức được các trói buộc khổ não của đời sống dục lạc thế gian (2): “Đời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Đời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật rất khó cho một người sống ở gia đình có thể sống theo Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”. (3) Vị ấy chọn lối sống viễn ly dục lạc, nghĩa là rời xa các ham muốn đối với tài, danh, sắc, thực, thùy hay sắc, thanh, hương, vị, xúc, vì nhận thức được các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm càng nhiều hơn (4).

Do chấp nhận thực hành đời sống rời xa các dục, người xuất gia được xem là thoát ly các vướng lụy trần thế, không còn bận rộn với các ham muốn thường tình của đời sống thế gian. Vị ấy không còn bị tiền tài vật chất (tài), danh vọng quyền lực (danh), sắc đẹp khác phái (sắc), cao lương mỹ vị (thực), chăn gối êm ái (thùy) hay sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, cảm xúc êm dịu chi phối và trói buộc. Vì không còn bị dục vọng và trách vụ thế gian chi phối và ràng buộc nên vị ấy có đủ thì giờ và tâm sức tập trung vào việc tu học lời Phật dạy, thực nghiệm đầy đủ các phương diện lợi lạc của đời sống thanh tịnh về giới đức, thiền định và trí tuệ gọi chung là đời sống Phạm hạnh. Nói cách khác, người xuất gia có lý tưởng giải thoát cao quý để theo đuổi và có đời sống thanh thản an lạc do công phu thực hành giới-định-tuệ mang lại nên vị ấy sống ở thế gian mà không vướng lụy trần thế, sống giữa các dục mà không bị các dục làm cho say đắm và ô nhiễm. Đây gọi là người xuất gia đi lại trong hành xứ của mình, không đi lại trong cảnh giới của người khác, khiến Ác ma (tham-sân-si) không có cơ hội xâm nhập, không nắm được đối tượng để chi phối.
 
Nhìn chung, người xuất gia tu học theo giáo pháp của Phật có lý tưởng, có đường hướng và có mục tiêu xác đáng để dẫn dắt đời sống tu hành của mình tiến triển một cách tốt đẹp. Vị ấy không còn ao ước, không còn ham thích, không còn dính dáng gì đến những thứ ràng buộc thường tình của thể gian như tài, danh, sắc, thực, thùy hay sắc, thanh, hương, vị, xúc, do nhận thức được sự vướng lụy khổ não của chúng và quyết tâm rời xa chúng. Vị ấy chọn lối sống từ bỏ các ham muốn thế tục hay các lạc thú thế gian và chuyên tâm tìm kiếm an lạc thông qua nếp sống nuôi dưỡng giới đức, tu tập thiền định và phát triển trí tuệ. Vị ấy thực thi nếp sống rời xa các ham muốn thế gian bằng cách chấp nhận lối sống thiểu dục tri túc, tuân thủ các cấm giới, giữ thân, miệng, ý tronh sạch, phòng hộ các giác quan, tiết độ việc ăn uống, chú tâm cảnh giác và chánh niệm tỉnh giác. Vị ấy chuyên tâm hành trì thiền định, dùng thiền lạc hóa giải lòng ham muốn dục lạc, lấy niềm vui của nội tâm an tịnh thay thế các lạc thú thế gian. Vị ấy học cách phát triển trí tuệ, vận dụng sự hiểu biết sáng suốt để theo đuổi đúng đắn con đường rời xa các dục, rời xa các trói buộc và vướng lụy của thế gian, để thực hành đạo xuất thế, bước đi trên con đường thanh tịnh an lạc, rời xa mọi phiền lụy khổ đau.
 
Nói cách khác, người xuất gia có cảnh giới an toàn để theo đuổi đời sống Phạm hạnh một cách thanh thản an lạc và có kết quả tốt đẹp. Đó là cảnh giới của Phật pháp mà chư Phật tổ đã dày công kiến tạo và trao truyền lại cho hậu thế. Đó chính là giới đức, có công năng ngăn chặn mọi điều ác và khuyến khích các việc lành, giúp cho người xuất gia thể hiện một nếp sống đạo đức hiền thiện, thực nghiệm niềm hạnh phúc sâu lắng của một đời sống chân chánh thanh tịnh với một tâm tư thanh thản, không phiền muộn, không ăn năn, không hối tiếc. Đó chính là thiền định, có công năng làm lắng dịu và bào mòn các cấu uế nội tâm, khiến cho tâm trí được trong sáng và thanh thản, đạt đến định tĩnh, không tán loạn, thuần tịnh, không cấu uế, an lạc, không phiền não. Đó chính là trí tuệ, có công năng xua tan mọi tập quán mê lầm, giúp cho người xuất gia thấy rõ và thực hành đúng đắn con đường rời xa mọi phiền não khổ đau, đạt đến cứu cánh giác ngộ, cứu cánh giải thoát, cứu cánh Niết bàn. Người xuất gia càng chuyên tâm đi lại trong hành xứ của mình, đi lại trong giáo pháp giới-định-tuệ của Phật, thì giới đức, tâm đức, tuệ đức càng tỏa sáng, cùng lúc hạnh phúc Niết bàn càng đổ đầy cuộc sống của vị ấy.

Chư Tăng vừa bước vào mùa cấm túc an cư theo đúng tinh thần lời Phật dạy. Đó là một tập tục sinh hoạt mang tính truyền thống của Tăng già do Đức Phật thiết lập nhằm giúp cho người xuất gia có nhiều thời gian tập trung vào phận sự học tập và hành sâu đạo lý giác ngộ. Cấm túc an cư không gì khác là một biểu hiện cụ thể của lối sống chuyên tâm đi lại trong hành xứ của mình mà Đức Phật từng khuyến cáo cho các Tỷ-kheo. Vì trách nhiệm tinh thần đối với nhân quần mà các Tỷ-kheo thường phải dấn thân vào các công việc xã hội, phải thường xuyên đi lại trong thế giới vui buồn của thế gian, ít có thì giờ dành cho việc hành sâu lời Phật dạy. Chính vì vậy mà ba tháng cấm túc an cư là khoảng thời gian thuận lợi nhất cho người xuất gia chuyên tâm hành sâu giáo pháp giới-định-tuệ của Phật nhằm thăng tiến giới đức, tâm đức và tuệ đức của chính mình. Quần chúng Phật tử cũng ý thức rất rõ truyền thống tu học cao quý này của Tăng già nên hết sức tôn trọng và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để chư Tăng các địa phương thực hiện truyền thống cấm túc an cư của mình một cách đúng pháp và có được kết quả mỹ mãn. Vì hơn ai hết, quần chúng là những người biết rất rõ rằng đạo hạnh của chư Tăng càng tỏa sáng và mang lại nhiều niềm tin yêu lợi lạc cho nhân thế sau ba tháng chư Tăng thực hành cấm túc an cư, chuyên tâm đi lại trong giáo pháp của Phật, trong hành xứ chính đáng của mình.

---------------------------------

1. Kinh Con chim ưng, Tương Ưng Bộ.
 
2. Đại kinh Khổ uẩn, Trung Bộ.
 
3. Tiểu kinh Ví dụ dấu chân voi, Kinh Kandaraka, Kinh Ratthapala, Trung Bộ.
 
4. Kinh Ví dụ con rắn, Trung Bộ.

Tác giả bài viết: Tịnh Lập